Ernesto Valverde và cuộc sống nhìn qua khung ngắm

Tác giả CG - Thứ Bảy 18/09/2021 17:00(GMT+7)

Zalo

18 tháng qua, Ernesto Valverde tạm thời rời xa bóng đá. Ông dành thời gian và tâm sức cho một niềm đam mê thứ hai của mình là nhiếp ảnh. Mới đây, ông đã mở triển lãm trưng bày những tác phẩm của mình.

Tháng 5/2017, Barcelona bổ nhiệm Ernesto Valverde thay thế Luis Enrique trên cương vị HLV trưởng Barcelona. Tất nhiên, như bao cuộc bổ nhiệm HLV ở bất cứ đội bóng lớn nào, ông phải thực hiện nghĩa vụ phỏng vấn với đội ngũ truyền thông của Barcelona để chia sẻ về cảm xúc, tầm nhìn với CLB. Nhưng cuộc phỏng vấn đầu tiên của Valverde với một đơn vị truyền thông không phải Barcelona lại không nói về bóng đá. Trong cuộc trò chuyện với tờ nhật báo La Vanguardia ngày hôm đó, chủ đề mà ông nói tới lại là về nhiếp ảnh.
 
“Với tôi bây giờ nhiếp ảnh không chỉ là sở thích mà là thứ tôi đầu tư một cách rất nghiêm túc trong cuộc sống”, nhà cầm quân sinh năm 1964 chia sẻ trong cuộc phỏng vấn thời điểm đó. “Năm tôi 17 tuổi, khi đang thi đấu cho Alaves, tôi học lấy bằng điện tử, một nghề sau này tôi không dính dáng gì cả. Lúc đó tôi rất thích chụp ảnh nhưng vẫn chỉ là sở thích thôi. Cho đến một ngày, khi tôi nhận những đồng lương đầu tiên của công việc cầu thủ, tôi bảo bạn tôi mua hộ một chiếc máy ảnh từ quần đảo Canary. Nó có giá 40.000 peseta, tôi còn nhớ rất rõ”.

Ernesto Valverde
Ernesto Valverde đang có cuộc triển lãm ở Bilbao trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh của ông. Ảnh: Athletic Bilbao
 
Và hành trình thực hành nhiếp ảnh đó kéo dài suốt nhiều chục năm trời. Năm 2012, ông xuất bản tập sách ảnh mang tên “Medio tiempo” (Giờ giải lao) đồng thời mở một cuộc triển lãm ở Athens để giới thiệu các tác phẩm. Năm 2021, tập sách ảnh thứ hai mang tên “Frontera” (Biên giới) được xuất bản. Tháng 6 vừa qua, triển lãm “Beste Aldea” (Phía bên kia) được tổ chức ở San Sebastian và ngày 15/9, triển lãm tiếp tục diễn ra ở Bilbao. Triển lãm trưng bày toàn bộ những bức ảnh đen trắng mà Valverde chụp người hâm mộ các đội bóng mà ông từng dẫn dắt như Athletic Bilbao, Olympiakos và Barcelona. Các bức ảnh chủ yếu được chụp theo phong cách snapshot. 
 
Trong cuốn “Medio tiempo”, nhà văn  Bernardo Atxaga nhận xét như sau: “Những bức ảnh của Ernesto Valverde được thực hiện bởi một bàn tay của người Nhật Bản khi quan sát phong cảnh, nội thất và một tay của người Đức với những bức chân dung”. Valverde thực sự nghiêm túc và đầu tư cho nhiếp ảnh. Ông bắt đầu cầm máy từ năm 15 tuổi với người bạn là một chiếc Olympus PEN. Trong quãng thời gian khoác áo Barcelona, ông từng học tại Viện Nghiên cứu Nhiếp ảnh Catalunya. 
 
Sau khi kết thúc sự nghiệp quần đùi áo số, Valverde đã từng có ý định theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh toàn thời gian chứ không phải làm HLV, song “năm tháng trôi qua, bạn bắt đầu hiểu trận đấu hơn và muốn biết nhiều hơn nữa”. Ông tạm gác những tấm ảnh sang một bên để làm việc với sa bàn, chiến thuật, song nhiếp ảnh không hoàn toàn biến mất trong đời sống của chiến lược gia này. 10 năm trước, ông cùng nhiếp ảnh gia Ricky Davila lập ra một studio mang tên CFC Bilbao. 
 
