Essam El-Hadary: Tuổi 45 và một kỷ lục World Cup chuẩn bị được thiết lập

Tác giả CG - Thứ Ba 19/06/2018 16:36(GMT+7)

Essam El-Hadary có khuôn mặt rộng và ít nếp nhăn. Mái tóc đen, đôi mắt sáng, nụ cười tươi và cơ thể cân đối. Trông anh không giống như một người đàn ông đã 45 tuổi, người sẽ trở thành cầu thủ “già” nhất thi đấu tại một vòng chung kết World Cup.
Essam El-Hadary: Tuổi 45 và một kỷ lục World Cup chuẩn bị được thiết lập
Ngồi ở sảnh một khách sạn tại Thụy Sĩ, anh toát lên sự bình tâm và thoải mái cho cả chính mình cũng như môi trường sang trọng xung quanh. Chỉ có đôi bàn tay là tiết lộ nên sự thật cuộc đời anh. El-Hadary có đôi tay của một người đã làm việc gấp hai lần tuổi đời của mình.
Anh tiếp tục trầm ngâm nhìn chúng nhưng không giấu nổi sự tự hào. Hãy nhìn đôi bàn tay của El-Hadary khi không đeo găng bạn sẽ thấy một sự mâu thuẫn, giống như một con sư tử bị cạo sạch bờm vậy. “Bàn tay người Ai Cập,” anh chia sẻ. Chúng rất lớn và bị tổn thương nặng nề. Một vài ngón tay trông như thể bị búa đập nát. Khớp ngón tay của anh trông không giống như người thường.
Anh đã bị gãy toàn bộ các ngon tay ư? “Gần như thế,” anh nói trước khi thu ngón tay lại khỏi tầm mắt người đối diện.
Essam El-Hadary là thủ môn chuyên nghiệp từ năm 1993. Cho đến nay, anh có 156 lần ra sân cho đội tuyển Ai Cập. Những pha cứu thua đã để lại những vết sẹo hiển hiện. “Cuộc sống đôi khi thật khó khăn,” anh nói thông qua một người phiên dịch. “Bóng đá đã làm nên con người tôi. Nhưng tôi luôn cảm thấy như mình vừa mới bắt đầu. Tôi luôn cảm thấy như thể mình đang khởi đầu lại vậy.”
Essam El-Hadary cùng các đồng đội ăn mừng
Anh đột nhiên cầm điện thoại lên. Chiếc điện thoại trông thật nhỏ bé khi anh nắm chặt nó. “Nếu điện thoại của tôi đổ chuông, tôi sẽ nghe,” anh nói. “Đó là cách tôi giải quyết vấn đề trong suốt toàn bộ sự nghiệp của mình. Khi tôi dừng lại thì đó không phải do tôi. Khi không ai gọi điện thì tôi biết không có ai cần tôi nữa rồi. Nếu điện thoại đổ chuông tức là có người đang cần tôi.” 
Anh lại đặt điện thoại xuống bàn và nhún vai.
“Nếu nó còn đổ chuông thì tôi vẫn sẽ trả lời,” anh nói.
El-Hadary dường như định trả lời một lần nữa đề nghị của đội tuyển Ai Cập việc đến nước Nga dự World Cup. (Đối thủ cạnh tranh chính của anh ở trong nước, thủ môn 26 tuổi Ahmed El-Shenawy, dính chấn thương đầu gối vào tháng Tư và sẽ không kịp bình phục trước giải đấu). Cảm xúc của El-Hadary khá lẫn lộn về kỷ lục mà anh có thể phá vỡ, anh cảm thấy mâu thuẫn khi được đề nghị giơ tay ra. Anh nói đã bị bủa vây bởi những yêu cầu của giới truyền thông. Và anh khiến hầu hết bọn họ phải thất vọng.
