Trở về Trang chủ

Edu Gaspar: Những kỷ niệm tuyệt vời về The Invicibles

Thứ Năm 02/12/2021 17:07
Aa

Edu chỉ mới 22 tuổi khi lên một chuyến bay từ Sao Paolo đến London, với dự định gia nhập Arsenal. Đó là mùa hè năm 2000, ông đã đi cùng với Sylvinho, người đã chuyển từ Corinthians sang Arsenal 1 năm trước đó. Ý tưởng ban đầu của CLB thành London là để cặp đôi người Brazil cùng nhau đến với cuộc tập huấn tiền mùa giải.

Edu Gaspar: Những kỷ niệm tuyệt vời về The Invicibles
 
 
Tuy nhiên, khi giai đoạn luyện quân trước mùa chính thức bắt đầu, Edu đã không có mặt ở đó. 
“Tôi đã rất hào hứng với chuyến đi rời Brazil để đến Anh,” Edu, hiện 43 tuổi và đang đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật của Arsenal, chia sẻ với The Athletic. “Đó là một giấc mơ đã trở thành hiện thực – một đội bóng tuyệt vời, một CLB tuyệt vời và cơ hội được góp mặt ở Premier League.”
 
Thương vụ đưa Edu trở thành người của The Gunners đã được thúc đẩy nhanh chóng bởi tin tức khẳng định rằng ông đã có hộ chiếu Bồ Đào Nha, được một người đại diện sắp xếp cho ông – hoặc ít nhất đó là những gì cầu thủ này nghĩ. Thế nhưng, khi Edu làm việc với sở di trú, ông đã bị chặn lại. “Chúng tôi rất tiếc,” lực lượng kiểm soát biên giới thông báo với ông. “Anh sẽ không được phép nhập cảnh vào đất nước này.”
 
Như vậy, một giai đoạn thử thách hết sức cay đắng đã bắt đầu. Trong khoảng 1 năm tiếp theo, giấc mơ của Edu đã ở trước nguy cơ trở thành một cơn ác mộng. Ông bị bao vây bởi các vấn đề về hộ chiếu, chấn thương nặng và bi kịch cá nhân. Ông sẽ không thể gia nhập Arsenal cho đến tháng 1 năm sau, và thậm chí sau đó phải đối mặt với một giai đoạn thích nghi đầy mệt mỏi. 
 
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, đầu hàng là điều dễ hiểu. Nhưng Edu vẫn tiếp tục kiên trì. Ông đã tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ Arsenal của mình, và đã thành công. Trong vai trò hiện tại đang đảm nhận, Edu thường xuyên trở thành một chủ đề bị mang ra soi mói và gây tranh cãi. Tuy nhiên, trong tư cách một cầu thủ của Arsenal, năng lực của ông hiếm khi bị nghi ngờ: Ông chính là một phần của đoàn quân đã giành được 2 chức vô địch Premier League và 3 FA Cup. 
 
Tuy không phải luôn được đá chính, nhưng không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của ông – và khi phải đối mặt với nghịch cảnh, ông đã trở thành một “Invincible” (bất khả chiến bại). Sau đây sẽ là câu chuyện của Edu, phiên bản cầu thủ. 

Edu Gaspar: Những kỷ niệm tuyệt vời về The Invicibles
 
TAI VẠ VÌ CUỐN HỘ CHIẾU GIẢ VÀ BI KỊCH XẢY ĐẾN BẤT NGỜ
 
Bất chấp những rắc rối từ chuyện kiểm soát hộ chiếu, Edu ban đầu vẫn tỏ ra bình tĩnh. “Lúc đầu, tôi thực sự thoải mái,” ông kể. “Tôi đã giải thích rằng mình là một cầu thủ bóng đá, rằng tôi đến đây để gia nhập Arsenal. Và sau đó họ bảo, ‘Xin lỗi, hộ chiếu của anh là hàng giả’.”
 
