Emmanuel Adebayor: Khi tiền bạc che mờ đi tất cả

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 31/12/2020 17:11(GMT+7)

Có những cầu thủ được xem là biểu tượng bất diệt tại đội bóng, bởi lẽ họ coi bóng đá là đam mê và xem chiếc áo khoác lên mình là lẽ sống. Tiêu biểu phải kể đến trường hợp của Paolo Maldini của AC Milan, Carles Puyol của Barcelona, Paul Scholes của Manchester United, Francesco Totti của AS Roma và còn rất nhiều những cái tên nổi bật khác.

 
Hay như Alessandro Del Piero – huyền thoại của Juventus từng làm đắm say biết bao con tim Juventini với câu nói kinh điển: “Một quý ông đích thực làm sao có thể rời bỏ người phụ nữ của đời mình”, sau khi Bà đầm già thành Turin phải xuống hạng vì vụ việc dàn xếp tỉ số Calciopoli làm rúng động bóng đá Italia năm 2006.
 
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều cầu thủ chỉ xem bóng đá là một công cụ kiếm tiền không hơn, không kém. Sâu thẳm trong trái tim họ, tình yêu và lòng trung thành chưa bao giờ là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Và nếu phải chọn ra một cái tên nổi bật nhất thì chắc chắn Emmanuel Adebayor sẽ nằm chễm chệ ngay trang đầu của hồ sơ phản diện.
 
Bóng đá đã mang đến cho Adebayor tiền tài và danh vọng. Nhưng cũng chính bóng đá đã biến Adebayor trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Bởi lẽ chẳng mấy ai có thể chịu đựng được tính cách cũng như thái độ hành xử của tiền đạo người Togo; từ đồng đội, huấn luyện viên cho đến người hâm mộ. Những người thấm thía nhất chắc chắn phải là “giáo sư” Arsene Wenger, các cầu thủ Arsenal và Gooners. 
 
Có một sự đối nghịch trong cách tiêu tiền của hai ông lớn thành London là Chelsea và Arsenal những năm đầu của thế kỷ 21. Trong khi nửa xanh thành London bắt đầu lột xác nhờ túi tiền không đáy của ông chủ Roman Abramovich thì đội bóng giàu truyền thống hơn là Arsenal lại trải qua giai đoạn khó khăn với khoản nợ tài chính khổng lồ liên quan đến dự án xây SVĐ Emirates.
 
Tương phản rõ ràng nhất đến từ việc Jose Mourinho thoải mái chi tiền nâng cấp đội hình, tiêu biểu là việc đưa về Stamford Bridge chân sút đang làm mưa làm gió tại Ligue 1 khi ấy là Didier Drogba với mức giá kỷ lục 24 triệu bảng. Ở chiều ngược lại, vào TTCN mùa đông 2006, HLV Arsene Wenger như thường lệ vẫn luôn biết cách “phù phép” để biến từng đồng ngân sách chuyển nhượng ít ỏi của BLĐ Arsenal trở thành sự đầu tư chất lượng cho đội hình. Đó là lý do chiến lược gia người Pháp lặn lội về đội bóng cũ ở quê nhà là AS Monaco để ký hợp đồng với Adebayor – tiền đạo trẻ còn quá vô danh và gần như chưa tạo được tiếng vang gì, với mức giá vỏn vẹn 3 triệu bảng.
 
Mặc dù có màn ra mắt ấn tượng khi ghi bàn ngay trong lần đầu ra sân, thế nhưng Adebayor vẫn chỉ là gã tiền đạo thô kệch, xử lý tình huống vụng về và gần như chỉ chơi bóng theo bản năng. Con số 4 bàn thắng/13 trận đấu ở mùa giải 2005/2006 và 12 bàn thắng/44 lần ra sân ở mùa giải 2006/2007 là minh chứng rõ ràng nhất. Ngày ấy, Arsenal nổi tiếng với lối chơi hào hoa, phóng thoáng cùng chất nghệ sĩ tuôn chảy trong huyết quản các cầu thủ. Từ những “phù thủy” sân cỏ như Robert Pires hay Dennis Bergkamp cho đến “sát thủ vòng cấm” như Thierry Henry, tất cả đều khiến các Gooners mãn nhãn với bộ kỹ năng xử lý thượng hạng nhưng không kém phần hiệu quả của mình. Và nếu lấy các tiền đạo Arsenal thời đó làm hệ quy chiếu đánh giá thì Adebayor chẳng khác nào một kẻ học việc. Thậm chí nhiều chuyên gia còn khuyên BLĐ Arsenal nên mua tiền đạo mới sau khi Henry chuyển đến Barcelona ở mùa hè 2007 vì chẳng mấy ai tin Adebayor sẽ làm nên chuyện. Nhưng Arsene Wenger thì lại nghĩ khác…
 
Sau sự ra đi của Thierry Henry, HLV Arsene Wenger vẫn tin tưởng tuyệt đối Adebayor.

