Để nói về những cái tên bị chế nhạo nhiều nhất thế giới bóng đá, hẳn Emile Heskey luôn nằm trong một vị trí dẫn đầu. 7 bàn trong 62 lần khoác áo đội tuyển Anh, 156 bàn sau 707 lần xuất hiện trên sân cỏ. |
Emile Heskey: Cái bóng khổng lồ yểm trợ Lữ Đoàn Đỏ |
Cái tên Heskey từng một thời được sử dụng để chỉ cho những tiền đạo không biết cách ghi bàn. Thế nhưng ở Liverpool, nơi vun đắp cho những tiền đạo tài năng, có vẻ như điều đó không thành vấn đề.
“Ô, kìa Heskey lại sút bóng lên trời”. “Ha ha, anh ta lại vấp bóng ngã”. Nếu bạn lên Youtube và gõ thanh tìm kiếm để xem thử người ta nói gì về Heskey, thì hẳn sẽ có câu trả lời cho bạn. Thật khó hiểu, một cầu thủ từng được xem là cạ cứng của Owen, cùng với Fowler trở thành hàng tấn công vũ bão trên khắp sân cỏ ở châu Âu. Người được những cổ động viên Lữ đoàn đỏ gọi là “Chúa tể”, mà lại có cái quá khứ chán như thế sao?
Muốn trả lời câu hỏi, thì phải quay ngược thời gian lại từ cái thời anh mở đầu sự nghiệp của mình. Sinh ra tại thành phố Leicester. À phải chính đội bóng đương kim vô địch, và họ cũng xem Heskey là huyền thoại của đội bóng đấy. Heskey sớm bộc lộ được khả năng săn bàn của mình khi anh được triệu tập lên đội hình chính thức thi đấu tại Premier League năm 17 tuổi.
Hai năm sau, Heskey ghi bàn thắng để đời trong trận chung kết League Cup với Middlesbrought, bàn thắng giúp đội bóng gỡ hòa trong thế bị dẫn trước, và sau đó Bầy Cáo giành chiến thắng chung cuộc luôn với tỷ số 2-1 để đoạt chức vô địch. Đó cũng là thành quả đầu tiên đánh dấu tên tuổi của Emile trên giới bóng đá nước Anh. Những mùa bóng sau, anh liên tiếp ghi bàn giúp đội bóng quê hương nhiều lần giành quyền lên đá tại giải đấu cao nhất đảo quốc Sương Mù. Những câu lạc bộ lớn như Leeds Unied, Tottenham Hotspur bắt đầu nhòm ngó đến anh, nhưng Liverpool đã cho thấy mình mạnh tay hơn trong việc chèo kéo chàng trai to lớn về thành phố Cảng. Họ đã bỏ ra 11 triệu bảng, kỷ lục câu lạc bộ thời đó để rước anh về Anfield, và câu lạc bộ sớm nhận ra mình…bị hớ trong thương vụ này.
|
Emile Heskey và Gerard Houllier |
Thể hình to lớn nhưng cực kỳ vụng về và chậm chạp, với một lối đá dựa nhiều vào tốc độ và phối hợp nhóm của Liverpool thời gian ấy, Heskey có vẻ như đã trở thành người thừa trong sơ đồ tấn công của Gerard Houllier. Nhưng không, ông thầy người Pháp đã ráng hết sức mình để đưa anh vào vị trí trung phong cắm dần thay thế cho Fowler. Và ông không ngờ rằng mình đã tạo ra một sơ đồ hai tiền đạo mang tính bước ngoặt vào thời điểm hiện tại, khi trung phong cắm không còn là người ghi bàn chính cho đội bóng và những vệ tinh xung quanh trở thành những mũi khoan xuyên phá vào hàng thủ đối phương.
Dietmar Hamann đưa bóng lên tuyến trên, Heskey lựa chọn khoảng trống và anh di chuyển làm tường. Sau đó là một pha dốc bóng đầy tốc độ của Owen, hoặc có thể là cú sút búa bổ của Gerrard. Đó dần trở thành một bài tấn công đơn giản mà vô cùng hiệu quả của đội bóng thành phố Cảng. Họ lập tức dành được những thành quả rực rỡ trong năm 2001 kỳ diệu. 6 tháng họ giật lấy 5 chiếc cúp vô địch. Cú ăn năm lịch sử đã đi vào huyền thoại đội bóng. Và Heskey là người tạo dấu ấn cực kỳ đậm nét.
