Ở tuổi 34, Francesco Farioli (Italia) được xem là “một phát hiện thú vị” của Ligue 1 mùa giải 2023/24 này. Xét trong tất cả các HLV đang làm việc ở giải đấu cao nhất của nước Pháp, Farioli chỉ “già” hơn Will Still – HLV trưởng của Reims, 31 tuổi. Còn quá trẻ và chưa có kinh nghiệm ở những giải đấu lớn, khi chỉ từng huấn luyện ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng 2 năm, Farioli là canh bạc của ban lãnh đạo CLB Nice hồi mùa hè vừa qua.
(Ảnh: The Analyst) |
Sau 4 tháng, Le Gym hiện đang đứng thứ 2 trên BXH Ligue 1, từng đánh bại PSG 3-2 và Monaco 1-0. Trong 8 trận đã qua ở đấu trường này, Nice chưa thua trận nào và mới chỉ để thủng lưới 4 bàn. Trong cuộc phỏng vấn ngắn với tờ L’Equipe được đăng tải hôm 19/10/2023, Francesco Farioli đã chia sẻ về hành trình thú vị của anh, một hành trình nảy nở khi từng làm việc cùng Roberto De Zerbi.
Các cầu thủ ở Nice nói rằng họ đang chơi một thứ bóng đá khác với những gì từng trải nghiệm. Vậy thứ bóng đá của anh có gì đặc biệt?
Chúng tôi không phải là đội bóng duy nhất muốn kiểm soát bóng nhiều và giành lại được bóng ở tầm cao. Chúng tôi muốn có được sự kiểm soát trong cả trận đấu. Nhưng không thể lúc nào chúng tôi cũng hùng hục 100 dặm/giờ làm chuyện đó, vậy nên chúng tôi phải có sự biến đổi về nhịp độ. Mục tiêu của chúng tôi không phải là di chuyển quả bóng, mà là di chuyển đội hình đối thủ dựa trên việc di chuyển bóng.
Do đó, chúng tôi phải biết cách đọc khoảng trống mà đối phương để hở. Muốn làm được vậy, bạn phải giữ bình tĩnh và kiên trì luân chuyển bóng, phát hiện và chớp lấy thời cơ một khi cánh cửa (khoảng trống) được mở, bởi cánh cửa ấy sẽ đóng lại ngay chỉ trong chớp mắt. Bạn phải chọn đúng thời điểm để thay đổi nhịp điệu và trong những trận đấu đầu tiên, chúng tôi có vẻ hơi “bài vở” vì các cầu thủ suy nghĩ quá nhiều.
Anh có một sự nghiệp “không điển hình”, vậy thì sự nghiệp ấy đã định hình nên tư tưởng bóng đá của anh ra sao?
Tôi không phát minh điều gì trong bóng đá cả. Nhưng việc tôi từng chỉ là một cầu thủ nghiệp dư đến tận năm 21 tuổi, chưa từng vươn cao hơn giải hạng 8 của Italia, bắt đầu học huấn luyện từ rất trẻ – năm 20 tuổi, từng học triết học, tất cả đã dạy cho tôi lúc nào cũng cần đặt câu hỏi và thử thách bản thân trong những vấn đề nhất định.
Tôi bắt đầu trong vai trò của một HLV thủ môn và thế giới ấy đầy những thứ giáo điều. Lấy ví dụ, mọi người từng quan niệm rằng thủ môn thì không bao giờ được phép rời bước trước mặt khung thành. Điều đó đúng trong phần lớn trường hợp, nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Chúng tôi tìm cách đi ngược lại những mô hình đã luôn được giảng dạy trước đây. Vì thế mà tôi mới quyết định chọn ngành triết học, để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi. Nếu có tri thức nào tôi còn giữ lại từ thời còn đi học, thì đó chính là triết học.
Tìm cách nói chuyện với các cầu thủ về “The Critique of Pure Reason” (tạm dịch là “Phê phán lý tính thuần túy”, tác phẩm của triết gia Immanuel Kant – một trong những triết gia quan trọng của thế giới thời cận đại) xem ra không hợp lý tí nào, bởi những khái niệm về lý thuyết triết học không có ích ở đây. Nhưng thông qua triết học, bạn được dạy phải luôn đặt câu hỏi cho mọi vấn đề, cố gắng quan sát vạn vật từ nhiều góc độ. Tôi muốn bản thân mình phải hiểu được như vậy trước khi làm nghề. Và tôi tìm cách truyền tải óc tò mò đó đến các cầu thủ, đến những đồng nghiệp của mình.
