Filippo Inzaghi: Kẻ sống trên những lằn ranh

Tác giả Frank - Thứ Tư 03/08/2016 09:57(GMT+7)

Zalo
“Này, mắt ông có vấn đề à?”
“Tôi chắc chắn là pha bóng đó chưa việt vị”
“Tôi khuyên thật lòng là ông nên đi gặp bác sĩ để khám mắt”
“Nếu tôi là ông, tôi sẽ treo còi ngay lập tức”

Filippo Inzaghi Ke song tren nhung lan ranh hinh anh
Inzaghi Vua việt vị của bóng đá thế giới
Gã tiền đạo mảnh khảnh liên tục mè nheo trọng tài sau những tình huống bị thổi việt vị. Có đến cả chục tình huống diễn ra theo một kịch bản, gã đứng ngay trên hàng hậu vệ đối phương và chỉ chờ những đường chuyền của đồng đội để băng xuống. Một hai lần đầu, trọng tài vẫn giữ vững quan điểm. Năm lần, ông bắt đầu lung lay. Và cho tới lần thứ mười, ông quyết định không cắt còi trong tình huống nhạy cảm. Hóa ra đó là một pha bóng việt vị thật, nhưng đã quá muộn, gã tiền đạo ranh mãnh thoát xuống sút tung lưới thủ môn và ăn mừng điên cuồng, mặc cho đối thủ đang gào lên tức giận vì quyết định của trọng tài.

Filippo Inzaghi đã đi vào tiềm thức của những hâm mộ bóng đá một cách dị biệt như thế. Không màu mè khoa trương, thậm chí không có bất kỳ kỹ thuật cơ bản nào nổi bật, nhưng Pippo vẫn trở thành một trong những số 9 đáng sợ nhất của giới túc cầu giáo trong vòng hai thập niên trở lại đây. Người ta nói Inzaghi là nỗi ác mộng của những nhà lập trình game giả lập, bởi họ không biết tạo code như thế nào để có thể lột tả được lối chơi “quái gở” của anh. Làm thế nào để tạo ra một tiền đạo không có thể lực, cũng chẳng có tốc độ, khả năng dứt điểm chỉ dừng lại ở mức trung bình nhưng lại có tới 313 bàn trong sự nghiệp thi đấu và là chân sút xuất sắc thứ tư tại đấu trường châu Âu với 70 lần lập công?

Mà suy cho cùng, những bàn thắng đó cũng chẳng có gì xuất sắc nếu không nói là dễ dàng đến một cách buồn cười. Inzaghi ghi bàn bằng mọi bộ phận, từ chân phải, chân trái, đầu, hông, bụng, lườn và uốn éo đủ mọi tư thế. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, đó là anh sẽ không bao giờ ghi bàn từ quá xa. Lý do rất đơn giản, vì anh chẳng bao giờ đủ thể lực và tốc độ để bứt tốc một quãng khoảng 30m cả! Lối chơi của Filippo Inzaghi có lẽ được tóm gọn trong câu nói của huyền thoại Mario Sconcerti: “Inzaghi là một mẫu cầu thủ dị thường. Cậu ấy không biết làm thế nào để chơi bóng, không có khả năng giữ bóng, không có khả năng lừa bóng để tạo ra những khoảnh khắc kì diệu. Pippo chỉ biết làm thế nào để ghi bàn”.

Hoặc nếu muốn tóm gọn hơn nữa, hãy nghe Sir Alex Ferguson ví von về chàng cầu thủ sinh năm 1973: “Cậu ta sinh ra đã việt vị rồi!”
 
Filippo Inzaghi Ke song tren nhung lan ranh hinh anh 2
Ừ việt vị thì sao mà không việt vị thì sao?
Những tình huống làm bàn theo kiểu “thần rùa” ấy khiến cho người ta sớm có một định kiến rằng Filippo Inzaghi là một cầu thủ cực kỳ may mắn. May mắn vì anh được thi đấu cùng với những cây chuyền hàng đầu, may mắn khi sinh ra vào thời kỳ tiền đạo cắm thuần túy vẫn còn đất dụng võ, và may mắn khi các trọng tài vẫn chưa được hỗ trợ nhiều như hiện giờ. Nhưng có lẽ những ai biết rõ chặng đường của Super Pippo sẽ biết tới một câu chuyện khác, một con người luôn gặp phải vận đen trong sự nghiệp nhưng chưa từng đầu hàng trước số phận.

