Điềm tĩnh và chơi bóng bằng sự khôn ngoan luôn là một trong những phẩm chất nổi bật nhất của Edwin van der Sar.
Jaap Visser, tác giả cuốn sách về Edwin van der Sar, từng tiết lộ rằng trước khi tác phẩm được thực hiện, thủ thành huyền thoại người Hà Lan tỏ ra khá lo lắng vì người viết sẽ không thể tìm ra điểm gì thú vị để nói về ông. Van der Sar có tính cách điềm đạm và sự nghiệp gần như miễn nhiễm với bê bối. “Tôi xin lỗi, tôi không sôi động như rock ‘n’ rolll”, đó là những gì Van der Sar nói với Jaap Visser.
Cuối cùng, cuốn sách vẫn được thực hiện, vì nó cần được xuất hiện và nhân vật chính trong đó xứng đáng được có một cuốn sách về sự nghiệp hiển hách xen lẫn không ít thăng trầm của mình.
Người khởi đầu một xu thế
Việc thủ môn cần có khả năng sử dụng tốt đôi chân cũng như biết cách làm chủ vùng khung gian xung quanh mình đã trở thành tiêu chuẩn trong bóng đá hiện đại. Nhưng ngược trở lại thời điểm cuối thập niên 2000 đầu thập niên 2010, đó vẫn là câu chuyện mới mẻ, chưa cần phải nói đến thời điểm 20 hay 30 năm trước. Tuy nhiên, trào lưu nào cũng luôn cần một người đi đầu. Và theo sử gia bóng đá Jonathan Wilson, Van der Sar chính là người tiên phong cho một xu thế có tên là thủ môn quét hay có thể gọi nôm na là “thủ môn chơi chân”.
24 tuổi, Van der Sar bước lên đỉnh cao châu Âu với chức vô địch UEFA Champions League cùng Ajax. 1 năm sau, gã khổng lồ bóng đá Hà Lan một lần nữa đi tới trận đấu cuối cùng của đấu trường danh giá nhất cấp CLB với Van der Sar đứng trong khung gỗ và chỉ chịu thua Juventus trên chấm luân lưu.
Johan Cruyff nói rằng Van der Sar chính là cầu thủ chủ chốt cho chức vô địch Champions League năm 1995 của Ajax. Trong khi đó sau này Manuel Neuer nhấn mạnh: “Một trong những người đầu tiên mang tới chiều hướng mới cho vị trí thủ môn là Edwin van der Sar, người sử dụng chân rất tốt và đưa vị trí này bước vào thời kỳ mới. Tôi được truyền rất nhiều cảm hứng bởi phong cách thi đấu của anh ấy và tôi cũng rất thích triết lý của Ajax”.
Nguồn gốc cho sự nổi lên của Van der Sar vào thập niên 90 bắt đầu từ một câu chuyện rất tình cờ. Khi còn nhỏ, ông chơi cho đội bóng ở quê hương là Foreholte và sau đó đến VV Noordwijk. Thời điểm đó, Louis van Gaal (vẫn là trợ lý HLV tại Ajax) thường xuyên chơi bài với Ruud Broring, HLV đội trẻ của Noordwijk. Trong một cuộc gặp giữa 2 người, Van Gaal nói rằng ông đang tìm một thủ môn mới cho đội bóng của mình và Broring tiến cử Van der Sar.
Nếu những ứng cử viên khác đều là những mẫu thủ môn thiên về khả năng phản xạ, cứu thua thì Van der Sar lại gây ấn tượng với Van Gaal nhờ khả năng đọc tình huống. Và nó rất phù hợp với cách chơi mà ông muốn hướng đội bóng của mình đi theo, dựa trên nguồn cảm hứng của bóng đá tổng lực mà Rinus Michels và Johan Cruyff đã gây dựng trong những thập niên trước đó. Ở trong khung gỗ, Van der Sar là một điểm chạm để trái bóng được luân chuyển một cách trơn tru, mạch lạc trên sân, sẵn sàng rời khỏi khung thành khi cần thiết để xử lý tình huống thay vì giống các thủ môn truyền thống là giữ khung thành và phá bóng thật mạnh lên phía trước.
