Edin Džeko phiên bản tuổi 35: Gừng càng già càng cay

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 24/12/2021 17:42(GMT+7)

Vào mùa hè , Inter đã không thể giữ chân được các trụ cột của họ vì những vấn đề về tài chính. Dù cho Nerazzurri vừa giành được Scudetto, HLV trưởng và các cầu thủ chủ chốt của họ, bao gồm Antonio Conte, Romelu Lukaku, và Achraf Hakimi, đều đã ra đi.

 
 
 Để lấp vào những chỗ trống bị bỏ lại, một trong các cái tên được họ mang về chính là Edin Džeko, theo dạng chuyển nhượng tự do từ AS Roma. Trong khi một số người đã nghĩ rằng đối tác chính của Lautaro Martínez sẽ là Joaquín Correa, thì thay vào đó Džeko đã trở thành người kế nhiệm vai trò của Lukaku. 
 
Cựu cầu thủ của Manchester City đã trở thành một bất ngờ lớn ở mùa giải này, mặc dù đã 35 tuổi, nhưng anh vẫn thể hiện một phong độ ấn tượng được duy trì ổn định từ tháng 8 đến nay. Cho đến hiện tại, anh đã chơi 24 trận trên mọi đấu trường cho Inter, ghi 11 bàn và có 5 pha kiến tạo cho các đồng đội, trở thành một trong những cây săn bàn hàng đầu ở đội bóng của mình. 
 
Bài phân tích này sẽ nêu ra chi tiết những điểm mạnh và vai trò chiến thuật của Džeko tại Inter. Cầu thủ to cao người Bosnia đã thể hiện cực tốt ở CLB mới của mình, nhờ vào hệ thống chiến thuật có thể phát huy trọn vẹn khả năng của các cầu thủ được Simeone Inzaghi thiết kế. 
 
GIAI ĐOẠN TRIỂN KHAI BÓNG
 
Džeko là một tiền đạo cao lớn (1m93), sở hữu thể hình mạnh mẽ, nhưng anh hoàn toàn chẳng phải kiểu tiền đạo chỉ đơn thuần di chuyển ngang với cầu thủ phòng ngự đứng thấp nhất của đối thủ khi đội mình lên bóng.

Thay vào đó, anh được giao một vai trò quan trọng trong khâu triển khai tấn công, có những đóng góp rõ ràng vào việc kết nối các pha bóng ở khu trung tuyến, giúp đội mình đưa quả bóng lên phía trên. Tương tự, “cạ cứng” của Džeko là Martínez sở hữu khả năng thể chất và tốc độ vượt trội hơn để thực hiện những tình huống thoát xuống phía sau hàng thủ đối phương, và đó chính là lý do để Inter tạo nên một hệ thống về cơ bản là 3-5-1-1. 
 
 
Džeko thường lùi sâu để giúp đội mình tạo nên ưu thế về quân số ở khu trung tuyến. Thông thường, Inter muốn tăng cường thêm một cầu thủ ở khu vực này trong giai đoạn phát triển bóng để có thể tạo ra sự tiếp viện từ một cầu thủ được tự do. Ngoài ra, khi Džeko lùi xuống trung tuyến, một câu hỏi sẽ được đặt ra cho các trung vệ đối thủ là họ có nên bám theo tiền đạo người Bosnia hay không. 
 
Ví dụ đầu tiên đã cho thấy vị trí lùi sâu của Džeko trong quá trình triển khai bóng của Inter. Trước hệ thống 4-2-3-1 của AC Milan, ban đầu tình thế của Nerazzurri là 3 chọi 3 ở trung tuyến, nhưng Džeko đã biến “trận chiến” này thành 4 chọi 3, lợi thế được mang đến từ sự hiện diện của “+1” là rất rõ ràng. Cũng trong tình huống này, khi Marcelo Brozović lùi về phía thủ môn, tiền vệ tấn công của Rossoneri đã dang tay thể hiện sự bối rối của mình. Nếu anh ta theo kèm Brozović, Džeko sẽ được tự do ở trung tuyến vì Inter luôn có những tiền vệ lệch cánh đảm nhận nhiệm vụ tận dụng chiều ngang sân, kéo dãn các tiền vệ đối thủ ở hành lang trong. 
 