Khởi đầu sự nghiệp đầy trắc trở khi chỉ có được 2 lần ra sân trong màu áo Piacenza, Inzaghi sớm bị cho mượn ở những CLB tại Serie C1 (hạng 3 VĐQG Italia) như Albino Leffe hay Hellas Verona. Đáp lại, anh thi đấu bùng nổ và ghi tổng cộng 26 bàn và tự mình mở ra một chương mới trong sự nghiệp với tấm vé tới Parma. Một lần nữa chỉ được ra sân vỏn vẹn 2 lần, Inzaghi phải chuyển tới Atalanta để rồi vụt sáng với 24 bàn thắng và trở thành vua phá lưới của giải đấu. Cũng chính vì màn trình diễn quá đỗi ấn tượng đó mà giám đốc Luciano Moggi sẵn sàng bỏ ra tới gần 7 triệu euro để đem Inzaghi về với Juventus. Mọi chuyển tưởng như đã êm đẹp khi khi Pippo tỏa sáng và giúp Bà đầm già thành Turin giành Scudetto mùa giải 1997/1998, nhưng một lần nữa vận may lại ngoảnh mặt với anh. Sự thiếu ăn ý với “cục cưng” Del Piero khiến anh dần mất vị trí ở đội hình chính thức, và khi David Trezeguet cập bến Delle Alpi, Inzaghi một lần nữa lại phải khăn gói ra đi.
 
Thế đấy, Filippo Inzaghi đã trải qua đủ những thăng trầm trong quãng đầu sự nghiệp của mình như thế, nhưng anh không hề ca thán một lời. Tất cả những gì anh có thể làm là cố gắng hết sức và tận dụng những điểm mạnh nhất của mình. Hãy cứ nhìn cách Inzaghi chạy chỗ mà xem, đó là khả năng đánh hơi bàn thắng trời phú của một sát thủ vòng cấm. Hãy cứ nhìn cách Super Pippo ăn mừng mà xem, đó là cả một sự cuồng nhiệt cháy bỏng cùng với trái bóng. Để rồi sự cuồng nhiệt ấy cuối cùng cũng giúp anh tìm được ngôi nhà đích thực của mình: AC Milan.

Filippo Inzaghi Ke song tren nhung lan ranh hinh anh 3
Pippo chói sáng trong màu áo Atalanta
San Siro những năm đầu thế kỷ XXI là một đội bóng tập hợp đầy đủ những anh tài, nhưng trong số đó Inzaghi vẫn nổi lên như một trong những ngôi sao sáng nhất. Bắt cặp với Andriy Shevchenko trên hàng công và được hỗ trợ bởi những chân chuyền thượng thặng như Rui Costa, Kaka hay Seedorf ở tuyến sau, Inzaghi trở thành mối đe dọa thường trực của hàng thủ đối phương. Trong mùa giải 2002/2003 đáng nhớ, số 9 đã có một màn trả thù không thể ngọt ngào hơn khi cùng Milan đánh bại Juventus ở trận chung kết Champions League. Shevchenko trở thành người hùng ở đêm Old Trafford đáng nhớ, nhưng chính Inzaghi mới là chân sút số một của Rossoneri ở đấu trường châu Âu với 10 bàn thắng.

Mùa giải năm đó, Milan còn giành được Coppa Italia, và ở mùa sau, họ truất ngôi của Juve để đoạt Scudetto. Những danh hiệu liên tiếp đã bù đắp lại phần nào khoảng thời gian trắc trở trước đó của Inzaghi. Nhưng rồi vận rủi một lần nữa lại tìm tới anh như một định mệnh không thể tránh khỏi. Chấn thương đầu gối tái phát liên tiếp khiến Pippo gần như vắng mặt trong mùa giải 2004/2005, đồng thời bỏ lỡ luôn trận chung kết Champions League với Liverpool. Trong cái đêm Istanbul đáng quên ấy, Hernan Crespo đã làm quá tốt phần việc của mình khi ghi một cú đúp vào lưới Jerzy Dudek, nhưng khi Liverpool vùng dậy mạnh mẽ trong 6 phút điên rồ, các Milanista hẳn đã ước có Inzaghi ở đây để đưa họ khỏi cơn ác mộng. Anh ngồi đó, trên băng ghế dự bị và chẳng thể làm gì khác ngoài việc chứng kiến đối thủ làm nên một cuộc lật đổ không tưởng. 
 
