Edin Džeko: Khi tưởng mình đã chết cũng hãy đừng bỏ cuộc

Tác giả CG - Thứ Ba 02/10/2018 17:52(GMT+7)

Tôi may mắn khi có Kolarov và Savić bên cạnh, hai người lớn lên ở vùng Balkans như tôi. Có một niềm kiêu hãnh đặc biệt khi thi đấu ở Premier League và trở thành nhà vô địch khi bạn tới từ nơi mà chúng tôi xuất thân.

Chúng ta đã chết.

Đó là tất cả những suy nghĩ hiện ra trong đầu tôi khi theo dõi trận đấu đó từ băng ghế dự bị. Trước trận đấu, tất cả chúng tôi đều nghĩ Manchester City đã chắc chắn vô địch. Chúng tôi biết Queen Park Rangers (QPR) đang chiến đấu để trụ hạng nhưng chúng tôi cảm thấy mình rất mạnh mẽ.

Tất cả những gì mà chúng tôi phải làm là đánh bại họ và sau đó sẽ lên ngôi vô địch Premier League. Không ai tin rằng chúng tôi sẽ mất cúp cả. Chúng tôi nắm mọi thứ trong tay. Vì thế khi trận đấu bắt đầu, tất cả đều tĩnh lặng rồi “bang” – phút 39, Zabaleta ghi bàn. Tỷ số là 1-0 khi hiệp 1 khép lại. Tôi gần như đã thả lỏng và nghĩ “Chúng ta đã chạm tay vào cúp rồi.”

Sau đó QPR cân bằng tỷ số khi hiệp 2 trôi qua được 3 phút. 7 phút sau, họ bị đuổi một người. Tuy nhiên bằng cách nào đó họ vẫn ghi bàn thắng thứ hai. Tất cả chỉ xảy ra trong vòng 18 phút mà thôi. Bang, bang, bang. Thật điên rồ.

Tôi vẫn còn nhớ sau khi phải nhận bàn thua thứ hai, lúc đó Roberto Mancini đứng ở đường biên, phẫn nộ với tất cả mọi người và hét lên “Thằng khốn kiếp! Tiến lên! Thằng khốn!” Tôi không thể biết ông ấy nói ai, đơn giản là ông ấy cứ chửi thề vậy thôi.

Tôi nghĩ chúng tôi đã chết. Cảm giác lúc đó là không ai có thể giải tỏa được áp lực được. Tất cả chúng tôi đều nghĩ mình đã bị hạ gục. Sau một mùa giải xuất sắc, chúng tôi có thể sẽ đánh mất tất cả chỉ trong 1 trận đấu. Cuối cùng, Mancini đưa tôi vào sân, cả đội tiếp tục cố gắng nỗ lực tối đa nhưng không có biến chuyển gì hết. Bóng đá đôi khi như vậy đấy. Trái bóng luôn luôn nằm bên ngoài khung thành.

Phút 89 rồi phút 90… chúng tôi đã chết.

Trận đấu bước vào thời gian bù giờ và tôi nghĩ sẽ được cộng thêm 5 phút. Nếu bạn chơi bóng trên PlayStation và đang bị dẫn 2-1 sau phút 91, hẳn bạn sẽ không bao giờ thắng được. Trận đấu sẽ khép lại. Tiếp tục và thử lại ngay bây giờ. Không thể nào đâu.

Thế rồi chúng tôi có một quả phạt góc. David Silva là người thực hiện. Tôi đã ghi bàn thắng đó – đánh đầu thẳng vào khung thành ở thời gian 91:20. Bạn có thể thấy tôi hét lên rằng “Tiến lên, tiến lên nào!” đến tất cả khi tôi chạy ngược trở lại vòng tròn trung tâm. Vẫn còn 2, 3 phút thi đấu nữa. Có lẽ chúng ta chưa chết chăng?