 
Bởi vì việc Džeko lùi xuống trung tuyến có thể đảm bảo lợi thế quân số cho đội của anh ở đây, nó còn cho phép Inter thực hiện các động thái hoán đổi vị trí và luân chuyển vai trò của các cầu thủ trong quá trình triển khai bóng của họ. Điều này cũng giúp Nerazzurri có thể khiến cho hệ thống phòng ngự của đối thủ phải thay đổi. 
 
Trong trận đấu với Shakhtar Donetsk ở Champions League, đội khách ban đầu phòng ngự với hệ thống 4-2-3-1, Brozović đã lùi sâu để kéo cầu thủ được giao nhiệm vụ theo kèm mình rời khỏi vị trí của anh ta, và do vậy đối thủ đã phải chuyển sang hệ thống 4-4-2, hệ quả là khoảng trống ở khu trung tuyến dành cho Inter được gia tăng. 
 
Nhưng đó không phải là động thái duy nhất, khi các tiền vệ lệch cánh lùi sâu hơn một chút, họ đã kéo các số 6 của Shakhtar dâng lên, qua đó mở ra những khoảng trống trước các trung vệ đối thủ. Sau đó, chính Džeko là người khai thác những khoảng trống này để tạo ra thế 3 chọi 2 cho Inter ở trung tuyến. 
 
Tuy nhiên, lợi thế “+1” đó đã bị triệt tiêu bởi Vitão khi trung vệ này theo kèm tiền đạo người Bosnia, nhưng đây vẫn là một tình huống thuận lợi đối với hệ thống 3-1-2-4 của Inter. Giờ đây, Martínez đang ở thế 1 chọi 1 với trung vệ còn lại, ngoài ra Inter còn có 2 wing-back dâng cao khác để tổ chức tấn công ở hai cánh, và chính đấu pháp phòng ngự 1 kèm 1 của đối thủ đã giúp các cá nhân ngôi sao của Inter có thể phô diễn khả năng của họ. 
 
 
Džeko thật tuyệt. Với việc Inter di chuyển quả bóng theo chiều ngang và sử dụng chiều rộng của sân đấu, nên hàng thủ của Shakhtar đã phản ứng bằng cách lùi xuống phía sau. Và giờ đây, Vitão đã quyết định quay trở lại tuyến hậu vệ để yểm trợ cho hậu vệ phải đồng đội kiểm soát Ivan Perišić, qua đó tạo nên một tình huống 3 chọi 2 ở hàng thủ. Đây không hề là một quyết định tồi, với việc wing-back người Croatia đang tạo ra một tình huống 1 chọi 1 hết sức nguy hiểm và sở hữu tốc độ cực tốt để khai thác các khoảng trống phía sau hàng thủ, nhưng động thái di chuyển của Vitão cũng đồng nghĩa với việc Džeko sẽ được tự do ở khu vực trung tuyến.
 
Džeko đã không cần phải di chuyển quá nhiều, thay vào đó, anh chậm rãi, giữ vị trí và biết rằng kẻ theo kèm mình đã rời đi nơi khác. Sau đó, anh mang đến một phương án chuyền bóng ngay cạnh bên cho người đồng đội đang cầm bóng, đây là một phương án đơn giản hơn nhiều để Nerazzurri phát triển bóng. 
 
 
Ngoài khả năng kết nối lối chơi ở khu trung tuyến, Džeko, đúng như kỳ vọng, còn sở hữu khả năng không chiến tuyệt vời để trở thành một mục tiêu lý tưởng cho những đường chuyền dài. Biểu đồ trên sẽ giúp chúng ta xác định khả năng không chiến của ngôi sao người Bosnia, và anh chính là người giỏi nhất trong số các tiền đạo ở Serie A. Mặc dù số lần tham gia tranh chấp không chiến của anh chỉ là 4,52 mỗi 90 phút, bởi vì lối chơi của Inter không chỉ sử dụng những đường chuyền dài, nhưng Džeko vẫn được ghi nhận tỷ lệ thắng tranh chấp không chiến cao hơn bất kỳ ai khác với con số 56,14%, điều này cho thấy khả năng thể chất tuyệt vời của tiền đạo người Bosnia cũng đã giúp ích rất nhiều cho đội bóng của anh.
 
