Fikayo Tomori: "Mối duyên Milan như thể một giấc mơ"

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 08/01/2023 10:38(GMT+7)

Những dòng chia sẻ của trung vệ Fikayo Tomori trên The Players Tribune về cuộc hành trình sự nghiệp mà anh đã trải qua cho đến nay – từ kẻ ngoài rìa ở Chelsea đến trung vệ số một của AC Milan.

 

Có một khoảnh khắc nọ diễn ra trên sân nhà của Sassuolo vào ngày chúng tôi giành được Scudetto.

Tuy đó là một chuyến làm khách, nhưng sân vận động vào hôm ấy chẳng khác nào thuộc về Milan tới 90% cả. Tôi nghe nói các fan của chúng tôi đã làm sập trang web của Sassuolo khi cố mua vé. Sau 11 năm chẳng được chạm tay vào chức vô địch quốc gia lần nào, một số người đã sẵn sàng trả hàng nghìn Euro để được tận mắt chứng kiến chúng tôi chấm dứt cơn khát đó. Màu đỏ đen đã bao trùm toàn bộ trận đấu trên sân khách ấy. Tôi chưa từng được thấy một cảnh tượng nào tương tự như thế cả.     

 

Sau tiếng còi mãn cuộc, tất cả các CĐV đã ùa vào sân để ăn mừng cùng chúng tôi. Tôi sẽ luôn nhớ về một anh chàng đã nắm lấy vai tôi và gào lên bằng tiếng Anh: “Fik! FIK! Cảm ơn anh nhiều lắm!!! Anh không biết chuyện này có ý nghĩa lớn đến thế nào đối với chúng tôi đâu!” 

Toàn bộ khung cảnh ấy và những màn ăn mừng diễn ra sau đó, cuộc diễu hành cùng chiếc cúp vô địch tại quảng trường Piazza del Duomo… những khoảnh khắc ấy đã khiến tôi phải tự hỏi “làm thế nào mà mình được như vầy nhỉ?”

Thành thật mà nói, tôi đã rất nhiều lần nảy ra suy nghĩ như vậy trong 2 năm qua: Chuyện này là thật hay mơ đây?

***

Trước khi gia nhập Milan, tôi hoàn toàn bế tắc. Sự nghiệp của tôi ở Chelsea đã khởi đầu rất tốt, nhưng rồi đột nhiên nó trở nên vô định. Vào mùa hè năm 2020, tôi chưa từng bước vào một giai đoạn chuẩn bị tiền mùa giải mà hoàn toàn chẳng biết mình sẽ chơi cho CLB nào trong ngày khai màn. Tình cảnh ấy khó chịu lắm. 

Đừng hiểu nhầm ý tôi nhé, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp với Chelsea. Những điều tôi đã đạt được với các đội trẻ? Hai lần vô địch FA Youth Cup và UEFA Youth League liên tiếp? Đó là những khoảng thời gian thật đẹp đẽ. Chúng tôi đã ở bên nhau rất nhiều năm. Tôi, Tammy, Mason, Dom Solanke, Andreas Christensen, Trevoh Chalobah, và nhiều cái tên khác nữa… chúng tôi là những người bạn tốt, những chàng trai đầy lạc quan và yêu đời. 

 

Sau đó, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều với những chuyến “du học” tại Brighton, Hull và Derby. Chẳng còn ai chăm nom và bao bọc tôi nữa. Đây là Championship, không phải giải trẻ. Thế giới thực thật khắc nghiệt – cuộc chiến thăng hạng, trụ hạng, ai ai cũng phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề. Chưa kể đến khía cạnh thể chất. Có một lần nọ tại Derby, tôi nhớ mình đã bị “xử đẹp” bởi gã tiền đạo Famara Diédhiou to cao như hộ pháp của Bristol City, sau đó tôi dính chấn thương nặng đến mức không thể tiếp tục thi đấu. Bác sĩ của CLB đã nói với tôi rằng đó là chấn thương kinh khủng nhất mà ông ấy từng thấy. 

Championship là thế đấy. 

