Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 25/04/2024 15:40(GMT+7)

Zalo

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi 1
 

Nếu lượt sút luân lưu cuối cùng của Real Madrid do Antonio Rudiger thực hiện đi lệch thêm khoảng 2,5cm về phía bên trái, khả năng ăn 3 mùa thứ 2 liên tiếp của Manchester City sẽ cực kỳ cao.

Nếu gọi mùa giải này là một cuộc khủng hoảng đối với Haaland nói riêng và Man City nói chung, thì đó sẽ là một cuộc khủng  hoảng mà bất kỳ ai cũng muốn được trải qua cả.

Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là cỗ máy săn bàn tóc vàng của Man City đang không đáp ứng được trọn vẹn những kỳ vọng mà mình gánh vác.

Trong 6 tuần qua, Haaland chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn thắng không phải penalty và không có một pha kiến tạo nào trong 7 trận đấu. Anh đã “tàng hình” trước Arsenal và Liverpool – những trận đấu có thể giúp Man City “hủy diệt” Premier League nếu giành được chiến thắng. Trong cả 2 lượt trận đi và về trước Real Madrid ở vòng tứ kết Champions League, ngôi sao người Na Uy đã không ghi được bàn nào sau 6 cú dứt điểm – chỉ có 2 cú đi trúng đích – và chỉ thực hiện thành công tổng cộng 11 đường chuyền.

Mùa giải 2023-24 đã tiến tới một giai đoạn cực kỳ quan trọng và cam go, nhưng tay săn bàn hàng đầu của Man City thì lại đang chơi như thể “cưỡi ngựa xem hoa” trên sân đấu.

Vấn đề chính yếu rất đơn giản: Những cú dứt điểm của Haaland đang không “tự động” đi vào lưới như trước đây.

88a51f02-962e-42e3-8e40-b139a48bcafe
 

Sở dĩ Haaland có thể trở thành một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới là vì anh cực giỏi trong việc “đánh hơi” những cơ hội ngon ăn.

Trong 5 mùa giải chinh chiến ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu và Champions League, thống kê “bàn thắng kỳ vọng không tính penalty” (Non-penalty xG) trung bình mỗi 90 phút của Haaland luôn được duy trì ở mức khoảng 0,76. Đây là một con số cực kỳ tốt, chỉ đứng sau Robert Lewandowski trong cùng khoảng thời gian.

Tuy nhiên, điều đã khiến ngôi sao người Na Uy không chỉ là một tiền đạo “world-class” đơn thuần mà thậm chí còn là một trong những tay săn bàn cừ khôi nhất mọi thời đại chính là khả năng tận dụng cơ hội tốt đến phi thường của anh. Vào thời điểm rời Borussia Dortmund để chuyển đến Manchester City, ở tuổi 20, Haaland đã ghi 74 bàn từ những cơ hội có giá trị “bàn thắng kỳ vọng” là 54,5 tại các đấu trường hàng đầu, tức là vượt trên 36% so với thành tích ghi bàn mà một chân sút trung bình dự kiến sẽ đạt được từ những cơ hội tương tự.

Miễn là Haaland có thể duy trì khả năng đánh hơi cơ hội tốt hơn bất kỳ ai và tiếp tục tung ra những cú dứt điểm tốt hơn bất kỳ ai, thì ngay cả chiến tích săn bàn đồ sộ của G.O.A.T Lionel Messi cũng chẳng được an toàn.

Vào mùa hè năm 2022, khi tờ The Athletic phân tích các rủi ro trong thương vụ chuyển nhượng giữa Dortmund, Haaland và Man City, một trong những điểm đáng lo ngại được ký giả John Muller chỉ ra là rất hiếm cầu thủ có thể duy trì khả năng dứt điểm “vượt kỳ vọng” phi thường đến mức đó tồn tại thật lâu dài. Tuy Haaland rõ ràng là một chân sút cừ khôi và vượt xa hai chữ “trung bình”, nhưng nhiệm vụ duy trì bền vững con số 36% kia thực sự là rất khó. Nếu muốn dự đoán ngôi sao người Na Uy có thể ghi bao nhiêu bàn trong tương lai, bạn nên chú ý vào “chất lượng” của những cơ hội mà anh có được thay vì hiệu suất ghi bàn trong quá khứ của anh.