 
Inzaghi cũng đã tận dụng điểm mạnh này của Džeko rất nhiều. Ví dụ, trong quá trình phát triển bóng, nếu tất cả những phương án để chuyền ngắn hoặc luân chuyển bóng đều đã bị kèm chặt, Inter sẽ thực hiện một đường chuyền dài và chờ xem liệu số 9 của mình có đón được nó hay không. Sau đó, những cầu thủ tràn đầy năng lượng đã được triển khai xung quanh tiền đạo cao to người Bosnia sẽ cố đoạt lấy bóng hai, hoặc thực hiện những pha di chuyển mang mục đích khai thác các khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương. 
 
Trong tình huống trên, diễn ra trước Shakhtar, Džeko đã tranh chấp bóng bổng thành công, còn Martínez thì đoạt lấy bóng hai. Sau đó, Nicolò Barella, một cầu thủ sở hữu thể chất tuyệt vời, đã tấn công vào khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương được tạo ra bởi Džeko, sau khi tiền đạo người Bosnia kéo trung vệ đối thủ dâng lên để tranh chấp không chiến với mình.
 
TẠI KHU VỰC 1/3 CUỐI SÂN ĐỐI PHƯƠNG
 
Ngoài việc lùi xuống khu trung tuyến và hỗ trợ các đồng đội kết nối lối chơi, trong tư cách một tiền đạo, Džeko còn thực hiện trách nhiệm ghi bàn và giúp ích cho đội bóng của mình rất nhiều ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương.
 
 
Tại khu vực 1/3 cuối sân đối phương, không ít lần vai trò của các tiền đạo Inter đã được hoán đổi cho nhau, vì Džeko được trao cho sự tự do trong việc kết hợp với người đá cặp của mình. Đôi khi, tiền đạo cao to người Bosnia có thể đóng vai trò là người đứng ngang với hàng thủ đối phương, cho phép đối tác của mình lùi xuống và hoạt động giữa 2 tuyến hậu vệ - tiền vệ của đối thủ, và kinh nghiệm của Džeko đã cho phép anh đưa ra những động thái chính xác vào từng thời điểm. 
 
Ví dụ, Correa đã nhận được khoảng trống ở phía sau tuyến tiền vệ của đối thủ trong ảnh trên, và anh có thể thoải mái xoay người vì Džeko đã làm rất tốt trong việc tạo ra khoảng trống đó. Khi nhìn thấy trung vệ lệch phải của Roma muốn dâng lên và pressing Correa, anh đã ngay lập tức dùng cơ thể mình để cản đường không cho Gianluca Mancini tiếp cận người đồng đội. 
 
 
Các số liệu thống kê đã chứng minh Džeko cũng rất sắc bén. Biểu đồ trên sẽ cho chúng ta thấy độ nguy hiểm đối với khung thành đối thủ của các tiền đạo Serie A ở mùa giải này, và Džeko được ghi nhận một vị trí rất thú vị. Mặc dù thống kê bàn thắng kỳ vọng (xG) mỗi 90 phút của anh không phải là một con số đặc biệt cao so với những cái tên khác (0,46), nhưng nó vẫn ở mức trên trung bình và điều đặc biệt chính là số lượng cú dứt điểm được anh thực hiện mỗi trận rất thấp. Cựu tiền đạo của Man City chỉ tung ra 2,54 cú dứt điểm mỗi 90 phút, thấp hơn mức trung bình trong biểu đồ và ít hơn nhiều so với những cầu thủ như Paulo Dybala và Ciro Immobile. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi chẳng cần đến quá nhiều cơ hội dứt điểm, Džeko vẫn đang tạo nên một mối đe dọa không thể bàn cãi đối với khung thành đối thủ, và điều này cũng thực sự rất ấn tượng.
 