Edu đã rất kinh ngạc. “Tôi nói, ‘Ý anh là sao, ‘hàng giả’ ư?!’ Bố tôi là người Bồ Đào Nha, bà tôi là người Italia, ông nội tôi đến từ Bồ Đào Nha và sinh ra ở đó. Tất cả thành viên trong gia đình tôi đều đến từ Bồ Đào Nha hoặc Italy mà.” 
 
Điều mà Edu không biết là, trong một nỗ lực để chốt hạ bản hợp đồng với Arsenal thật nhanh chóng, một người đại diện đã cung cấp cho ông một hộ chiếu giả được sản xuất vội vàng. May mắn thay, ông đã xuất trình được hộ chiếu Brazil hợp lệ, nhờ đó ít nhất cũng xác nhận được danh tính của mình.
 
Tuy nhiên, Edu không thể nhập cảnh vào Anh. “Họ bảo với tôi rằng họ rất tiếc, nhưng tôi phải quay lại Brazil,” ông kể. “Đó là khi họ đưa tôi vào xà lim.”
 
Sau 2 tiếng đồng hồ đầy bực bội và lo lắng ở sở di trú, Edu đã bị chuyển đến trại tạm giam của Heathrow. “Tôi đã ở đó trong 10 giờ,” Ông kể. “Bạn phải bị giam giữ trong khi chờ chuyến bay tiếp theo. Khi đến đó, tôi đã nhận ra tình hình nghiêm trọng đến thế nào. Tôi đã bắt đầu khóc – ‘Mẹ kiếp, mình đang ở trong tù’.”
 
Ông được phép gọi 1 cuộc điện thoại. “Tôi đã gọi cho bố mình ngay lập tức,” Edu kể. “Tôi khóc lóc và nói, ‘Bố ơi, con đang ở trong tù’. Cứ tưởng tượng thử về sự hoảng loạn mà tôi phải trải qua, những câu hỏi tràn ngập trong đầu tôi xem. Tôi phải giải thích với họ qua điện thoại, yêu cầu họ liên lạc với tay đại diện. Đó là một mớ hỗn độn lớn.”
 
Edu phải quay lại Brazil, nhưng ngay cả điều đó cũng đầy khó khăn. Ông chưa thể chính thức gia nhập Arsenal, nhưng đã ký tên vào một văn bản giải phóng mình khỏi bản hợp đồng với Corinthians. 
 
“Khi trở lại quê nhà, tôi đã trở thành kẻ thất nghiệp,” ông giải thích. May mắn thay, Arsenal và Corinthians đã tìm được cách giúp ông có thể tạm trú ở đội bóng của thành phố Sao Paulo cho đến Club World Cup diễn ra vào tháng 1 năm 2001. “Đó là một cách xử lý rất đẹp từ hai CLB,” Edu nói. 
 
Sau vụ trục trặc về hộ chiếu, Edu đã giao cho anh trai mình phụ trách quản lý sự nghiệp bóng đá của ông. Ông đã cộng tác với David Dein và Dick Law để hoàn thành các thủ tục giấy tờ chính xác cho một hộ chiếu Bồ Đào Nha hợp pháp. Edu đã được xóa bỏ mọi hành vi sai trái về việc giả mạo giấy tờ: Chính ông cũng là người bị lừa. Sau nhiều tháng làm việc, các giấy tờ cần thiết mới đã được cấp – nhưng những rắc rối của Edu vẫn chưa kết thúc. 
 
“Trong 6 tháng đó, có rất nhiều điều đã xảy ra với cuộc đời tôi,” ông hồi tưởng. “Tôi bị gãy mắt cá chân trong lúc luyện tập và phải phẫu thuật. Tôi đã nghĩ, ‘Ôi trời ơi, mình sẽ mất đi cơ hội trở thành cầu thủ của Arsenal này mất…’ Nhưng Arsenal luôn hành động một cách rất đẳng cấp: Họ đã giữ đúng các thỏa thuận.” 
 