Năm 1990, Edwin van der Sar gia nhập Ajax, khi phía trước ông là Stanley Menzo, cầu thủ chủ chốt của đội bóng thủ đô Hà Lan suốt từ năm 1983 và từng được Johan Cruyff nhận định rằng sẽ là một trong những thủ môn đầu tiên có thể tạo tầm ảnh hưởng trên sân như những cầu thủ ở các vị trí khác. Song, sau 2 sai lầm nghiêm trọng trong trận tứ kết lượt đi UEFA Cup mùa giải 1991/1992 trước Auxerre khiến Ajax nhận thất bại 2-4, Menzo chính thức mất vị trí chính thức trong khung gỗ vào tay Van der Sar và không bao giờ có thể lấy lại.
Cũng cần phải nói rằng một trong những lý do khiến Van der Sar có nhiều đất diễn hơn trong suốt giai đoạn đó chính nhờ một trong những thay đổi quan trọng của bóng đá: Luật chuyền về. Sau 2 giải đấu World Cup 1990 và Euro 1992 bị đánh giá là buồn tẻ khi các thủ môn quá lạm dụng việc cầm bóng lên sau khi đồng đội chuyền về để kéo dài thời gian, những nhà điều hành bóng đá thực hiện một điều chỉnh mang tính bước ngoặt: Cấm thủ môn cầm bóng sau khi nhận đường chuyền về bằng chân có chủ đích từ đồng đội. Điều này buộc các thủ môn phải điều chỉnh và sử dụng chân tốt hơn để xử lý trái bóng trơn tru.
Xuất thân chơi ở những vị trí cao hơn giúp Van der Sar như “cá gặp nước” ở khía cạnh này. “Luật chuyền về đã thay đổi cuộc đời tôi vì trước đó tôi đã sử dụng chân rất tốt”, sau này huyền thoại người Hà Lan thừa nhận.
Chìm sâu và trỗi dậy
Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa bóng đá chưa diễn ra mạnh mẽ, những triết lý của mỗi CLB hay quốc gia bóng đá hàng đầu vẫn có sự riêng biệt, việc thủ môn cần sử dụng tốt đôi chân của mình chưa trở thành tiêu chuẩn, Van der Sar có thể là thủ môn giỏi ở Hà Lan nhưng bộ kỹ năng của ông có phần lạc nhịp sau khi gia nhập Juventus.
Tại một nền bóng đá với căn tính phòng ngự ăn sâu nhiều thế hệ, thủ môn không cần chủ động triển khai bóng hay thậm chí lao ra khỏi vòng cấm địa để điều phối, thay vào đó anh ta cần đứng trong khung gỗ và sẵn sàng thực hiện những pha cứu thua ngoạn mục. Nó trái ngược hoàn toàn với tư duy tấn công chủ động của người Hà Lan.
Bất kể triết lý chơi bóng nào cũng cần sự đồng điệu của toàn bộ tập thể để cỗ máy vận hành trơn tru. Nếu ở Ajax, những đường chuyền của Van der Sar có thể được các đồng đội xử lý gọn gàng bởi họ thấm nhuần triết lý chung và có bộ kỹ năng phù hợp với cách chơi ấy. Còn tại Juventus, những đường chuyền của Van der Sar nhiều lần khiến các đồng đội lúng túng và mất bóng. Hệ quả là khi phải gặp càng nhiều đợt tấn công, không tránh khỏi việc tỷ lệ bàn thua sẽ gia tăng. Theo nhà báo kỳ cựu Simon Kuper, trung vệ Paolo Montero từng hét vào mặt thủ thành Hà Lan vì những đường bóng như vậy, trong khi đó, truyền thông Italy gọi ông bằng những biệt danh mỉa mai như “người đàn ông với miếng bơ trên tay” hay “Van der Gol”.
Mùa giải đầu tiên của Van der Sar tại Turin diễn ra ổn thỏa, nhưng mùa bóng tiếp theo của ông nổi bật bởi hàng loạt sai lầm. Khi những nỗ lực chứng minh bản thân trở nên bất thành, nhất là khi Juventus chi số tiền kỷ lục để đưa Gianluigi Buffon về khung gỗ, mùa hè 2001, Van der Sar gia nhập Fulham, tân binh Premier League lúc bấy giờ, để tìm lối thoát cho sự nghiệp.
Rõ ràng Fulham không phải đội bóng lớn và tham vọng của Van der Sar lớn hơn thế, nhất là khi những năm trước đó những Gerard Houllier của Liverpool, Van Gaal của Barcelona hay Sir Alex Ferguson của Manchester United từng mong muốn có được ông. Thời điểm này, Van Gaal là HLV trưởng đội tuyển Hà Lan và đã trấn an cậu học trò rằng chỉ cần một kỳ World Cup 2002 xuất sắc, Van der Sar sẽ lại nhận được sự chú ý của những CLB hàng đầu thế giới. Nhưng chuyện đó đã không bao giờ xảy ra bởi Oranje thậm chí không thể vượt qua nổi vòng loại, còn Van der Sar sẽ ở Fulham trong 4 năm khi đã 34 tuổi.
