Fikayo Tomori: Giải pháp bất ngờ của AC Milan

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 17/08/2021 18:07(GMT+7)

Chỉ cần nửa mùa giải ở Milan, và chẳng cần tốn quá nhiều thời gian để thích nghi với môi trường thi đấu mới, suất đá chính từng là “bất khả xâm phạm” của Romagnoli đã thuộc về Tomori, chừng đó là quá đủ minh chứng cho việc trung vệ người Anh đã gây ấn tượng mạnh đến mức nào ở Rossoneri.

Ảnh: Getty Images

Ngày 22/1/2021, Fikayo Tomori gia nhập AC Milan theo dạng cho mượn từ Chelsea. Ngày 28/1/2021, suất đá chính của đội trưởng Alessandro Romagnoli đã bị tân binh người Anh chiếm trong trận đấu với AS Roma. Sự nổi lên như vũ bão của trung vệ trẻ này chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến các cổ động viên, cũng như chính ban lãnh đạo của Rossoneri phải kinh ngạc. 
 
Kể từ khi Romagnoli gia nhập đội chủ sân San Siro vào mùa hè năm 2015, nhiều hậu vệ khác đã ký hợp đồng với Milan và đều nhanh chóng rời đi. Tuy nhiên, đối với trung vệ đã được kỳ vọng sẽ trở thành một người kế nhiệm hoàn hảo của huyền thoại Alessandro Nesta, không một nhà cầm quân nào dám loại anh ra khỏi đội hình xuất trận của Rossoneri. Cho đến khi Fikayo Tomori xuất hiện. 
 
Cựu học viên tốt nghiệp từ học viện của Chelsea vốn chẳng phải là sự lựa chọn số một của giám đốc kỹ thuật Paolo Maldini và các cộng sự. Anh cũng chẳng phải là sự lựa chọn số hai, hay thậm chí là phương án số ba trong danh sách những cái tên mà ban lãnh đạo Milan nhắm đến để tăng cường chiều sâu và chất lượng cho vị trí trung vệ ở mùa giải 2020/2021. 
 
Sau khi thất bại trong các mục tiêu đã theo đuổi nhiều tháng như Mohamed Simaken và Ozan Kabak bởi cách đàm phán hết sức “keo kiệt” của Rossoneri, Tomori đã trở thành cái tên được đưa về một cách bất đắc dĩ bằng một chiến thuật đã trở thành đặc trưng của Maldini và các cộng sự trên thị trường chuyển nhượng – hợp đồng mượn kèm theo điều khoản tùy chọn mua đứt. 
 
Rốt cuộc, Milan đã được hưởng lợi rất lớn từ một trong những sai lầm tai hại nhất của Frank Lampard trên cương vị HLV trưởng của Chelsea. Ban đầu, mục đích Tomori được mang về Rossoneri chỉ là để tăng cường chiều sâu nhân sự, nhưng thật bất ngờ, trung vệ người Anh đã vượt xa những kỳ vọng và hoàn toàn “đá văng” đội trưởng Romagnoli ra khỏi đội hình xuất trận ưa thích của HLV trưởng Stefano Pioli với những màn trình diễn tuyệt vời của mình.  
 

MỘT “CAO THỦ PRESSING”

 
Hệ thống chiến thuật của HLV trưởng Stefano Pioli đòi hỏi các cầu thủ của ông phải thường xuyên pressing tầm cao và cường độ cao với đối phương trên khắp sân đấu. Phong cách phòng ngự của Tomori phù hợp một cách hoàn hảo với yêu cầu này. 
 
