Ernesto Valverde và thứ ngục tù mang tên "quá khứ" của Barcelona

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 17/01/2020 17:41(GMT+7)

Dưới thời Valverde, Barcelona vốn đã là một tập thể rất thành công. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của Setién vào lúc này chính là khôi phục lại cái thứ gọi là “phong cách” ở họ.

Dù cho đang đứng trên đỉnh La Liga và bất bại tại Champions League, nhưng Barcelona vẫn sa thải vị huấn luyện viên trưởng của họ vì thất bại trong nhiệm vụ tái hiện tại những hình ảnh của đội bóng này ở thời kì hoàng kim. 
 
 
Vào mùa hè năm ngoái, Barcelona đã đưa ra một quyết định thương mại mà ít ai nằm bên ngoài giới kinh doanh thể thao sẽ chú ý đến. 
 
Từ năm 2001, Barcelona đã ký một bản hợp đồng phụ với Nike, nhà tài trợ áo đấu của đội bóng này, về hoạt động bán hàng. Thông qua một công ty con, Nike đã điều hành ba cửa hàng “chính chủ” của Barcelona và 15 cửa hàng được cấp phép, cũng như giám sát khoảng 328 nhà phân phối được cấp phép. Các sản phẩm “chính hãng” mà họ bán bao gồm khoảng 7000 mặt hàng: Quần áo, cốc và tất cả các loại hàng hóa lặt vặt khác. 
 
Bản hợp đồng với Nike đã hết hạn vào mùa hè năm 2018, và thay vì gia hạn thêm, Barcelona đã quyết định thành lập một công ty riêng của họ - với cái tên Barcelona Licensing and Merchandising – để đảm nhận vai trò mà Nike từng nắm giữ. Động thái này, theo như câu lạc bộ cho biết, sẽ giúp “thu được lợi nhuận kinh doanh lớn hơn và nắm quyền kiểm soát trực tiếp thương hiệu.”
 
Đó là một quyết định rất thông minh. Vào hôm thứ Hai, công ty kiểm toán Deloitte đã xác nhận rằng, trong suốt mùa giải 2018/2019, không một câu lạc bộ nào khác tạo ra được nhiều doanh thu hơn Barcelona: 936 triệu Dollar, tăng thêm 166 triệu Dollar – gần 18% - so với mùa giải trước đó. 
 
Deloitte đã nhận định rằng, sự tăng trưởng đó “chủ yếu là nhờ vào cái quyết định mang hoạt động cấp phép và bán hàng về lại ‘in-house’”. Lần đầu tiên, Barcelona có thể vượt qua cả Manchester United và Real Madrid để trở thành câu lạc bộ bóng đá giàu nhất thế giới. 
 
Đó không phải là mặt trận duy nhất mà Barcelona được đứng ở vị thế dẫn đầu. Sau hai chức vô địch La Liga liên tiếp, đội bóng của nhà cầm quân Ernesto Valverde lại một lần nữa đứng đầu giải đấu này ở mùa giải năm nay. Gã khổng lồ xứ Catalonia đã dễ dàng vượt qua vòng bảng Champions League để tiến vào vòng 16 đội mà không phải trải qua bất kì trận thua nào. Theo như hầu hết các thước đo, thì đây rõ ràng là một câu lạc bộ đang hoạt động rất trơn tru và mạnh mẽ, mọi thứ đều rất tốt.
 
 
Nhưng không lâu sau khi Deloitte công bố các thông tin trên vào thứ Hai, và sau vài tiếng đồng hồ đầy hỗn loạn vì vô số những tin đồn, Valverde đã bị sa thải khỏi vai trò huấn luyện viên trưởng của Barcelona. 
 
Thoạt nhìn, cái quyết định ra thải Valverde – và động thái ký hợp đồng với Quique Setién, một người đàn ông vô cùng tôn sùng những thứ “đẹp đẽ”, để tiếp quản chiếc ghế nóng tại sân Camp Nou – chỉ đơn giản là bằng chứng cho thấy, tại Barcelona, sự thành công không phải là thứ quan trọng duy nhất, mà còn có “phong cách”. Vị trí đầu bảng tại La Liga của Blaugrana đang là một lớp mặt nạ không chỉ che đậy đi việc đội bóng này đã trở nên mong manh, dễ bị tổn thương đến mức nào ở mùa giải năm nay – 3 trận thua và 4 trận hòa, chủ yếu là trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn họ rất nhiều – mà còn là sự tầm thường mà họ đang thể hiện, ngay cả trong các trận thắng.     
 