Ở độ tuổi ấy, rất khó để nghĩ đến việc Van der Sar có thể đến một CLB nào nữa và giành lấy suất bắt chính. Nhưng Sir Alex Ferguson lại không nghĩ vậy. Từng rất muốn đưa thủ thành người Hà Lan về Old Trafford làm người thay thế Peter Schmeichel vào năm 1999, lần này ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Van der Sar sau khi đã thất vọng với những Mark Bosnich, Roy Carroll, Fabien Barthez hay Tim Howard kể từ khi huyền thoại người Đan Mạch chia tay sân Old Trafford.
Edwin van der Sar trở thành bản hợp đồng đầu tiên trong kỷ nguyên của nhà Glazer tại Manchester United. Cây bút Daniel Taylor khi ấy viết trên tờ The Guardian: “Ferguson muốn cầu thủ giàu kinh nghiệm người Hà Lan làm cố vấn cho Tim Howard, trong khi thủ thành người Mỹ được coi là lựa chọn lâu dài của tương lai”.
Quả thực, Ferguson đã có một trong những quyết định sáng suốt nhất, không phải bởi ông đã tìm ra một cố vấn đắc lực cho Tim Howard mà vì Manchester United đã có thủ môn xuất sắc nhất sau thời của Schmeichel. Cây bút Michael Cox nhận định trong giai đoạn cuối sự nghiệp, đặc biệt tại Manchester United, Van der Sar ngày càng ít sự cơ động và thiên về việc thi đấu như thủ môn truyền thống hơn. Tuy nhiên, sự điềm tĩnh, cảm quan thi đấu thì vẫn luôn còn đó.
Van der Sar không nổi tiếng vì những pha cứu thua ngoạn mục như Schmeichel hay De Gea, đơn giản vì ông có thể lựa chọn vị trí phù hợp để ngăn chặn những pha bóng nguy hiểm. “Ngăn chặn những đường bóng mà mọi người kỳ vọng bạn sẽ cứu thua” chính là tôn chỉ của thủ môn người Hà Lan.
Cứ như thế, ở độ tuổi U40, ông trở thành một chốt chặn vững chãi trong khung gỗ của “Quỷ đỏ” suốt hơn nửa thập kỷ. 4 chức vô địch Premier League, 1 cúp bạc Champions League, 2 League Cup, 3 Community Shield, 1 FIFA Club World Cup đều in đậm dấu ấn của huyền thoại người Hà Lan.
Rio Ferdinand nói: “Những gì chúng ta cần ở một thủ môn xuất sắc là ngăn chặn cú dứt điểm, cái uy, khả năng tổ chức, biết sử dụng chân tốt, tinh thần mạnh mẽ, sự nhanh nhẹn. Còn nhiều điều nữa, nhưng một thứ Edwin có hơn bất cứ thủ môn nào tôi từng chơi cùng chính là sự điềm tĩnh và tĩnh lặng. Anh ấy không bao giờ hoảng loạn, không bao giờ bối rối. Anh ấy có thứ khí chất theo kiểu ‘Tôi từng ở tình huống này rồi, anh em cứ bình tĩnh’. Với một trung vệ, cảm nhận được khí chất đó từ thủ môn là điều rất tuyệt”.
Tác giả Jaap Visser thì chia sẻ: “Anh ấy có đôi bàn tay rất khỏe và sử dụng chúng để thị uy đối phương trong những màn bắt tay trước trận. Xem kỹ, đôi khi bạn sẽ thấy đối thủ nhăn mặt. Anh ấy như thể muốn nói: ‘Tôi là Edwin van der Sar, đừng gây chuyện với tôi’ và anh ấy làm như vậy theo cách đặc biệt. Anh ấy đưa tay ra và bóp nát tay bạn. Tôi từng thử bắt tay anh ấy và sau đó phải kiểm tra xem ngón tay mình còn lành lặn hay không”.
Một người đàn ông khiêm nhường, điềm đạm nhưng luôn tỏa ra khí chất của một nhà lãnh đạo. Một gã khổng lồ với cái đầu lạnh, đó là ông, Edwin van der Sar.