Emiliano Martinez: “Có khi Mbappe mới xem tôi là búp bê của cậu ấy không chừng!”

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Năm 09/03/2023 17:41(GMT+7)

Zalo

Từng là nhân vật chính trong trận chung kết World Cup 2022 với các pha cứu thua lẫn những màn tâm lý chiến trên loạt sút luân lưu, Emiliano Martinez trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí France Football khẳng định rằng trên sân và ngoài đời, anh là hai phiên bản khác nhau hoàn toàn. Đồng thời, thủ thành người Argentina cũng tuyên bố Kylian Mbappe hoàn toàn có cơ sở để xem thường anh, chứ không phải ngược lại.

1f12f
 

Sau đây là trọn vẹn cuộc phỏng vấn giữa Emiliano Martinez với phóng viên Florent Torchut của France Football.

•    Nhiều CĐV trên thế giới bắt đầu biết đến anh qua kỳ World Cup 2022, qua những pha cứu thua cũng như cả những “chiêu trò” của anh. Vậy “Dibu” Martinez thật ra là con người như thế nào?

Một người bạn từng gọi tôi bằng cái tên “Dibu” khi tôi gia nhập học viện bóng đá của Independiente vào năm 12 tuổi, vì tôi trông giống một nhân vật trong bộ phim hoạt hình được phát ở Argentina thời đó (phim “Mi familia es un dibujo”), với mái tóc màu đỏ nhạt và nhiều tàn nhang. Còn lại thì tôi cũng như bao người Argentina khác, một người chăm chỉ và say mê với công việc. Tôi là người khá đơn giản, hết mình với gia đình và bạn bè. Có thể trên sân thì tôi hành xử hơi khác. Vợ tôi từng nói: “Trên sân, anh không còn là anh nữa” – không còn là người hàng ngày đưa con đến trường, luôn rủ bạn bè đến thăm nhà và tham gia các hoạt động từ thiện. Từ khi còn nhỏ, cứ hễ lúc nào bước ra sân bóng là tôi đều chỉ nghĩ về chuyện làm sao để giành được chiến thắng. Đồng ý rằng tôi có thể để lại ấn tượng tốt hoặc xấu với mọi người, nhưng tôi chưa bao giờ sống giả dối cả.

•    Anh đến từ đâu?

Tôi có một tuổi thơ tuyệt vời ở Mar del Plata, một nơi xinh đẹp nằm gần biển, nơi mà tôi sẽ không bao giờ đánh đổi với bất kỳ điều gì trên đời. Đó cũng là nơi tôi trải qua những trận bóng đá trên đường phố với anh trai của mình. Trong nhiều dịp Giáng sinh, cha mẹ tôi chỉ có thể mua một món quà, hoặc dành cho tôi hoặc dành cho anh trai. Họ nói rằng món quà ấy là dành cho ai ngoan hơn, chứ không nói là vì gia đình không có đủ tiền để mua quà cho cả hai. Mẹ tôi làm công việc quét dọn từ sáng đến tối, trong khi cha tôi làm ở cảng biển, chúng tôi ít khi được gặp cha mẹ trong ngày. Chính sự hy sinh đó của cha mẹ mà tôi mới có được ngày hôm nay.

•    Chắc anh đã phải hy sinh rất nhiều để trở thành một cầu thủ?