Đến khi bứt phá lên được đội một của Chelsea, tôi cứ ngỡ là mình đang mơ. Nhiều người bạn của tôi cũng đã làm được điều đó. Rất nhiều lần, Tammy, Mason và tôi bảo nhau: “Các anh em, đây không phải là mơ. Bọn mình thực sự đang được chơi cho Chelsea.” Hồi đó, tôi luôn ghi lại chương trình Match of the Day chỉ để có thể thấy mình được lên TV.

Trận đấu tuyệt vời nhất là khi chúng tôi đánh bại Wolves với tỷ số 5-2 trên sân khách vào mùa giải đó. Tôi đã ghi được một bàn thắng chất lừ. Một cú sút một chạm từ khoảng cách xa tít khung thành làm tung lưới đối thủ. Willy Caballero lúc nào cũng trêu chọc khả năng sút bóng của tôi trên sân tập, giờ thì ổng biết thằng em này lợi hại đến thế nào rồi, haha!

Vào giờ nghỉ giữa hai hiệp, Tammy đã nói với tôi: “Tớ đuối quá rồi. Tớ đã chạy không ngừng nghỉ.”

Tôi đáp lại cậu ấy rằng: “Người anh em, ý cậu là sao?? Giờ đâu phải lúc để cậu ‘đuối’! Cậu đã ghi 2 bàn rồi. Cậu sắp lập được một cú hattrick ở Premier League đấy. Cố lên nào!!!”

Sang hiệp hai, cậu ấy đã có được lần thứ ba đưa bóng vào lưới đối thủ, và sau đó Mason ghi thêm một bàn nữa. Tất cả các anh em đội trẻ đều đã cùng nhau ghi bàn để mang về chiến thắng cho Chelsea. Trong phòng thay đồ sau trận đấu, Tammy và tôi ngồi cạnh nhau, và có một khoảnh khắc bắt gặp ánh mắt của nhau. Chẳng cần nói thành lời chúng tôi cũng thừa biết hai đứa đang định nói gì với nhau: Cậu có tin được chuyện này đang thực sự diễn ra không ??

Tôi không thể ngừng cười. 

Nhưng rồi sau COVID, mọi thứ đã thay đổi.

Đột nhiên, tôi không còn được thường xuyên thi đấu nữa. Sự nghiệp của tôi đang thuận buồm xuôi gió thì bất ngờ trở nên bế tắc. 

Tôi là kiểu người không muốn để mình quá tự cao hay quá suy sụp trong nghịch cảnh, nhưng tôi sẽ không nói dối, nụ cười của tôi đã biến mất. 

Sau đó, tôi nhận được một cuộc gọi đã thay đổi mọi thứ. 

***

Khi tôi kể với bố, câu hỏi đầu tiên của ông là: “Tại sao Paolo Maldini lại nói chuyện với mày hả con?”

Hahaha! Hoan hô bố. 

 

Tôi đã giải thích với bố rằng Maldini là giám đốc thể thao của AC Milan và ông ấy đã gọi điện để bàn với tôi về việc chuyển đến đó thi đấu theo dạng cho mượn. Thành thực mà nói, trong toàn bộ cuộc trò chuyện qua Zoom, tôi đã không thể tin nổi đây là thực chứ không phải mơ. Tôi ngồi đó ngắm nhìn ông ấy, lắng nghe những gì ông ấy nói nhưng không thực sự tiếp thu. Trong đầu tôi khi ấy chỉ có duy nhất một dòng suy nghĩ:

Đó thực sự là Paolo Maldini.

Mình đang được nói chuyện với Paolo Maldini. 

Cho dù vụ này mà thất bại, mình vẫn có thể đi khoe với mọi người rằng mình đã được nói chuyện với Paolo Maldini. 

Bố tôi cực kỳ yêu Milan luôn. Bố là người Nigeria và ông đã lớn lên cùng những trận đấu của thế giới bóng đá đỉnh cao của châu Âu. Vào thời của ông ấy, Milan là một đội bóng mùa giải nào cũng mang tới cảm giác họ có thể dễ dàng vô địch Champions League. Khi ông ấy nhận ra cuộc gọi từ Paolo Maldini là có thật, ông ấy đã vô cùng phấn khích và nhất quyết bắt tôi ngồi nghe một bài giảng về lịch sử Milan. 

