Eduardo Camavinga: Đứa trẻ tị nạn và hành trình ước mơ

Tác giả CG - Thứ Năm 09/09/2021 17:44(GMT+7)

Một hành trình ước mơ mới chính thức bắt đầu với Eduardo Camavinga, như chính anh đã thừa nhận trong cuộc họp báo hôm qua: “Tôi đến Real Madrid không phải vì tiền mà là để hoàn thành giấc mơ từ thuở nhỏ”.

Eduardo Camavinga vẫn nhớ như in vụ cháy nhà năm anh 11 tuổi. “Tôi nhớ rõ ngọn lửa đó cứ như nó vừa mới xảy ra hôm qua vậy. Lúc đó tôi đang ở trường, nhìn qua cửa sổ thì thấy những người lính cứu hỏa. Tôi đã tận mắt thấy ngọn lửa đốt cháy rụi ngôi nhà”, cầu thủ người Pháp chia sẻ với tờ nhật báo Ouest-France vào tháng 5 năm ngoái. Đây là ngôi nhà chứa đầy mồ hôi và nước mắt của cha mẹ anh.
 
Camavinga sinh ra tại trại tị nạn ở tỉnh Miconge, Angola vào năm 2002 trong một gia đình người Congo rời bỏ đất nước để chạy trốn chiến tranh. Cả nhà Camavinga chuyển tới Pháp năm anh 2 tuổi. Ngôi nhà đó là biết bao ân tình, kỷ niệm, chứa đầy những nỗ lực của ông bà Celestino và Sofia, bố mẹ Eduardo Camavinga.. Sau khi chuyển đến ngôi nhà mới, ông Celestino nói với con trai: “Eduardo này, con chính là niềm hy vọng của cả nhà, con sẽ là người gây dựng lại tất cả”. 
 
Năm đó, cậu bé Eduardo gia nhập học viện Rennes, và từ đó đi một hành trình tuyệt vời, để giờ đây đang có mặt ở Real Madrid khi mới 18 tuổi. Trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, Real Madrid đã chiêu mộ thành công tài năng trẻ này với mức giá 31 triệu euro (chưa bao gồm phụ phí). Không chỉ Real Madrid mà các ông lớn của bóng đá châu Âu đã để mắt tới tiền vệ sinh năm 2002 từ lâu. Đây là một trong những tài năng triển vọng nhất bóng đá Pháp những năm qua, là cầu thủ trẻ nhất lịch sử từng chơi cho Rennes (16 tuổi 4 tháng) cũng như cầu thủ trẻ nhất lịch sử từng thi đấu cho đội tuyển Pháp từ năm 1914 (17 tuổi 9 tháng 29 ngày).

Eduardo Camavinga đã chính thức gia nhập Real Madrid. Ảnh: Real Madrid CF
 
Nicolas Martinals, một trong những HLV đầu tiên của Camavinga ở đội trẻ Drapeau-Fougères, chia sẻ: “Sự tự tin và trưởng thành cậu ấy thể hiện trên sân thật tuyệt vời. Cậu ấy luôn cầm bóng, hiếm khi để mất. Đó là điều nổi bật”. Trong mắt Martinais, Camavinga là một cậu học trò sáng dạ.
 
“Toàn bộ bài tập mà chúng tôi giao, chúng tôi đều giải thích và cậu ấy hiểu hết. Với những cầu thủ khác, bạn phải nhắc đi nhắc lại và thị phạm cho họ. Nhưng cậu ấy thì hiểu ngay lập tức. Chúng tôi phải đưa những bài tập mới để thử thách, vì cậu ấy tiến bộ nhanh gấp đôi những người khác. Mọi thứ với cậu ấy đều dễ dàng”, Martinais nói.
 
Ngày nhỏ, Camavinga được bố mẹ mình cho tập judo. Nhưng vì anh thường xuyên khiến đồ đạc trong nhà rơi vỡ nên mẹ anh khuyên anh chơi đá bóng. Drapeau-Fougères là đội bóng được hưởng lợi đầu tiên. Năm 2013, anh gia nhập học viện của Rennes. Ông Landry Chauvin, cựu giám đốc học viện của Rennes, chia sẻ: “Tôi là giám đốc của học viện suốt 5 năm và chưa bao giờ gặp bất cứ vấn đề gì về thái độ hay hành vi của cậu ấy. Cậu ấy tôn trọng mọi người, cho dù đó là HLV, cô lao công hay là giám sát học viện”.
 