“Vậy là, khi bình phục chấn thương, tôi đã có hộ chiếu hợp pháp và mọi thứ cần thiết, và sau đó, khoảng 10 ngày trước khi tôi bay đến London, em gái tôi, Fabricia đã qua đời bởi một vụ tai nạn ô tô.” 
 
Đối với Edu và gia đình ông, biến cố này thật tàn khốc và đau đớn khủng khiếp. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm vững bước trên con đường của mình – và đã nhìn thấy một cơ hội để gia đình mình cùng nhau hàn gắn vết thương. “Vào thời điểm đó, tôi đã định đến London một mình,” ông kể. “Nhưng sau đó chúng tôi đã tổ chức một chuyến đi cho cả gia đình tôi cùng tham gia. Tôi nói, ‘Nghe này, đây là lúc cả nhà cần ở bên nhau. Là thời điểm mà chúng ta càng gần gũi càng tốt. Hãy đến London. Hãy cùng nhau vượt qua nỗi đau này ở đó. Chúng ta cần tiếp tục sống một cuộc sống tốt nhất có thể’.” 
 
Quyết định đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với gia đình. Đó là một cơ hội để chạy trốn khỏi nỗi đau, để giải sầu. “Chúng tôi rời khỏi Brazil, rời xa ngôi nhà quen thuộc, rời xa những thứ liên quan đến em gái tôi. Chúng tôi trú tại khách sạn Sopwell House, đặt phòng cạnh nhau. Ngày nào chúng tôi cũng ở bên nhau – nhớ nhung, khóc lóc – nhưng luôn bên nhau. Đó là điều quan trọng nhất.” 
 
Edu Gaspar đã làm được những gì từ khi trở thành Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của Arsenal?
 
VÀ KHỞI ĐẦU KHÔNG SUÔN SẺ TRÊN ĐẤT ANH
 
Những thách thức cũng xảy đến với Edu cả trên sân bóng nữa. Là một tiền vệ thuận chân trái, thanh thoát, cừ khôi, người ta đã hy vọng rằng ông sẽ có thể lấp đầy khoảng trống mà Emmanuel Petit để lại ở Arsenal. Tuy nhiên, Edu đã không thể đóng góp cho The Gunners ngay lập tức. 
 
Ông đến với nước Anh của mùa đông, nhưng bản thân là một người Brazil của mùa hè. Ông không thể nhanh chóng đồng bộ với phần còn lại của đội và thích nghi với môi trường mới về mặt thể lực. Khi có trận ra mắt ở Filbert Street vào ngày 20 tháng 1, một chấn thương gân kheo đã khiến Edu bị rút ra chỉ sau 17 phút vào sân thay người. Khi ông có trận đấu đầu tiên ở Premier League trên sân nhà của Arsenal, trước đối thủ Middlesbrough vào tháng 4, ông đã đá phản lưới nhà và bị thay ra ngay trong hiệp một. 
 
“Ban đầu, mọi thứ vô cùng khó khăn,” Edu kể. “Tôi bị chấn thương, không đủ sung sức, và không phát huy được toàn bộ khả năng của bản thân. Giới truyền thông bắt đầu đặt câu hỏi, ‘Tại sao Arsenal lại ký hợp đồng với gã này?’ Tôi đã nghĩ, ‘Trời ơi… Chuyện gì đang xảy ra với sự nghiệp của mình vậy?’ Nhưng tôi vẫn nhận được sự ủng hộ của vợ và gia đình. Họ đã bảo, ‘Không, không, không – con sẽ ở lại đây, chúng ta sẽ kiên trì, con sẽ chứng tỏ được khả năng của bản thân. Vì vậy, hãy tiếp tục vững bước’.”
 
Quan trọng nhất, ông còn có được sự ủng hộ của HLV trưởng Arsene Wenger. “Tôi đã nói với ông ấy rất nhiều lần rằng ông ấy quan trọng với tôi đến thế nào vào thời điểm đó,” Edu kể. “Tôi vẫn không nghĩ rằng ông ấy hiểu được hết chuyện này.”
 