Thế nhưng cũng như bao lần bị vận may ngoảnh mặt, Inzaghi đứng dậy và trở lại đầy mạnh mẽ. Athens một đêm mưa tầm tã hè 2007, Milan đã không còn hình bóng của Sheva, còn Crespo tiếp tục cuộc phiêu lưu với Inter Milan. Khi đó, chính Pippo Inzaghi đã ghi cả 2 bàn thắng để giúp đội bóng sọc đỏ đen trả lại món nợ với Liverpool. Một bàn thắng đập người từ cú sút phạt của Pirlo, và một pha phá bẫy việt vị dứt điểm hoàn hảo. Ở cái tuổi 34, Inzaghi vẫn thế, vẫn ghi bàn một cách đầy “may mắn”, vẫn luôn là cầu thủ của những trận đấu quyết định, và vẫn còn nguyên bầu nhiệt huyết trong lồng ngực. Khoảnh khắc khi anh quỳ xuống ăn mừng trước rừng Milanista đang phát cuồng vì sung sướng, người ta chợt nhận ra sự vĩ đại trong con người ấy. Cùng với Kaka, Inzaghi chính là người đã cứu vớt những ánh hào quang cuối cùng của Milan, trước khi San Siro bị màn đêm bao phủ…

Filippo Inzaghi Ke song tren nhung lan ranh hinh anh 4
Hình ảnh không thể nào quên của những Milanista
Đã 4 năm kể từ ngày Milan chấm dứt kỷ nguyên của một thế hệ vàng khi từ chối gia hạn hợp đồng với các cựu binh. Clarence Seedorf, Alessandro Nesta và Gennaro Gattuso đều tỏ rõ sự thất vọng, nhưng người bực tức nhất lại là người lớn tuổi nhất trong cả đám: Inzaghi. Anh “mới” chỉ có 38 tuổi, vẫn còn khát khao chiến thắng lắm. Paolo Maldini đã từng cống hiến cho Milan tới tận năm 41 tuổi, Costarcurta cũng từng chơi bóng tại Champions League khi đã ngoài 40. Tại sao anh không thể đi theo con đường của những huyền thoại ấy? Trong trận đấu cuối cùng khoác áo Milan, Inzaghi vẫn nổ súng và giúp đội bóng giành chiến thắng. Thậm chí số 9 còn nấn ná không tuyên bố giải nghệ để vớt vát lại những tia hy vọng cuối cùng, nhưng rốt cuộc chủ tịch Berlusconi cũng chẳng hề đổi ý. Bàn thắng vào lưới Novara trong ngày hạ màn mùa giải 2011/2012 là lần cuối cùng mà người ta thấy Inzaghi ăn mừng như một đứa trẻ, và nó giống như một lời chia tay không trọn vẹn của anh với người hâm mộ.

Trong cái thời mà Milan đã nhạt màu bản sắc, khán giả lại càng nhớ đến chất dị của Filippo Inzaghi nhiều hơn. Người ta đã từng cười ra nước mắt khi Pirlo hé lộ trong cuốn tự truyện của mình về thói mê tín của Inzaghi, một kẻ luôn đi đại tiện trước trận đấu để lấy may và giữ khư khư một đôi giày cũ rích. Gattuso từng khiến nhiều người ngạc nhiên khi kể lại rằng Pippo là người cực kỳ cầu toàn và sẵn sàng nổi cáu với đồng đội chỉ vì một đường chuyền sai địa chỉ trên sân tập. Nesta nói rằng anh chỉ sợ mỗi Ronaldo béo và Inzaghi trong suốt sự nghiệp của mình. Còn Mourinho thẳng thừng tuyên bố: “AC Milan có thể chơi với 10 tiền đạo nếu họ muốn, nhưng tôi hy vọng là không có Inzaghi. Cậu ấy là cầu thủ nguy hiểm nhất của Milan và tôi hy vọng cậu ấy sẽ không thi đấu.”
 
Filippo Inzaghi Ke song tren nhung lan ranh hinh anh 5
Bao giờ thì Milan mới lại sở hữu một số 9 đích thực như Inzaghi?
Milan nhớ những tính cách như thế, và giới túc cầu giáo hẳn cũng rất nhớ một "Vua việt vị" có một không hai trong lịch sử. Pippo không chỉ đem lại niềm vui trên sân cỏ, trên hết đó còn là cả một triết lý sống như anh đã từng nói: “Nếu như bạn không có tài năng thiên bẩm như Ronaldo hay Kaka, bạn vẫn có thể trở thành một cầu thủ vĩ đại nhờ vào sự thoải mái, tính kiên trì và tình yêu với trái bóng.”

Khán giả sẽ nhớ tinh thần đó, cũng giống như họ sẽ nhớ về một con người sống giữa những lằn ranh. Lằn ranh của những cái may và không may, lằn ranh giữa hai màu đỏ-đen trên ngực áo, và cả lằn ranh bất tận về những tranh cãi xung quanh khái niệm việt vị.

Còn với những Milanista, họ sẽ chờ tới một ngày cái bóng số 9 lù khù quen thuộc xuất hiện trên sân, chạy theo trọng tài và lải nhải: “Này, mắt ông có vấn đề à?”…

► Xem thêm thông tin lịch thi đấu Ngoại hạng Anh và kết quả bóng đá Anh.

FRANK (TTVN)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

X
top-arrow