Anh không cao to, không nhanh và không ghi bàn, nhưng lối chơi cực kỳ hiệu quả của tiền vệ người Brazil đã tạo nên sự khác biệt trước Everton.
Bóng đá không phải lúc nào cũng hào nhoáng. Trên thực tế, nó thường không hào nhoáng. Trong một trận đấu như thế này, khi đối thủ có một kế hoạch rất cụ thể để phòng ngự thật chặt và phản công, có lẽ những đức tính quan trọng nhất chính là sự kiên nhẫn và kiên định.
Manchester City có thể đang dự tính về mùa giải vĩ đại nhất trong lịch sử của mình nhưng họ, cũng như bất kỳ đội bóng nào khác, đều cần một cầu thủ đáng tin cậy để không làm mất bóng vào chân đối phương, sẽ giữ chắc vị trí của anh ta để ngăn chặn các đợt phản công, cũng như phạm lỗi chiến thuật khi cần thiết.
Fernandinho sẽ bước sang tuổi 36 vào tháng Năm và bản hợp đồng của anh với đội chủ sân Etihad sẽ hết hạn vào mùa hè. Sau một mùa giải dành phần lớn thời gian chơi trong vai trò trung vệ, những trận được đá chính của ngôi sao người Brazil giờ đây đã bắt đầu trở nên ít đi – anh chỉ có 8 lần được ra sân ngay từ đầu ở Premier League mùa giải này cho đến hiện tại.
Nhưng khi lão tướng 35 tuổi thi đấu, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một bậc thầy thực sự. Trong một thập kỷ qua, anh có lẽ là kẻ xuất sắc nhất thế giới trong kiểu mẫu tiền vệ của mình, nhưng đó là mẫu tiền vệ mà hầu như – theo định nghĩa – thường không được chú ý đến.
Fernandinho không cao to, không nhanh nhẹn, không thực hiện những đường chuyền đẹp mắt từ cự ly 40 yard. Anh hầu như không ghi bàn – chỉ có 24 pha lập công sau 338 trận chơi cho Man City. Anh không tung ra những đường chọc khe xuyên phá hàng thủ đối phương – tiền vệ người Brazil chỉ có 19 pha kiến tạo trong sự nghiệp của mình ở Man City. Và anh không có những cú tắc bóng đáng sợ từng được sử dụng để xác định những gã “cứng” nhất, “khó chơi” nhất ở khu trung tuyến.
Nhưng Fernandinho luôn có mặt ở đó. Tiền vệ người Brazil đã trở thành một sự hiện diện cực kỳ quan trọng trong 3 mùa giải đầu tiên của Pep Guardiola tại Manchester City, với khả năng thi triển lối đá “định hướng vị trí” vô cùng khôn ngoan mà anh thể hiện. Rất nhiều đóng góp của anh đã thách thức các chuyên gia phân tích thống kê, vì chúng chủ yếu dựa trên những việc “đơn giản” như xuất hiện đúng chỗ, ngăn cản một đường chuyền và cản trở đối phương, cung cấp một phương án chuyền bóng để giúp cho “dòng chảy” kiểm soát bóng diễn ra trơn tru hoặc mở ra các khoảng trống.
Mặc dù chỉ cao 1,79m, nhưng có quan điểm cho rằng về mặt kỹ thuật, Fernandinho là cầu thủ đánh đầu giỏi nhất của Man City – cả 3 tình huống cố định đầu tiên mà Everton có được ở những khu vực khá nguy hiểm đều đã bị tiền vệ người Brazil hóa giải bằng khả năng đánh đầu của mình.
Và không thể không nhắc đến những pha phạm lỗi: Fernandinho đã có 335 pha phạm lỗi trong sự nghiệp thi đấu ở Premier League của anh, và đó mới chỉ là những pha phạm lỗi bị phát hiện – chắc chắn chỉ chiếm một phần nhỏ trong con số thực sự. Fernandinho là Mozart của sự can thiệp thực dụng, một phần của một thế hệ thiên tài, một bậc thầy về những tiểu xảo.
Tiền vệ người Brazil tinh quái đến mức một pha phạm lỗi của anh có khả năng bị rút thẻ phạt ít hơn đến 22,45% so với một pha phạm lỗi của Lee Cattermole. Khi Fernandinho cuối cùng cũng phải nhận một chiếc thẻ vàng trong trận đấu với Everton – về mặt này, anh dường như đã “kế thừa” chiếc “áo choàng tàng hình” của Mark Van Bommel – thì đó là vì một pha truy cản không thể chối cãi với Richarlison. Fernandinho là một tay bắt chuột trong lớp vỏ bọc của một nhạc trưởng.
Nhưng, tất nhiên, lão tướng 35 tuổi không chỉ có bấy nhiêu đó khả năng. Anh liên tục “dạo bước” phía sau các đợt tấn công, hiếm khi đột ngột thực hiện một pha tăng tốc, luôn tìm những khoảng trống, luôn cung cấp cho đồng đội một phương án chuyền bóng để duy trì quyền kiểm soát bóng nếu quá trình thăm dò ban đầu của cuộc tấn công bị cản trở.
Cách chọn vị trí khôn ngoan của Fernandinho đã cho phép Oleksandr Zinchenko chơi dâng cao trên sân trong khi Kyle Walker đá lùi sâu hơn một chút, tạo ra một tấm lá chắn chống lại tốc độ của Richarlison trong các tình huống phản công. Và, quan trọng là, nó đã cho phép Aymeric Laporte mạnh dạn thực hiện một pha cầm bóng dâng cao cuối cùng đã mang về bàn thắng mở tỷ số của trận đấu.
Cảm giác an toàn mà Fernandinho tạo ra là rất sâu sắc. Ví dụ, khi Walker có một đường chuyền “sai địa chỉ” trong phần sân của Man City ở phút 23, “tặng” quả bóng cho Gylfi Sigurdsson, chính Fernandinho đã xuất hiện ngay trước mặt anh ta, ngăn chặn một pha cầm bóng xộc thẳng vào vòng cấm và buộc cầu thủ người Iceland phải chuyền bóng ra cánh, làm chậm lại đợt tấn công của đối phương và giúp Man City có thời gian để tái tổ chức hệ thống phòng ngự. Đó là một khoảnh khắc mà hầu như không ai để tâm và ghi nhớ, một tia nguy hiểm tiềm ẩn đã rất nhanh chóng bị dập tắt, nhưng đây chính xác là giá trị của Fernandinho. Chính một pha cầm bóng tăng tốc, đột phá của tiền vệ người Brazil đã tạo ra cho Raheem Sterling cơ hội thực hiện cú dứt điểm đầu tiên khiến thủ môn phải thực sự vất vả cản phá trong trận đấu.
Fernandinho thậm chí còn giúp gắn lại máy thu thanh của trọng tài Michael Oliver khi nó bị rơi ra; tất nhiên, anh đã hoàn thành xuất sắc việc giải quyết những vấn đề thực tế “đơn giản” nhưng cần thiết. Vào một buổi tối mà Man City thường gặp khó khăn và thiếu đi một chút khả năng xuyên phá, sự hiệu quả đáng nể của Fernandinho đã tỏa sáng.
Đoạn kết của sự nghiệp có lẽ đã không còn quá xa, nhưng Fernandinho vẫn là một cầu thủ rất đáng tin cậy. Bóng đá Anh nên trân trọng và chiêm ngưỡng cẩn thận những khoảnh khắc của một bậc thầy thực sự khi vẫn còn có cơ hội để làm điều đó.
Nguồn: Dịch từ bài viết “The Mozart of pragmatic intervention: Fernandinho keeps City ticking over” của ký giả Jonathan Wilson, đăng tải trên The Guardian.