“Khi bạn thay đổi toàn bộ cuộc đời mình – đất nước, ngôn ngữ, văn hóa – và sau đó được gặp một người luôn tin tưởng bạn…” Edu nghẹn ngào. Thật khó để có thể diễn tả hết lòng biết ơn sâu sắc của ông. 
 
“Tôi nhớ rõ sự quan tâm mà ông ấy thể hiện, nói chuyện với tôi và gia đình tôi. Ông ấy tiếp cận tôi hầu như mỗi ngày để nói về tình trạng của tôi – ‘Đừng lo lắng về quá trình luyện tập của cậu, đừng lo lắng về phong độ của cậu, tôi muốn cậu sống thật tốt trong tư cách một con người trước đã’.
 
“Ông ấy gọi tôi đến văn phòng của mình ít nhất 1 lần mỗi tuần, chỉ để nói chuyện về gia đình của tôi. ‘Bố mẹ cậu thế nào?’ Bố tôi đã từng đến trung tâm huấn luyện của CLB vì Arsene đã mời ông ấy đến đó xem buổi tập của đội, uống cà phê – ông ấy đối xử rất tốt với gia đình tôi.” 
 
“Vì vậy, Arsene sẽ hỏi tôi, ‘ Gia đình cậu thế nào? Mọi thứ thế nào?’ Tôi sẽ nói với ông ấy rằng mình không có vấn đề gì cả, mọi chuyện tốt hơn rồi, tôi ổn. Như đã nói, tuần nào ông ấy cũng làm vậy cả. Và hàng tuần, tôi sẽ nghĩ, ‘Hôm nay, có lẽ ông ấy sẽ nói về phong độ và quá trình tập luyện của mình’. Nhưng ông ấy không làm vậy. Thề không nói điêu, phải rất, rất lâu về sau ông ấy mới bắt đầu nói chuyện với tôi về vụ phong độ. Tôi nghĩ ông ấy chỉ bắt đầu làm điều đó khi nhận ra cuộc sống cá nhân của tôi đã ổn.”
 
PATRICK VIEIRA – NGƯỜI BẠN, NGƯỜI THỦ LĨNH ĐÍCH THỰC
 
Ngay cả khi được Wenger ủng hộ nhiệt tình, năm đầu tiên ở Arsenal của Edu vẫn hết sức khó khăn. Những chấn thương và thời gian cố thích nghi đã khiến ông chỉ có 5 lần ra sân trong 6 tháng đầu ở The Gunners.

Ông không nói được tiếng Anh, và người đồng hương Sylvinho đã đột ngột rời đi vào mùa hè năm 2001. 
May mắn thay, Edu đã tìm được một người bạn thân khác trong phòng thay đồ, Patrick Vieira. “Patrick đã giúp đỡ tôi ngay từ ngày đầu tiên, rất thân thiện, rất tốt bụng,” Edu kể. “Tôi luôn bảo rằng anh ấy có ‘chất Brazil’ trong người, bởi cách anh ấy nói chuyện, đùa giỡn và mỉm cười.” 

Edu Gaspar: Những kỷ niệm tuyệt vời về The Invicibles
 
Chính sự thể hiện vai trò lãnh đạo trong phòng thay đồ đã củng cố lòng ngưỡng mộ của Edu dành cho Vieira. Vào thời điểm ấy, Arsenal đang ở trong cuộc đua tranh ngôi vô địch với “gã kình địch đáng ghét” Manchester United. Edu kể rằng một trong những sai lầm của ông từng khiến một Thierry Henry có tinh thần tranh đấu cực kỳ cao phải phát cáu.
 
“Ashley Cole tiến về phía một cầu thủ đối phương để đối đầu 1 chọi 1, nhưng đã bị vượt qua, vậy nên tôi đã cố bọc lót,” Edu giải thích. “Tôi đã phạm lỗi – và từ quả đá phạt sau đó, đối thủ đã ghi được bàn gỡ hòa.” 
 