Roberto De Zerbi, người đã giúp anh bước vào thế giới chuyên nghiệp của bóng đá ở Benevento và sau này là Sassuolo, có phải là một người thầy giỏi?
Chắc chắn rồi! Roberto là một HLV ám ảnh với những gì ông ấy làm. Và theo tôi, ám ảnh là một đặc tính có giá trị. Đôi khi, ám ảnh cũng trở thành một hạn chế. Bản thân tôi cũng thấy vậy, ví dụ như có đôi khi tôi gặp khó khăn với các cộng sự của mình, vì tôi làm việc quá nhiều. Nhưng xuất phát từ mong muốn cải thiện, biến mọi thứ trở nên tốt hơn và đi xa hơn, Roberto đã dạy tôi rất nhiều bài học. Ông ấy ăn, ngủ, hít thở và sống một cuộc đời bóng đá. Hiếm có một nhân vật nào trong thế giới bóng đá này lại tận tâm với công việc như Roberto.
Câu chuyện về việc Roberto phát hiện ra anh thông qua một bản phân tích mà anh từng thực hiện về đội bóng của ông ấy là thật à?
(Cười) Tôi có thể xác nhận chuyện đó là thật! Đó là hồi tôi còn ở Qatar. Trước đấy một năm, khi tôi còn ở CLB Lucchese (Italia, trong vai trò HLV thủ môn), đội của chúng tôi từng chạm trán với đội Foggia của Roberto. Bấy giờ Foggia chơi hay lắm! Để cho vui, tôi quyết định viết một bài phân tích để đăng trên mạng, nền tảng tên là Wyscout (giới phân tích ắt sẽ biết đến đơn vị này), về Foggia – một đội bóng ở Serie C và nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Ngay sau đó, tôi nhận được tin nhắn từ HLV thể lực của Foggia, người này chúc mừng tôi. Một năm rưỡi sau, chúng tôi bắt đầu làm việc cùng nhau. Đó là những năm tháng thật sự tươi đẹp và đầy bổ ích, khi Roberto và tôi cùng nhau dành 24 tiếng mỗi ngày để tập trung vào bóng đá, chưa kể quãng thời gian chúng tôi ở cùng nhau. Có lúc, chúng tôi vẫn làm việc qua máy tính đến tận 2 giờ sáng.
Ngoài ý tưởng, một HLV còn phải có kỹ năng quản lý. Anh đánh giá kỹ năng ấy của mình thế nào?
Đây là phạm trù mà tôi nghĩ mình đã cải thiện rất nhiều nhờ vào trải nghiệm đa dạng của bản thân. Ban đầu, tôi chỉ đơn giản suy nghĩ rằng một HLV thì chỉ cần phải trau dồi để thật sự giỏi trên sân bóng. Thậm chí, tôi xem khía cạnh này chiếm đến 90% khối lượng công việc. Dần dần, tôi nhận ra là cho dù yếu tố này đóng vai trò nền tảng, nhưng làm tốt nó thôi là chưa đủ. Bạn có thể thuyết phục các cầu thủ nghe theo ý tưởng của mình, nhưng hiệu ứng ấy chỉ tồn tại lúc đầu. Theo thời gian, bạn cũng cần phải cho thấy sự hiện diện của mình bên ngoài sân bóng, duy trì mối quan hệ mà mình đã vun đắp với các cầu thủ. Một điểm mà tôi đã thay đổi rất nhiều kể từ khi đến Nice, đó là tôi chú tâm nhiều hơn vào các cuộc đối thoại, nói chuyện trực tiếp với từng cầu thủ.
Có phải vì các cầu thủ ở Pháp cần được giải thích nhiều hơn?