Thủ môn có lẽ là vị trí lâu đời nhất trong bóng đá. Đây là nơi mà sự khôn ngoan có thể bù đắp cho những sự sa sút về thể chất. Kỷ lục cầu thủ cao tuổi nhất ra sân tại World Cup thuộc về một người gác đền, ít nhất đến thời điểm này, là Faryd Mondragon - anh 43 tuổi khi thi đấu cho Colombia năm 2014. Dino Zoff vẫn là nhà vô địch World Cup lớn tuổi nhất; ông là đội trưởng tuyển Ý lên ngôi năm 1982 khi đã 40 tuổi. Trong khi đó Peter Shilton của Anh và Pat Jennings của Bắc Ireland cũng thi đấu ở độ tuổi U40.
Cảm xúc của El-Hadary khá lẫn lộn về kỷ lục mà anh có thể phá vỡ
El-Hadary đã phải mất rất nhiều năm chứ không phải nhiều tuần hay nhiều tháng để vượt qua kỷ lục đó. Ở châu Phi, anh đã được xem như cầu thủ vĩ đại nhất từ trước tới nay - Didier Drogba gọi anh là “đối thủ xuất sắc nhất” - nhưng anh biết nếu xô đổ cột mốc của Mondragonthì tất cả sự chú ý của truyền thông thế giới sẽ đổ dồn vào anh. Anh cũng biết rõ rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra sau đó.
Một câu khiến anh vui vẻ trả lời: Anh làm điều đó như thế nào? Anh đã luôn làm việc chăm chỉ trong suốt cả cuộc đời, anh nói, điều duy nhất khiến anh chuyên tâm là bóng đá. Thủ thành 45 tuổi thừa nhận anh không có quá nhiều thời gian với vợ và 5 đứa con, đứa bé nhất mới chỉ 4 tuổi, như đáng ra anh phải làm. Anh theo dõi cẩn thận xem mình ăn gì, có một huấn luyện viên cá nhân và dành 20 phút mỗi ngày trong bồn tắm đá lạnh. Mỗi khi anh được người lạ trên phố hỏi về những bí mật của mình, sự im lặng luôn là câu trả lời.
Câu hỏi khó hơn dành cho El-Hadary là: Điều đó có ý nghĩa như thế nào?
"Mục tiêu của tôi luôn là World Cup" El-Hadary
Ý nghĩa có nó là anh có đủ sự may mắn để được chơi bóng trong một thời gian rất dài. “Tôi đã gần như làm được mọi thứ,” anh nói. Anh đã vô địch 37 danh hiệu với cả cấp câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia trong đó có 12 mùa giải liên tiếp cùng ông lớn Al-Ahly - nơi anh đã 8 lần vô địch quốc gia Ai Cập từ năm 1997 tới 2008 - và 4 chức vô địch châu Phi cùng đội tuyển - nơi anh 3 lần được vinh danh là thủ môn xuất sắc nhất.

Anh cũng 4 lần là nhà vô địch Cúp Quốc gia Ai Cập, Siêu cúp Ai Cập và CAF Champions League. Ngoài ra còn là các danh hiệu trong quãng thời gian thi đấu ở Thụy Sĩ và Sudan. Hiện nay anh vẫn còn 1 năm hợp đồng nữa với câu lạc bộ Al-Taawoun của giải vô địch quốc gia Ả Rập Saudi. Và kỳ World Cup sắp tới sẽ là điều quan trọng nhất, đánh dấu sự trở lại của Ai Cập kể từ năm 1990, một giải đấu mà El-Hadary cùng đội tuyển đã vắng bóng trong nhiều năm qua.
“Mục tiêu của tôi luôn là World Cup,” El-Hadary cho biết. Khi Ai Cập vượt qua vòng loại bằng chiến thắng muộn đầy kịch tính trước Congo, “Tôi là người hạnh phúc nhất thế giới,” thủ môn 45 tuổi chia sẻ.
Điều đó có nghĩa anh sắp sửa biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực.