Milan là một CLB mang tính biểu tượng của lịch sử bóng đá. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là, tôi không biết liệu mình đã sẵn sàng cho việc gia nhập bọn họ hay chưa. 

Khi tôi lớn lên ở London, hình như những cầu thủ Anh duy nhất ra nước ngoài chơi bóng là David Beckham và Owen Hargreaves. Đây vốn chẳng phải là một hướng đi có sẵn trong tâm trí của tôi. Và đây không phải là một CLB xoàng xĩnh nào đó, đây là AC Milan. 

Nhưng sau đó tôi đã nói chuyện với một số anh em tại Chelsea từng chơi bóng ở Italy – Toni Rüdiger, Mateo Kovacic và Emerson. Toni từng đá cho AS Roma, và anh ấy luôn nói đi nói lại về chuyện cách cổ động ở đó tuyệt vời đến thế nào. Anh ấy đã nói với tôi rằng: “Vậy là chú em sắp đến Milan à? Nghe này, nếu chú có cơ hội, đồng ý ngay và luôn đi.

“Đám fan phủng ở Italy khác biệt lắm. Điên rồ cực luôn. Anh từng chơi bóng ở đó, chú biết mà. Chỉ cần chú cống hiến hết mình, họ sẽ yêu chú cực kỳ luôn.”

 

Kế đến là Thiago Silva. Anh ấy thậm chí còn không nói được tiếng Anh, nhưng khi nghe thấy những gì chúng tôi đang trò chuyện, anh ấy đã bảo, “Milan ư?” và giơ ngay ngón tay cái lên! 

Vậy là tôi hạ quyết tâm: O.K., lên máy bay nào!

Khi tôi bay đến Milan để ký hợp đồng vào tháng 1 năm 2021, họ đã đưa tôi đi tham quan bảo tàng của CLB. Tại đó trưng bày nhiều danh hiệu đến mức khiến tôi choáng ngợp. Champions Leagues và Ballon d’Or ở khắp mọi nơi. Tôi nhìn quanh những bức ảnh treo trên các bức tường và nổi da gà. Có Shevchenko, có Kaká, Nesta, Ibra, Pirlo, Ronaldinho… và đó mới chỉ là những huyền thoại mà tôi đã được xem họ chơi bóng khi còn bé thôi đấy. 

Tuy nhiên, khoảnh khắc thực sự khiến tôi phê đến đông cứng người là khi nhận chiếc túi có chứa bộ tracksuit của tôi. Khi lấy nó ra, tôi đã nhìn chằm chằm vào chiếc huy hiệu Milan. Có lẽ bố đã nhận ra tôi vẫn đang tự hỏi đây là thực hay mơ nên ông ấy đã nói: “Mày trở thành cầu thủ của AC Milan rồi đấy, con trai.”

Hai năm đã trôi qua, cứ mỗi lần nhìn thấy bộ tracksuit của mình, tôi vẫn có một cảm giác đặc biệt. Tôi vẫn phải tự nhủ: “Mình đang thực sự được chơi cho AC Milan.”

***

Rất nhiều cầu thủ Anh đã hỏi tôi về trải nghiệm chơi bóng ở Italy. Điều sẽ thực sự khiến bạn choáng ngợp là văn hoá. 

Văn hoá fan phủng ở đây là độc nhất vô nhị. Toni, Kova và những người khác từng miêu tả với tôi về điều này trước khi tôi đến Milan, nhưng thực tế còn hơn cả những gì họ nói. Khó mà diễn tả lắm. 

Nó rất khác so với ở Anh, nơi mà nếu bạn lang thang trên phố, cùng lắm thì người ta sẽ xin bạn vài tấm ảnh tự sướng. Ở Italy, dù cho tôi có ra đường với đẩy đủ combo mũ lưỡi trai và khẩu trang thì vẫn sẽ bị nhận ra. Chỉ cần nhìn thấy đôi mắt của tôi thôi là quá đủ để họ biết tôi là ai, và sau đó một vụ náo động lớn sẽ nổ ra, mọi thứ hoàn toàn mất kiểm soát.