Ngoài ra, Džeko cũng đang được ghi nhận 1,28 lần kiến tạo cho đồng đội dứt điểm mỗi 90 phút, 4 pha kiến tạo ở Serie A (1 ở Champions League) và 3 đường chuyền tiền kiến tạo, cho thấy anh không chỉ là một cây săn bàn mà còn là một chuyên gia kiến tạo, có thể tạo ra các cơ hội cho đồng đội của mình. 
  
 
Tiếp theo, chúng ta sẽ đánh giá bộ kỹ năng của Džeko, và giải thích cách mà lối chơi của tiền đạo người Bosnia cho phép anh tìm thấy những cơ hội để mình dứt điểm. Anh đã lập một cú đúp trong trận đấu với Shakhtar ở Champions League để giúp đội bóng của mình vượt qua vòng bảng, và pha lập công đầu tiên trong 2 bàn là một ví dụ tuyệt vời về những gì Džeko có thể làm cho đội bóng của mình. 
 
Ở đây, Perišić đã sử dụng Džeko để thực hiện một pha phối hợp đập nhả và đột phá lên phía trên từ cánh. Tiền đạo người Bosnia đã dễ dàng đưa quả bóng vào đường chạy của wing-back người Croatia và – như thường lệ – kéo một trung vệ đối phương dâng lên, tình huống này cũng cho thấy kỹ năng tận dụng các khoảng trống và xoay sở với áp lực đối thủ tạo nên ở sau lưng mà anh sở hữu. 
 
 
Nhưng sau đó, Inter đã không thể đưa được bóng vào lưới trong cú dứt điểm đầu tiên của đợt tấn công. Đây chính là lúc Džeko đã bừng sáng, khi anh di chuyển về phía trước, nhưng là một cách chậm rãi, vào trong vòng cấm, sau khi có một pha tranh chấp không chiến. Do vị trí khá lùi sâu ban đầu của Džeko, kẻ theo kèm anh thường sẽ khẩn trương lùi về thật nhanh để kiểm soát các không gian gần với khung thành hơn, nhờ đó mà khi Džeko khựng lại, anh sẽ có rất nhiều khoảng trống để sút. Đây là khu vực mà Džeko có thể trình diễn cho mọi người thấy khả năng dứt điểm của mình, và đó là một pha lập công cực kỳ quan trọng. 
 
 
Chúng ta cũng có thể phân tích bàn thắng này từ góc độ chiến thuật của Inter, đó là đội hình tấn công 3-1-2-4 được Inzaghi ưa chuộng ở mùa giải này, và Džeko luôn thực hiện rất tốt các nhiệm vụ của mình trong những chiến thuật của HLV trưởng. 
 
Trong ảnh trên, bạn có thể thấy 4 mũi tấn công của Inter đang gây ra những mối đe dọa như thế nào đối với hàng thủ dâng cao của đối thủ. Đó là một tình thế 1 chọi 1 của 8 người, và Inter đang có cả chiều rộng đội hình lẫn tốc độ để khai thác các khoảng trống phía sau hàng thủ đối thủ. Vị trí bất đối xứng của Džeko với 3 người còn lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc phá vỡ tuyến phòng ngự, nhờ đó mà giờ đây Perišić đã có được những khoảng trống tuyệt vời để tăng tốc thoát ra phía sau trung vệ lệch phải sau khi Džeko kéo Vitão dâng lên. 
 
Trong vòng cấm, Džeko rất nhạy bén trong việc đánh hơi các cơ hội, qua đó thường xuyên di chuyển đến những vị trí chính xác. Có thể nói, tiền đạo người Bosnia cực kỳ cơ động và có thể thích ứng với từng đối thủ. Bàn thắng của anh vào lưới AS Roma là một pha ghi bàn hết sức thông minh, với việc ban đầu anh duy trì vị trí ở điểm mù của cầu thủ phòng ngự, kẻ được giao nhiệm vụ “chăm sóc” Džeko chỉ có thể liên tục phán đoán.

