Hiện tại, khi chuẩn bị bước sang tuổi 19, Camavinga đã biến giấc mơ của rất nhiều cầu thủ thành hiện thực: Khoác áo Real Madrid khi đội bóng này chấp nhận trả cho Rennes 40 triệu euro, con số nhiều người tin rằng đó là món hời.
Đầu mùa giải 2019/2020, các hoạt động bóng đá của CLB Stade Rennes xảy ra hai biến động lớn; cả hai đều liên quan đến một cầu thủ trong đội hình của họ.
Đầu tiên, nhu cầu có vé để xem trận đấu của Rennes từ các nhà tuyển trạch trên khắp châu Âu tăng vọt. Thứ hai, những yêu cầu được tham gia các buổi phỏng vấn cũng được gửi đến tới tấp. Tất cả điều này được dành cho một cậu bé khi đó chỉ mới 16 tuổi, người vẫn đang đi học, chưa biết lái xe, vẫn sống trong học viện và chỉ đá vỏn vẹn 12 trận Ligue 1 trong sự nghiệp.
Chúng ta đang nhắc đến Eduardo Camavinga, một thần đồng bóng đá mà bất cứ ai chơi Football Manager cũng phải chiêu mộ bằng mọi giá.
Ở tuổi 16, lứa tuổi vẫn còn băn khoăn xem nên chọn loại trà sữa nào, Camavinga đã được ra mắt đội một vào cuối mùa giải 2018/2019. Đó không phải cử chỉ tình thương của HLV, bởi cậu nhóc sau đó chỉ ngồi dự bị 2 trong 8 trận còn lại. Sau đó là quá trình thăng tiến như vũ bão, với đỉnh cao là việc anh được bầu chọn là Cầu thủ hay nhất Ligue 1 vào tháng 8/2019. Đó là thành quả sau những màn trình diễn ấn tượng trước Montpellier, Strasbourg và đặc biệt là làm lu mờ Marco Verratti và Marquinhos trong chiến thắng 2-1 của Rennes trước Paris Saint-Germain.
Eduardo Camavinga gia nhập Real Madrid mùa hè vừa qua. Ảnh: Getty Images
Hiện tại, khi chuẩn bị bước sang tuổi 19, Camavinga đã biến giấc mơ của rất nhiều cầu thủ thành hiện thực: Khoác áo Real Madrid khi đội bóng này chấp nhận trả cho Rennes 40 triệu euro, con số nhiều người tin rằng đó là món hời.
Không quá khó tin như việc nhìn thấy một con bò ở trên cây, nhưng nếu bạn không ngạc nhiên khi biết rằng Camavinga là một cầu thủ giàu kinh nghiệm ở tuổi 18, hẳn là bạn đang nói dối. Mùa trước, chỉ có Bukayo Saka của Arsenal có số phút thi đấu nhiều hơn cầu thủ gốc Angola trong các cầu thủ U20 ở 5 giải đấu lớn ở châu Âu (2104 phút). Điều đó cho thấy Camavinga được HLV Bruno Genesio và người tiền nhiệm Julien Stephan tin tưởng đến mức nào.
Dĩ nhiên, bạn không thể đá nhiều như vậy ở lứa tuổi đó, trừ khi bạn chứng tỏ mình là cầu thủ giỏi và rất giỏi. Các thông số của Camavinga đã chứng minh điều này. Là một tiền vệ trung tâm đa năng, cầu thủ sinh ra ở Miconge, Angola bùng nổ ở vị trí tiền vệ phòng ngự mùa trước, cho đến khi được bố trí đá cao hơn như một “con thoi” (box-to-box) trong sơ đồ 4-1-4-1 của Rennes và 4-3-3 của Real Madrid.
Đa dạng về vị trí thi đấu, Camavinga cũng sở hữu bộ kỹ năng phong phú không kém: mạnh mẽ trong tranh chấp, chuyền bóng tốt cũng như là một chân kéo bóng khéo léo. Ở Rennes, anh thường là người quyết định tốc độ cũng như đóng vai trò chính trong các đợt lên bóng. Smarterscout, trang web chấm điểm các chỉ số của cầu thủ từ thang 0-99 cho Camavinga số điểm rất cao về khả năng liên kết với các đồng đội (94/99).