Chiến lược gia người Pháp tin tưởng tuyệt đối vào Adebayor, khuyến khích tiền đạo người Togo tự tin vào năng lực bản thân. Thậm chí ông còn mời cả chuyên gia bộ môn Yoga về ăn tập với Adebayor để giúp cơ thể anh thanh thoát hơn. Về mặt chiến thuật, sau khi Robin van Persie dính chấn thương dài hạn, Arsene Wenger sẵn sàng từ bỏ sơ đồ 4-4-2 truyền thống để chuyển sang chơi với sơ đồ 4-5-1 với chỉ mình Adebayor đá cao nhất trên hàng công. Kết quả?
 
Anh chơi bùng nổ trong mùa giải 2007/2008, ghi 30 bàn thắng cho Arsenal trên mọi đấu trường tham dự, trong đó có 24 bàn tại Premier League. Từ một kẻ chân gỗ, Adebayor dần chuyển mình thành một cây săn bàn đáng sợ tại xứ sở sương mù. Phải chạm trán với Arsenal, tức là hậu vệ đối phương phải đối đầu với gã tiền đạo cao 1,91m có sải chân dài, khả năng bứt tốc quãng ngắn cực tốt, mạnh mẽ trong không chiến và sở hữu kỹ năng dứt điểm đang dần hoàn thiện từng ngày. 
 
Adebayor từng lập kỷ lục khi ghi bàn liên tiếp trong 9 trận đấu của Arsenal vào giai đoạn Giáng sinh năm đó. Còn tại Champions League, pha lập công của anh tại San Siro đã đánh sập đương kim vô địch AC Milan, để rồi cũng chính anh gỡ hòa 2-2 cho Arsenal tại trận Tứ kết lượt về với Liverpool ngay tại Anfield. Nếu không có tình huống thổi Penalty đầy tranh cãi ở thời điểm cuối trận, rất có thể Arsenal chứ không phải Liverpool mới là đội lọt vào bán kết Champions League năm đó. Cuối năm 2008, Adebayor vinh dự nhận giải cầu thủ Châu Phi xuất sắc nhất năm do France Football trao tặng.
 
Nhưng có một vấn đề lớn tại Arsenal, khi mà Adebayor dần tỏa sáng và trở thành kép chính tại Emirates, tiền đạo này dần tỏ ra tự mãn, thường xuyên đòi hỏi yêu sách. Ngay cả khi BLĐ Arsenal chấp nhận tăng lương để biến anh trở thành ngôi sao có mức đại ngộ tốt nhất đội bóng, Adebayor vẫn có tư tưởng “đứng núi này, trông núi nọ”. Điển hình là trong mùa giải 2008/2009, Adebayor dù vẫn là chân sút chủ lực của đội nhưng phong độ đã không còn duy trì phong độ như trước vì luôn bị phân tâm bởi nhiều lời chèo kéo đến từ các ông lớn Châu Âu. Rồi những vụ lùm xùm trong phòng thay đồ ngày càng nhiều, Adebayor không được lòng các đồng đội vì thái độ trịnh thượng của mình.
 
Mùa hè 2009, HLV Arsene Wenger quyết định bán Adebayor cho Manchester City với mức giá 25 triệu bảng. Cho đến nay đó vẫn là căn nguyên để lý giải vì sao mãi đến sau này, Adebayor luôn ghét Arsenal cùng người thầy cũ từng giúp anh phát triển sự nghiệp. Các Gooners chửi rủa Adebayor vì anh phản bội đội bóng, còn Adebayor cũng tố ngược thầy cũ bán anh chứ thực tâm chưa muốn ra đi. Cho đến ngày hôm nay, vụ việc ấy vẫn mãi là ẩn số.
 
Ngày 12/09/2009, khi có dịp ghi bàn vào lưới đội bóng cũ ngay trong lần chạm mặt đầu tiên, Adebayor phấn khích như một kẻ điên chạy dọc toàn bộ chiều dài sân bóng, đến khán đài của các CĐV Arsenal để ăn mừng. Hành động trêu tức đó đã tạo ra sự phẫn nộ tột cùng với những ai trót yêu màu áo đỏ trắng. Lần này thì Adebayor sai rồi ! 
 
 Adebayor ăn mừng phấn khích sau khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ Arsenal vào năm 2009

Ngay cả khi Adebayor có quyền đáp trả các CĐV vì họ chửi rủa anh suốt cả trận đấu thì những đồng đội cũ trên sân của anh họ chẳng làm gì có lỗi với anh ta cả. Anh có pha đạp rách mặt với Van Persie, đồng thời vào bóng cực kỳ ác ý với Cesc Fabregas. Tất cả những gì Adebayor làm trong buổi chiều hôm ấy đã lấy đi hết chút tình cảm cuối cùng mà các Gooners dành cho anh trong suốt 4 năm chơi bóng.
 