Có thể nói, hai sự nghiệp này song hành một cách tự nhiên với nhau, đã có những quãng thời gian ông không chụp một bức ảnh nào bằng máy ảnh vì dành toàn bộ tâm sức cho bóng đá, song niềm đam mê là thứ không dễ bị biến mất. Như nhà báo Jon Rivas, người mới đây thực hiện phỏng vấn với Valverde trên tờ El Pais, nhận xét: “Phỏng vấn Ernesto Valverde luôn là thử thách nhỏ với biên tập viên, không phải bởi những câu trả lời của ông lắt nhắt, nhàm chán hay vì ông khó chịu. 
 
Ngược lại, ông ấy rất thông minh và lịch sự. Nhưng vấn đề là ông thích chú ý đến nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh hơn. Họ trao đổi với nhau về góc độ, khẩu độ, chủ thể,.. những điều mà có lẽ biên tập viên không hiểu. Họ trò chuyện về những tiến bộ trong nhiếp ảnh, những bộ ảnh mà chỉ hai người mới biết hay những cuộc triển lãm mà họ đã hoặc sắp đi”.

Ernesto Valverde
Một tác phẩm của Valverde được trưng bày tại triển lãm
 
Với Valverde, nhiếp ảnh và bóng đá rất khác biệt, song nó cũng có những điểm chung đó là phải kiểm soát rất nhiều yếu tố, làm chủ tình huống và đôi khi phải đưa ra quyết định thật nhanh, ví dụ như trong chụp ảnh là lựa chọn “focus” vào chủ thể nào. Trong khi đó, bước vào lab và tráng phim tạo nên một cảm giác hấp dẫn với ông. “Khoảnh khắc ở trong lab, ngửi mùi axit axetic, chỉ bật duy nhất một bóng đèn đỏ, bắt đầu công việc rồi sau đó những bức ảnh hiện ra thật tuyệt vời”.
 
Cá tính ảnh của Valverde được nhận xét là không dễ dãi và nhẹ nhàng, thậm chí nó có phần dữ dội và quyết liệt, bao gồm cả những cảnh chết chóc. “Tôi thấy cái chết rất có tính ảnh. Tôi sử dụng nó như một lời thức tỉnh. Hãy nhìn mà xem, tôi không nghĩ quá nhiều đến cái chết, nhưng tôi thấy việc con cái chôn cất cha mẹ là bình thường”, chiến lược gia tới từ Viandar de la Vera chia sẻ.
 
Dù vậy, như mọi nhiếp ảnh gia khác, Valverde cũng có những nguyên tắc của riêng mình, ví dụ như không bao giờ mang máy ảnh vào phòng thay đồ bởi ông muốn tôn trọng sự riêng tư của các cầu thủ. Hơn nữa, khi ở trong đó tức là lúc ông đang làm việc, mà đã làm việc thì ông muốn hoàn toàn tập trung cho nó.
 
18 tháng sau khi chia tay Barcelona, Valverde đang tạm rời xa bóng đá. Không biết bao giờ ông sẽ tạm thời đặt máy xuống để cầm lại sa bàn, nhưng có lẽ sau những năm tháng mệt mỏi với chiến thuật, quản lý phòng thay đồ, giờ đây ông đang được sống trọn vẹn với niềm vui của bản thân.

Những nhiếp ảnh gia yêu thích của Ernesto Valverde là Ricky Davila, Alberto Garcia-Alix, Vari Carames hay những bậc thầy nổi tiếng thế giới như Daido Moriyama, Anders Petersen. Đặc biệt, Valverde đã từng có dịp gặp Moriyama trong quãng thời gian làm HLV trưởng Barcelona khi cùng đội bóng chủ sân Camp Nou đến Nhật Bản du đấu.

Tại đây, trong quãng thời gian không làm nhiệm vụ ở CLB, ông đã được đưa tới Daido Moriyama Foundation và vị nhiếp ảnh gia lão làng đã đứng chờ sẵn ở đó. Sau này, khi thực hiện xong cuốn “Frontera”, Valverde lại gửi cho Moriyama một bản. Nhiếp ảnh gia người Nhật Bản gửi lại cho cựu HLV Barca một tấm ảnh ông chụp cùng với cuốn sách này ở Tokyo. “Trong khoảnh khắc ấy, với tôi đó là điều tuyệt vời nhất trên đời”, Valverde chia sẻ.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow