Enrico Chiesa: Kép phụ hướng nội của Parma (P2)

Tác giả KDNX - Thứ Năm 04/06/2020 10:58(GMT+7)

Zalo

Đến với Parma cùng thời điểm với Crespo và Lilian Thuram, Enrico Chiesa nhanh chóng tỏa sáng cùng với dàn sao của Parma. Sau khi tạo được những tín hiệu tích cực, anh ngay lập tức chiếm chọn lòng tin và con tim của NHM Parma.

Đến với Parma cùng thời điểm với Crespo và Lilian Thuram, Chiesa nhanh chóng tỏa sáng cùng với dàn sao của Parma. Sau khi tạo được những tín hiệu tích cực, anh ngay lập tức chiếm chọn lòng tin và con tim của NHM Parma. Đầu tiên là một pha kiến tạo cho Dino Baggio ở phút thứ 14, tiếp sau đó là bàn thắng đầu tiên cho CLB mới. Sau khi nhận được đường chọc khe, tốc độ đáng sợ của Chiesa giúp anh vượt qua được hàng tiền vệ trước khi đưa bóng vào góc cao khung thành với đôi chân trái thần sầu của mình.
 
Những bàn thắng như thế đã trở thành thương hiệu của anh: hiếm có ai có thể bứt tốc nhanh như Chiesa. Với bờ vai thon và thân hình mảnh khảnh, anh trông không giống với một cầu thủ có thể vượt qua được những hàng phòng ngự nặng tính thể lực như của Serie A, nhưng chính tốc độ của Chiesa mới chính là thứ giúp anh nhiều nhất. Từ vị trí ban đầu, anh có thể vượt qua 3 hậu vệ cánh cùng hàng tiền vệ bằng tốc độ và sự khéo léo khi có bóng trong chân. Đôi khi, có cảm giác chân của anh và hông của anh hoạt động theo cách rất riêng, khiến anh trông giống như đi dạo hơn là cố gắng vượt qua hàng phòng ngự đối phương. 
 
Chiesa liên tục vượt qua những hàng phòng ngự vốn được xem là không thể cản phá. Nếu bóng đá là một cuộc đấu kiếm, anh chính là lưỡi dao sắc bén xuyên qua lớp áo giáp của đối thủ, khiến họ nhanh chóng tắt thở trước mũi kiếm của anh.
 
Nhưng Parma không để anh thi đấu đơn độc. Anh được xếp đá cặp với một cầu thủ cũng tài năng không kém, đó là Crespo. Hai người họ có những biệt tài khác nhau, nhưng giữa họ có một điểm chung đó là họ đều có thể ngoặt bóng vào trong sau khi thực hiện những pha bứt tốc. Ngay ở mùa đầu tiên thi đấu cùng nhau trong màu áo Parma, họ đã ghi 29 bàn ở Serie A khi Parma đã rất gần với chiếc cup Scudetto đầu tiên của mình.
 
Ở thời kỳ này, nhà Tanzi đã biến CLB nhỏ bé của vùng Emilia Romagna này trở thành một thế lực thực sự của bóng đá Italia, một đội bóng có thể thách thức những ông lớn như Juventus, Milan hay Inter trên bảng xếp hạng. Parma khi đó được xếp chung với nhóm "7 chị em" của Serie A thập niên 90, một điều mà họ khó có thể thực hiện nếu không có bộ đôi Chiesa và Hernan Crespo.
 
Dù danh hiệu Scudetto không lọt vào tay Parma, nhưng Vàng-Xanh và Chiesa trở thành những "ông vua đấu cúp" thực sự. Trong 3 mùa giải thi đấu cho đội chủ sân Ennio Tardini, Chiesa đã đưa họ vươn lên ở cả đấu trường quốc nội lẫn châu lục. Dù thành tích của anh ở Serie A khá khiêm tốn, 10 bàn ở mùa 1997-1998, 9 bàn ở mùa 1998-1999, nhưng hầu hết những bàn thắng của Chiesa đều rất quan trọng. Ở cả hai mùa giải đó, anh ghi nhiều bàn thắng ở Châu Âu cũng như hai mùa Coppa Italia hơn số bàn thắng anh ghi được sau 34 trận ở Serie A.
Parma những năm 90 và cuộc thập tự chinh của gia tộc Tanzi
Chẳng có gì quá ngạc nhiên khi mà mùa bóng 1998/99 được chứng kiến một Gialloblu thành công nhất trong lịch sử với cú đúp danh hiệu Coppa Italia và UEFA Cup...

Khi Parma đến được Champions League nhờ kết thúc thứ hai ở mùa 1996-1997, Chiesa được dịp thể hiện tài năng của mình trên sân đấu vĩ đại nhất Châu Âu. Ở trận vòng loại, anh ghi cú hat trick trong trận lượt đi gặp Widzem Lodz trước khi tiếp tục phong độ ghi bàn tuyệt vời của mình ở vòng bảng: đầu tiên là cú đúp trước Sparta Praha, bao gồm một pha bứt tốc rồi dứt điểm bằng má ngoài, sau đó là một pha đá phạt đền thành công vào góc cao khung thành. Tiếp sau đó là bàn thắng trong trận gặp Galatasaray, một cú đánh đầu trong vòng cấm.
 
Những gì anh thể hiện ở mùa 1997-1998, trong đó có 6 bàn ở Champions League, 5 bàn ở Coppa Italia trước khi đến được vòng bán kết, thực sự tuyệt vời, nhưng thành tích này nhanh chóng bị lu mờ bởi những gì Chiesa làm được ở mùa giải tiếp theo, mùa giải 1998-1999. Nếu không có 8 bàn thắng của Chiesa ở UEFA Cup, Parma có lẽ sẽ không bao giờ giành được danh hiệu Châu Âu thứ hai, và cũng là cuối cùng của họ.
 
Những thông số của Chiesa có thể khiến các chuyên gia lầm tưởng rằng Chiesa đã không còn được như thời kỳ anh thi đấu cho Fiorentina hay Sampdoria, thời kỳ mà anh ghi được 22 bàn, thậm chí suýt giành được danh hiệu Vua Phá Lưới.
 
Những bàn thắng kể trên, vốn rất hào nhoáng với một tiền đạo, dễ khiến người ta đưa ra những đánh giá sai lệch về màn trình diễn của một cầu thủ. Đúng là Chiesa đã ghi được rất nhiều bàn thắng khi thi đấu cho Sampdoria và Fiorentina, nhưng chính ở mùa giải anh giành được cú ăn đôi với Parma, mùa giải 1998-1999, thiên tài của Chiesa mới được phát huy một cách tối đa.
 
Ở thời điểm đó, Crespo đã là tiền đạo xuất sắc nhất Serie A. Sở hữu tốc độ, kỹ năng cùng các pha di chuyển tuyệt vời như người đồng hương Batistuta, anh nhanh chóng trở thành tiền đạo hàng đầu của Parma. Dù vẫn hợp tác ăn ý với Chiesa trên hàng công, nhưng Crespo đã vượt xa người đồng đội của mình rất nhiều, điều giúp anh nâng tầm giá trị của mình lên thành 80 triệu Bảng trên thị trường chuyển nhượng chỉ sau vài năm
 
Với việc Crespo trở thành trung tâm của hàng tiền đạo, Chiesa có thể tận hưởng sự tự do khi thi đấu đúng ý mình. Cũng giống như quãng thời gian thi đấu cho Sampdoria, anh được tự do di chuyển, tự do sút bóng, dù là ở cánh trái hay cánh phải, hoặc thậm chí là ở giữa, vị trí ưa thích của anh. Ở thời điểm đó, Chiesa thực sự đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự tinh thông chiến thuật mà anh đã đạt được.
 
Chiesa không phải là một người thiên về thông số. Anh chỉ thi đấu tốt khi có ít nhiều gánh nặng trên vai. Dù ghi được rất nhiều bàn thắng vào lưới Juventus, Milan, Lazio hay Napoli, những gì anh thể hiện trong chiến dịch đầy vinh quang của Parma ở UEFA Cup mùa 1998-1999 mới thực sự là thước đo cho tài năng của Chiesa, một cầu thủ của những trận đấu quan trọng.
 