“Bản năng tự nhiên” của Tomori chính là sự chủ động trong phòng ngự, luôn sẵn sàng ngăn chặn các pha tấn công ngay từ giai đoạn đầu trước khi đối thủ đưa được bóng vào những khu vực nguy hiểm. Thường thì anh sẽ rời khỏi vị trí của mình và lao lên tranh chấp với cầu thủ đối phương đang cầm bóng, nếu trung vệ người Anh có thể cướp được bóng, đó sẽ là “một mũi tên trúng hai con nhạn”. Thứ nhất, một đợt tấn công đã bị triệt tiêu trước khi nó có thể phát triển lên một mức độ nguy hiểm hơn, và thứ hai, cơ hội phát động một đợt phản công sẽ xuất hiện.
 
Tomori là một “cao thủ pressing” thực thụ, anh sở hữu tỷ lệ pressing thành công trung bình mỗi 90 phút cao nhất so với các đồng đội của mình ở trung tâm hàng thủ Rossoneri. Con số được ghi nhận ở Tomori là 39,4%, còn của Simon Kjaer và Romagnoli lần lượt là 29,6% và 30,6% – một sự chênh lệch rất rõ ràng. 
 
 

 
 
Yêu cầu tiên quyết đối với các trung vệ có khuynh hướng thích dâng cao pressing là phải sở hữu tốc độ thật nhanh để chạy lùi về kịp thời khi cần thiết. Trong khía cạnh này, Tomori cũng có thể đáp ứng một cách hoàn hảo – anh chính là một trong những cầu thủ nhanh nhất đội ở cả Chelsea và Milan. Khi còn chơi cho đội chủ sân Stamford Bridge, Tomori từng tự tin tuyên bố rằng mình mới là cầu thủ nhanh nhất CLB này khi bình luận về chỉ số tốc độ mà trò FIFA 20 cài đặt cho bản thân và được Mason Mount hết lòng tán thành. Trung vệ người Anh cũng đã góp mặt trong nhiều bài báo với tư cách là 1 trong 10 cầu thủ Premier League nhanh nhất vào năm 2020. 
 
Nhà cầm quân lừng danh Fabio Capello cũng từng có những chia sẻ mang ý ca ngợi tốc độ tuyệt vời của Tomori trong một cuộc phỏng vấn với PianetaMilan: “Paolo Maldini và Frederic Massara đã thực hiện một thương vụ tuyệt vời, bởi tốc độ của Tomori là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một hậu vệ, bên cạnh khả năng nhận thức rõ nên thủ như thế nào trong các tình huống khác nhau. Tốc độ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phòng ngự.”

 
 
 
Điểm mạnh tốc độ của Tomori sẽ càng trở nên ấn tượng hơn nữa, cũng như quý giá hơn nữa, khi bạn so sánh với hiện thực hoàn toàn trái ngược mà các đồng đội của anh ở vị trí trung vệ tại Milan đang thể hiện. Ở tuổi 32, Kjaer đương nhiên đã chẳng còn sung sức như thời trai trẻ và tốc độ sẽ là một điểm yếu của anh, trong khi đó, Romagnoli đã bị đối phương dùng tốc độ đánh bại thường xuyên đến mức các Milanista đã quá quen thuộc và ngán ngẩm với hình ảnh này.
 

VỪA HIỆN ĐẠI, VỪA TRUYỀN THỐNG

 
Ngoài việc là một “cao thủ pressing” hết sức máu lửa và táo bạo, Tomori còn thực sự xuất sắc ở nhiều khía cạnh cơ bản của việc phòng ngự. 
 
Trung vệ người Anh chính là người thực hiện nhiều pha tắc bóng mỗi 90 phút nhất (2,02) và có nhiều pha tắc bóng thành công mỗi 90 phút nhất (0,92), so với Kjaer (lần lượt là 1,92 và 0,79) và Romagnoli (0,85 và 0,42). Tỷ lệ vô hiệu hóa thành công các tình huống đi bóng mà đối phương thực hiện của anh (57,1%) cũng cao nhất trong 3 người – Kjaer là 52,2% và Romagnoli là 41,2%.   
 