Mỗi người đều có con đường riêng. Con đường của tôi thì lại rất đẹp. Tôi trưởng thành từ những ngôi nhà trọ khi gia nhập Independiente. Ở đó, tôi học cách nói không trước những cám dỗ của rượu chè và ma túy. Thế rồi tôi đến Anh năm 17 tuổi và bắt đầu có thể giúp đỡ cha mẹ về tài chính. Independiente thời đó cần bán đi một số cầu thủ, gồm cả tôi, để trang trải chi phí xây dựng SVĐ. Đến Anh là một quyết định vừa dễ vừa khó với tôi, vì thật sự là tôi không muốn rời khỏi Argentina. Ở miền đất mới, tôi có được vô vàn trải nghiệm, với những giai đoạn thi đấu thành công dưới dạng cho mượn và cả những thất bại (chơi cho Oxford United, Sheffield Wednesday, Rotherham, Wolverhampton, Getafe và Reading). Tôi được gọi lên tuyển năm 19 tuổi (nhưng không thi đấu), tôi được chơi ở Champions League với Arsenal năm 22 tuổi (mùa 2014/15), tôi được vô địch FA Cup (năm 2020). Tôi có cơ hội được tập luyện cùng những cầu thủ xuất sắc như Thierry Henry hay Robin van Persie. Chính những điều đó giúp tôi trưởng thành và tiến bộ, ngay cả khi cơ hội ra sân là không nhiều.

•    Arsene Wenger đặt rất nhiều niềm tin ở anh đúng không?

Ông ấy lúc nào cũng nói rằng rồi mai này tôi sẽ là người bắt chính ở Arsenal, rằng ông ấy đã chuẩn bị sẵn chuyện đó cho tôi. Arsene tin tưởng tôi, và luôn muốn tôi gia hạn hợp đồng với CLB. Tôi hết mực nể trọng ông ấy, cả ở góc độ cá nhân lẫn công việc. Tôi hy vọng sẽ được gặp Arsene lần nữa, để biết rằng ông ấy có thể cảm thấy tự hào về tôi.

•    Anh lý giải thế nào về những thành công có phần muộn màng của mình?

Sự nghiệp của tôi chông chênh hơn người khác, nhưng tôi biết mình có tài năng, đam mê và nhất là tôi luôn đầu tư hết mức cho bản thân mình. Tôi chỉ thiếu đi một chút may mắn, cũng có thể vì tôi từng đưa ra những quyết định không chính xác khi chuyển đến thi đấu dưới dạng cho mượn ở một số CLB mà lẽ ra không nên đến. Có lẽ tôi đã quá để tâm đến những lời nói từ người ngoài, thay vì tin vào cảm nhận của bản thân. Tuy vậy, chính tôi là người quyết định sang Aston Villa (năm 2020). Đó là lựa chọn của tôi, và tôi tin mình sẽ thành công ở đó.

•    Vậy điều gì giúp anh cuối cùng cũng được bắt chính ở tuyển quốc gia vào tháng 6 năm 2021?

Tôi biết rõ đó là thời khắc của mình, là thời điểm tôi đạt được ước mơ lớn nhất, được khoác áo tuyển quốc gia. Tôi có được sự tự tin mà trước đấy vẫn còn thiếu. Tôi có cơ hội được hòa chung vào một hàng ngũ gồm những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm lẫn những gương mặt trẻ.

•    Tháng 7 năm 2021, anh từng nói trên tờ Olé (Argentina) rằng anh từng nghĩ đến chuyện giải nghệ khi còn thi đấu cho Getafe (2017-2018). Vì sao lại thế?

Vài năm về trước, tôi từng suy nghĩ nghề cầu thủ có khi không phải dành cho mình, vì tôi tuy đã đầu tư rất nhiều tâm huyết và sức lực, đã tập luyện hàng giờ liền, nhưng lại không có được cơ hội thi đấu. Tôi cảm thấy nếu cứ tiếp tục như vậy thì mình sẽ chẳng bao giờ thành công được. Thế rồi, khoảng 4 hay 5 năm trước, tôi bắt đầu tìm đến một bác sĩ tâm lý, người đã giúp tôi vượt qua vũng lầy phiền muộn đó. Tôi bình tĩnh đương đầu và gượng dậy. Lúc đó, con trai tôi cũng chào đời và tôi quyết định rằng mình sẽ không thể chấp nhận việc cứ bị đẩy đi cho mượn nữa. Thế là, sự nghiệp của tôi bùng nổ.