Khả năng giữ trái bóng trong chân dính như keo cho phép Camavinga thường xuyên vượt qua đối thủ một cách dễ dàng. Theo dữ liệu của Fbref, 2,6 lần rê bóng/trận giúp anh lọt vào top 15% tiền vệ trung tâm hàng đầu ở Ligue 1. Lối đá của cầu thủ trẻ này gợi nhớ đến Moussa Dembele ở thời kì đỉnh cao dưới màu áo Tottenham; dù khác nhau về tầm vóc, nhưng lại tương đồng về khả năng câu lỗi từ đối thủ, cũng như mở ra khoảng trống cho các đồng đội. Vừa chuyền bóng tốt vừa đi bóng tốt, Camavinga trở thành sự khó xử đối với các cầu thủ đối phương. Họ không biết phải làm gì khi anh có bóng – lùi về thì anh ta sẽ chuyền, còn nếu ập vào thì anh ta có đủ kĩ năng để đánh bại họ trong tình huống một chọi một.
Eduardo Camavinga đã nổi lên từ sớm trong màu áo Rennes. Ảnh: Getty Images
Khi không có bóng, Camavinga tỏ ra đáng sợ không kém. Smarterscout cho cầu thủ này số điểm khó tin 93/99 ở chỉ số tắc bóng. Cầu thủ này hiếm khi bay người tắc bóng, thay vào đó anh để trọng tâm cơ thể thấp một chút, sau đó chọn thời điểm để đưa ra quyết định tắc bóng. Làm quen với môn Judo từ nhỏ giúp Camavinga rất mạnh trong việc giữ thăng bằng cũng như khả năng trở lại trạng thái ban đầu nhanh chóng sau khi tắc bóng. Khả năng phòng ngự tỉnh táo, cũng như khả năng đeo bám đối phương dai dẳng nhờ nguồn thể lực dồi dào, khiến smarterscout xếp hạng rất cao chỉ số hiệu quả phòng ngự cho Camavinga (66/99).
Chúng ta đang miêu tả một cầu thủ tuổi teen thi đấu như một cựu binh dày dặn, nhưng vì Camavinga chỉ mới 18 tuổi, sẽ có những điều cầu thủ này cần cải thiện. Với chỉ 2 cú dứt điểm/trận, đóng góp của cầu thủ người Pháp trên phương diện bàn thắng và kiến tạo vẫn còn rất hạn chế. Còn về các kỹ năng phòng ngự, các chỉ số chặn bóng cũng như can thiệp ở mức thấp; có thể lý giải bởi thói quen thích tắc bóng của cầu thủ này. Trẻ và dĩ nhiên sẽ có những khía cạnh ngây thơ; số lần phạm lỗi của Camavinga nằm trong top 15% phạm lỗi nhiều nhất Ligue 1 mùa trước, với 2,4 lần/trận. Cuối cùng, với chiều cao 1m82, người ta cũng đòi hỏi cầu thủ nhiều hơn khi tranh chấp bóng bổng.
Trước khi đến AGL-Drapeau Fougeres, CLB đã nuôi dưỡng Eduardo Camavinga từ năm 11 tuổi, nhà của cầu thủ người Pháp đã bị cháy. Gia đình Camavinga gần như mất tất cả sau vụ cháy này. “Cậu nhóc đến với chúng tôi ngay sau đó“, Christophe Communier, HLV của đội U13 Fougeres khi đó giải thích.
Với đại đa số người sống trên trái đất, cháy nhà là rủi ro cuối cùng mà họ muốn trải qua trên cõi đời này. Còn với Eduardo Camavinga, đó lại là khởi đầu cho sự nghiệp của một trong những viên ngọc sáng giá nhất làng túc cầu thời điểm hiện tại.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.
Những lời tâm sự được chính cựu danh thủ Adriano viết trên website The Players’ Tribune, về nhịp sống tại khu ổ chuột nơi anh sinh thành, về quyết định rời bỏ thế giới bóng đá đỉnh cao hào nhoáng để tìm lại về nơi đây.