Khi Hakan Çalhanoğlu xâm nhập vòng cấm và nhận bóng, cầu thủ theo kèm tiền đạo người Bosnia đã lựa chọn lao đến bảo vệ vòng 5m50. Tuy nhiên, động thái phòng ngự này của anh ta đã bị Džeko đọc được, và tiền đạo cao to người Bosnia chỉ đơn giản là di chuyển bó thêm vào trung lộ thay vì lao vào vòng 5m50. Toàn bộ hàng thủ đã bị vô hiệu hóa và Džeko đã chuyển hóa thành công cơ hội này thành một bàn thắng, nâng tỷ số lên 2-0 cho Inter. 
 
NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG GIAI ĐOẠN PHÒNG NGỰ
 
PPDA (số đường chuyền để cho đối thủ thực hiện được trước khi bị can thiệp bởi một hành động phòng ngự) của Inter ở Serie A là 11,06 mỗi 90 phút, đứng thứ 8 giải đấu về thống kê này, điều đó có nghĩa là họ không phải một trong những đội bóng pressing với cường độ cao nhất giải. Nhưng dù cho ở trong một hệ thống phòng ngự cường độ thấp như vậy, những đóng góp của Džeko vẫn rất đáng nể. 
 
 
Trong biểu đồ số liệu phòng ngự của các tiền đạo tại Serie A 2021/2022 ở trên, Džeko đã được ghi nhận một vị trí rất thú vị. Mặc dù tiền đạo người Bosnia không có khuynh hướng thường xuyên lao vào xoạc bóng đối thủ, với việc được ghi nhận thống kê 0 lần xoạc bóng mỗi 90 phút – đã qua điều chỉnh theo thời lượng kiểm soát bóng của đội (PAdj sliding tackles), nhưng đây không phải là vấn đề lớn vì chỉ đơn giản là chuyện phong cách phòng ngự. Ngược lại, anh đã được ghi nhận thống kê rất đáng nể trong dữ liệu số lần cắt đường chuyền đã qua điều chỉnh theo thời lượng kiểm soát bóng (PAdj interceptions) với con số 3,18 mỗi 90 phút, đứng thứ ba giải đấu, chỉ sau Dybala và Gianluca Caprari.
 
 
Với kinh nghiệm của mình dưới các đời HLV khác nhau, khả năng phòng ngự của Džeko là khá tốt, thậm chí ngay cả khi anh không hề đóng vai trò dẫn đầu trong một hệ thống pressing cường độ cao. Anh biết những yêu cầu của Inzaghi chú trọng vào việc bảo vệ các khu vực trung lộ, kiểm soát các số 6 của đối thủ và anh đã làm điều đó một cách thực sự đáng nể. Trong tư cách trung phong của Inter, anh biết rõ tầm quan trọng của việc không vội vàng pressing, mà thay vào đó giữ vị trí để cản trở đối thủ. Ví dụ, Inter sẽ để tiền vệ lệch cánh pressing một hàng thủ 3 trung vệ như Barella đang làm ở trên, và thường thì Brozović sẽ lùi sâu, nhiệm vụ “chăm sóc” tiền vệ trụ của đối thủ sẽ được giao cho các tiền đạo khi Džeko lùi xuống như hình trên. 
 
KẾT LUẬN
 
Như chúng ta đã được thấy trong bài phân tích này, Džeko là một cầu thủ cực kỳ quan trọng của Inter trên hàng công. Tuổi tác chỉ là một con số đối với anh, và tinh thần chuyên nghiệp của tiền đạo người Bosnia đối với các kế hoạch và chiến thuật của HLV trưởng là một tấm gương tuyệt vời dành cho phần còn lại của đội. Đương nhiên, CEO Giuseppe Marotta của Inter đã tỏ ra rất vui mừng về kết quả của thương vụ chuyển nhượng 0 đồng này, và khẳng định rằng: “Lukaku được bán với giá 115 triệu Euro, và chúng tôi đã mang Džeko về mà không tốn đồng nào cả. Còn trên sân đấu, chẳng có sự khác biệt nào về chất lượng giữa hai người họ cả.” 
 
Trong quá khứ, Džeko đã giành được chức vô địch quốc gia ở Anh và Đức, và giờ đây anh đang đứng trước cơ hội được tận hưởng Scudetto với Inter nếu nhà đương kim vô địch có thể duy trì phong độ hiện tại cho đến tháng 5!
 
Theo Total Football Analysis
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.