“Thierry lấy bóng ra khỏi lưới, đặt nó dưới cánh tay, quay lại vòng tròn giữa sân và cùng lúc đó nhìn chằm chằm vào tôi với ánh mắt hình viên đạn, cho thấy anh ấy đang bực bội với pha phạm lỗi của tôi.”
 
“Tôi quay lại phòng thay đồ khi trận đấu kết thúc, và Thierry đang ở đó phàn nàn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi quay sang Robert Pires, người có thể nói tiếng Bồ Đào Nha, và hỏi, ‘Robert, chuyện gì đang xảy ra vậy?’ Anh ấy đáp, ‘À, đừng lo, Thierry đang cằn nhằn về tỷ số, về trận đấu – không có vấn đề gì đâu’.”
 
Nhưng Edu không cảm thấy vậy. “Tôi biết rằng đang có gì đó không ổn. Thierry đang nói không ngừng, và điều tồi tệ hơn nữa là tôi không thể hiểu anh ấy đang nói gì, hoặc giải thích cảm xúc của mình.”
Patrick Vieira: Trái tim thủ lĩnh trong bức tượng đồng đenPatrick Vieira: Trái tim thủ lĩnh trong bức tượng đồng đen
Đầu tháng 10/1996, Arsene Wenger chính thức trở thành HLV trưởng của Arsenal trong sự nghi ngờ của dư luận. Tất cả đang chờ đợi xem vị chiến lược gia vừa trở...
“Và sau đó Patrick nhảy vào cuộc nói chuyện. Anh ấy bắt đầu hỏi chuyện gì đang xảy ra, tại sao lại có tranh cãi ở đây. Anh ấy thực sự cho thấy mình là thủ lĩnh của đội. Anh ấy bảo, ‘Nghe này, đó là chuyện quá khứ rồi. Ai cũng có lúc mắc sai lầm mà’. 
 
“Đó là hình ảnh đầu tiên mà tôi nghĩ đến khi nhớ về Patrick. Không phải tôi đang nói anh ấy đã bảo vệ cá nhân mình – anh ấy đứng về phía bảo vệ cả đội bóng.”
 
Đối với Edu, chính sự cố này đã đẩy nhanh quá trình thích nghi của ông. “Ngày hôm đó, tôi đã tự nhủ rằng, ‘Mình cần phải biết dùng tiếng Anh – bắt đầu từ ngày mai!’”
 
KHỞI SẮC
 
Chiến dịch 2001/2002 đã mang đến cho Edu cơ hội được tham gia giai đoạn chuẩn bị tiền mùa giải đầu tiên kể từ khi gia nhập Arsenal. Vào nửa sau của mùa bóng, ông đã thường xuyên có mặt trong các kế hoạch của Wenger vào những ngày thi đấu. Arsenal đã bắt đầu chuỗi 13 trận thắng liên tiếp để giành chức vô địch Premier League – Edu đã góp mặt từng trận trong 11 trận cuối cùng, đá chính 8 trận trong số đó. 
 
Ở giai đoạn nóng nhất của mùa bóng, Edu đã chứng thực được năng lực của bản thân: 4 ngày sau khi vào sân thay người trong chiến thắng của Arsenal ở trận chung kết FA Cup, ông đã chơi trọn vẹn 90 phút khi Arsenal đánh bại Manchester United 1-0 ở Old Trafford để hoàn tất cú đúp danh hiệu. Nhờ đó, ông đã trở thành cầu thủ người Brazil đầu tiên giành chức vô địch Premier League. 
 
Không lâu sau, một người Brazil khác đã gia nhập Arsenal: Gilberto Silva. “Ngay khi anh ấy đến, tôi đã xem anh ấy như anh em của mình,” Edu kể. “Mọi người không biết điều này, nhưng tôi chính là người đã đưa cuốn băng về anh ấy cho Arsene Wenger! Khi Gilberto còn chơi cho Atletico Mineiro, Arsene đã hỏi tôi rằng liệu anh ấy có thể đảm nhận vai trò trung vệ và tiền vệ hay không. Tôi biết về Gilberto, vậy nên tôi đã nói, ‘Đúng vậy, anh ấy có thể chơi ở cả hai vị trí đó’. Những người đại diện của anh ấy sau đó đã gửi một đĩa DVD về các màn trình diễn của anh ấy cho tôi, và tôi đã đưa nó cho Arsene!” 
 