 

Điên rồ lắm. Nhưng là theo hướng tích cực nhé. Sau một thời gian dài khốn khổ với cơn khát danh hiệu và nhìn các đối thủ thống trị bóng đá Italy, bạn sẽ đinh ninh rằng các fan của đội sẽ có một số hành động tiêu cực, nhưng tôi phải nói rằng mình chưa từng có bất kỳ trải nghiệm nào tương tự như tại Milan – chỉ có sự yêu mến mà thôi. Rất nhiều người đã không để cho tôi tự trả tiền cà phê, hoặc cho tôi xem hình xăm Milan trên cơ thể… trời đất, tôi đã thấy rất nhiều người xăm hình Giroud ăn mừng trong trận derby!

Cách họ đối xử với chúng tôi, cách họ nhìn chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những cầu thủ bóng đá, phải chứ? Nhưng đối với họ, chúng tôi chẳng khác nào những vị vua cả. Và bởi vì rất trân trọng thứ tình cảm nồng nhiệt đó, tôi đã thực sự muốn cống hiến hết mình. Tại một CLB như thế này, làm việc gì cũng không được nửa vời.

Tình yêu ấy là một trong những động lực đã thúc đẩy chúng tôi đến với Scudetto. Nếu không có các fan, chúng tôi sẽ chẳng thể nào đạt được chiến tích đó.  

***

Có rất nhiều khoảnh khắc đặc biệt đã xuất hiện trên cuộc hành trình đoạt Scudetto, nhất là vào cuối mùa giải.

Trong các trận đấu, ngày càng có nhiều bằng hữu của tôi bay đến để tham gia vào bầu không khí đầy phấn khích của cuộc đua vô địch. Thông thường, tôi sắp xếp cho họ chỗ ngồi ở khu vực dành cho gia đình các cầu thủ tại San Siro, nhưng có một lần tôi để họ ngồi cùng các cổ động viên bình thường, và sau đó họ đã bảo với tôi rằng: “Này Fik, bọn tớ muốn trận nào cũng được ở đó. Bọn tớ muốn trở thành một phần của nguồn năng lượng đó. Nó điên rồ cực luôn!”

Tôi vẫn nhớ như in trận derby diễn ra vào tháng 2 năm ngoái. Tôi chỉ mới phẫu thuật đầu gối, nhưng khi Oli ghi bàn thắng thứ hai để hoàn tất cuộc lội ngược dòng, tôi đã nhảy cẩng lên như thể vừa được chữa lành bằng phép màu! Đó là một trận đấu trên sân khách, nhưng các ultras của chúng tôi vẫn có mặt ở khu curva sud và khi tất cả mọi người chạy đến để ăn mừng với họ, bạn có thể thấy họ nhảy nhót và la hét với chúng tôi từ trên cao. 

Điều tương tự cũng đã diễn ra vào tháng 4, khi chúng tôi hành quân đến sân khách và đánh bại Lazio 2-1, với bàn thắng của Tonali ở phút 92. 

 

Dù cho đang tập trung vào nhiệm vụ trên sân đấu, bạn cũng sẽ rùng mình khi các CĐV phát điên lên như vậy. Tại San Siro, điều mà bạn sẽ chẳng thể nào cảm nhận trọn vẹn được qua TV chính là những tiếng ồn. Nó có thể khiến bạn choáng ngợp, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho bạn. 

Các CĐV mới chỉ là một nửa của “phương trình” thôi, nửa còn lại là các đồng đội của tôi. Tôi muốn hét lên mình yêu họ nhiều đến thế nào. Đó là một tập thể rất đặc biệt. Thứ tinh thần mà bạn nhìn thấy là hoàn toàn chân thật đấy. Bên ngoài sân đấu, chúng tôi thực sự là những người bạn thân. Chúng tôi thường xuyên đi ăn cùng nhau, không phải theo các nhóm nhỏ đâu, mà là cả đội luôn ấy. Chúng tôi là một đội cực kỳ đoàn kết cả trong sân lẫn ngoài sân. 

Một điều quan trọng nữa là – và chuyện này hoàn toàn là nhờ vào Gazidis, Maldini, Massara và Pioli – đây là một đội bóng mà rất nhiều cầu thủ trẻ đã được trao cơ hội thể hiện bản thân, và đã tận dụng triệt để điều đó để vươn lên một tầm cao mới. 