Những khoảnh khắc thăng hoa vẫn xuất hiện– đè bẹp Sevilla, với tỷ số 4-0, trên sân nhà; một màn trình diễn đỉnh cao trước Mallorca vào tháng 11 – nhờ vào nguồn cảm hứng mang tên Lionel Messi, với một sự bùng nổ chưa từng thấy. Nhưng ngay cả vậy, đã xuất hiện rất nhiều những câu chuyện về niềm tin của các cổ động viên Barcelona, và - ở một mức độ nào đó - chính các cầu thủ bên trong đội bóng, rằng mặc dù Valverde vẫn dẫn dắt câu lạc bộ này giành được rất nhiều chiến thắng, nhưng đó là những chiến thắng “không đúng cách.”
 
Dòng chảy tài năng (tuy vẫn xuất hiện những trường hợp ngoại lệ) từ học viện đào tạo trẻ đã trở nên chậm lại rõ rệt. Phần lớn thời gian, câu lạc bộ này đã không còn có thể tạo nên những điều tuyệt vời đến mức khiến người ta phải choáng ngợp như trước nữa; và tệ hơn, họ trông như thậm chí còn không có khát khao để tạo nên những thứ như vậy nữa. 
 
Tất nhiên, điều tệ nhất chính là những khi Valverde không thể giành chiến thắng. Sự thuận lợi ở vòng bảng Champions League mùa này là một kết quả rất tích cực, nhưng nó sẽ không thể nào xóa bỏ hoàn toàn cơn ác mộng mang tên Stadio Olimpico – nơi mà Barcelona đã bị Roma đè bẹp với tỷ số 4-1 tại vòng tứ kết Champions League 2017/2018 – hay, kinh hoàng hơn, chính là Anfield, nơi mà Messi và các đồng đội đã phải nhận một thất bại nhục nhã vào năm ngoái ở vòng bán kết.
 
Đã có nhiều người dự đoán rằng thất bại trước Roma sẽ là dấu chấm hết cho Valverde tại Barcelona; Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, sau thảm họa trước Liverpool, ông sẽ được trao cho thêm một cơ hội nữa. Ở một mức độ nào đó, điều đáng kinh ngạc là phải mất đến 6 tháng sau đó, và sau thất bại trước Atletico Madrid ở trận bán kết Siêu Cúp Tây Ban Nha, một đấu trường mà chắc chắn không nằm trong diện ưu tiên hàng đầu, Barcelona mới cảm thấy rằng họ không thể tiếp tục mạo hiểm thêm nữa. 
 
Barcelona không phải là cái tên duy nhất, trong kỷ nguyên của những siêu câu lạc bộ này, không nhìn nhận chính mình bằng sự thành công ở đấu trường quốc nội, mà là sức mạnh mà họ thể hiện ở đấu trường châu Âu – và đó, không thể chối cãi, chính là cái thước đo mà người ta đã sử dụng để đánh giá Valverde – và cũng không phải là tên tuổi duy nhất – theo như những gì Pep Guardiola từng nói – có tư tưởng “chỉ chiến thắng thôi là chưa đủ.”
 
Đối với hầu hết các câu lạc bộ có tầm nhìn lớn, Champions League chính là một bài test quan trọng về sự vĩ đại, một đấu trường dành cho những kẻ ngang bằng đẳng cấp, một sân khấu không chỉ giúp cho họ củng cố vị thế của mình, mà còn kéo thêm về các fan hâm mộ mới, mở rộng tầm ảnh hưởng, bao phủ đến các thị trường mới. Dĩ nhiên, các chiến thắng sẽ giúp ích rất nhiều cho những điều đó, nhưng “phong cách” cũng đóng vai trò rất quan trọng: Đạo lý hàng đầu là không chỉ phải làm cho khán giả luôn cảm thấy ấn tượng, mà còn phải khiến họ bị quyến rũ.
 
Điều đặc biệt ở Barcelona là, hơn bất kì một câu lạc bộ nào khác, chính họ đã đặt ra rất nhiều những tiêu chuẩn mà tất cả các siêu câu lạc bộ hiện nay cũng đang áp dụng. Từ năm 2008 đến 2012, Guardiola đã biến đội bóng quê hương mình trở thành tên tuổi được ngưỡng mộ nhất và được cho là nổi tiếng nhất thế giới không chỉ nhờ vào hai lần đăng quang tại Champions League và 3 chức vô địch La Liga. Ông đã đạt được thành công trong việc đó bằng cách biến Barcelona thành một biểu tượng cho cái đẹp, sự tinh tế và phong cách trong thế giới bóng đá. 
 