Tomori cũng được ghi nhận số lần cắt đường chuyền mỗi 90 phút nhiều nhất với con số 1,92, trong khi của Kjaer là 1,43 và Romagnoli là 0,66. Ngoài ra, số lần chặn bóng (2,32) và phá bóng (5,59) mỗi 90 phút của anh cũng vượt trội hơn so với hai người đồng đội (Kjaer lần lượt là 2,11 và 5,45 còn Romagnoli là 1,94 và 4,81)
 
Có kết luận rằng, ở tuổi 23, Tomori không chỉ sở hữu sự sung sức của tuổi trẻ, anh còn thể hiện khả năng đọc trận đấu, hiểu tình huống và phán đoán rất tốt, cũng như sở hữu một tiềm năng thực sự tuyệt vời. 
 
“28 triệu Euro cho Tomori là một món hời quá lớn. Xét về khả năng phán đoán, tốc độ và sự nhanh nhẹn, cậu ấy cừ hơn hẳn Matthijs de Ligt, người đã khiến Juventus phải chi ra đến 85 triệu Euro để mang về,” nhà báo bóng đá nổi tiếng người Ý Paolo Ziliani khẳng định. 
 
Dưới đây là một tình huống truy cản tuyệt vời của Tomori trong một trận đấu với Manchester United được đăng tải trên kênh YouTube chính thức của AC Milan: 




Hay một tình huống khác:

 
 
Các hậu vệ trong bóng đá hiện đại có khuynh hướng được yêu cầu phải đáp ứng được ba tiêu chí thật nhanh, thật cơ động và có khả năng xử lý, chuyền bóng tốt. Đối với Tomori, anh đã đáp ứng đầy đủ cả 3 yêu cầu trên khi khoác áo Rossoneri. Đương nhiên là anh rất nhanh, rất cơ động, và theo WhoScored, một trong những điểm mạnh được ghi nhận ở trung vệ người Anh cũng bao gồm chuyền bóng.
 
Tỷ lệ chuyền bóng thành công trung bình mỗi 90 phút của trung vệ người Anh là cao nhất (90,6%) so với 2 người đồng đội Romagnoli (90,5%) và Kjaer (88,3%) ở Milan. Anh cũng sở hữu một thống kê chuyền dài rất ấn tượng, thực hiện trung bình 10,13 đường chuyền dài mỗi 90 phút và có tỷ lệ thành công lên đến 74,5%. Đồng thời, tuy thông số đường chuyền bóng hướng về phía trước mỗi 90 phút được ghi nhận ở Tomori là thấp nhất so với 2 người đồng đội người Đan Mạch và Italy, nhưng sự khác biệt là không lớn (Tomori 2,27, Kjaer 2,71 và Romagnoli 2,31). 
 
 
 
 
 
 
 
Những thông tin trên chứng tỏ con số tỷ lệ chuyền bóng thành công rất cao của Tomori không chỉ đến từ các đường chuyền an toàn, mà còn có cả các quyết định mang tính “liều ăn nhiều”. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên sẵn lòng nhận bóng từ các đồng đội xung quanh mình – ngay cả khi đang bị gây áp lực – và điều này chắc chắn còn mang đến một sự hỗ trợ tuyệt vời cho thủ môn của đội.
 
Ngoài ra, Tomori còn sẵn sàng dâng cao trong giai đoạn triển khai tấn công nếu cần phải làm vậy, và một lần nữa, anh lại tiếp tục vượt trội hơn so với 2 trung vệ đồng đội trong một thống kê khác – số lần “kéo bóng” mỗi 90 phút – với con số 1,6, trong khi của Kjaer là 1,28 và Romagnoli là 1,18. 
 
 
 
 
 
Không chỉ là một trung vệ chuyền bóng tốt, mà còn sẵn sàng “kéo bóng”, chính vì vậy mà thống kê xGBuildup – tức giá trị trung bình của những lần tham gia triển khai bóng dựa trên chỉ số “bàn thắng kỳ vọng” – của Tomori được Statsbomb ghi nhận lên đến 0,53. 
 

