Federico Bernardeschi: Đường hầm, vạch kẻ trắng và đức tin của chàng trai chiến thắng bệnh tật

Tác giả CG - Thứ Hai 04/02/2019 13:35(GMT+7)

Tính tôi như thế đó. Hoặc tôi nên nói rằng đó là cá tính của chúng tôi. Nếu bạn tới từ Carrara, bạn sẽ cứng rắn như một viên đá cẩm thạch vậy. Hãy hỏi Gigi Buffon thì biết.

Để có được ngày hôm nay, từ Fiorentina chuyển tới Juventus ở tuổi 23, Federico Bernardeschi không chỉ có tài năng mà còn cả nghị lực phi thường. Vượt qua căn bệnh tim có thể khiến giấc mơ chơi bóng chuyên nghiệp bị dừng lại mãi mãi khi nó còn chưa bắt đầu, Bernardeschi hiểu giá trị của sự sống và sự tồn tại. Và trên bất cứ cuộc hành trình nào của mình, cầu thủ người Italia luôn nhớ tới một đường hầm, viên đá cẩm thạch và vạch kẻ trắng, những thứ ám ảnh anh từ thưở ấu thơ. Dưới đây  là câu chuyện mà Bernardeschi chia sẻ trên The Player’s Tribune.
Những viên đá cẩm thạch ở Carrara
Màu trắng ở đây khác một chút so với ở Carrara, Italia, thành phố của đá cẩm thạch. Hầu như ai cũng biết điều đó. Đó là nơi tôi xuất thân, nổi tiếng vì những mỏ đá cẩm thạch Carrara trắng, đẹp tuyệt vời. Hầu hết những viên đá trắng chúng ta thấy được những người đàn ông đào từ trên đồi. Bố của tôi, giống như nhiều người, làm việc ở một công ty đá cẩm thạch. Một ngày làm việc của ông rất dài, ông dậy từ 5 giờ sáng và về nhà lúc 6 giờ tối. Đó là tất cả những gì cả gia đình biết.
Cuộc sống của chúng tôi gắn liền với đá cẩm thạch và màu trắng, chúng xuất hiện nhiều tới nỗi đi cả vào trong giấc mơ. Khi 6 tuổi, trong đầu tôi đã xuất hiện những hình ảnh này rồi. Tôi không chắc liệu có nên gọi chúng là hình ảnh hay không, nó giống một đoạn video ngắn thì đúng hơn. Đôi khi tôi bắt gặp chúng khi đi ngủ hay khi nhắm mắt đủ lâu và bắt đầu nghĩ về chúng.
Tôi thấy một đường hầm dài và tối om. Ban đầu, không hề có ánh sáng phía cuối đâu. Tôi chỉ có thể nói rằng mình đứng ở trong một đường hầm. Sau đó tôi thấy một đường kẻ trắng. Có thể là đá cẩm thạch hoặc không, nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề là đường kẻ đó dẫn tôi ra khỏi đường hầm. Chúng dẫn tôi đến nơi tôi muốn.
Khi còn bé, tôi không biết ý nghĩa của giấc mơ này. Tôi không cần đi đâu cả. Tôi yêu cuộc sống của mình. Tôi có gia đình. Và tôi có bóng đá. Đó là tất cả những gì tôi cần kể từ khi lên 3. Bố đưa tôi đến một cửa hàng đồ chơi lớn ở trung tâm thành phố. Tôi bước 2 bước vào bên trong, chạy thẳng tới chỗ có 1 quả bóng, cầm nó lên và bảo với bố là chúng ta nên ra khỏi cửa hàng. Ông ấy muốn tôi nhìn vào những đồ chơi khác, nhưng tôi biết mình thích gì mà.
Và vì biết mình muốn gì nên tôi không để bất cứ điều gì cản trở hết. Tính tôi như thế đó. Hoặc tôi nên nói rằng đó là cá tính của chúng tôi. Nếu bạn tới từ Carrara, bạn sẽ cứng rắn như một viên đá cẩm thạch vậy. Hãy hỏi Gigi Buffon thì biết.
Đó là cách sống của gia đình tôi. Mẹ tôi là một y tá ở bệnh viện nằm không quá xa nhà. Bà là người cứng rắn nhưng rất tình cảm. Mẹ có thể thay đổi trạng thái giữa một y tá chuyên nghiệp, nghiêm túc và một bà mẹ ngọt ngào. Giữa mẹ và bố, đó là một sự cân bằng. Bố luôn thúc đẩy để tôi tốt hơn. Và khi bạn còn nhỏ, đôi khi bạn cảm thấy quá mệt mỏi và như thể là bố đang cáu kỉnh với bạn vậy. Như khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu hiểu ra là bố muốn nhiều hơn từ tôi vì ông tin tưởng tôi, ông biết là đứa trẻ không muốn chơi bất cứ món đồ chơi nào khác ngoài quả bóng là đứa bé tốt.
Tuổi 16 và căn bệnh tim quái ác
Và tôi đã lớn lên như vậy. Nhưng thị trấn tôi sống khá nhỏ và không có quá nhiều đội trẻ tốt ở đó. Vì thế, gia đình đã đi đến quyết định là năm tôi 8 tuổi, tôi đến chơi bóng ở Ponzano, một câu lạc bộ nhỏ của Empoli, cách nhà khoảng 70 dặm. Mẹ đón tôi ở trường mỗi ngày vào lúc 3h15 – 45 phút trước khi lớp học bình thường kết thúc. Sau đó mẹ đưa tôi một hộp mỳ pasta nóng. Thật tuyệt vời. Và chúng tôi xuôi xuống hướng Nam dọc biển Liguria trên chiếc Opel Vectra màu xám.