Tiêu biểu là Pierre Kalulu và Rafa Leão. Trời đất ơi, Rafa là một cầu thủ tuyệt hết sảy! Cậu ấy có thể đánh bại các đối thủ một cách dễ dàng trong các tình huống 1 chọi 1. Cậu ấy cao, rê dắt bóng rất giỏi, có thể dứt điểm, có thể kiến tạo. Việc gì cậu ấy cũng làm được… một cầu thủ phi thường!

Bên cạnh đó là những ông anh dày dạn kinh nghiệm như Zlatan. Anh ấy chính là người mạnh mẽ nhất, tận tuỵ nhất, tài giỏi nhất trong đội – dù đã 41 tuổi. Anh ấy giống như một cỗ máy vậy. Và anh ấy luôn nói chuyện bằng chất giọng đầy bá đạo đậm chất Zlatan, cả khi phát biểu lẫn khi đưa ra những lời khuyên. 

Trong những trận đấu cuối cùng của mùa giải trước, anh ấy đã giúp chúng tôi duy trì sự điềm tĩnh và tập trung. Khi chúng tôi bước vào giờ nghỉ giải lao với lợi thế dẫn trước Sassuolo đến 3-0, tôi nghĩ Zlatan đã nhận thấy một số đứa – trong đó có cả tôi – đang để cho đầu óc bay bổng quá trớn, vậy nên anh ấy đã hét lên: “Tụi bây ngưng cười ngay cho anh!!! Vẫn còn tới 45 phút ở phía trước đấy!!!” 

Thế là chúng tôi ngừng cười. 

45 phút sau đó, chúng tôi trở thành những nhà vô địch. 

***

24 giờ sau trận thắng Sassuolo điên rồ đến mức không tả nổi, đặc biệt là cuộc diễu hành với chức vô địch. 

Quãng đường dài khoảng 7-8 cây số và chúng tôi đã phải mất 5 tiếng rưỡi để di chuyển qua đám đông không ngừng đập vào thành xe. Nhìn ra ngoài, bạn thậm chí không thể thấy mặt đất, chỉ có biển người, những lá cờ, pháo sáng và sương mù đỏ. Tôi nghe nói đã có đến 50.000 người tập trung tại Piazza del Duomo – tất cả đều hát “Pioli’s on fire”!

Tôi đã nghĩ rằng nếu chúng tôi mà vô địch Champions League thì tiết mục ăn mừng còn điên rồ đến thế nào nhỉ?

Đêm sau trận thắng Sassuolo, tôi đã trở về nơi ở của mình để gặp bố mẹ. Họ đã bay đến Italy, nhưng không tới xem trận đấu – bố chẳng bao giờ xem các trận đấu của tôi cả. Bởi vì lo sợ sự căng thẳng của chúng. Thay vào đó, ông ấy đến nhà thờ. Nhưng vào ngày hôm đó, ông ấy đã đánh liều với huyết áp của mình và xem trận đấu qua TV tại nơi ở của tôi. Nhiêu đó là đủ để bạn biết sự kiện này trọng đại đến thế nào rồi.

 

Đêm hôm ấy – 18 tháng kể từ ngày chúng tôi tham quan bảo tàng AC Milan và không biết đây là thực hay mơ – bố và tôi đã ăn mừng cùng nhau. 

Tôi thực sự đang được chơi cho Milan và đã cùng đội bóng này giành Scudetto.

Đây là thực chứ không phải mơ, và thậm chí còn tuyệt vời hơn cả những giấc mơ của tôi.

Tôi rất muốn gặp lại người CĐV đã khoác tay lên vai tôi sau trận thắng Sassuolo. Tôi sẽ túm lấy anh ta và hét lên bằng tiếng Italy:

Tôi hiểu rồi! Giờ thì tôi hiểu ý nghĩa của nó rồi! Hy vọng anh cũng biết Milan có ý nghĩa như thế nào đối với tôi!

 

Nguồn bài viết: What Milan Means to Me by Fikayo Tomori | The Players' Tribune

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?