Sau đó thì bạn biết phần còn lại rồi đấy. Tôi không biết chúng tôi đã làm như thế nào nữa. Chắc chắn có ai đó đã cho chúng tôi cơ hội được sống. Mọi người luôn hỏi tôi về bàn thắng của Aguero, và cảm giác ở trên sân lúc đó. Thành thực mà nói, cảm xúc mãnh liệt nhất là sự nhẹ nhõm. Bạn không thể tưởng tượng tôi nhẹ nhõm thế nào khi bàn thắng đó được ghi đâu. Chúng tôi đã làm việc cả mùa giải với một đội bóng tuyệt vời và thi đấu cực tốt, và tất cả tưởng chừng như sẽ mất hết chỉ trong vài giây nữa.

Danh hiệu đầu tiên của Manchester City sau 44 năm phải không? Thật điên rồ. Trận đấu đó cho tôi thấy rằng trong bóng đá cũng như cuộc sống, bạn không bao giờ được bỏ cuộc. Nếu bạn bỏ cuộc, bạn là người đã chết. Chúng tôi gần như đã chết và chúng tôi tới từ hư vô.

Có lẽ bạn sẽ nói rằng tôi cứ thích kể đi kể lại câu chuyện này phải không?

Một trong những niềm vui đó là nhớ về những nhà vô địch bên cạnh tôi. Aguero, Silva, Yaya, Kompany và tất nhiên cả Mario Balotelli nữa, một anh chàng tốt. Đôi khi truyền thông “giết” cậu ấy chẳng vì điều gì cả và thật sự là tôi không hiểu. Cứ như thế cậu ấy là nhân vật chính trong một bộ phim – mọi thứ tốt hoặc xấu, đó luôn là Mario. Nhưng cậu ấy đúng là chàng trai vui tính và là nhà vô địch.

Tôi cũng may mắn khi có Kolarov và Savić bên cạnh, hai người lớn lên ở vùng Balkans như tôi. Có một niềm kiêu hãnh đặc biệt khi thi đấu ở Premier League và trở thành nhà vô địch khi bạn tới từ nơi mà chúng tôi xuất thân. Bạn phải nhớ rằng tôi được sinh ra ở Sarajevo vào thập niên 80. Suốt năm tháng chiến tranh, có nhiều khi tôi phải dừng chơi bóng trên phố vì còi báo động vang lên và đi trốn.

Khi còn nhỏ, thực sự bạn không hiểu được nguy hiểm là gì. Năm 6 tuổi, tôi biết những gì đang xảy ra nhưng thực sự là tôi không nghĩ nhiều tới điều đó. Chỉ có các bậc cha mẹ là nghĩ ngợi và lo lắng. Họ phải mang rất nhiều gánh nặng, tôi nghĩ vậy. Nếu không có cha mẹ, cuộc đời tôi sẽ không thể như ngày hôm nay. 4 năm sau khi chiến tranh kết thúc, mọi thứ đã bị tàn phá.

Thành phố chẳng còn lại gì. Tôi nhớ bố dẫn tôi đến buổi tập đầu tiên ở Željezničar và hai bố con phải bắt hai chuyến xe buýt và một chuyến xe điện. Mất hơn 1 giờ đồng hồ để tới đó và chúng tôi tập ở sân trường cấp ba vì sân bóng của câu lạc bộ đã bị phá hủy. Mặc dù bố còn phải đi làm nhưng ông ấy vẫn đưa tôi tới đó hàng ngày và khi buổi tập kết thúc, bố luôn cho tôi một quả chuối.

Ngay cả trong những khoảng thời gian tồi tệ, họ dành cho chị em tôi mọi thứ.

Tất cả mọi người trong chúng ta ai cũng có ước mơ. Nhưng trong thời gian ấy, khi đất nước đang tái thiết, chúng tôi không thể nghĩ về điều gì khác quá nhiều. Tôi chỉ nhớ rằng mình đã rất hạnh phúc khi có thể lần đầu tiên chơi bóng thực sự mà không có còi báo động hay hiểm nguy rình rập. Chẳng có phiền phức nào hết. Chỉ còn bóng đá mà thôi. Nếu tôi có một giấc mơ thì đó là được thi đấu trong màu áo đội một Željezničar.