Việc càng ngày càng già đi buộc con người ta cần một sự đánh lừa bản thân, một niềm tin rằng bạn có thể làm cho mình “miễn dịch” với thời gian và những phiền phức của nó. Khi El-Hadary cho thấy đây là một chủ đề phỏng vấn hơi miễn cưỡng, tôi bảo anh rằng mình là cũng là một thủ môn và ở tuổi 44, tôi vẫn thi đấu ở đẳng cấp thấp hơn anh một chút. Anh sắp trở thành vị thánh bảo hộ cho hàng triệu người chống lại hiện thực như tôi. Anh là minh chứng tốt nhất cho thấy sẽ luôn tiếp tục chiến đấu dù trong một cuộc chiến mà chúng ta không thể giành chiến thắng.
Essam El-Hadary và Buffon
Bây giờ khi ngồi đối diện với anh, tôi nói với anh rằng mình cảm thấy tự hào về tuổi tác đến nỗi đã lựa chọn số tuổi của mình làm số áo thi đấu. Tôi thay đổi nó mỗi năm. Tôi cảm thấy nó như một huy hiệu danh dự trên lưng.
El-Hadary lắc đầu. “Đó là sự khác biệt giữa hai chúng ta,” anh nói. Anh có số áo trùng với số tuổi của mình chỉ một lần duy nhất, và đó là một tai nạn sau khi chuyển từ Al-Ahly tới FC Sion của Thụy Sĩ vào năm 2008. Khi đó anh 35, vẫn còn trẻ, và được chỉ định ngẫu nhiên con số này là số áo.
“Một sai lầm,” anh khẳng định. “Trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, tôi sẽ chỉ mặc duy nhất chiếc áo số 1.”
Tôi không nên vui vì tuổi tác của mình, theo quan điểm của anh. Chiến lược hiệu quả của El-Hadary là cố gắng quên đi giới hạn đó của mình và chỉ tồn tại duy nhất “bức tường” bảo vệ trong tầm hồn chống lại những hiện thực khó khăn nhất cuộc sống. Có lẽ anh là người đàn ông mù quáng nhất vẫn còn tồn tại.
Khi được hỏi về việc sẽ đối đầu với những cầu thủ như Luis Suarez ở Nga, anh thẳng thắn bày tỏ. “Có rất nhiều những tên tuổi lớn. Tôi cũng là một cái tên lớn. Tôi đã từng đối đầu với Tây Ban Nha và Italia. Tôi đã từng đối đầu Real Madrid. Tôi từng đối đầu với Zinedine Zidane và Roberto Carlos. Nhưng khi đang thi đấu, tôi không còn biết ai với ai nữa. Tôi không quan tâm chúng tôi đang đá với ai. Tôi chỉ nhìn vào đối thủ thôi.”
Khi tôi hỏi anh liệu có cảm thấy lo lắng trước giải đấu lớn nhất đời mình không, anh ngồi thẳng người và ưỡn ngực. “Thi đấu ở World Cup cũng giống như mọi trận đấu khác tôi từng chơi. Đúng, cả thế giới sẽ theo dõi. Nếu bạn không có cá tính mạnh mẽ, nếu bạn sợ hãi, nếu bạn không có ý chí, bạn sẽ là người vô dụng và tầm thường.”
Nhưng khi hỏi El-Hadary về tuổi tác một lần nữa, và cũng là lần cuối, anh trở lại với thực tại cũng như buộc phải thừa nhận những gì anh luôn cố gắng để quên đi.
“Tôi đã già, OK? Tôi đã già, đó là một thực tế,” thủ thành người Ai Cập nói.
Sau đó anh im lặng một lúc.
“Nhưng tuổi tác chỉ là một con số nằm trong hộ chiếu của tôi.”
Bây giờ, cả cơ thể anh mới bắt đầu giãn ra. 
“45 cũng chỉ là một thứ được đặt bên cạnh tên tôi mà thôi.”
Sau đó anh rời khỏi ghế và đập vào bàn.
“Ở World Cup, tôi sẽ mặc áo số 1”.
Lúc này anh gần như đã hét lên, giơ một ngón tay bị gãy lên cao.
“Số 1. Đó là con số duy nhất.”
“Ở World Cup, tôi sẽ mặc áo số 1”.
