Mái tóc vàng lãng tử, những bước chạy đầy thanh thoát, anh lướt nhẹ qua hậu vệ đối phương, dứt điểm lạnh lùng rồi ăn mừng đầy cảm xúc. Đã có một khoảng thời gian người hâm mộ Chelsea say đắm khi chứng kiến từng bước chạy của anh trên mặt cỏ Stamford Bridge. Anh là ký ức, là một phần thanh xuân không thể xóa đối với các True Blues.
“Này Edu, tôi biết cậu đang phân vân về những sự quan tâm ở bên ngoài kia. Nhưng tôi ở đây để nói rằng cậu sẽ không đi đâu hết. Cậu là một phần của đội bóng này. Tôi cần cậu đạt phong độ tốt nhất. Cùng với nhau, chúng ta sẽ giành chiến thắng”, Jose Mourinho đã nói như vậy với Eidur Gudjohnsen thông qua một cuộc gọi ngay thời điểm chiến lược gia người Bồ Đào Nha vừa được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Chelsea, thay thế cho Claudio Ranieri.
Tuy vậy, không phải ai cũng có được cái vinh dự đó. Cùng thời điểm với cuộc điện thoại ấy, đã có một cuộc gọi khác từ cựu giám đốc điều hành Peter Kenyon đến Jimmy Floyd Hasselbaink để thông báo về việc tiền đạo người Hà Lan sẽ phải ra đi ngay trong mùa hè 2004.
Cặp đôi Băng – Lửa của Chelsea có số phận khác nhau khi Mourinho đến Chelsea. Ảnh: Getty Images
Mùa hè 2004, Stamford Bridge cũng chứng kiến một cuộc thanh lọc đội hình lớn chưa từng có. Sau Hasselbaink, những tiền đạo gây thất vọng như Adrian Mutu và Hernan Crespo cũng nằm ngoài kế hoạch của “Người đặc biệt”. Ở chiều ngược lại, Chelsea chi ra 100 triệu bảng để bổ sung lực lượng, trong đó có cả Didier Drogba – tiền đạo mà Mourinho khát khao có được trong đội hình kể từ thời còn dẫn dắt Porto.
Với sự xuất hiện của Drogba, nhiều người bắt đầu quan ngại cho tình cảnh của Gudjohnsen, ngay cả khi chân sút người Iceland nhận được lời hứa hẹn từ Mourinho. Nhưng đó không phải lần đầu tiên người ta lo lắng cho vị trí của Gudjohnsen và cũng không phải lần đầu tiên anh chứng tỏ với cả thế giới rằng: “Tôi ổn, rất ổn là đằng khác đấy!”.
Hồi mới khởi nghiệp tại PSV Eindhoven, Gudjohnsen phải dự bị cho Ronaldo de Lima. Khi ấy Ronaldo còn rất trẻ nhưng đã càn quét hết giải vô địch quốc gia Hà Lan bằng phong độ săn bàn đáng sợ. Nhưng khi Ronaldo dính chấn thương nặng ở mùa giải 1995/1996, Gudjohnsen lập tức chiếm suất đá chính và chỉ trả lại vị trí khi ngôi sao Brazil đạt được 100% phong độ.
Sau này, khi chuyển đến Chelsea từ Bolton, trở thành nhân tố dự bị cho Gianfranco Zola và Hasselbaink, Gudjohnsen từng bước chen chân vào đội hình chính thức, trước khi kết hợp với Hasselbaink để trở thành cặp song sát “Băng - Lửa” trứ danh. Rồi khi Ranieri lên nắm quyền, Gudjohnsen từng bị cảnh báo về việc sẽ không còn tương lai tại đây, nhưng anh cũng chỉ đáp trả ngắn gọn rằng: “Ông có thể đưa về bất cứ ai ông muốn nhưng tôi vẫn sẽ thi đấu thôi. Hãy làm những gì ông muốn còn tôi vẫn cứ ổn”. Và đúng như vậy, cuối cùng Ranieri thậm chí còn ra đi trước cả Gudjohnsen. Cùng với Frank Lampard và John Terry, Gudjohnsen chính là nhân tố hiếm hoi còn sót lại trong “cuộc cách mạng đồng rúp” ở Chelsea.