Mặc dù sinh ra muộn hơn 18 tháng, nhưng Edu đã trở thành một người anh của Gilberto ở London. “Khi Gilberto đến, tôi đã kể với anh ấy tất cả những sai lầm mà mình đã mắc phải – tôi có thể nói với anh ấy, ‘Gigi, đừng lặp lại những sai lầm của em. Hãy chọn ngôi nhà này, chiếc xe này, khu vực sống này!’ Và tôi đã đề xuất anh ấy sống gần mình!” 
 
Tất nhiên, sự xuất hiện của Gilberto đồng nghĩa với việc tính cạnh tranh trong đội sẽ càng gia tăng. Edu đã nhận thấy mình đang phải tranh giành thời gian thi đấu với một số người bạn thân nhất của ông trong đội. “Đó cũng chính là điều tôi muốn thấy từ các cầu thủ,” ông chia sẻ. “Không chỉ Gilberto và Patrick – tôi cũng có một mối quan hệ tuyệt vời với Ray Parlour nữa. Nhưng khi bạn tập luyện, bạn phải cạnh tranh hết mình. Tình hình là 4 người bọn tôi đã phải tranh đấu gay gắt cho những vị trí giống nhau.”
 
Edu tin rằng đó là một đặc điểm cần thiết của một đội bóng muốn trở thành “Invincible” – bất khả chiến bại: Một sự đoàn kết vững chắc và tinh thần thép, kết hợp với tính cạnh tranh gay gắt trong nội bộ. “Tinh thần của đoàn quân ấy thật phi thường,” Edu hồi tưởng. “Sol Campbell, Vieira, Henry, Pires, Ljungberg, Dennis Bergkamp, Jens Lehmann, Lauren… Chúa ơi, tất cả những gã đó đều khát khao chiến thắng đến điên cuồng. Chẳng có ai ‘tốt bụng’ cả. Bạn bước vào các trận đấu với chiến ý cao ngút.”

Arsenal: Khi Bất bại đã từng là bản sắc6
 
Đã có lúc Edu cảm thấy thất vọng vì không được ra sân, thậm chí là nằm ngoài danh sách đăng ký thi đấu. Đã nhiều lần ông buộc phải gõ cửa văn phòng của Wenger và yêu cầu một lời giải thích. “Tôi nhớ có lần mình đến văn phòng Arsene,” ông kể. “Tôi nói, ‘Tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra!’” Edu đã sẵn sàng cho một cuộc tranh luận. Tuy nhiên, Wenger đã đi trước một bước. 
 
“Arsene bảo, ‘Cậu đã chơi rất nhiều trận liên tiếp rồi. Tôi muốn cậu nghỉ ngơi, dành thời gian với gia đình và đi chơi xa vào cuối tuần – tôi thậm chí không muốn gặp cậu tại trận đấu. Chúng ta sắp có một lịch trình khắc nghiệt, và tôi muốn cậu hồi sức. Hãy thư giãn tâm trí của cậu đi’.”
 
Chiến dịch 2003/2004 là mùa bóng tuyệt vời nhất của Edu tại Arsenal. Ông đã chơi 48 trận trên mọi đấu trường. Ghi được 7 bàn thắng – 2 bàn vào lưới Chelsea, 1 bàn trong chiến thắng 5-1 của Arsenal trước Inter Milan ở San Siro. Trong chiến tích bất bại ở Premier League của The Gunners, ông đã chơi 30 trong tổng số 38 trận của họ. Còn Vieira chơi 29 trận. Mùa bóng đó, Edu đã thực sự trở thành một ngôi sao lớn.  
 