•    Năm 2018, anh từng có mặt trên khán đài xem World Cup ở Nga để cổ vũ tuyển Argentina…

Lúc đó, tôi có nói với anh trai của mình: “Bốn năm nữa, ở Qatar, em sẽ là thủ thành chính của Argentina.” Năm tôi 6 hay 7 tuổi gì đấy, tôi từng hứa với mẹ và bà ngoại rằng tôi sẽ mua cho họ một căn nhà thật lớn. Tôi luôn ý thức rõ tài năng mình có được sẽ giúp tôi có một cuộc sống sung túc. Nhiều người sẽ nghĩ tôi ngạo mạn, nhưng tôi đơn giản chỉ là tự tin vào bản thân mình mà thôi. Hầu như mọi người sẽ không thể biết được tôi đã vượt qua những gì để có được ngày hôm nay.

•    Anh đã đúng, vì vào ngày 22 tháng 11 năm ngoái, anh được bắt chính cho tuyển Argentina ở World Cup, trước Ả Rập Saudi (thua 1-2). Nhung có vẻ không phải mọi thứ đều như kỳ vọng nhỉ?

Đó đúng là gáo nước lạnh! Chúng tôi trải qua 36 trận không thua, chỉ còn cách kỷ lục (được Italia nắm giữ) đúng một trận. Sau trận đấu, tôi nhắc các đồng đội của mình rằng Argentina cũng từng thua Cameroon (0-1) ở World Cup 1990, nhưng điều ấy không ngăn cản đội tuyển vào đến chung kết. Chúng tôi tự nhủ rằng chỉ cần giành chiến thắng hai trận đấu tiếp theo, chúng tôi sẽ giành quyền đi tiếp. Trước Ả Rập Saudi, chúng tôi có thể đã dẫn 4-0 sau hiệp một nếu những bàn thắng không bị từ chối (3 quả vì lỗi việt vị). Chúng tôi không đánh mất sự tự tin, dù về phần mình, đêm đó tôi đã mất ngủ… Tôi đã không chơi tốt, vì đối thủ có 2 lần dứt điểm trúng đích và cả 2 lần tôi đều phải vào lưới nhặt bóng. Tôi cảm thấy mình lẽ ra đã có thể làm tốt hơn để giúp các đồng đội. Vì vậy, tôi cảm thấy rất đắng lòng.

•    Sau đó, các anh đánh bại Mexico (2-0) và Ba Lan (2-0), tiếp đến là hạ gục Australia (2-1) ở vòng 16 đội. Argentina trải qua trận tứ kết đầy căng thẳng trước Hà Lan (hòa 2-2 sau hiệp phụ, thắng 4-3 trên loạt sút luân lưu). Trải nghiệm đó với anh như thế nào?

Cặp đấu Hà Lan – Argentina đơn giản là kinh điển của bóng đá thế giới. Trước trận, chúng tôi nhìn nhau. Đối thủ tuyên bố rằng họ sẽ đánh bại chúng tôi. Họ nói hơi nhiều… và dĩ nhiên chúng tôi phải đáp trả lại. Chung quy thì chính những phát biểu trước trận châm ngòi lẫn nhau mà thôi, và cuối cùng thì ngọn lửa bùng phát. Đó là một trận đấu căng thẳng, cả hai bên đều có những hành vi mà lẽ ra hoàn toàn có thể kiềm chế được. Dù thế nào thì chúng ta cũng đang nói về một trận đấu cho tấm vé vào bán kết World Cup cơ mà, thế nên, nó trở thành một trận chiến. Louis van Gaal có nói rằng nếu trận đấu bước vào loạt luân lưu, Hà Lan sẽ đánh bại Argentina. Có thể tôi đã quá trớn sau trận đấu (khi lên tiếng công kích HLV người Hà Lan). Tôi đồng ý rằng mình lẽ ra nên dành sự tôn trọng lớn hơn cho ông ấy.

•    Ở bán kết, các anh đánh bại Croatia (3-0). Trong trận chung kết với Pháp (hòa 3-3 sau hiệp phụ, thắng 4-2 trên loạt sút luân lưu), anh phát huy năng lực của mình, cho đến tận phút 80.