Mùa giải đầu tiên dưới triều đại Mourinho, khi Drogba chưa thể bắt nhịp được lối chơi mà “Người đặc biệt” xây dựng, chính Gudjohnsen mới là tiền đạo chủ lực của The Blues tại Premier League. Anh đã ghi 12 bàn thắng, trong đó có những pha lập công cực kỳ quan trọng trước hai đại kình địch của Chelsea khi ấy là Arsenal và Manchester Unted, góp công lớn trong chiến dịch đăng quang chức vô địch Premier League 2004/2005.
Ở Gudjohnsen, mọi thứ đều vừa đủ. Anh không quá nhanh nhưng chẳng hề chậm chạp. Anh không khéo léo nhưng cũng chẳng vụng về. Dù vị trí sở trường là trung phong cắm nhưng anh lại sở hữu nhãn quang chiến thuật sắc bén. Và đặc biệt, Gudjohnsen luôn ra sân với thái độ thi đấu chuyên nghiệp nhất, đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu về chiến thuật mà HLV trưởng đề ra. Ở Chelsea thời điểm ấy, Gudjohnsen là một thủ lĩnh tinh thần, dù tuổi đời chưa đến 30.
Eidur Gudjohnsen và Frank Lampard là 2 nhân tố hiếm hoi còn sót lại ở Chelsea sau khi ông Abramovich mua lại CLB. Ảnh: Getty Images
Còn nhớ trận đấu với Bolton ngày 30/4/2005, Mourinho giao cho Gudjohnsen một trọng trách đặc biệt: giặt và xếp đồ cho 11 cầu thủ đá chính ngày hôm ấy. Việc này vốn dĩ thuộc về các nhân viên phục vụ của đội bóng, nhưng tại sao chiến lược gia người Bồ Đào Nha lại để Gudjohnsen làm gì?
Trước khi trận đấu bắt đầu, Mourinho dẫn toàn bộ các cầu thủ vào phòng thay đồ, chờ sẵn ở đó. Để rồi Gudjohnsen bước vào với chiếc xe đẩy, đặt gọn gàng đồng phục trước vị trí mỗi người, trước sự ngơ ngác của cả khán phòng khi đó. Từ trong túi áo măng tô quen thuộc, Mourinho rút ra một bức thư được ông và cầu thủ số 22 soạn sẵn trước đó, ông trao nó cho anh. Gudjohnsen đọc dõng dạc từng chữ. Không khí lặng đi trong phút chốc.
Tiền đạo người Iceland liên tục nhấn mạnh: "Đây có thể là mùa giải cuối của tôi ở đây. Đây có thể là mùa giải cuối cùng của những con người còn sót lại ở thế hệ đàn anh của các cậu ở đây. Chúng ta không thể thất bại, tôi biết các cậu còn một trận đấu quan trọng tại bán kết Champions League trước Liverpool vài ngày nữa, nhưng tôi xin được nhắc lại, chúng ta không thể thua, chúng ta không thể thua".
Gudjohnsen có tên trong đội hình xuất phát ngày hôm ấy, không ghi bàn nhưng chơi đầy nỗ lực, được thay thế bằng Joe Cole ở phút 85. Tuy nhiên, người đồng đội xuất sắc Frank Lampard của anh đã làm thay nhiệm vụ đó. “Super Frankie” ghi liền hai bàn và giúp Chelsea của Mourinho trở thành nhà vua của nước Anh sau 50 năm chờ đợi mỏi mòn.