Nhưng mà Adebayor cũng chẳng thể hả hê được lâu. Chỉ 18 tháng từ ngày cập bến Etihad, tiền đạo này nhanh chóng bật bãi vì không đáp ứng được chuyên môn. Chuyển đến Real Madrid theo dạng cho mượn ở nửa sau mùa giải 2010/2011, Adebayor cũng không được Los Blancos mua đứt.
 
Từ chỗ một chân sút được kỳ vọng sẽ nâng tầm Man City trở thành đại gia mới tại Premier League, Adebayor dần trở thành cái gai trong mắt giới chủ Man City vì từ chối rời đội bóng. Nguyên nhân là vì Adebayor không hề muốn giảm đi mức thu nhập 175.000 bảng/tuần được hưởng tại Etihad, trong khi chẳng có bất cứ đội bóng nào sẵn sàng trả anh ta mức đãi ngộ như vậy. Phải đến khi Man City cắn răng 100.000 bảng/tuần cho Adebayor thì tiền đạo gốc Phi mới đồng ý chuyển đến Tottenham theo dạng cho mượn ở mùa giải 2011/2012. Quả là một câu chuyện bi hài khi Man City lại “tiếp tay” cho chính đối thủ cạnh tranh suất dự Champions League với mình.
 
Những tưởng mọi chuyện từ đây sẽ thuận lợi khi anh trải qua 1 năm thi đấu thành công trong màu áo Tottenham với 18 bàn thắng cùng 12 pha kiến tạo thành bàn, đồng thời thuyết phục được chủ tịch Daniel Levy chi ra 5 triệu bảng mua đứt anh từ Man City. Thực chất khoản tiền chuyển nhượng đó gần như chỉ mang ý nghĩa tượng trưng khi hàng tuần Adebayor vẫn nhận 40.000 bảng từ đội bóng cũ Man City.
 
Tuy nhiên kể từ khi chính thức là người của Tottenham, Adebayor lại sa sút thảm hại vì căn bệnh ngôi sao, không được lòng đồng đội và lười tập luyện. Đó là lý do để giải thích vì sao anh chi ghi 24 bàn thắng/80 lần ra sân kể từ mùa hè 2013, dù hưởng mức đãi ngộ ngang hàng với Gareth Bale – ngôi sao số 1 của Spurs thời điểm bấy giờ. Quá chán ngán với bản hợp đồng hớ này, BLĐ Tottenham quyết định rao bán Adebayor trong mùa hè 2015. Nhưng thêm một lần nữa Adebayor từ chối rời đội nếu không được đảm bảo mức lương đang được hưởng. Hết cách, BLĐ Tottenham đành đương phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 2 năm, vẫn trả 100.000 bảng/tuần cho “cục nợ” này đến mùa hè 2017. Đúng là không làm mà vẫn có ăn !
 
Hưởng lương ngang với Gareth Bale, thế nhưng Adebayor không đáp ứng được kỳ vọng.

Quả thật, hiếm cầu thủ nào để lại ký ức sâu cay trong lòng người hâm mộ, BLĐ đội bóng và các đồng đội như Adebayor. Một mình tiền đạo người Togo reo rắc sự giận dữ cho cả 3 ông lớn tại Premier League là Arsenal, Man City lẫn Tottenham. Nhưng vì sao Adebayor lại là một con người tham lam, thiếu tự trọng đến vậy? Có lẽ đằng sau sự ích kỷ đó là một quá khứ đầy bi kịch.
 
Sinh ra ở một ngôi làng nghèo tại Lome, không giống như bất kỳ đứa trẻ khác, Adebayor không thể tự đi trên đôi chân của mình, ngay cả khi đã 4 tuổi. Mẹ của anh từng phải đưa anh đi khắp Tây Phi để tìm được phương thuốc chữa chân.

Adebayor từng kể lại rằng: "Tôi đã ở cùng mẹ trong nhà thờ khi bà cầu nguyện. Tôi nghe thấy tiếng vui đùa bên ngoài. Đột nhiên ai đó đá quả bóng vào nhà thờ. Và bất giác tôi đi được như một bản năng. Đơn giản khi ấy, tôi chỉ muốn lấy được quả bóng đó. Có lẽ đấy là một phép màu và Chúa đã định tôi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp”
 
Ở một quốc gia Châu Phi còn nghèo khó như Togo, bóng đá chính là giấc mơ đổi đời của mọi đứa trẻ, của mọi gia đình. Kể từ ngày Adebayor đặt chân đến nước Pháp, cuộc đời của anh cũng bước sang một trang mới. Nhiều tiền và ngày càng nhiều tiền hơn. Nhưng cũng chính vì vậy mà Adebayor trở thành “mỏ vàng lộ thiên” với chính gia đình. "Khi còn nghèo khổ, chúng tôi rất đoàn kết và thân ái, mọi người đều san sẻ cho nhau. Bố tôi mất, tôi đã phải lăn lộn ngoài đời từ năm 16 tuổi để gồng gánh gia đình. Đến khi ăn nên làm ra, đột nhiên họ cho rằng tôi mắc nợ tất cả và việc phải làm là trả nợ", Adebayor cay đắng nói.
 
Thậm chí đã từng có lần Adebayor không còn thiết sống nữa khi bị chính hai người anh ruột thịt kề dao vào cổ để uy hiếp, ép phải đưa tiền cho họ. Adebayor tiếp tục tố có lần em gái anh tự ý lấy tiền của anh đi mua nhà cho cô ta mà không hề hỏi anh nửa lời. Nhiều lần khác, em trai anh khiến đồ đạc của anh “không cánh mà bay”. Ở độ tuổi xế chiều, khi thu nhập của Adebayor, gia đình vẫn không để anh yên. Họ vẫn đòi một căn hộ rộng lớn cho cả đại gia đình trị giá nửa triệu bảng.
 
Adebayor sống một cuộc sống vương giả nhưng chẳng mấy khi đi làm từ thiện.
 
Đó là lý do vì sao Adebayor trở nên quay lưng với tất cả và trở thành một kẻ tham lam, ích kỷ theo đúng nghĩa. Mới đây, khi trở về quê nhà cách ly vì dịch bệnh Covid 19, khi được hỏi vì sao không làm từ thiện, Adebayor thẳng thắn đáp trả: "Tôi chỉ làm những điều mà trái tim mình mong muốn, không phải tuân theo lời của bất cứ ai cả. Người ta đem tôi ra so sánh với Samuel Eto'o và Didier Drogba, hỏi rằng tại sao tôi không có quỹ từ thiện hay tại sao lại không quyên góp, cứ như thể tôi là người mang virus Corona tới Togo vậy. Tôi chẳng phải người này hay người nọ, tôi là tôi, Sheyi Emmanuel Adebayor. Câu trả lời dành cho những người đó, tôi sẽ không quyên góp. Mọi thứ rõ ràng và đơn giản vậy thôi !”. Điều này ít nhiều đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở Togo trong suốt một thời gian. Nhưng với Adebayor, anh không quan tâm. Tiền của Bayor kiếm ra là để Bayor tiêu !
 
Ở tuổi 36, Adebayor đang thất nghiệp sau khi bị đội bóng Olimpia ở giải VĐQG Paraguay thanh lý hợp đồng vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Kể từ ngày rời Tottenham, sự nghiệp của Adebayor trượt dốc và cũng chẳng còn là cái tên gây chú ý trên các mặt bóng như trước. Đáng lẽ sự nghiệp của tiền đạo này đã tươi sáng hơn nếu anh không nghĩ nhiều đến vấn đề tiền bạc, mà chỉ tập trung vào bóng đá. Thế nhưng nếu thế thì đó lại chẳng phải là Adebayor – một tay chơi có hạng và là một kẻ Judas điển hình trong bóng đá.
 
Đức Thịnh
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười của Đình Triệu

Năm 2018, thời điểm bóng đá Việt Nam lên đồng, Nguyễn Đình Triệu có thể giống như tất cả chúng ta, hòa mình cùng niềm vui trên đường phố, bên bàn nhậu, trong quán cafe hay ở một góc nào khi đội tuyển U23 mở ra một chuỗi thành công và danh tiếng cho bóng đá Việt Nam.

Trong năm 2024, liệu có ai vượt qua hoặc sánh ngang với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo?

Kỷ nguyên Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đã chính thức kết thúc vào năm 2024. Lần đầu tiên kể từ năm 2003, không một ai trong số họ lọt vào danh sách ứng cử viên cho danh hiệu Ballon d’Or, tức Quả Bóng Vàng. Và tất cả chúng ta đều biết rằng, cuộc bình chọn Quả Bóng Vàng chính là “Bảng Phong Thần” cao quý, danh giá nhất của lịch sử bóng đá dành cho những cá nhân kiệt xuất nhất.

Lá Quốc kỳ trong tay Đỗ Duy Mạnh

Sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tối 2/1 tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Đỗ Duy Mạnh ăn mừng đầy tự hào với lá cờ Việt Nam tại sân Việt Trì; hình ảnh này, mang nhiều ý nghĩa hơn thế.

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.

Cody Gakpo: Ổn định để tỏa sáng!

Vào đêm Boxing Day năm 2022, PSV Eindhoven đưa ra thông báo chính thức rằng CLB Hà Lan và Liverpool đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng tiền đạo Cody Gakpo.