Ở chung kết, chúng tôi đã kiểm soát trận đấu. Từ vị trí của mình, tôi hoàn toàn thưởng thức trận đấu. Hiệp một có thể nói là hoàn hảo, chúng tôi làm nên màn trình diễn hay nhất của mình ở World Cup. Sau giờ nghỉ, chúng tôi nói với nhau rằng phải ghi thêm bàn thắng thứ ba, như những gì từng làm trước Croatia… Đùng một phát họ được hưởng penalty trong khi chưa có một pha dứt điểm trúng đích nào (Pháp bấy giờ có hai pha dứt điểm nhưng không trúng đích) và cú đá ấy như một quả đại bác. Mbappe càng chơi càng thăng hoa và chúng tôi không tài nào ngăn cản được cậu ấy. Khi Mbappe gỡ hòa, chúng tôi đã nghĩ có khi Argentina sẽ thua.

•    Ở phút 120+3, anh có một pha cứu thua tuyệt đỉnh khi ngăn cản cú đá của Randal Kolo Muani, cú đá mà rất có thể đã mang về chức vô địch cho tuyển Pháp. Kể cho chúng tôi nghe về khoảnh khắc đó đi!

Quả bóng có một quỹ đạo khác lạ sau khi đập đất (từ đường chuyền dài của Konate) và tôi cảm thấy cậu ta có thể sẽ tung ra một cú vô-lê. Thế rồi, tôi quyết định di chuyển ‘chéo’, cố tình để hở một khoảng trống nhỏ phía bên trái mình, ngay ở góc gần. Trong đầu tôi lúc đó thầm nói: “Tới đi nào, sút ngay góc gần này!” Tôi đã dụ cậu ta sút ở góc đó. Và đúng là Muani đã làm thế, tôi thả cánh tay trái và chân trái của mình xuống để bịt lại góc gần đó. Trên sân tập, đây là động tác mà tôi đã tập. Nhờ vào những năm tháng tập luyện với những chân sút cự phách mà tôi rèn được phản xạ ấy.

•    Đó có phải là pha cứu thua để đời với anh?

Nếu tính đến thời khắc đó, cùng những áp lực và tính chất trận đấu,… thì rõ ràng là như vậy, dù quả thực tôi từng có nhiều pha cứu thua khác đẹp mắt hơn trong sự nghiệp. Ngay sau hiệp phụ, tôi nghĩ trong đầu: “Wow, trận chung kết này đỉnh thật!” Tôi không hề thất vọng với kết quả hòa sau hiệp phụ, tôi chỉ suy nghĩ rằng mình vừa được trải qua những thời khắc hết sức điên rồ. Tôi bước vào loạt sút luân lưu với khí thế đầy tự tin.

•    Ở Argentina và trên toàn thế giới, pha cứu thua của anh đã trở thành thần thoại. Đồng đội Papu Gomez của anh thậm chí còn xăm cả hình pha cứu thua ấy lên người. Anh có ý thức rằng mình đã ghi dấu trong lịch sử World Cup bằng pha cứu thua ấy?

Gần đây thôi tôi mới nhận ra chuyện đó. Sau chiến thắng, chúng tôi trở về Argentina và mọi thứ thật điên rồ. Tôi gần như không có thời gian để nhớ lại khoảnh khắc ấy, vì hàng triệu người đổ ra đường và chúng tôi thì ăn mừng mệt nghỉ,… Đến khi trở lại Anh, khi tâm trạng lắng xuống, tôi ngủ li bì ở nhà suốt ba ngày liền. Tôi mới nói với vợ của mình: “Anh ngủ nhiều ơi là nhiều mà sao vẫn cảm thấy mệt.” Tôi không tài nào hiểu được. Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra là tinh thần của mình đã bị suy kiệt bởi World Cup. Giải đấu, những chiến thắng, việc ăn mừng,… khiến tôi bị sốc, một cú sốc dễ chịu – dù vẫn là sốc. Giờ tôi mới thật sự cảm nhận được chiến thắng ấy của Argentina có ý nghĩa ra sao. Được chứng kiến những đứa trẻ ở Argentina bắt chước lại điệu nhảy ăn mừng của tôi, hay những đứa trẻ nói rằng chúng muốn được “giống như Dibu” làm tôi cảm thấy xúc động khủng khiếp.