Không hẳn là vậy. Chỉ là tôi cảm giác rằng để có thể đẩy nhanh tốc độ trong một số công việc nhất định, tôi cần phải làm việc trực tiếp với từng cầu thủ, hoặc thông qua một nhóm nhỏ, để làm rõ những nghi ngờ. Tôi cố gắng lắng nghe nhiều hơn. Bản thân một cầu thủ trước tiên phải cảm thấy hài lòng về bản thân họ đã, họ phải biết được vai trò của mình và cảm thấy mình là một phần của dự án. Bóng đá đang chuyển dịch sang cách tiếp cận mang tính cá nhân: cầu thủ được xem như một công ty tạo ra giá trị và lợi nhuận. Không dễ để yêu cầu một cầu thủ phải hy sinh vì lợi ích tập thể, cũng như không dễ thuyết phục họ rằng những hy sinh này là hoàn toàn cần thiết. Bạn sẽ mất không ít thời gian và năng lượng thông qua những cuộc trò chuyện, gặp gỡ, hay những cuộc thảo luận phi chính thức,…
Trường hợp của Alexia Beka Beka (cầu thủ Nice mà cách đây 3 tuần từng dọa tự tử bằng việc nhảy cầu) cho thấy rằng công việc của anh ở Nice đôi khi còn vượt xa cả câu chuyện trên sân?
Chúng tôi làm việc 24 tiếng mỗi ngày, chúng tôi không thể ngắt kết nối với những trọng trách được đặt ra cho bản thân, ngay cả khi ban huấn luyện gặp gỡ và chào hỏi hàng ngày với các cầu thủ. Chúng tôi phải quản lý 30 cầu thủ, 25 thành viên trong ban huấn luyện/hậu cần, chưa kể những nhân viên khác của CLB. Chúng tôi đương nhiên lúc nào cũng sẽ suy nghĩ về trận đấu kế tiếp, nhưng sự chú ý còn là những vấn đề mà các cầu thủ có thể phải đối mặt trong cuộc sống ngoài bóng đá của họ.
Nếu Nice đánh bại Marseille cuối tuần này, đội bóng của anh về lý thuyết sẽ trở thành ứng cử viên cho một suất tham dự Champions League mùa tới…
Tôi cho rằng như vậy không hợp lý, nó giống như một nguy cơ. Tôi còn nhớ vào thời điểm ngày 11 tháng 8, có nhiều luồng ý kiến hoài nghi về tôi, khi tôi là một HLV vô danh. Nếu bản thân tôi xem mình là một HLV sẽ giúp đội bóng cạnh tranh danh hiệu, tôi sẽ phạm một sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi là một tập thể với một vài cầu thủ gạo cội, nhưng chúng tôi có rất nhiều gương mặt trẻ, những người đang tìm cách để lại dấu ấn và tìm kiếm chỗ đứng.
Dante biết rõ bản thân anh ấy đã gặt hái được những thành tích gì và có vị thế ra sao. Nhưng lấy ví dụ Bulka, cho dù đang chơi rất hay, song cậu ấy mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự nghiệp. Todibo và Khephren Thuram cực kỳ tài năng, nhưng họ vẫn còn có thể phát triển hơn nữa. Chúng tôi không có một ngôi sao may mắn có thể tự động mang về chiến thắng. Một tập thể trẻ như vậy khi chơi ấn tượng cũng có những rủi ro tiềm tàng. Không hẳn là mọi trường hợp đều đúng, nhưng với riêng Nice, hai thứ khó nhất phải duy trì là tham vọng và khiêm tốn. Bạn phải tìm ra điểm cân bằng giữa hai yếu tố đó.
Anh rút ra được điều gì về HLV sắp tới mình sẽ đối đầu, là Gennaro Gattuso?
Tôi muốn nói rất nhiều thứ với các học trò của mình về Gattuso, về sự nghiệp cầu thủ và về tinh thần của anh ấy. Nhưng thứ tuyệt vời nhất mà Gattuso có chính là ngay cả khi đã làm nhà vô địch, anh ấy vẫn không ngừng học tập và phát triển ý tưởng. Chỉ cần nhìn vào sự nghiệp dẫn dắt của Gattuso là các bạn có thể thấy: anh ấy huấn luyện ở 5 quốc gia, chấp nhận thử thách đặt ra cho bản thân, chấp nhận làm việc ở Serie C, rồi quay về dẫn dắt đội trẻ của AC Milan. Sự nghiệp huấn luyện của Gattuso nói lên rất nhiều điều về cá tính anh ấy.
Thế ở chiều ngược lại, anh có nghĩ Gattuso cũng muốn điều gì đó từ anh hay từ đội bóng của anh?
Chắc là từ đội bóng của tôi thôi, có thể là một vài cầu thủ. Vì chúng tôi có một số những cái tên thật sự chất lượng, không chỉ ở những đóng góp của họ cho tập thể, mà còn ở khía cạnh tài năng. Tôi tin chắc Gattuso cũng muốn có những cầu thủ ấy.
Hoàng Thông Le Foot (dịch từ L’Equipe)