Eidur Gudjohnsen: "Forrest Gump" của thế giới bóng đá

Tác giả Ole - Thứ Năm 15/09/2022 16:34(GMT+7)

Mặc dù không phải một cầu thủ quá nổi bật trên sân cỏ nhưng Eidur Gudjohnsen vẫn luôn được người ta nhớ đến bởi tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ cũng như thói quen thi đấu cống hiến hết mình cho đội bóng. 

 

Tất nhiên, Gudjohnsen không phải một “cỗ máy săn bàn” thượng hạng. Ngay cả trong giai đoạn đỉnh cao khi còn khoác áo Chelsea, tiền đạo người Iceland cũng chưa bao giờ ghi được quá 15 bàn/mùa ở Premier League. Thế nhưng, cho đến ngày giải nghệ, cái tên Gudjohnsen vẫn được xem là một huyền thoại đích thực của nền bóng đá xứ sở băng đảo, một hình ảnh tiêu biểu cho khao khát vươn tới đỉnh cao cũng như tinh thần hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống.

Trên thực tế, Gudjohnsen không hề sở hữu tố chất chơi bóng thiên bẩm giống như nhiều ngôi sao đương thời khác. Cũng có thể hiểu rằng việc xuất thân từ một nền bóng đá không mấy tên tuổi như Iceland chính là nguyên nhân khiến cựu tiền đạo Chelsea phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Một đất nước vốn băng giá quanh năm với khí hậu lạnh lẽo của vùng cực Bắc dường như không phải là nơi lý tưởng để sản sinh ra mẫu cầu thủ khéo léo và sở hữu nền tảng kỹ thuật cá nhân vượt trội, giống như các nền bóng đá Tây Ban Nha, Pháp, Ý hay Nam Mỹ… 

Ít người biết rằng, khi còn trẻ, Gudjohnsen từng phải đối mặt với nỗi ám ảnh chấn thương liên miên, thậm chí đứng trước nguy cơ rời xa trái bóng vĩnh viễn. Đỉnh điểm là lần bị vỡ mắt cá chân khiến bác sĩ cũng phải đưa ra lời khuyên cho cầu thủ trẻ người Iceland nên cân nhắc tìm kiếm một công việc khác thay vì tiếp tục cố gắng theo đuổi bóng đá. Thế nhưng, một người Viking như Gudjohnsen lại có thừa bản lĩnh và nghị lực để không chấp nhận sự thật… nhảm nhí ấy. Anh chuyên tâm tập luyện theo một chế độ được ví như “địa ngục” để có thể sớm phục hồi và trở lại sân cỏ.

Những định kiến về một nền bóng đá “hoang đảo” bí ẩn và nhạt nhẽo không thể ngăn cản Gudjohnsen cùng hoài bão bước ra thế giới. Sau một mùa rưỡi gắn bó với Bolton, tiền đạo người Iceland cuối cùng đã khiến tất cả phải biết đến vùng đất quê hương mình bằng bản hợp đồng chuyển nhượng đình đám gia nhập Chelsea. Tại sân Stamford Bridge, anh có cơ hội chơi bóng bên cạnh những Zola hay Hasselbaink, trước khi trở thành một phần quan trọng trong đội hình đội bóng thủ đô London.   

 

Tháng Một năm 2003, Gudjohnsen lập một siêu phẩm “xe đạp chổng ngược” vào lưới Leeds United, xuất phát từ quả tạt của Frank Lampard, một bàn thắng cho thấy sự pha trộn giữa niềm vui và tính thư giãn trong bóng đá. Rõ ràng, chân sút người Iceland không phải một chuyên gia chơi bóng ngẫu hứng, thế nhưng sự nỗ lực cũng như tinh thần thoải mái đã góp phần giúp tiền đạo của The Blues tạo nên một khoảnh khắc kỳ diệu. Nói một cách đơn giản hơn thì Gudjohnsen không nhất thiết phải trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới để có thể tin tưởng vào năng lực của chính mình. Thay vào đó, anh luôn biết cách thể hiện bản thân thông qua sự tận hiến cùng thói quen làm việc chăm chỉ. Với tư cách là một cầu thủ bóng đá hàng đầu, Gudjohnsen hoàn toàn có thể tự hào khi từng được chơi bóng bên cạnh “Rô béo” và Messi, những ngôi sao thượng hạng.