Những trận đấu đầu tiên của Parma ở UEFA Cup thực sự khó khăn cho Chiesa. Nhưng thay vì cố gắng cày cuốc, anh chậm rãi thi đấu, gieo trồng những cơ hội to lớn cho Parma ở những vòng đấu sau. Khi Parma vào đến tứ kết, Chiesa nhanh chóng gặt hái được thành công từ những gì anh gieo trồng. Đầu tiên là trước Bordeaux, tiếp theo là 3 bàn thắng sau hai lượt trận trước Atletico Madrid. Cuối cùng và không kém phần quan trọng đó là bàn thắng thứ 3 và cũng là cuối cùng trong trận chung kết gặp Marseilles, một pha vô-lê tuyệt đẹp.
 
Chính màn trình diễn chói sáng của anh trước Bordeaux và Atletico ở vòng sau đã đưa Parma đến trận chung kết. Thực sự, Parma đã gặt hái được rất nhiều từ sự nhanh nhẹn, khéo léo của Chiesa. Đáng buồn thay, đây lại chính là mùa giải cuối cùng mà Chiesa thể hiện những gì đẹp nhất của mình.
 
Tài năng của Chiesa thực sự đã vượt xa Parma. Dù rất giàu có, họ vẫn không thể cạnh tranh với những đối thủ giàu có hơn luôn chực chờ đưa Chiesa đi khỏi sân Ennio Tardini. Ở tuổi 28, Chiesa nhận được lời mời không thể chối từ của đội bóng áo tím thành Firenze, Fiorrentina. Việc được thi đấu cùng Batistuta dưới sự dẫn dắt của Giovanni Trapattoni thực sự quá hấp dẫn với anh. "Giovanni Trapattoni muốn có tôi. Tôi nhanh chóng rời đi. Họ thực sự là một đội bóng vĩ đại khi có Batistuta, tiền đạo vĩ đại nhất tôi từng thi đấu cùng, trong đó."
 
Fiorentina khi đó rất muốn giữ chân tiền đạo người Argentina, chính vì thế, họ nhanh chóng ký kết hợp đồng với Chiesa. Xuyên suốt những năm 90, sắc tím thành Firenze, dù thi đấu rất tuyệt vời, chưa bao giờ là đối thủ nặng ký cho chức vô địch Scudetto. Có thể nói, nếu không có tài năng của Batigol ở hàng tiền đạo, có lẽ Fiorentina sẽ không thể thoát khỏi vị trí giữa bảng. Tuy nhiên, họ không thể cứ mãi trông cậy vào tài năng của cầu thủ Argentina được. Chính vì thế, họ quyết định đem Chiesa về với hy vọng sẽ tạo dựng được một bộ đôi tương tự như bộ đôi Chiesa-Crespo của Parma.
 
Thế nhưng, ước mơ này nhanh chóng tan thành mây khói, phần nhiều vì những chấn thương dai dẳng của Chiesa. Cũng như các cầu thủ dựa nhiều vào cơ bắp để tạo ra những pha bứt tốc thần sầu, Chiesa nhanh chóng gặp phải những chấn thương cơ ở mùa giải 1999-2000, khiến không chỉ anh, mà còn Fiorentina, gặp khó. Batistuta khi đó, dù rất mệt mỏi với gánh nặng ghi bàn trên vai, vẫn ghi được 23 bàn ở mùa giải mà Fiorentina kết thúc ở vị trí thứ 7 một cách đáng thất vọng.
 
Nhanh chóng sau đó, Chiesa, người vốn được ký kết để giữ chân Batistuta, trở thành trung tâm của hàng tiền đạo La Viola khi Batigol chuyển đến Roma, nơi anh giành được danh hiệu Scudetto đầu tiên cho mình. Khi không còn tiền đạo hàng đầu của mình, người ta đã nghĩ đến việc Fiorentina sụp đổ. Tuy vậy, 22 bàn thắng của Chiesa vào lưới Juventus, Milan, Inter và Roma, khiến anh nhanh chóng được đón nhận bởi NHM La Viola sau mùa giải đầu tiên đầy khó khăn. Vinh quang ở Coppa Italia mùa đó đã chính thức cứu cả mùa giải có phần thảm hại của Fiorentina ở đấu trường Serie A.
 
Dù bước sang tuổi 30, nhưng Chiesa vẫn chưa đánh mất tốc độ và sự chính xác. Anh thường xuyên vượt qua hàng phòng ngự đối phương bằng những bước chạy thần tốc của mình. Mùa giải 2001-2002 khởi đầu bằng 5 bàn thắng trong 5 trận đầu tiên. Thế nhưng, thứ vũ khí siêu đẳng mà anh dựa vào rất nhiều ở mùa đó chính thức bị tước khỏi tay anh vào tháng 9 năm 2001. "Đáng tiếc thay, đầu gối trái của tôi gặp phải chấn thương nặng. Như mọi khi, tôi không bỏ cuộc. Mất một năm, nhưng tôi nhanh chóng trở lại thi đấu. Tôi khi đó không còn trẻ trung nữa. Nói cách khác, cái xe F1 này đã hỏng rồi."
 
Chấn thương đầu gối này khiến sự nghiệp của Chiesa đi xuống chỉ sau hơn một năm, chính thức chấm dứt mùa giải thứ 3 và cũng là cuối cùng của anh với Fiorentina trước khi nó bắt đầu. Với việc CLB không còn nguồn lực tài chính, Chiesa nhanh chóng chuyển đến Lazio, đội bóng cũng gặp khó khăn ở mùa sau đó. Tuy nhiên, chấn thương của anh lúc này đã quá nặng, khiến anh chỉ có thể thi đấu cho đội bóng áo xanh thành Roma vài trận trước khi chuyển đến Siena.
 
Đội bóng vùng Tuscan mới tận hưởng ánh hào quang của Serie A. Vì vậy, việc họ giành được Chiesa thực sự là một vụ nổ lớn. Cầu thủ kỳ cựu của Serie A nhanh chóng trở thành chân sút chủ lực của Siena, ghi được hàng chục bàn thắng trong 3 mùa giải đầu tiên thi đấu cho đội bóng vùng Tuscan, giúp họ không phải xuống hạng Serie B. Anh được mến mộ bởi người hâm mộ Siena đến mức được họ đặt tên cho những hội CĐV sau này.
 
Sau 5 năm thi đấu ở vùng Tuscany, Chiesa một lần nữa rời đi, lần này đến đội bóng ít danh tiếng ở Serie D, Figline, nơi anh chính thức giải nghệ để chuyển sang nghiệp huấn luyện.
 
Dù Chiesa không thể giành được những danh hiệu xứng đáng với tài năng, nhãn quan chiến thuật cũng như những bước chạy thần tốc của anh, người ta vẫn không thể quên được hình ảnh của anh thời còn thi đấu cho Parma: mái tóc nâu dài, bộ quần áo thi đấu quá khổ của Parma trông chẳng khác một chiếc dù, những hình ảnh điển hình của một cầu thủ Serie A những năm 90.
 
Enrico Chiesa Kép phụ hướng nội của Parma (P2) hình ảnh
Federico Chiesa - con trai của Enrico Chiesa
Ở thập kỷ 90 đầy kiêu hãnh đó của Serie A, những cầu thủ như Baggio, Batistuta, Maldini và Del Piero chính là những cột trụ giữ vững ngôi đền của bóng đá Italia, nhưng Chiesa cũng thể hiện được tài năng của mình ở một góc độ khác: một cái tên quan trọng ở những trận đấu quan trọng, dù chưa bao giờ được coi là "kép chính".
 
Dù vẫn còn hối tiếc vài điều trong sự nghiệp của mình, nhưng ít có ai từng chứng kiến anh thi đấu cho rằng anh không phải là một cầu thủ tài năng. Có lẽ Fabio Capello chính là người đưa ra miêu tả chính xác nhất về anh. Cụ thể, ông cho rằng Chiesa là "một sự kết hợp của Paolo Rossi và Gigi Riva", điều mà cậu con trai Federico của anh đang nhắm tới.
 
Enrico nhanh chóng đáp lại lời nhận xét đó: "Lời nhận xét hay đấy, dù Riva tốt hơn, mạnh mẽ hơn tôi, thậm chí thi đấu đầu tốt hơn tôi. Tôi biết tới ông ấy khi lên chơi ở đội một. Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy thấy bản thân mình trong đó: cả hai chúng tôi đều là những gã hướng nội, ít nói và chỉ nói những gì thật nhất." Những lời trên cũng chính là điều mà Chiesa muốn người ta nhớ đến về mình: ít nói, chỉ nói những gì thật nhất.
 
Dịch từ bài viết: " “A mix of Rossi and Riva”: remembering the explosive brilliance of Enrico Chiesa" của tác giả Josh Butler đăng trên trang These Football Times.
 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

X
top-arrow