Điều đó sẽ khiến bố tôi rất tự hào vì ông chưa bao giờ thi đấu chuyên nghiệp nhưng luôn đá bóng suốt cuộc đời. Tôi nhớ năm 17 tuổi, tôi đứng cùng bố ở trung tâm thương mại của địa phương. Đó là một ngày bình thường. Tôi không nhớ mình đã mua gì. Đột nhiên, điện thoại reo lên, đầu bên kia là một trong số các huấn luyện viên của tôi. Ông ấy nói “Ngày mai, cậu sẽ lên đội một để chuẩn bị trước mùa giải.”

Tôi quay lại và bảo bố. Ông bị bất ngờ. “Ai? Tại sao? Khi nào? Với ai? Cái gì????”, cảm xúc của bố lúc đó.

Với tôi khi có thể trải nghiệm nó cùng bố, đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất vì bố đã ở bên tôi từ những bước đi đầu tiên. Thực sự, mọi việc tập luyện sau chiến tranh chúng tôi đều làm với nhau. Tôi không hề nghĩ mình sẽ có ngày thi đấu ở Đức, Anh và đặc biệt là Ý.

Với tôi, những ngày đó, Serie A là đẳng cấp cao nhất. Trong thập niên 90, có rất nhiều cầu thủ xuất sắc chơi bóng ở Ý và tôi đặc biệt yêu mến Shevchenko. Khi còn bé, một trong những huấn luyện viên đội trẻ từng gọi tôi là “Shevchenko,” ông ấy bảo lý do vì khuôn mặt tôi giống với thần tượng. Nhưng tôi yêu điều đó. Anh ấy là người hùng của lòng tôi.

Tôi sẽ không bao giờ quên khi được đối đầu với Sheva, lúc đó là năm 2008 và tôi ở Wolfsburg. Anh ấy đang khoác áo dưới dạng cho mượn ở Milan và chúng tôi thi đấu tại San Siro. Trước trận đấu, tôi gặp anh ấy ở đường hầm và tôi hỏi thẳng rằng liệu có thể đổi áo với anh ấy sau trận hay không.

Anh ấy nó “Ồ, không vấn đề gì.”

Vâng, tôi đoán là anh ấy đã nghe nói tôi tôn thờ anh ấy như thế nào, vì vào khoảng thời gian nghỉ giữa trận, anh đã đến gặp tôi và đưa tôi áo thi đấu của mình. Anh ấy còn không chờ đến hết trận. Tôi sẽ luôn ghi nhớ khoảnh khắc ấy. Đó là khoảnh khắc thực sự đặc biệt.

Thật hài hước, giờ đây tôi đã chơi bóng ở nhiều quốc gia nhưng chỉ có ở Rome tôi mới cảm thấy như mình ở nhà. Bosnia và Sarajevo sẽ luôn là số 1 trong trái tim nhưng Rome là số 2 tuyệt vời. Nhà với tôi là nơi tôi cảm thấy thoải mái, nơi tôi chỉ việc nghĩ về bóng đá, nơi mà chẳng có vấn đề gì khác và đó là nơi gia đình tôi hạnh phúc. Tôi muốn tới Serie A để tôi có thể học ngôn ngữ và hiện tại tôi đã tạo dựng được một điều gì đó khá tốt ở đây.

Mọi người luôn hỏi tôi điểm khác biệt giữa thi đấu ở Anh và Ý là gì. Ở Anh là tốc độ, tốc độ, tốc độ. Còn ở đây là chiến thuật, chiến thuật, chiến thuật. Những gì tôi học được sau 3 năm ở Serie A thật thú vị. Tại đây họ nghĩ về từng chi tiết nhỏ nhất. Nhưng điều tuyệt vời nhất với tôi là có thể gọi một huyền thoại như Francesco Totti là bạn của mình.

Tôi luôn nói với anh ấy là tôi ước có thể tới đây sớm hơn vì anh ấy sẽ giúp tôi ghi nhiều bàn hơn nữa! Chơi một vài mùa giải cùng anh đã giúp tôi tiến bộ rõ rệt. Anh ấy nhìn thấy mọi thứ trên sân và có những đường bóng đưa tôi vào khoảng trống mà tôi thậm chí còn không nhận ra. Tôi rất hạnh phúc khi được đến Ý và chắc chắn tôi đã học hỏi được rất nhiều về bóng đá ở đây.