•    Ngay trước khi bắt đầu loạt sút luân lưu trước tuyển Pháp, Lionel Messi đã đến nói với anh điều gì đó. Anh ấy đã nói gì với anh vậy?

Messi chỉ đơn giản là động viên, cổ vũ tôi thôi. Đó là một trong những thời khắc mà những gì Leo có thể làm chỉ là thực hiện thành công cú đá của anh ấy. Tôi biết rằng trong hoàn cảnh đó, cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh cũng không thể giúp chúng tôi giành chiến thắng. Mọi thứ còn phụ thuộc vào bản thân tôi. Tôi cảm thấy tự tin và mạnh mẽ vì biết rằng cả đội cần đến mình.

•    Anh có cảm thấy áp lực không?

Có chứ. Bóng đá vốn dĩ là vậy mà: tranh đấu, chịu đựng và trên hết là cũng phải biết chấp nhận nỗi đau. Ở đó, chúng tôi đã chống chịu đến tận phút cuối cùng, đến khi Gonzalo Montiel thực hiện cú đá của cậu ấy. Khi những quả khoai tây nóng hổi, chúng cần phải được lấy ra khỏi lò. Tôi luôn sẵn sàng để làm chuyện đó, bất kể vì gia đình hay vì các đồng đội, thậm chí có thể mình bị bỏng đôi tay. Tôi yêu những khoảnh khắc như thế! Tôi luôn rất cừ trong những hoàn cảnh kiểu như vậy, cả cuộc đời tôi là dành cho việc cản phá những quả penalty. Không chỉ là ở kỳ Copa America, mà còn với Aston Villa, Arsenal hay từ khi còn rất trẻ. Trên loạt sút luân lưu, hoặc là thủ thành đối phương hoặc là tôi, chỉ một trong hai được chiến thắng. Và tôi luôn tự nói với bản thân rằng mình là người giỏi hơn. Tôi biết chắc mình sẽ cản phá được một hoặc hai quả.

•    Anh đã chuẩn bị ra sao cho loạt đấu súng cân não đó?

Cùng với đội ngũ ban huấn luyện, chúng tôi xem những video về cách Marcus Thuram, Olivier Giroud, Kylian Mbappe, Antoine Griezmann, Raphael Varane,… đá phạt. Trong số những người này, chỉ có Mbappe là đá luân lưu (sút đầu tiên và thành công). Trong cú đá của Kingsley Coman, tôi đã đưa ra quyết định đúng lúc. Với Aurelien Tchouameni, tôi chưa bao giờ được xem cậu ấy sút penalty cả, nhưng tôi có một linh cảm tốt, dù cậu ấy có sút bóng vào khung thành đi chăng nữa thì tôi cũng cảm nhận được quả bóng rất gần với bàn tay của mình. Trong khi với Kolo Muani, tôi đã được trải nghiệm cú đá của cậu ấy rồi, cầu thủ này sút rất mạnh về một góc; trên loạt sút luân lưu, cậu ấy quyết định nhắm mắt lại và đóng như búa bổ vào giữa… Còn lại thì tôi có nói với Paulo Dybala (người đá quả luân lưu thứ hai của Argentina) hãy sút vào chính giữa – mà vốn dĩ thì cậu ấy không hay có thói quen đó – và Paulo đã nghe tôi. Cậu ấy đã bình tĩnh thực hiện thành công quả đá của mình.

•    Với anh, giành chiến thắng vào thời điểm đó mới là quan trọng nhất, bất kể bằng mọi giá, chẳng hạn như không ngần ngại ném quả bóng đi chỗ khác (khi tới lượt sút của Tchouameni) hay tiến tới gần đối phương để gây xao nhãng (với Mbappe, Coman và Kolo Muani, và phải nhận một chiếc thẻ vàng từ trọng tài Marciniak)?