Trong cuộc cách mạng “đồng rúp” dưới triều đại của Chủ tịch Abramovich và HLV Jose Mourinho tại Chelsea, cái tên Eidur Gudjohnsen vẫn luôn tồn tại bền bỉ hơn bao giờ hết, bất chấp hàng loạt siêu sao cứ thế đến và đi. Anh rất được lòng “Người đặc biệt” và thậm chí từng ghi bàn quyết định để đem về thắng lợi đầu tiên trên sân Stamford Bridge cho nhà cầm quân người Bồ Đào Nha, một tình huống lập công vào lưới Man United. “Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện rời khỏi đây. Cậu phải ở lại cùng Chelsea vì tôi muốn như vậy”, đích thân Mourinho đã lên tiếng khẳng định tương lai của Gudjohnsen tại CLB thành London.

Điều thú vị hơn nữa là một trong những chiến lược gia mang phong cách hoàn toàn trái ngược với “Người đặc biệt” là Pep Guardiola sau này cũng cực kỳ ưa thích sử dụng tiền đạo người Iceland, sau khi anh chuyển tới khoác áo đội bóng xứ Catalonia. Giai đoạn đầu mùa giải 2008/09, khi Pep vừa mới “chân ướt chân ráo” đến Barca và đang lâm nguy với chỉ 5 điểm giành được sau 4 trận đầu tiên tại La Liga thì chính Gudjohnsen đã có mặt đúng lúc để tận dụng đường căng ngang của Dani Alves và đem về chiến thắng đầu tiên cho vị chiến lược gia người Tây Ban Nha trên sân Nou Camp, trước Real Betis. Cuối mùa, Barca giành được “cú ăn ba” lịch sử và Gudjohnsen thì cũng kịp có cho mình 34 lần ra sân, bất chấp sự xuất hiện của những Henry, Eto’o và Messi trong đội hình.       

Gudjohnsen ở Barcelona

Hơn hai thập kỷ thi đấu đỉnh cao, Eidur Gudjohnsen có thể không nằm trong danh sách những chân sút xuất chúng nhất của bóng đá thế giới, một phần bởi tính cách khiêm nhường cũng như thói quen chơi bóng đồng đội khiến anh ít khi trở thành tâm điểm của những bàn thắng. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là người ta đánh giá thấp năng lực của cựu danh thủ từng khoác áo Chelsea và Barca. Sự thật là Gudjohnsen từng được chơi bóng bên cạnh “Rô béo”, Zola, Hasselbaink, Crespo, Drogba, Eto’o, Ronaldinho, Messi, Henry… và rất nhiều cái tên đình đám khác. Chắc chắn, không phải ai cũng có thể làm được như vậy. 

Một cầu thủ với xuất phát điểm chỉ từ vùng đất Iceland băng giá quanh năm chẳng mất người biết đến, bây giờ đã đặt chân vào lịch sử, đó quả thật là một chặng đường dài. Giống như nhân vật “Forrest Gump” trong bộ phim nổi tiếng cùng tên, có lẽ Eidur Gudjohnsen đã phải chạy rất nhiều để làm nên một cuộc đời đầy rẫy những điều thú vị của mình, những bước chạy đến từ một tâm hồn thuần khiết cùng trái tim nóng bỏng, và cái kết dành cho anh thì mãi mãi trọn vẹn…

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kieran McKenna: Vua về nhì của Ipswich Town

Ở 2 mùa giải gần nhất, Kieran McKenna 2 lần cùng Ipswich Town về nhì, nhưng chẳng có gì phải buồn hay tiếc nuối, vì cả 2 lần về nhì kể trên đều mang lại niềm vui cho mọi CĐV của CLB này.

Có một Jadon Sancho tự tin và kiêu hãnh ở Dortmund

Jadon Sancho rời Dortmund gia nhập Man United vào mùa Hè 2021. Ba mùa giải cuối cùng cho Dortmund trước khi cập bến "Quỷ đỏ", tổng thành tích ghi bàn và kiến tạo mỗi mùa của Sancho luôn là +29 G/A. Trong 2 mùa giải rưỡi khoác áo MU trước khi trở lại Dortmund theo Hợp đồng cho mượn, Sancho chỉ đặt dấu giày vào… 18 bàn.

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.