Mùa giải trước, chúng tôi đã có “khoảnh khắc QPR” của mình. Đó là vòng tứ kết trước Barcelona, một trong những trận đấu mà bạn phải cho lũ trẻ xem băng quay lại và nói “Nhìn này các con, hãy xem trận đấu này và các con sẽ thấy rằng không bao giờ được bỏ cuộc.” Lượt đi chúng tôi thua 1-4. Thất bại 1-4 trước Barcelona, lại một lần nữa bạn nhìn vào sân bóng và nghĩ mình đã chết.

Nhưng rồi lượt về trên sân nhà, tôi có chút may mắn và ghi bàn thắng sớm để vươn lên dẫn trước – có lẽ ở phút 5 hay 6 gì đó. Các cổ động viên bắt đầu tiếp thêm năng lượng cho đội. Bước sang hiệp 2, chúng tôi được hưởng một quả phạt đền. De Rossi bước lên và sút về góc dưới bên trái. Thủ môn đã chạm một tay vào bóng nhưng De Rossi đã sút mạnh đến nỗi dù thế nào nó cũng phải vào gôn. Bạn có cảm thấy bầu máu nóng mình rần rật không, kiểu như, có lẽ nào? Chúng ta có thể?

Chúng tôi tiếp tục chạy và thi đấu như những con thú, cống hiến tất cả. Giống như Manchester City năm 2012, chúng tôi cũng hét lên. “Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên!”

Rồi vào thời gian cuối trận, phút 82 của trận đấu, Manolas ghi bàn thắng thứ ba. Thật không thể tin được.

Tôi đã xem lại pha lập công đó vào sáng hôm sau và đáng lẽ chúng tôi đã có thể ghi 5 hay 6 bàn dễ dàng rồi. Đó là cảm xúc kỳ lạ khi bạn đối đầu Barcelona, nhưng đó không phải phép màu. Họ thực sự không có nhiều cơ hội. Trận đấu ấy chúng tôi đã cho thấy mình là bậc thầy. Chúng tôi vận hành chiến thuật một cách hoàn hảo.

Chúng tôi đã chết và rồi tái sinh. Điều ấy có thể xảy ra ở Manchester và ở Rome. Nó có thể diễn ra ở bất cứ đâu vì đó là bóng đá.

Giờ đây tôi đã 32 tuổi và không chắc chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chắc chắn tôi muốn đưa Bosnia tới một giải đấu nữa. Tôi vô cùng tự hào khi đóng góp một chút niềm hạnh phúc cho đất nước mình năm 2014. Thử tưởng tượng mà xem, lần đầu tiên Bosnia dự World Cup, chúng tôi đã có trận ra quân gặp Argentina  ở Maracanã. Giấc mơ trở thành sự thật. Tôi chỉ ước chúng tôi có thể ngăn Messi ghi bàn!

Sau World Cup ấy, tôi nghĩ chắc chắn có điều gì đó đã thay đổi ở quê nhà. Khi tôi là một đứa trẻ lớn lên ở Bosnia, những thần tượng bóng đá của chúng tôi luôn là các cầu thủ tới từ đất nước khác. Nhưng hiện tại khi tôi trở về Sarajevo và ngày càng nhiều trẻ con nói về cầu thủ Bosnia – đặc biệt là những người như Miralem Pjanić. Điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc.

Sau chiến tranh, chúng tôi là một thế hệ những cậu bé với ước mơ giản dị. Chúng tôi chỉ muốn đá bóng trong hòa bình. Lúc này tôi có bóng đá và đã tìm thấy bình yên. Đó là cuộc sống. Tôi muốn thi đấu và xem mọi trận đấu có thể. Đôi lúc vợ bắt gặp tôi trong phòng khách theo dõi Serie A hay Premier League hay bất cứ giải đấu nào đó trên truyền hình, cô ấy lại hỏi “Với bóng đá thế đã đủ chưa?”

Tôi chỉ cười thôi. Ngay bây giờ cô ấy nên biết câu trả lời của tôi rồi. Tất nhiên là chưa, với bóng đá chưa bao giờ là đủ.

Lược dịch từ bài viết “You are not dead” của Edin Džeko trên The Player’s Tribune

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.