Được trở thành một phần của The Invincibles đã để lại một ký ức không thể nào quên đối với Edu. Các bức tường trong văn phòng của ông ở London Colney đã được trang trí bằng hình ảnh của những người chiến hữu mà ông từng ở chung phòng thay đồ. “Tôi có hình ảnh tất cả những người đồng đội của mình ở đây,” ông chia sẻ. “Tôi thực sự tự hào khi thấy hình ảnh của họ hầu như hằng ngày tại đó. Một nhóm những cầu thủ vĩ đại, và những con người vĩ đại. Cứ mỗi lần nhìn thấy họ, những kỷ niệm tuyệt vời lại ùa về.”
 
“Mùa giải 2003/2004 thực sự đặc biệt. Chúng tôi đã tạo nên một trong những mùa bóng quan trọng nhất trong lịch sử Arsenal, và tôi đã góp mặt trong hầu hết các trận đấu. Điều này thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, vì sự kiên trì, cố gắng duy trì tinh thần và trí óc mạnh mẽ mà tôi đã ‘đầu tư’. Tôi đã trải qua rất nhiều sóng gió – khoảng thời gian chật vật thích ứng, những lời phàn nàn của cánh truyền thông – và tôi đã đáp lại, ‘Không, tôi sẽ vững bước và đánh bại hết kẻ địch’.
 
“Mùa giải đó là một phần thưởng cho những nỗ lực mà tôi đã bỏ ra để vượt qua hết các vấn đề. Tôi đã chứng minh được năng lực của mình. Gia đình và vợ tôi thực sự tự hào – sau tất cả những biến cố, trắc trở.” 

Edu Gaspar đã làm được những gì từ khi trở thành Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của Arsenal?
 
CUỘC CHIA TAY ĐÁNG THẤT VỌNG
 
Tuy nhiên, Edu trân quý khoảng thời gian cống hiến cho Arsenal bao nhiêu thì lại cảm thấy thất vọng về cách mình phải rời CLB này bấy nhiêu. 
 
Bản hợp đồng của ông với The Gunners sẽ kết thúc vào mùa hè năm 2005, nhưng CLB lại quá chần chừ trong việc đưa ra một bản hợp đồng mà ông cảm thấy xứng đáng với tầm vóc ngày càng tăng của mình trong đội – dù cho 2 bên đã bắt đầu đàm phán từ tận 1 năm rưỡi trước khi bản hợp đồng hết hạn. Chưa kể sự bế tắt này còn khiến cho sự góp mặt của Edu ở đội 1 Arsenal giảm dần.
 
Đến khi Arsenal quyết định cứu vãn tình hình với việc đề nghị những con số mà Edu khẳng định rằng, “nếu được đưa ra sớm hơn, 1 tỷ phần trăm tôi sẽ ở lại,” đồng thời để ông ra sân nhiều hơn, thậm chí ông còn được Wenger đề nghị trở thành một trong các đội trưởng của đội, nhưng tất cả đã quá muộn, trái tim của Edu đã hoàn toàn hướng về Valencia – khi đó đang là nhà đương kim vô địch La Liga và UEFA Cup, cũng như đã thống nhất một thỏa thuận với họ. 
 
Wenger sau đó đã phải thừa nhận rằng việc để Patrick Vieira và Edu ra đi trong cùng một mùa hè là một sai lầm lớn. 
 
Tuy nhiên, sau những cuộc trò chuyện chân thành với Wenger, cũng như ban lãnh đạo CLB, thật may khi cuối cùng cuộc chia tay của hai bên vẫn diễn ra êm đẹp, không tạo nên những rạn nứt hay cảm xúc thù hận nào. “Có lẽ đó chính là lý do tại sao giờ đây tôi đã quay lại nơi này,” ông nói với một nụ cười đậm chất Brazil.
Và đương nhiên những kỷ niệm đẹp cùng The Invincibles cũng đã góp phần lớn trong việc đó. 
 
Theo The Atheltic
 

Có thể bạn quan tâm

Mới nhất

top-arrow
X