Theo lời Chauvin, một trong những đặc điểm nổi bật của Camavinga đó là anh luôn tò mò và đặt những câu hỏi. Anh luôn xem lại băng hình các trận đấu của mình. Ngoài ra, tiền vệ sinh năm 2002 luôn có ý thức chăm sóc cơ thể bản thân. Khi còn nhỏ, anh gặp vấn đề về cơ khép, và ngay từ sớm, anh đã chú ý tập luyện cải thiện, tăng cường sức mạnh của cơ bắp. Nói tóm lại, từ khi còn nhỏ, Camavinga đã có ý thức chuyên nghiệp. 
 
“Cậu ấy là người đầu tiên đến gặp trưởng ban giáo dục để đề nghị: ‘Liệu em có thể học bù buổi học em bỏ lỡ sáng hôm qua vì bận đi tập không ạ?’ Về cơ bản, cậu ấy đã là cầu thủ chuyên nghiệp, một cầu thủ chuyên nghiệp với nụ cười của một đứa trẻ”, Chauvin nhấn mạnh.

Eduardo Camavinga là tiền vệ trẻ sáng giá bậc nhất nước Pháp vài năm qua. Ảnh: Getty Images
 
Và không phải vô cớ mà cầu thủ này đã ra mắt đội một Rennes khi mới 16 tuổi. Tháng 8/2019, anh có một trong những màn trình diễn ấn tượng nhất trong màu áo đội bóng vùng Brittany. Đối đầu với những Marquinhos, Marco Verratti hay Julian Draxler nhưng ngày hôm đó anh tỏ ra không hề lép vế. Anh tắc bóng, lừa bóng, kéo bóng về phía trước và kiến tạo bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 cho Rennes. 
 
Và bộ kỹ năng đa dạng là điểm mạnh của Camavinga. Anh có thể đá như một “số 6” nhưng cũng đủ sự khéo léo và trực diện để đảm đương vai trò tiền vệ con thoi. Có lẽ chính việc tập võ từ khi còn nhỏ giúp Camavinga có khả năng thăng bằng nhất định trong các tình huống xoay sở, đi bóng. 
 
Tiền vệ Hatem Ben Arfa bình luận trên ESPN: “Không có gì là không thể với cậu ấy. Cậu ấy không chiến tốt, có thể tắc bóng, phòng ngự và ghi bàn. Cậu ấy thi đấu tinh tế, thông minh và có cái chân trái đầy sức mạnh”. Trong khi đó, chính Camavinga thừa nhận vào năm ngoái: “Tôi thích chuyền bóng cho đồng đội, nhưng một cú tắc bóng xuất sắc nhìn cũng khá đẹp. Trước mùa giải trước, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đá “số 6”, nhưng tôi đã học cách thích vị trí này. Tôi cũng thích vị trí “số 8”. Tôi thích có không gian”. Một câu nói ngắn gọn, nhưng đằng sau đó là những năm tháng tập luyện và thi đấu. 

Gia đình ở bên trong ngày Eduardo Camavinga ký hợp đồng với Real Madrid. Ảnh: Real Madrid CF
 
Ngày ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời, Eduardo Camavinga nói với ông Celestino: “Bố có nhớ những gì bố nói với con khi nhà mình bị cháy không? Vâng, giờ chúng ta đang ở đây rồi”. Vụ cháy nhà từng thiêu rụi cả giấy tờ tùy thân, khiến năm 2019 anh mới có quốc tịch Pháp. Nhưng lúc này, tiền vệ 18 tuổi đã có một bước tiến mới. Trong buổi ký hợp đồng với Real Madrid ngày hôm qua, cả gia đình gồm bố mẹ và chị em của Camavinga đều có mặt ở Madrid. 
 
Một hành trình ước mơ mới chính thức bắt đầu, như chính anh đã thừa nhận trong cuộc họp báo hôm qua: “Tôi đến Real Madrid không phải vì tiền mà là để hoàn thành giấc mơ từ thuở nhỏ”.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.