Chính điều đó là thông điệp mà Barcelona Licensing and Merchandising đã in trên những chiếc khăn, những chiếc cốc, cũng như các vật phẩm khác và phân phối chúng ra khắp thế giới: Không phải là một chiếc huy hiệu hay logo, không phải là sự thành công ở hiện tại, càng không phải là cái phong cách ở hiện tại, mà là những giá trị mà Barcelona được nhìn nhận như một tên tuổi đại diện cho chúng. Những giá trị đó không hề được tạo ra bởi đội bóng của Xavi Hernández, Andres Iniesta, và Messi, mà chính họ đã được định hình bởi chúng. 
 
Đó chính là “luồng doanh thu” mà ban lãnh đạo Barcelona muốn thâu tóm về lại với in-house: Ký ức. Đó là một thứ không cụ có thể sinh lời rất lớn, nhưng cũng là một gánh nặng đầy khắc nghiệt. Giống như tất cả các siêu câu lạc bộ khác, Barcelona phải giành chiến thắng. Giống như tất cả các siêu câu lạc bộ khác, họ phải giành chiến thắng với một phong cách thuyết phục và hấp dẫn, hoặc ít nhất, là một thứ gì đó gần giống như thế. Tuy nhiên, không giống như những tên tuổi khác, Barcelona phải duy trì (hoặc tái hiện lại – trong trường hợp nó đã biến mất) – trong suy nghĩ của chính họ và trong suy nghĩ của các fan hâm mộ - một cái hình ảnh rất cụ thể về những gì mà họ từng thể hiện chỉ cách đây vài năm.
 
 
Valverde đã hoàn thành tốt tiêu chí đầu tiên. Ông đã gục ngã trước yêu cầu thứ hai. Và ông thậm chí còn chưa bao giờ có thể đưa tay đến gần với tiêu chuẩn thứ ba. Ở một mức độ nào đó, thất bại này không phải hoàn toàn là lỗi của ông: Xavi và Iniesta đã ra đi từ lâu. Dĩ nhiên, Messi vẫn rất tuyệt vời, nhưng sự nhiệt huyết của ngày trước đã không còn nữa, và không thể không đề cập đến sự yếu kém của thượng tầng câu lạc bộ: Công tác tuyển dụng cầu thủ hoạt động một cách vô định hướng; những đợt thay tướng thiếu tính toán, tầm nhìn, và một đội hình già nua, đôi khi bị mất tập trung và thường được trao cho quyền lực lớn quá mức; một ban lãnh đạo không có tầm nhìn rõ ràng về định hướng của câu lạc bộ, ít nhất là trên sân cỏ. 
 
Có lẽ Setién sẽ là một sự lựa chọn tốt hơn. Chắc chắn, những gì mà ông đã thể hiện – trong khi Valverde luôn là một con người cực kì thực dụng, thì người kế vị của ông, theo như El País mô tả, đã dành cả sự nghiệp của mình để “trao trọn tình yêu cho quả bóng” – đang mang đến cảm giác như ông sẽ là một nhân vật phù hợp hơn với đường lối của Barcelona, dù cho với bảng lý lịch của mình, người đàn ông này sẽ là một phương án vô cùng kì quặc cho chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ lớn nhất và giàu có nhất thế giới bóng đá. 
 
Dưới thời Valverde, Barcelona vốn đã là một tập thể rất thành công. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của Setién vào lúc này chính là khôi phục lại cái thứ gọi là “phong cách” ở họ. Tất nhiên, không phải là không thể đạt được cả hai thứ đó cùng một lúc, nhưng đó không phải là điều mà Barcelona đang tập trung tìm kiếm vào lúc này. Đó thật sự không phải là điều sẽ xác định Setién là một sự lựa chọn thành công hay thất bại vào thời điểm hiện tại. Những gì mà Barcelona khao khát, hơn bất cứ điều gì khác – những gì mà ông cần làm, để giúp cho câu lạc bộ này cảm thấy trọn vẹn một lần nữa – chính là giúp cho “hiện tại” trở nên giống với “quá khứ.”
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Ernesto Valverde and the Prison of Barcelona’s Past” của Rory Smith, đăng tải trên The New York Times.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.