22 bàn thắng cho Lữ đoàn đỏ ngay mùa giải đầu tiên anh được đá chính, nó trở thành con số đáng để những tiền đạo phải ngưỡng mộ. Nhưng không, giá trị là ở chỗ anh biết phát triển điểm mạnh của mình để có thể giúp cho đồng đội tỏa sáng. Tỳ đè, càn lướt, Emile giành lấy hết mọi khoảng không trong vòng cấm, anh thu hút hậu vệ và che chắn tầm nhìn của thủ môn. Chỉ với duy nhất một mục tiêu, mong người đồng đội Owen có thể dễ dàng tiến vào khung thành và dứt điểm ghi bàn. Và Owen đã không phụ lòng, anh ghi bàn liên tục và phát sáng trở thành ngôi sao rực rỡ với thành quả là Quả bóng vàng năm ấy. Người ta đã nói: Liverpool đã không có Golden Boy nếu không có Lord Heskey.
|
Emile Heskey cùng tài năng trẻ Gerrard khi đó |
Nhưng như người đời có câu: “Chết vì nghiệp”. Cái gì đưa ta đến thành công cũng dễ trở thành thứ vũ khí giết chết ta nhiều nhất. Chính cái lối chơi hy sinh bản thân như vậy mà Heskey ngày càng trở nên thui chột trong khả năng ghi bàn. Càng ngày số bàn thắng của anh càng thưa thớt, qua tháng năm thì những pha bóng hài hước thay thế dần cho những pha làm bàn xuất thần anh từng thể hiện. Không còn pha bứt tốc đầy tốc độ và sức mạnh, cùng cú chích bóng tinh tế ghi bàn vào lưới của Bayern Munich trong trận Siêu Cúp Châu Âu, mà thay vào đó là những tình huống dẫn bóng lỗi, té nhào trước hàng vạn tiếng cười. Cũng như mất đi hình ảnh trung phong dũng mãnh với cái đầu thép đội bóng tung mành lưới đối phương, mà phủ trên ấy là hình ảnh cú sút đưa bóng vọt xà khi cách khung thành chừng 5m sân.
Cổ động viên tiếc cho anh khi cách đó mới hơn một năm là hình ảnh anh tạo hình DJ ăn mừng bàn thắng như cơm bữa, nhưng giờ đây chỉ còn là cái bóng ấy lặng lẽ năm ôm đầu trên thảm cỏ xanh khi một cơ hội mười mươi qua đi. Và khi Benitez đến, Heskey ra đi như một điều tất yếu, thảm cỏ xanh Anfield giờ không còn là nhà của anh nữa. Và Heskey lang bạt trên khắp mọi nơi, với những lời cợt nhả giành cho mình. Nhưng anh cứ yên tâm, dù ở đâu thi những Kopites vẫn nhớ về anh, về cái bóng khổng lồ đã chắn lối đi cho Lữ đoàn đỏ trong những năm tháng chinh phục. Sự hy sinh của anh ở vai trò kiến tạo ấy, đã biến The Reds thành đội bóng có hàng công kỳ lạ, có thể không ổn định trong một chặn đua dài hơi như Ngoại hạng, nhưng lại đầy ma mãnh và đột biến ở những cuộc chơi đấu cúp, và nó dần trở thành một đặc sản của thành phố cảng, nơi vai trò của tiền đạo còn hơn cả là việc ghi bàn.
Và ở Heskey còn nhiều hơn những câu chuyện trên sân cỏ nữa. Cái tính hy sinh, chịu khó, và trung thành dường như nó chảy trong huyết quản của người đàn ông này. Ít ai biết rằng, sau khi kết thúc mùa giải 2000-2001, Tottenham đã từng thèm khát Heskey rất nhiều. Đến nỗi mùa đông năm 2002, họ đã chồng hẳn 12 triệu bảng lên bàn đàm phán để kéo anh về London. Nhưng Heskey đã bỏ ngoài tai những lời chèo kéo, anh ngoan ngoãn nghe lời người thầy Houlier của mình để ở lại Anfield và giành trọn tình cảm nơi đây. Cuối cùng là cái tình của anh đối với Leicester City, vào năm 2002, anh và Gary Lineker đã cùng nhau kêu gọi và ủng hộ rất nhiều tiền nhằm cứu vớt đội bóng trong cơn khủng hoảng tài chính. Nhờ những nỗ lực của anh mà Bầy Cáo vẫn còn tồn tại và thành quả là ngày hôm nay, họ là nhà đương kim vô địch nước Anh.
PHƯƠNG GP (TTVN)