El-Hadary lại ngồi xuống. Mắt anh lại sáng long lanh và miệng nở nụ cười tươi, một lần nữa xua tan đi bóng ma mà anh đã từ chối.
Sau hôm đó, anh sẽ cùng đội tuyển Ai Cập bước vào tập luyện ở sân Letzigrund của Zurich, nơi đội chuẩn bị có hai trận giao hữu với Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Đó là một buổi tối mùa xuân tuyệt đẹp. Bầu không khí ấm áp và mặt trời đã lặn. El-Hadary kéo găng tay lên và giống như mọi khi trước mỗi buổi tập hay trận đấu, anh lại phun một ngụm nước lớn. Thế rồi anh bắt đầu duỗi tay duỗi chân.
Anh luôn trấn giữ khung gỗ theo cách của mình. Anh cũng thích phong cách của các huyền thoại Iker Casillas và Gianluigi Buffon khi luôn làm chủ vòng cấm. El-Hadary cũng thích chuyền dài thay vì chuyền ngắn như trào lưu của bóng đá hiện đại. Anh bảo mình có thể đá giống Manuel Neuer “nếu cần thiết” - khi huấn luyện viên Bob Bradley dẫn dắt Ai Cập, hai người đôi khi đã khẩu chiến với nhau vì định nghĩa của cái gọi là “cần thiết” đó - nhưng anh vẫn thích chơi bóng cố định trong vị trí của mình. Dù sao thì việc ở cố định trong vòng cấm đã đưa anh đi xa đến ngày hôm nay phải không nào?
El-Hadary không biết chuyện gì sẽ diễn ra sau World Cup. Đó là một điều nữa mà anh cố gắng không nghĩ tới. Khi gặp áp lực, anh nói có thể sẽ từ giã đội tuyển quốc gia. Anh từng làm điều này một lần năm 2013 trước khi chiếc điện thoại lại rung lên, nhưng anh nghĩ rằng lần này nếu từ giã sẽ không còn được đội tuyển Ai Cập gọi trở lại nữa. Anh sẽ tiếp tục sự nghiệp câu lạc bộ mùa tới với Al-Taawoun cho tới khi không còn ai cần. Sau đó anh sẽ chơi với các con nhiều hơn một chút. Còn đâu anh sẽ vẫn ngồi trong bồn tắm đá mỗi ngày cho tới khi từ giã cõi đời.
Tuy nhiên lão tướng ấy chia sẻ sau này sẽ không làm công việc gì liên quan tới bóng đá nữa. Anh sẽ không làm quản lý hay huấn luyện. Anh đang là một cầu thủ. Khi anh hoàn thành sự nghiệp thi đấu tức là anh cũng hoàn thành công việc với bóng đá.
Thật khó để dõi theo anh mà không tự hỏi bao giờ điều đó sẽ xảy ra. El-Hadary hoàn thành các bài tập với kỷ luật và trình tự của một người có tuổi. Nhưng quả thực anh vẫn giống như một thanh niên vậy. Anh nhào xuống sân, lăn và tiếp đất như thể trước đó anh chưa bao giờ làm như thế. Sau đó anh phát bóng, cao, thấp, rồi lại cao, thấp. Đã bao nhiêu lần anh chạy theo đường bay của trái bóng? Bạn có thể đoán là hàng triệu lần hoặc cũng có thể là không bao giờ.
Mặt trời sẽ còn tỏa nắng khi El-Hadary còn tiếp tục tập luyện một cách trơn tru và bình tâm. Đôi găng khiến tay anh không bị gãy và mềm dẻo hơn. Anh cản bóng mà gần như không có một tiếng động nào. Nhìn anh thật kiêu hãnh và ngạo nghễ. Người đàn ông ấy như thể là chưa bao giờ nhìn mọi thứ rõ ràng hơn lúc này, trên một bãi cỏ tươi và trong luồng ánh sáng cuối cùng.
Lược dịch từ bài viết "Essam El-Hadary is about to break a World Cup record ... just don't ask him about his hands" của tác giả Chris Jones trên ESPN.

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.