KHÍA CẠNH CẦN CẢI THIỆN

 
Tại cả Milan và Chelsea, dù cho Tomori đã có những màn trình diễn “không chiến” thực sự ấn tượng – tiêu biểu nhất là pha bật nhảy đánh đầu lên đến 2,63m để ghi bàn vào lưới Juventus, và được ghi nhận tỷ lệ thắng không chiến 100% cũng trong trận đấu này – tuy nhiên, xét tổng thể, đây vẫn là một khía cạnh mà anh cần phải cải thiện rất nhiều – ít nhất là về sự ổn định. 
 
Tomori là người thấp nhất trong số 3 trung vệ hàng đầu của Rossoneri với chiều cao 1,84m. Dù cho chỉ thấp hơn một chút so với Romagnoli (1,85m), nhưng khả năng giành chiến thắng trong các tình huống tranh chấp không chiến của anh lại kém hơn hẳn “Il Capitano”. Romagnoli là cầu thủ được ghi nhận khả năng không chiến tốt nhất trong 3 trung vệ hàng đầu của Milan, đạt tỷ lệ tranh chấp không chiến thành công trung bình mỗi 90 phút là 69,9%, Kjaer là 62,3%, còn Tomori là người có thống kê thấp nhất với 55,6%.
 

KẾT LUẬN

 
Chỉ cần nửa mùa giải ở Milan, và chẳng cần tốn quá nhiều thời gian để thích nghi với môi trường thi đấu mới, suất đá chính từng là “bất khả xâm phạm” của Romagnoli đã thuộc về Tomori, chừng đó là quá đủ minh chứng cho việc trung vệ người Anh đã gây ấn tượng mạnh đến mức nào ở Rossoneri.
 
“Tomori đã tự thúc đẩy bản thân mình bằng tài năng và sự quyết tâm. Cậu ấy không hề có chút sợ hãi nào khi phải chơi ở một môi trường mới. Về năng lực, tôi tin Tomori hoàn toàn có thể trở thành một cầu thủ lớn,” cựu hậu vệ lừng danh Franco Baresi từng khẳng định.
 
Sau khi mùa giải 2020/2021 kết thúc, một trong những chủ đề mà các Milanista quan tâm nhất chính là liệu Paolo Maldini và các cộng sự có đủ quyết tâm và có đủ khả năng trong việc giữ lấy Tomori hay không. 
 
Mức phí mua đứt 28 triệu Euro dành cho một trung vệ chất lượng cao không phải là một số tiền quá lớn. Nhưng với tình hình tài chính hết sức nhạy cảm của Milan và cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra với thế giới bóng đá, đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản đối với Rossoneri, dù cho cả hai “sếp lớn” Franco Baresi và Maldini đều đã lên tiếng khẳng định CLB sẽ quyết tâm làm mọi cách để sở hữu luôn Tomori từ Chelsea. 
 
Rốt cuộc, không cần phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi sau khi kỳ chuyển nhượng mùa hè chính thức mở cửa, các Milanista và chắc chắn là cả HLV trưởng Pioli đã có thể thở phào nhẹ nhõm với việc ban lãnh đạo CLB đã hiện thực hóa được lời tuyên bố của mình về trường hợp của trung vệ người Anh. 
 
Tomori có thể sẽ trở thành một trung vệ hay hơn nữa, cũng có thể là không, nhưng anh chắc chắn đang thể hiện một năng lực thực sự tuyệt vời và sở hữu một tiềm năng khổng lồ để tiếp tục khai phá, chừng đó lý do là quá đủ để Paolo Maldini và các cộng sự tiếp tục tin tưởng để đánh cược lớn – 28 triệu Euro thực sự là một số tiền “khủng” đối với Rossoneri – vào ngôi sao trẻ người Anh.     
 
(Các số liệu thống kê sử dụng trong bài viết được lấy từ FBref.com và chỉ tính riêng ở đấu trường Serie A 2020/2021)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.