Đúng vậy. Tôi cũng đã bàn với chuyên gia tâm lý của mình trước đó. Tôi hỏi ông ấy về tâm lý của người đá luân lưu, và liệu nếu tôi làm những hành động như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến tâm lý của họ. Khi bạn bước vào một trận chung kết World Cup, ở một cầu trường có 90.000 người, tâm lý của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng. Sau khi cản phá cú đá của Coman, tôi biết rõ cú đá của Tchouameni sẽ mang tính quyết định, vì chúng tôi sẽ có lợi thế nhiều hơn một quả luân lưu. Vì vậy mà tôi mới khuấy động các khán đài, kêu gọi họ đứng lên, cũng như việc tôi ném quả bóng đi chỗ khác sẽ khiến cậu ấy phải đi thêm một quãng để nhặt quả bóng. Từ vòng tròn giữa sân cho đến chấm đá luân lưu là một quãng đường dài với rất nhiều suy nghĩ diễn ra trong đầu người đá. Nếu tôi khiến Tchouameni phải di chuyển thêm một đoạn đường nữa, cậu ấy sẽ phải nghĩ thêm. Ai mà biết được có khi trong lúc đó, cậu ấy đang nghĩ về quả đá luân lưu của Virgil van Dijk mà tôi đã cản phá được ở tứ kết… Với tất cả những bộn bề suy nghĩ đó, Tchouameni sẽ muốn đá quả bóng thật hiểm về một góc nào đó và có thể sút nó ra ngoài. 

•    Nhiều người chỉ trích anh về hành động nhảy múa ăn mừng sau khi đối phương sút hỏng luân lưu…

Thú thật là tôi chưa bao giờ làm như vậy trong đời mình cả. Tất cả là bởi adrenaline chảy trong người vào thời khắc đó của trận đấu, bởi cái cảm xúc từ quả luân lưu hỏng của đối thủ giúp chúng tôi rất gần với vinh quang. Tôi không hề dự định sẽ ăn mừng động tác cụ thể nào cả, đơn giản đấy chỉ là một hành động bộc phát. Một số người có thể nghĩ: “À, đúng thằng hề!” Có thể họ đúng đấy. Nhưng nếu các bạn nhìn kỹ lại, cả sự nghiệp của tôi, tôi chỉ ăn mừng vào những thời khắc trọng đại của tuyển Argentina, vào những khoảnh khắc quan trọng nhất chứ không phải lúc nào trong trận đấu cũng như vậy. Các cầu thủ khác khi ghi bàn họ đều ăn mừng đấy thôi, có người còn ăn mừng và giễu cợt ngay trước mặt thủ môn nữa mà. Ấy vậy mà khi một thủ môn ăn mừng hay nhảy múa, mọi người lại cảm thấy sốc? Sao kỳ vậy?!

•    Khi anh bị gọi là “thằng khùng” hoặc “bẩn bựa”, anh phản ứng thế nào?

Các đồng đội cũng nói tôi bị điên (“avoir un pète au casque” hay “having a fart on the helmet”). Chính xác là vì tôi làm hành động đó trong thời điểm hết sức căng thẳng. Tôi luôn thi đấu với tâm lý không biết sợ hãi, tôi không màng đến bất kỳ điều gì. Vài người có thể nghĩ: “Ơ, sao hắn ta có thể làm vậy ở một trận chung kết World Cup được nhỉ? Nhiệm vụ của hắn là gì? Hắn phải nghiêm túc hơn chứ?” Nhưng những ai hiểu rõ về tôi đều biết rằng tôi ngoan và hiền như chú cún Lassie trong một tựa phim điện ảnh. Tôi là người khá trầm lặng, thích làm chuyện ngược đời, nhưng luôn vui tươi. Tôi không nghĩ mình là kiểu người ngạo mạn, cũng không phải kiểu người khiêm tốn, có điều đó là cách tôi đương đầu trước áp lực, làm dịu sự căng thẳng và giúp bản thân thấy tự tin.