Trong mùa giải đầu tiên của Haaland tại Man City, hóa ra dự đoán của John Muller lại sai lầm tới mức nực cười (chính ký giả này đã thừa nhận như vậy). Thành tích ghi bàn thực tế của anh ở Premier League và Champions League đã một lần nữa “nghiền nát” dữ liệu kỳ vọng – mặc dù lần này mức vượt trội chỉ là 25%, nhưng nhiêu đó là quá đủ để tiền đạo người Na Uy phá vỡ hàng loạt kỷ lục săn bàn và đoạt lấy mọi danh hiệu trong tầm mắt.

Tuy nhiên, khả năng dứt điểm là một khía cạnh rất thất thường và ở mùa giải này, lần đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ, Haaland đã sa sút trong việc đó.

Anh vẫn cực giỏi trong việc tìm kiếm các cơ hội ghi bàn – được ghi nhận 0,77 bàn thắng kỳ vọng không tính penalty trung bình mỗi 90 phút trên 2 đấu trường Premier League và Champions League mùa này, ngang bằng với mức trung bình của toàn sự nghiệp ngôi sao người Na Uy – nhưng cho đến nay, thành tích phá lưới thực tế của anh đang thấp hơn dữ liệu kỳ vọng 20%, qua đó hạ bệ anh từ “Gerd Muller tái thế” xuống “Romelu Lukaku da trắng”.

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi 2
 

Phần lớn nguyên nhân là vì sự đen đủi. Ví dụ, nếu cú đánh đầu cận thành của Haaland trong trận đấu lượt về với Real Madrid sượt qua mặt dưới của xà ngang thay vì dội ra ngoài, sẽ chẳng còn ai viết rằng “Haaland đang khủng hoảng phong độ ghi bàn” nữa. Đôi khi, chuyện chỉ đơn giản là những cú dứt điểm của anh không đưa bóng đi vào lưới.

2 mùa giải mà Haaland đã trải qua ở Man City đã mang tới cho chúng ta nhiều thông tin hơn về chuyện khả năng dứt điểm của anh thực sự nằm ở cấp độ nào.

Anh là một trong 49 cầu thủ đã thực hiện tối thiểu 500 cú dứt điểm ở Top 7 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, Champions League và Europa League tính từ mùa giải 2017-18. Sau khi điều chỉnh những con số nói về khâu dứt điểm của các chân sút bằng cách sử dụng một kỹ thuật do giám đốc Laurie Shaw của bộ phận phân tích dữ liệu bóng đá tại City Football Group vạch ra, thật bất ngờ, Haaland vẫn là một cái tên cực giỏi trong việc đưa bóng vào lưới.

Phương pháp này ước tính rằng hiệu suất ghi bàn “thực tế” của Haaland cao hơn dữ liệu kỳ vọng khoảng 15%. Có thể ngôi sao người Na Uy không đứng cùng cái tầm của Messi, nhưng anh tuyệt đối không phải là “Lukaku da trắng”.

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi 3
 

Khi được yêu cầu đưa ra một con số về chuyện tình trạng sa sút mà Haaland đang trải qua trong khâu ghi bàn lạ thường đến mức nào, nhà khoa học dữ liệu Tony El Habr đã so sánh 131 cú dứt điểm của anh ở mùa giải này với các mẫu tương tự được lấy một cách ngẫu nhiên từ toàn bộ sự nghiệp của Haaland. Kết quả là chỉ có vỏn vẹn 2% mẫu trong số đó cho thấy tiền đạo người Na Uy ghi bàn kém hơn 20% so với dữ liệu kỳ vọng. Hay nói cách khác, Haaland đã đột nhiên “quên” mất cách ghi bàn, hoặc mùa giải này là một mùa giải xui xẻo, đen đủi tới mức khủng khiếp đối với ngôi sao 23 tuổi.

Nếu tôi nhất định phải chỉ ra một lý do thực sự đáng lo ngại cho tình trạng này, thì đó sẽ là việc Haaland đang phải thực hiện những kiểu dứt điểm khác với sở trường của anh.

Nhìn lại thuở ngôi sao người Na Uy còn đang chinh chiến cho Red Bull Salzburg và Dortmund, kiểu cơ hội ghi bàn sở trường của anh chính là những tình huống phi nước đại vượt qua các cầu thủ phòng ngự trong giai đoạn tổ chức phản công của đội mình, sau đó dứt điểm uy lực bằng chân trái. Nhưng khi chơi trong hệ thống đề cao sự kiểm soát tới mức cực đoan của Pep Guardiola ở Man City, rất khó để anh có được những tình huống như vậy. Tại đội chủ sân Etihad, kiểu cơ hội ghi bàn mà Haaland thường có nhất là các pha dứt điểm ở cột xa trong một vòng cấm chật cứng người sau những quả tạt của đồng đội.

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi 4
 

Trong bài phân tích của John Muller cho The Athletic đã đề cập ở trên, ông cũng đã lập luận rằng một tiền đạo mà cho đến thời điểm ấy những cú đánh đầu chỉ chiếm 10% trong các pha dứt điểm của anh ta như Haaland có lẽ sẽ không thể giúp ích nhiều khi Man City đương đầu với các khối phòng ngự tầm thấp, và đây chính là kiểu hệ thống mà đội chủ sân Etihad rất thường xuyên phải đối phó. Tuy nhiên, mới đây, Muller đã thừa nhận rằng mình cũng sai nặng trong chuyện này: Hóa ra, Haaland chẳng gặp vấn đề gì với việc thay đổi lối chơi và thực hiện nhiều cú đánh đầu hơn cả.

Mùa giải này, 29% những cú dứt điểm của anh là các pha đánh đầu, tỷ lệ này chỉ đứng sau duy nhất Dominic Solanke của Bournemouth (30%).

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi 5
 

Điểm đáng lưu ý nhất trong chuyện này là mặc dù Haaland đã liên tục “nghiền nát” các mô hình thống kê với những cú dứt điểm bằng chân, nhưng thành tích ghi bàn bằng đầu của anh lại kém hơn dữ liệu kỳ vọng khoảng 10%. Ở một mức độ nào đó, việc biến Haaland thành một chân sút kiểu khác có thể đã cướp đi “siêu năng lực” hủy diệt xG của anh.

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi 6
 

Tuy nhiên, những lập luận trên về chuyện dứt điểm chỉ đơn giản là nhằm mục đích lý giải tình hình hiện nay. Chỉ cần Haaland duy trì khả năng tìm kiếm cơ hội của mình như anh đã luôn làm, sớm muộn gì ngôi sao người Na Uy cũng sẽ lại tiếp tục ghi bàn với hiệu suất khủng, và miễn là anh tiếp tục ghi bàn, Man City sẽ tiếp tục là một đội bóng cực mạnh. Vấn đề ở đây là chúng ta không nên nghĩ rằng chàng trai này sẽ luôn luôn “sút phát ch.ết luôn” như anh đã làm ở mùa giải trước. Sẽ có những khoảng thời gian mà các pha dứt điểm “tự dưng” liên tục không đi vào lưới. Sẽ có những lúc Haaland trông giống như một con người bình thường.

Còn vấn đề đối với Man City là họ đã quá trông chờ vào khả năng dứt điểm của Haaland để khắc phục những vết nứt trong phong độ tổng thể của toàn đội.

Trong mùa giải đầu tiên của Haaland tại Anh, hiệu số bàn thắng bại kỳ vọng không tính penalty của Man City đã suy giảm hơn nửa bàn mỗi trận. Sang mùa giải này, con số đó đã càng tụt giảm hơn nữa. Thật khó để thấy rõ việc đánh đổi các hậu vệ cánh và sự linh hoạt để lấy một nhóm những gã khổng lồ rắn rỏi có giúp đội bóng này tốt hơn hay không, trừ khi một trong số họ tạo nên những bàn thắng không tưởng.

Erling Haaland không khủng hoảng. Manchester City cũng vậy. Tuy nhiên, bài học cần được rút ra ở mùa giải này là họ không nên trông chờ rằng những cú dứt điểm của ngôi sao người Na Uy sẽ luôn đi vào lưới.

Theo John Muller, The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

X
top-arrow