Sau 40 phút, chúng tôi sẽ tới Pisa và đi về hướng Đông, tới Empoli. Mất khoảng nửa giờ đồng hồ nữa trước khi tới nơi. Tôi thường trễ một chút. Tôi hay buộc dây giày trong xe vì mẹ ít khi dừng lại giữa đường và sau đó tôi phải chạy hộc tốc để vào sân. 2 giờ sau, khi buổi tập khép lại, chúng tôi trở về nhà theo con đường đã đi. Tôi đi ngủ vào khoảng 10h30 hoặc 11 giờ và 8 giờ sáng hôm sau, guồng quay lặp lại như thế.
Chúng tôi đã làm điều đó 4 ngày 1 tuần trong suốt 8 năm liền, đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn nhất.
Năm 16 tuổi, tôi gần như đã chuẩn bị được lên đội một Fiorentina. Tôi chơi thứ bóng đá tuyệt nhất đời mình. Nhưng ở một buổi kiểm tra thể chất định kỳ, đội ngũ y tế đã phát hiện có điều không ổn ở tôi. Và 1 vài ngày sau, tôi cùng mẹ tới gặp bác sĩ. Sau đó là những bài kiểm tra tiếp theo, chụp X quang. Vài phút sau, bác sĩ thông báo: “Federico, cháu gặp một vài vấn đề.”
Tôi nghĩ, mình 16 tuổi, đang ở thời điểm đẹp nhất. Chẳng có vấn đề gì hết. 
“Cháu bị chứng tim mở. Chúng tôi không chắc là nó nghiêm trọng đến đâu. Có thể là cháu sẽ không thể tiếp tục sự nghiệp bóng đá được nữa.”
Thật sao? Không… không thể nào. Tôi không thể tin nổi. Tôi không muốn nghe điều đó. Mẹ đã giúp tôi bình tĩnh lại.
“Chúng tôi cần theo dõi sát sao trong vài tuần tới,” bác sĩ nói. “Và trong khi đó đó, cháu không được đá bóng trong 6 tháng”.
Tôi biết đó là giai đoạn phát triển rất quan trọng trong sự nghiệp của mình.  Tôi không thể bỏ lỡ khoảng thời gian đó. Mẹ tôi cũng biết. Đó là một ngày thực sự rất rất khủng khiếp.
16 tuổi, tôi sống một mình ở Florence và chẳng có gì để làm. Bố mẹ phải làm việc ở Carrara nên họ chỉ có thể thăm tôi khi có thể mà thôi. Tôi cố gắng làm cho mình bận rộn nhưng đó vẫn là 6 tháng khó khăn nhất cuộc đời tôi.
Thời gian trôi đi, trải qua vô số buổi kiểm tra, khám bệnh. Và cuối cùng, với những thay đổi trong chế độ ăn uống và dùng thuốc, vấn đề của tôi được khắc phục.
Và khi đã khỏi bệnh, tôi lại nghĩ tới hình ảnh mình từng thấy. Bạn biết đấy, đó là cậu bé trong đường hầm. Tôi nhận ra rằng ánh sáng, đường kẻ trắng, đá cẩm thạch – bất cứ thứ gì, là tôi, con đường tôi, hành trình tôi đi. Căn hầm là ẩn số, những rào cản sắp tới, những cuộc chiến trước mặt. Trong nhiều năm tôi đã thấy hình ảnh đó nhưng phải mất một thời gian dài, tôi mới nhận ra ý nghĩa thực sự của chúng và tại sao tôi lại thấy chúng trong những giấc mơ.
Khi bạn trải qua những điều như thế, tôi nghĩ là theo một cách nào đó, không gì có thể thay đổi bạn được nữa. Càng lúc tôi càng hiểu hơn sự chênh vênh của hành trình mà mình đi và tôi đã may mắn khi ở vị trí hiện tại.
Và khi đạt được một số cột mốc, như ra mắt Serie A vào năm 2014 và được triệu tập lên đội tuyển Italia năm 2016, tôi cảm thấy mình trân trọng chúng hơn khi tôi còn bé. Những điều đó diễn ra vì sự giúp đỡ của gia đình và những người xung quanh tôi.
Davide Astori và giá trị của việc được sống
Trong số những thứ đánh dấu quãng thời gian của tôi ở Fiorentina, có hai điều thực sự đặc biệt. Đầu tiên là Paulo Sousa, huấn luyện viên của chúng tôi thời điểm đó, đã ngồi nói chuyện và cho tôi nhiều lời khuyên. Ông ấy nói rằng tôi là tôi có tài năng tuyệt vời và cá tính của tôi vượt trội so với khả năng. Nhưng ông cũng nói là để trở thành nhà vô địch, bạn phải đầu tư cho chính mình. Mọi thứ bạn làm, dù là trên sân hay ngoài sân, phải gắn với mục tiêu chiến thắng – đó là cách mà những cầu thủ vĩ đại tạo dựng vị thế của họ.
Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó.

Và điều thứ hai là tình cảm thân thiết giữa tôi và thủ quân của cả đội, Davide Astori.
Anh là một trong những người sinh ra để làm thủ lĩnh. Mỗi buổi tập, anh ấy luôn hướng dẫn chúng tôi. Khi tôi đã lớn hơn, anh ấy gọi riêng tôi ra trước mỗi bài tập, chúng tôi chuyền bóng khởi động và anh cho tôi một vài lời khuyên. Chúng tôi từng cùng nhau chơi game hay xem những bộ phim cũ thâu đêm với nhau. Anh ấy là người tốt, tình cảm và ấm áp. 
Khi tôi đã có được vị trí đá chính, tôi luôn tìm tới anh mỗi khi bản thân không đạt phong độ tốt. Bất cứ khi nào tôi ghi bàn, nhiếp ảnh gia của đội sẽ gửi tôi email hình ảnh ăn mừng để đăng lên mạng xã hội. Và bức ảnh nào bạn cũng sẽ thấy người đầu tiên chạy tới ôm tôi chính là Davide.
Bạn tôi, đội trưởng của chúng tôi. Và như chúng ta đã biết, anh ấy đã qua đời khi đang ngủ vào tháng 3/2018. Khi ấy anh mới 30 tuổi thôi. Davide mất vì ngừng tim. Và bình thường tôi cố gắng không nghĩ tới vấn đề tim mạch của mình nhưng sự ra đi của Davide chính là một lời nhắc nhở mạnh mẽ: Thời gian rất ngắn và chúng ta còn sống là còn may mắn.
Tôi nghĩ về Davide nhiều lần khi chuyển đến Juventus vào mùa hè 2017. Tôi xem lại những video cũ các bàn thắng của mình và tôi lại thấy Davide chạy từ vòng tròn trung tâm với cái tay giơ lên cao. Tôi đã nói chuyện với anh trước khi tôi rời đi. Anh ấy hiểu nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng.
Vài tuần sau khi anh qua đời, tôi đã xăm số áo của anh bên cạnh lời cầu nguyện Ave Maria tôi có trước đó ở tay phải. Giờ đây dù đi bất cứ nơi đâu, anh mãi luôn ở bên và bảo vệ tôi.
Tôi là người có đức tin. Và một trong những điều tôi luôn tâm niệm là trong cuộc đời mà chúng ta đang sống, chúng ta đang đi qua con đường của mình để tới với những nơi tốt đẹp hơn. Tôi tin như thế và làm theo niềm tin đó. Có một nơi tốt hơn, linh thiêng hơn đã được định sẵn cho chúng ta. Và khi nào tới đó, người đầu tiên tôi muốn gặp chính là Davide.
Bạn tôi, đội trưởng của chúng tôi.
Tất cả những điều tôi muốn nói với bạn là họ chính là một phần của tôi hôm nay và người tôi muốn trở thành. Tôi rất tự hào khi được khoác áo Juventus. Câu lạc bộ và thành phố Turin chắc chắn không giống với bất cứ nơi nào tôi đi qua trước đó. Điều mà mỗi cầu thủ mới nào của Juve phải thấm nhuần chính là chiến thắng và văn hóa ở đây. Từ huấn luyện viên đến các chuyên gia thể lực hay nhân viên nhà bếp… ai cũng muốn chiến thắng. Đơn giản vậy thôi. Đó là một sự ám ảnh. Và tôi cũng thế.
Giờ đây khi nhìn thấy chiếc áo của Bianconeri, tôi lại nghĩ tới đường hầm. Tôi nghĩ tới đá cẩm thạch. Màu đen… trắng… chúng ở đó. Và nó đã dẫn tôi tới đây. Và trên bất cứ cuộc hành trình nào tiếp theo, tôi đã có thứ tôi cần.
Dịch từ bài viết “The white lane” của Federico Bernardeschi trên The Player’s Tribune

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.