•    Sau trận đấu, anh có nói chuyện với Mbappe. Anh đã nói gì với cậu ấy?

Tôi nói với Mbappe rằng cậu ấy nên cảm thấy tự hào về bản thân mình, hãy ngẩng cao đầu, vì cậu ấy đã có một trận đấu quá xuất sắc (ghi 3 bàn, gồm 2 quả penalty và thực hiện thành công quả đá luân lưu) và rằng cậu ấy là một trong những cầu thủ hay nhất thế giới. Tôi cũng nói với Mbappe là tôi rất vinh dự được đối đầu với cậu ấy, cậu ấy đã suýt chút nữa tự mình mang vinh quang về cho đất nước. 

•    Mbappe có khiến anh gặp ác mộng không?

Không. Nhưng tôi khẳng định cậu ấy là cầu thủ có tài năng kinh khủng. Một khi Leo ngừng thi đấu, tôi tin Mbappe sẽ giành được rất nhiều Ballon d’Or.

•    Thái độ của anh sau trận đấu, trên sân và trong phòng thay đồ, và cả trong những màn ăn mừng ở Buenos Aires đã gây sốc, đặc biệt là với người hâm mộ bóng đá Pháp. Amelie Oudea-Castera, Bộ trưởng Bộ Thể thao của Pháp còn nói: “Hành động của cậu ta thật khiếm nhã, không thể chấp nhận được, không xứng với tư cách nhà vô địch.” Anh nghĩ sao?

Hành động ăn mừng với danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất của tôi chỉ là trò đùa giữa tôi với các đồng đội. Tôi từng làm vậy ở Copa America rồi và khi đó các đồng đội, kể cả Leo, có nói với tôi: “Không còn được lên tuyển để làm chuyện đó nữa à nha!” Tôi ăn mừng như vậy để hướng đến các đồng đội của mình thôi, chứ không có ý gì. Hành động ấy chỉ kéo dài trong một giây. Còn về những lời hát hò trong phòng thay đồ, đó là những thứ chỉ có trong phòng thay đồ, lẽ ra chúng không nên được tuồn ra bên ngoài. Khi Pháp đánh bại Argentina vào năm 2018, tôi còn nhớ các bạn cũng có những lời hát chế giễu đối với Messi. Tương tự như vậy, nếu một đội nào đó đánh bại được Brazil, họ cũng sẽ hát về Neymar theo cách đó. Tôi không hề có ý xúc phạm gì đối với Mbappe cả, cũng không có hiềm khích gì với cậu ấy. Tôi rất nể Mbappe là đằng khác. Nếu chúng tôi hát hò giễu cợt về cậu ấy hay một cầu thủ nào đó như Neymar chẳng hạn, thì bởi họ là những siêu sao và xuất sắc.

•    Còn tại Buenos Aires, trong lễ rước cúp, anh đã ôm một con búp bê có mặt nạ Mbappe…

Tôi sẽ kể chi tiết cho các bạn nghe chuyện gì đã xảy ra. Người dân khi ấy ném rất nhiều búp bê suốt đoạn đường, có lẽ chúng tôi đã nhận được tới hàng trăm con búp bê trong suốt chuyến đi. Lúc đó, một con búp bê có mặt nạ Mbappe được ném rơi xuống chân tôi, tôi nhặt nó lên vì trông nó rất buồn cười, tôi ôm nó vào tay chừng hai giây và gửi trả lại, chỉ có thế thôi. Làm sao tôi có thể mang Mbappe ra làm trò cười được chứ? Cậu ấy đã ghi 4 bàn vào lưới của tôi mà?! 4 bàn trong một trận chung kết lận đấy! Có khi Mbappe mới xem tôi là búp bê của cậu ấy không chừng! Tôi nhắc lại: Tôi rất nể trọng Mbappe. Và tôi sẽ nói thêm một điều nữa: Mbappe là cầu thủ người Pháp hay nhất tôi từng được chứng kiến.

