Erik ten Hag chật vật ở MU: Chiến thuật nhượng bộ và sự thiếu tự tin

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 12/05/2024 14:16(GMT+7)

Vấn đề không phải là MU bước vào trận đấu với tư cách là đội yếu hơn, mà bởi họ cảm thấy thoải mái nhất khi chơi với tư cách là đội yếu hơn.

 

Khi nhìn vào các sự kiện dẫn đến việc một HLV mất phương hướng tại một CLB, có vẻ khá điên rồ khi việc chúng ta làm lại là nghĩ về chiến thắng đầu tiên của họ trên cương vị lãnh đạo.

Nhưng khi Erik ten Hag giành chiến thắng đầu tiên cùng Manchester United vào tháng 8/2022, có điều gì đó không ổn trong màn trình diễn này. Đó là chiến thắng quan trọng 2-1 trên sân nhà trước Liverpool, nhưng lại không phải là chiến thắng về mặt lối chơi của Ten Hag.

Bởi Ten Hag đã quyết định nhượng bộ. Sau khoảng thời gian ngắn cố gắng áp đặt phong cách bóng đá của Ajax Amsterdam cho Man United và bị đánh bại một cách thuyết phục bởi cả Brighton và Brentford (thậm chí họ thua 4 bàn không gỡ trước Brentford), Ten Hag đã quay trở lại những điều cơ bản. Man United gặp nhiều áp lực ở đầu trận do bị đội khách pressing quyết liệt. Đội chủ nhà ghi 2 bàn thắng nhờ các pha dàn xếp tốt, nhưng những khoảnh khắc tốt nhất của họ chủ yếu đến từ các pha phản công.   

Đây là điều dễ hiểu nếu xét trên những khó khăn trước đó của Man United, cũng như nỗi sợ hãi của Ten Hag khi bắt đầu sự nghiệp ở Old Trafford với 3 trận thua liên tiếp. Nhưng đó là phong cách bóng đá đơn giản, thứ thường giúp họ giành được kết quả khả quan dưới thời Jose Mourinho và Ole Gunnar Solskjaer.  

Người hâm mộ từng tự hỏi cách tấn công của Man United dưới thời những HLV đó là gì, và giờ họ đang đặt câu hỏi tương tự dưới thời Ten Hag, một phần vì chiến thắng trước Liverpool đã đặt ra một hình mẫu. Mùa trước, M.U dưới thời Ten Hag ghi nhiều bàn từ các pha phản công nhất giải. Còn nếu xét đến số bàn thắng còn lại – tính từ tình huống bóng sống, cố định cho đến phạt đền – M.U chỉ xếp thứ 9.    

Giống như những người đi trước, câu chuyện không chỉ đơn giản là Ten Hag đã thất bại. Chính xác thì là đội bóng của họ đều sụp đổ sau khi chơi tốt ở mùa giải đầu tiên. Louis van Gaal đã đưa Man United đứng thứ tư trong mùa giải đầu tiên. Mourinho đã giành được League Cup và Europa League. Solskjaer có giai đoạn tạm quyền ấn tượng và giúp đội đứng thứ 2, còn Ralf Rangnick đã có 45 phút đầy năng lượng trước Crystal Palace.

 

Còn Ten Hag đã đưa Man United đứng thứ ba mùa trước và có nhiều trận giữ sạch lưới nhiều nhất Premier League. Ngoài ra, đội bóng của ông đã lọt vào cả 2 trận chung kết cúp quốc nội. Nhưng kể từ đó, Man United đã thụt lùi trên mọi khía cạnh. Trong khi những chỉ trích chủ yếu nhắm đến các cá nhân, những vấn đề tập thể mới là điều đáng lo ngại nhất khi đánh giá tương lai của một nhà cầm quân.

Vị trí thứ ba của M.U mùa trước rất ấn tượng, nhưng những thông số cơ bản lại kém thuyết phục. Hiệu số bàn thắng bại của họ vẫn dương, nhưng +15 là một hiệu số thấp đến kỳ lạ đối với một đội bóng xếp thứ ba. Nên nhớ rằng, 10 đội đứng thứ ba ở Premier League trước đó có hiệu số bàn thắng bại trung bình là +35. M.U từng bị “nghiền nát“ 3 lần (4-0 trước Brentford, 6-3 trước Manchester City, 7-0 trước Liverpool), nhưng lại không thắng trận nào mà ghi nhiều hơn 3 bàn.

Mùa này chứng kiến họ thua 0-3 trước Bournemouth và 0-4 trước Crystal Palace, đồng thời chỉ có 4 chiến thắng với cách biệt nhiều hơn 1 bàn (2 lần trước Everton cộng với West Ham và Sheffield United trên sân nhà). Đó là lý do hiệu số bàn thắng bại của Man United lúc này là -3. 

Tất nhiên, có những khía cạnh chúng ta cần thông cảm cho họ. Chấn thương trở thành cơn ác mộng khủng khiếp tại hàng phòng ngự M.U. Lisandro Martinez không chỉ chơi nổi bật suốt mùa giải trước; anh là người đại diện cho những gì Ten Hag muốn từ những cầu thủ khác. Martinez giúp M.U lên bóng thoải mái từ hàng thủ, cũng như rất tích cực trong việc giành bóng. Anh cũng chơi ăn ý với Raphael Varane. 

Nhưng Martinez đã không thi đấu trọn vẹn 90 phút kể từ tháng 8. Những đồng đội của anh ở hàng thủ cũng phải ngồi ngoài vì chấn thương. Điều đó đồng nghĩa với việc trung vệ được sử dụng nhiều nhất của Man United mùa này là Harry Maguire. Mặc dù đội trưởng của M.U không chơi tồi như cách những meme chế giễu anh, Maguire là mẫu hậu vệ hoàn toàn khác khi anh phải chơi trong một hàng thủ lùi sâu.  

Điều này đã gây ra những tổn hại. Về cơ bản, họ giải phóng hợp đồng cho David de Gea để mang về Andre Onana, qua đó giúp M.U trở nên giống Ajax hơn. Onana thi đấu không ổn định nhưng nhìn chung là tích cực. Những thông số cơ bản cho thấy anh là một trong những thủ môn giỏi ở giải đấu. 

Nhưng khả năng cản phá không phải là điều Man United đang cố gắng cải thiện. Dù De Gea đã qua thời đỉnh cao, cần nhắc lại rằng anh là người giữ sạch lưới nhiều nhất ở Premier League mùa trước. Bất chấp việc M.U đang cố gắng sử dụng một thủ môn thoải mái hơn với trái bóng bóng trong chân, việc liên tục có những xáo trộn ở hàng thủ cũng như sự vắng mặt của Martinez – 1 cái tên khác từ Ajax khiến sự thay đổi về phong cách không thể xảy ra.

Đáng chú ý là Man United thường xuyên để thủ môn phất dài trong những tình huống mà các đội bóng hàng đầu khác sẽ chuyền ngắn. Theo Opta, ở mùa giải trước, 37% số đường chuyền của thủ môn bên phía M.U được thực hiện ở khoảng cách hơn 36m. Mùa này, con số đó là 36%. Tất nhiên, không phải đường chuyền dài nào cũng giống nhau và khả năng điều phối bóng của Onana chắc chắn hơn De Gea, nhưng nó cho thấy họ không tỏ ra kiên nhẫn với việc triển khai bóng.

 

Những đường chuyền của Onana mùa này. Có thể thấy số lượng đường chuyền dài rất nhiều.

Nếu bạn cảm thấy ngạc nhiên trước sự thiếu sự gắn kết giữa thủ môn và hàng thủ, hãy đợi cho đến khi bạn thấy khoảng cách giữa hàng thủ...

 

... và hàng tiền vệ của M.U. Nó rộng như khoảng cách của 2 đoạn văn này. 

Ten Hag đang dẫn dắt một đội bóng có hàng phòng ngự lùi sâu và một hàng tiền vệ dâng cao để pressing. Hậu quả là xuất hiện một khoảng trống đáng báo động giữa các tuyến. Nếu Casemiro từng có thể một mình che lấp khoảng trống đó – anh làm rất tốt điều này mùa trước – thì đến mùa giải 23/24, anh không những chật vật ở công việc này, mà còn khiến lỗ hổng trở nên trầm trọng hơn bằng cách lao vào những pha tranh chấp mà anh không thể thắng. Kobbie Mainoo chơi tốt khi M.U kiểm soát bóng, nhưng thường xuyên khiến M.U để lộ khoảng trống khi không có bóng. Scott McTominay là một cầu thủ hạng khá, nhưng chả có đóng góp gì ở hàng tiền vệ. 

Điều này dẫn đến số bàn thua đáng báo động từ những pha nhả bóng của đối phương từ rìa vòng cấm, giống như bàn thua trong trận gặp Nottingham Forest…

 

… hay như trận đấu với Tottenham…

 

… hoặc là trong trận gặp Brentford, dù công bằng mà nói nó xảy ra sau một tình huống cố định ở phút cuối.

 

Thế còn mặt trận tấn công thì sao? Khi nói về triết lý huấn luyện, đây là lĩnh vực mà các nhà cầm quân cảm thấy thoải mái nhất. Nhìn chung, họ rất vui khi giúp các cầu thủ thích nghi với hệ thống mà họ áp dụng. Pep Guardiola đã vô địch Champions League với một số 9 ảo (Lionel Messi) và một số 9 đúng nghĩa (Erling Haaland). Dortmund của Jurgen Klopp có những cầu thủ chạy cánh phục vụ những tiền đạo cắm xuất sắc, còn Liverpool của ông lại có những tiền đạo cắm hết mình vì những cầu thủ chạy cánh tài ba. Nhưng hầu hết các đội bóng thành công đều có một thủ lĩnh, người sẽ dẫn dắt các pha tấn công của họ. 

Man United không có 1 người như thế. Một phần do họ muốn vậy, một phần do hoàn cảnh, một phần do sự quản lý yếu kém của Ten Hag. 

Vì họ muốn vậy? Ten Hag làm chủ tình huống của Cristiano Ronaldo một cách xuất sắc. Ông loại anh trong chiến thắng đầu tiên trước Liverpool, giam lỏng anh dần dần và sau đó để anh ra đi trong cơn giận dữ. 

Hoàn cảnh? Marcus Rashford được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất Man United mùa trước, nhưng phong độ của anh đã sa sút đáng kể trong thời gian này. Mặc dù vậy, đây là vấn đề của Rashford chứ không phải do Ten Hag. 

Còn kỹ năng quản lý yếu kém? Antony đã chứng tỏ mình là một bản hợp đồng tồi tệ dù anh rõ ràng là một trong những bản hợp đồng do Ten Hag đưa về. Trong khi đó, Jadon Sancho đã lọt vào trận chung kết Champions League cùng Dortmund. Chúng ta không nói ai đúng, ai sai ở đây, nhưng về cơ bản Ten Hag đã có mối bất hòa không thể hàn gắn với một cá nhân có đủ khả năng trở thành trụ cột.

Với việc Rasmus Hojlund đang chật vật trước khung thành từ trước Giáng sinh, Man United đang quay trở lại việc phụ thuộc vào Bruno Fernandes. Mặc dù vậy, tuyển thủ Bồ Đào Nha không còn khả năng tỏa sáng ổn định như dưới thời Solskjaer, và thậm chí khi đó anh vẫn luôn là một người theo chủ nghĩa cá nhân hơn là một cầu thủ phục vụ hệ thống.  

 

Ngoài ra, một dấu hiệu cho thấy Man United không thể khả năng xây dựng cách tiếp cận dài hạn, đó là việc họ đã có 7 cầu thủ ghi bàn hàng đầu khác nhau trong 7 mùa giải gần nhất. Hojlund hiện kém Fernandes 1 bàn mùa này và hoàn toàn có thể ghi bàn thứ 8 trong phần còn lại của mùa giải.

Cuối cùng, Manchester United vẫn chưa điều chỉnh theo cách tiếp cận của Ten Hag. Thay vào đó, Ten Hag đã phải điều chỉnh để phù hợp với đội bóng này. Nhà cầm quân người Hà Lan tỏ ra vô cùng chật vật trong việc định hình lại CLB, không chỉ qua các sai lầm của riêng mình mà còn do các vấn đề cá nhân và vấn đề với cấp trên.

Nhưng Ten Hag cần thừa nhận những thất bại của mình và đó không chỉ là vấn đề về chiến thuật. Trông ông không giống một nhà lãnh đạo tự tin với một kế hoạch rõ ràng. Mourinho và Van Gaal đã mang đến sự tự tin ở mức độ nào đó. Solskjaer chắc chắn cảm thấy như ở nhà. Còn Ten Hag, giống như Moyes và Rangnick, có vẻ không thoải mái và không thích việc giao tiếp.

Chưa có lý do gì để khiến Ten Hag phải tìm kiếm các công việc khác. Trong 6 năm gắn bó với Ajax và Manchester United, 5 năm đầu tiên của ông đều có những thành công nhất định. Thậm chí, khoảng thời gian 4 năm đưa Ajax đứng đầu Eredivisie (mặc dù một trong những mùa giải đã kết thúc sớm vì Covid-19) là thành tích vô cùng ấn tượng, bởi Ajax từng trải qua 4 năm không có danh hiệu dưới thời những người tiền nhiệm và sau đó là 2 năm không có danh hiệu dưới thời những người kế nhiệm ông.  

Ông cũng sẽ không phải là người đầu tiên tận hưởng thành công sau khi rời Manchester United. Moyes và Mourinho đã vô địch UEFA Conference League, trong khi Van Gaal và Rangnick đều đang trải qua đỉnh cao ở cấp độ ĐTQG.  

Nhưng cũng có rất ít lý do để giữ Ten Hag ở lại. Về cơ bản, cả kết quả lẫn màn trình diễn của M.U đều đang chống lại ông. Nhưng trên hết, những gì Ten Hag đang hướng tới không có nghĩa lý gì. Mùa này, ông vẫn có thể có danh hiệu giống như người đồng hương Van Gaal, bằng cách giành FA Cup trong trận chung kết sắp tới với Manchester City. 

Bởi vấn đề không phải là United sẽ bước vào trận đấu đó với tư cách là đội yếu hơn, mà là họ cảm thấy thoải mái nhất khi chơi với tư cách là đội yếu hơn.

Theo The Athletic

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.