Chelsea của mùa giải 2004/2005 không phải là một tập thể quá xuất sắc, nhưng chính sự lỳ lợm trong lối chơi đã đưa họ đi đến vinh quang. The Blues chỉ ghi tổng cộng 72 bàn thắng sau 38 vòng đấu, kém đội á quân là Arsenal tới 15 bàn. Tuy nhiên hàng phòng ngự trứ danh của Mourinho chính là sự khác biệt. Họ chỉ để lọt lưới tổng cộng 15 bàn và biến khung thành của Petr Cech trở thành nơi bất khả xâm phạm. Mệnh đề “Chelsea ghi bàn trước, trận đấu kết thúc” cũng bắt đầu từ đấy.
Chẳng cần nói cũng hiểu ông chủ Roman Abramovich vui sướng tới mức nào khi nhận “trái ngọt” chỉ sau 2 năm tiếp quản Chelsea từ Ken Bates. Tỷ phú nước Nga là người giàu tham vọng, ông muốn Chelsea tiếp tục vô địch nhưng với thứ bóng đá tấn công quyến rũ hơn. Và tất nhiên Mourinho sẽ được cấp tiền chiêu mộ tân binh để làm việc đó.
Mourinho rất coi trọng Gudjohnsen và coi cầu thủ người Iceland là nhân tố quan trọng trong đội. Ảnh: Getty Images
Michael Essien và Shaun Wright-Phillips cập bến Stamford Bridge trong mùa hè 2005 với tổng giá trị lên đến 50 triệu bảng Anh, trong khi Hernan Crespo trở lại sau 1 năm “tu nghiệp” thành công trong màu áo AC Milan, suýt chút nữa đã trở thành nhà vô địch Champions League. Trên hàng công, Drogba cũng bắt đầu “nóng máy” và các bàn thắng cứ thế đến với ngôi sao người Bờ Biển Ngà. Một lần nữa người ta đặt câu hỏi về tương lai của Gudjohnsen.
Trong cuộc sống, nếu một tồn tại được ở một môi trường làm việc khắc nghiệt, bạn phải là người được việc. Và Gudjohnsen chính là mẫu người được việc, dù ở bất cứ đâu, bất kỳ đội bóng nào mà anh từng gắn bó. Dù không được đá chính thường xuyên, tuy nhiên mỗi lần được Mourinho trao cơ hội, tiền đạo sinh năm 1978 luôn chứng tỏ được giá trị bản thân.
Khi Essien dính chấn thương, tuyến giữa khủng hoảng nhân sự trầm trọng, Mourinho mạnh dạn bố trí Gudjohnsen thi đấu trong hàng tiền vệ 3 người. Ngày đó nhiều người chỉ biết tới Alan Smith của Man Utd là người thi đấu thành công khi chuyển từ tiền đạo xuống đá tiền vệ, nhưng ít ai để ý đến Gudjohnsen cũng làm điều đó ấn tượng chẳng kém. Anh không có sự máu lửa như Alan Smith, nhưng lại tinh tế hơn với những đường chuyền sắc lẹm, đủ sức xé nát mọi hàng phòng ngự đối phương.
Khi được hỏi về vai trò mới của Gudjohnsen, Mourinho chỉ cười và nói rằng: “Edu là con người của mọi giải pháp”. Cuối mùa giải năm ấy, Gudjohnsen ra sân tổng cộng 26 trận và giúp Chelsea tiếp tục đăng quang Premier League với điểm số 91, bỏ xa Man Utd tới 8 điểm trên bảng xếp hạng. Và đó cũng là cái kết đẹp cho mối tình kéo dài 6 năm của anh với Chelsea, trước khi tiếp tục cuộc hành trình mới trên đất Tây Ban Nha với Barcelona.
Có một sự thật không phải ai cũng biết, Gudjohnsen là cầu thủ hiếm hoi nhận được cả Mourinho lẫn Pep Guardiola ưa thích sử dụng. Cả hai chiến lược gia hàng đầu thế giới này cũng đều công nhận sự nhẫn nại và tận tụy của cầu thủ người Iceland. Và hôm nay, chiến binh “Người băng” của chúng ta tròn 43 tuổi!
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.