Eric Cantona: “Hoàng tử” bị thất sủng và “nhà vua” có một không hai (P1)

Tác giả CG - Thứ Sáu 24/05/2019 18:11(GMT+7)

Sự chuyên nghiệp của Cantona đã truyền cảm hứng cho một thế hệ cầu thủ trẻ ở Manchester United để rồi sau đó họ trở thành đội bóng số một châu Âu vào cuối thập niên và thương hiệu bóng đá lớn nhất toàn cầu.

“Những con chim hải âu,” Eric Cantona dừng lại uống ngụm nước giữa những tiếng màn chập máy ảnh khắp xung quanh, “đi theo tàu đánh cá vì chúng nghĩ rằng cá mòi sẽ bị ném xuống biển. Xin cảm ơn”. Nói xong, danh thủ người Pháp đứng dậy và rời khỏi phòng khiến các nhà báo ở đó chết lặng. Câu nói khó hiểu của Cantona đã trở thành bất hủ, được giải nghĩa theo cả ngàn cách và chỉ càng làm tăng thêm sự khó hiểu của ông.

1. Nhắc đến Cantona, có lẽ người ta sẽ nhớ nhất buổi tối tháng 1/1995 trên sân Selhurst Park khi ông tung cú kung-fu vào một cổ động viên hiếu chiến và hung hãn. Dù vụ ẩu đả đó giúp ta có cái nhìn về sự lập dị và nóng tính của cựu cầu thủ người Pháp nhưng chúng không thể nào kể hết toàn bộ câu chuyện về quãng thời gian ông gắn bó với bóng đá Anh. 
 
Cantona giống một người mở đường, ông đến Premier League khi các cầu thủ nước ngoài vẫn là những ngoại lệ chứ không phải một tiêu chuẩn như thời kỳ toàn cầu hóa bóng đá hiện nay. Ông nói lời chào tạm biệt ở trên đỉnh cao của nghề nghiệp, giải nghệ khi mới 30 tuổi và bỏ sau lưng một Manchester United được ông giúp sức để quay trở lại ngôi vị số một của bóng đá Anh sau một vài thập kỷ (mà ngỡ như vô tận) sống trong cái bóng của đại kình địch Liverpool.
 
Sau khi treo giầy, Cantona – vốn chưa bao giờ là một người gò mình tuân theo các quy tắc – đã không đi theo con đường mà nhiều người đã đi. Thay vì chỉ đứng trước cabin huấn luyện hay ngồi ở bàn bình luận, Cantona bước chân vào nghệ thuật, góp mặt trong một vài bộ phim cũng như tham gia sản xuất ở lĩnh vực sân khấu. 
 
Nếu sự nghiệp của ông là một vở kịch, ta có thể chia nó thành hai phần. Phần đầu tiên là giai đoạn gặp rắc rối ở quê hương khi chưa được thừa nhận, tỏa sáng chói lọi nhưng lại xung đột với những nhà quản lý. Phần hai sẽ là những ngày tháng đầu tiên khi ông khoác trên mình chiếc áo đỏ của Manchester United và dù gặp một vài trắc trở nhưng ông đã tìm thấy mảnh đất quê hương tinh thần của mình, cách xa 900 dặm so với Marseille nơi ông ra đời. Và sau đó, như mọi vở diễn sân khấu đặc sắc, phần kết thúc sẽ làm hài lòng tất cả khán giả mà minh chứng là những tràng pháo tay.
 
2. Có lẽ số phận đã định sẵn để Eric Daniel Pierre Cantona phải tìm thấy bình yên ở cách rất xa quê hương. Sinh năm 1966 tại Marseille – thành phố luôn nhộn nhịp ở bờ biển Địa Trung Hải, nơi từ lâu đã là nhà của những người nhập cư từ châu Âu và Bắc Phi – Cantona và ba anh em trai mang hai dòng máu Italia và Tây Ban Nha.
 
Sự nghiệp nay đây mai đó của Cantona bắt đầu khi mới 15 tuổi, ông đã đi gần 600 km lên phía bắc để thi đấu cho Auxerre. CLB nhỏ bé nổi tiếng với học viện đào tạo trẻ này thời điểm ấy do huyền thoại Guy Roux dẫn dắt – người gắn bó 53 năm trên cương vị cầu thủ và HLV, điều chưa từng có – và trở thành người cha thứ hai của Cantona.

Cantona ra mắt Auxerre vào tháng 11/1983, dù có khởi đầu khá hứa hẹn tại sân l'Abbé-Deschamps nhưng chúng bị gián đoạn bởi ông phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau giai đoạn được đem cho mượn ở FC Martigues tại giải hạng Hai Pháp, Cantona trở về Auxerre và ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên ở tuổi 20. Tuy nhiên, những khoảnh khắc gây tranh cãi đầu tiên trong sự nghiệp của ông sắp tới gần.
 

Trong 2 năm cuối tại Auxerre, Cantona bị phạt nặng vì đấm vào mặt thủ môn Bruno Martini và bị treo giò 3 tháng do một pha tắc bóng thô bạo với Michel Der Zakarian của Nantes. Năm 1988, giấc mơ chuyển tới Olympique Marseille đã thành hiện thực. Đội bóng chủ sân Vélodrome đã phá kỷ lục chuyển nhượng bóng đá Pháp thời điểm đó để đưa Cantona về sau khi ông là nhân tố chính giúp U21 Pháp giành chức vô địch giải U21 châu Âu mà đỉnh cao là cú hattrick trong trận bán kết gặp U21 Anh.
 
Và không mất quá nhiều thời gian để những rắc rối bủa vây lấy ông tại đội bóng mà ông hâm mộ từ nhỏ. Tháng 1/1989, không hài lòng khi bị thay ra trong một trận giao hữu giữa mùa gặp Torpedo Moscow, Cantona đá quả bóng vào cổ động viên đội mình trước khi cởi áo và ném thẳng vào trọng tài. Vụ việc này khiến ông Bernard Tapie, Chủ tịch của Les Olympiens (biệt danh của Marseille), tức giận và đem ông cho mượn tại Bordeaux rồi đến Montpellier sau khi đã treo giò 1 tháng.
 
Dù Montpellier kết thúc mùa giải 1989/1990 ở vị trí thứ 12, họ vẫn vô địch Coupe de France (cúp Quốc gia) với những cầu thủ trong đội hình như Laurent Blanc và Carlos Valderrama. Dưới sự dẫn dắt của nhà vô địch World Cup tương lai, HLV Aimé Jacquet, Cantona là chân sút số một đội bóng với 14 bàn thắng dù sau một vụ đánh nhau với người đồng đội Jean-Claude Lemoult, ông đã bị treo giò 10 ngày.
 

Phong độ tích cực của Cantona đã thuyết phục Marseille cho ông thêm một cơ hội nữa. Và mùa 1990/1991 của đội bóng thành phố cảng là một trong những mùa giải hay nhất trong lịch sử của họ khi giành danh hiệu vô địch quốc gia thứ ba liên tiếp và lọt vào tới các trận chung kết Coupe de France cũng như European Cup. Tuy nhiên, vì mâu thuẫn với Raymond Goethals, HLV thứ ba của Marseille trong mùa giải, sau đó ông phải chuyển tới Nîmes. Và đó cũng là điểm dừng chân cuối cùng của Cantona ở nước Pháp trước khi tới Anh.
 
Và trước khi vượt eo biển Manche, những rắc rối vẫn chưa buông tha Cantona. Trong một trận đấu diễn ra vào tháng 12/1991, ông ném trái bóng vào trọng tài. Trong một phiên điều trần kỷ luật sau đó, ông gọi một thành viên của ủy ban điều trần là thằng ngu và rồi bị treo giò 2 tháng. Trước khi đặt chân tới nước Anh, Cantona đã tuyên bố treo giày lần đầu tiên, khép lại bức màn sự nghiệp với các CLB của Pháp.
 
3. Mối quan hệ kéo dài 8 năm của Cantona với đội tuyển quốc gia cũng khá lận đận. Ông ra mắt đội tuyển trong cuộc đối đầu với Tây Đức vào tháng 8/1987. Dù vậy, bước sang năm 1988, sau khi bị HLV Henri Michel loại khỏi đội tuyển, Cantona đã đáp trả bằng cách gọi thuyền trưởng của đội tuyển Pháp là “một túi phân” trên sóng truyền hình trực tiếp. Thật khó để nói rằng biệt danh “Le Brat” (đứa trẻ hư) mà báo chí Pháp dành cho ông có thích đáng hay không.
 
Việc Pháp không vượt qua vòng loại World Cup 1990 khiến HLV Michel bị sa thải và điều này mở cánh cửa để Cantona quay trở lại đội tuyển khi tân HLV Michel Platini đã triệu tập ông. Cantona đá cặp với Jean-Pierre Papin, hình thành cặp song sát đáng sợ dù điều đó cũng không đủ để ngăn đội tuyển Pháp không bị loại khỏi Euro 1992 từ vòng bảng.
 
Gérard Houllier thay thế Platini nhưng không thể giúp Pháp lọt qua vòng loại World Cup 1994. Aimé Jacquet, HLV của Cantona trong giai đoạn cho mượn tại Montpellier, được bổ nhiệm là HLV trưởng Les Bleus. Cantona được bầu làm đội trưởng đội tuyển quốc gia trong hành trình hướng đến Euro 1996.

Tuy nhiên, vụ việc trên sân Selhurst Park đã đóng cánh cửa ở đội tuyển của Cantona và ông không bao giờ còn được khoác màu áo lam nữa sau buổi tối định mệnh năm 1995. Dường như khi đã sắp sửa được quê hương mình chấp nhận, trở thành trung tâm của đội tuyển quốc gia trong khoảng thời gian dài thì như một người đứng trên thảm, ông ngã nhào khi bị ai đó kéo tấm thảm đi mất.
 
(còn nữa)
 
Dịch từ bài viết Kings + Seagulls in Eric's world của tác giả Dan Williamson trong ấn phẩm France của These Football Times
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?

Luis Diaz và một đêm huyền ảo của Liverpool tại thánh địa Anfield

Trận đấu khép lại, Luis Diaz rời sân Anfield với danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận" và ôm quả bóng Champions League sau khi đã lập một cú hattrick vào lưới Bayer Leverkusen. Và vẫn như thường lệ, trên quả bóng ấy lại có đầy đủ chữ ký của đồng đội để giúp Diaz lưu giữ lại chút kỷ niệm về một đêm huyền ảo của mình tại Anfield.