•    Sau tất cả, anh có cảm thấy hối tiếc đôi chút không?

Có vài thứ lẽ ra tôi không nên làm. Tôi không hề có ý định khiến ai đó tổn thương cả. Trong cả sự nghiệp của mình, tôi đã kết giao với nhiều người Pháp và tôi chưa bao giờ có một chút vấn đề nào với họ cả. Ở Aston Villa, tôi thi đấu cùng Lucas Digne, Morgan Sanson, Boubacar Kamara,… Ở Arsenal, tôi quen biết Alexandre Lacazette, Matteo Guendouzi, Olivier Giroud. Bạn có thể hỏi Oli tôi là người thế nào. Chúng tôi rất thân với nhau là đằng khác. Tôi thật sự thích văn hóa và tinh thần của người Pháp.

•    Sau nhiều năm không danh hiệu, cuối cùng anh giành được 5 danh hiệu chỉ trong 2 năm (FA Cup, Siêu cúp nước Anh, Copa America, Finalissima và World Cup). Mục tiêu của anh giờ đây là gì?

Tôi muốn vô địch Champions League. Tôi muốn làm chuyện đó với Aston Villa, dù nó không hề dễ tí nào, bởi CLB vẫn còn trong giai đoạn phát triển. Tôi đã giành được danh hiệu đẹp nhất đời người với tuyển quốc gia và giờ tôi muốn hướng tới những danh hiệu quan trọng nhất cùng CLB.

•    Nếu muốn vậy, chắc anh phải chuyển CLB thôi…

Tôi muốn giành danh hiệu cùng Aston Villa. Nhưng cũng phức tạp… Chúng tôi đã bị loại khỏi FA Cup mùa giải này rồi. Chúng tôi không được phép mất hy vọng vào tương lai. Chúng ta hãy cứ chờ xem sao đã. Tôi có cảm giác rằng mình đủ đẳng cấp để chơi ở Champions League và muốn thử vô địch nó.

•    Anh có định sang Ligue 1 không? PSG cũng muốn vô địch Champions League lắm đó…

Tôi cũng từng vài lần nghĩ đến chuyện sang Ligue 1 thi đấu, nhưng thời còn trẻ cơ. PSG là một CLB lớn với rất nhiều cầu thủ xuất sắc. Ai mà lại không muốn đến đó chứ?!

•    Ở đó, anh sẽ là đồng đội của Messi và Mbappe…

Hai siêu sao! Họ là những kiểu đồng đội mà cầu thủ nào cũng ao ước được thi đấu cùng.

 

Thông tin người phỏng vấn tự cung cấp về cuộc phỏng vấn

Địa điểm: Emi Martinez, ở nhà của anh ấy, tại Birmingham. Tôi, ở nhà, phỏng vấn qua Zoom.

Thời lượng: 1h15 phút.

Trang phục của đối tượng: Áo thun trắng, áo hoodie đen, quần jean và mang giày thể thao.

Mức độ đồng điệu với người phỏng vấn: 5/10.

Câu hỏi mà tôi quên đặt: “Unai Emery có than phiền về hành động ăn mừng của anh khi anh trở về CLB không?”

Tựa đề bài phỏng vấn mà đối tượng lựa chọn: “Tôi đã đạt giành danh hiệu mơ ước của đời mình là World Cup, giờ tôi muốn vô địch Champions League.”

Ba cuộc phỏng vấn tiếp theo mà đối tượng muốn đọc trên France Football: “Marcos Acuna, Paulo Dybala và Julian Alvarez.”

Đối tượng tự chấm điểm về cuộc phỏng vấn: 8/10.

Tôi tự chấm điểm cuộc phỏng vấn: 9/10. Đối tượng không né tránh bất kỳ chủ đề nào, thẳng thắn trả lời, chân thành và nhẹ nhàng.

 

BLV Hoàng Thông (Le Foot) dịch từ France Football

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow