Éder: Bi kịch cuộc đời và khoảnh khắc định mệnh

Tác giả Ole - Thứ Năm 22/12/2016 18:13(GMT+7)

Cho đến tận bây giờ, ngay cả khi trận chung kết EURO 2016 đã trôi qua được gần nửa năm thì bản thân Eder vẫn còn chưa hết cảm giác lâng lâng sau những điều kỳ diệu mà mình từng làm được. Từ một kẻ vô danh bậc nhất giữa cuộc đời này, anh đã trở thành người hùng cứu rỗi cả dân tộc Bồ Đào Nha khỏi những tháng năm dang dở đến oan nghiệt.
Éder: Bi kịch cuộc đời và khoảnh khắc định mệnh
ĐỨC MẸ FATIMA VÀ SỰ LỰA CHỌN TRỚ TRÊU
 
Người dân Bồ Đào Nha vốn chẳng hề mê tín, thế nhưng họ luôn tồn tại một niềm tin mãnh liệt vào Đức Mẹ. Trước thời điểm đội tuyển quốc gia nước này chuẩn bị chơi trận chung kết EURO 2016, có rất nhiều CĐV đội bóng áo màu bã trầu đã quyết định hành hương đến thánh địa Fatima để cầu nguyện cho Cristiano Ronaldo và các đồng đội. Tất cả đều tin rằng, nếu như Chúa trời đồng ý thực hiện một phép màu nào đó giúp người Bồ hóa giải thành công lời nguyền dang dở đã đeo bám họ suốt nhiều thập kỷ, thì chắc hẳn nó sẽ phải đến từ những đôi chân bạc triệu của CR7, Luis Nani, Renato Sanches hay Ricardo Quaresma…  
 
Nhưng rồi, cuộc sống này vẫn luôn tồn tại những điều bất ngờ đến mức khó hiểu. Chẳng phải một ngôi sao đắt tiền nào hết, mà Ederzito Antonio Macedo Lopes, hay gọi ngắn gọn hơn là Eder, một kẻ xấu xí vô danh nào đó đến từ bên kia thế giới, mới chính là người cuối cùng đã được Đức Mẹ lựa chọn để viết nên câu chuyện cổ tích tại thành phố Paris hoa lệ. “Khi ấy, tôi nhận được bóng và cố gắng thoát khỏi sự đeo bám của Koscielny. Tôi nhanh chóng nhìn thấy khoảng trống để dứt điểm. Và tôi quyết định thực hiện điều đó bằng tất cả lòng quyết tâm của mình. Thật không thể tin nổi, bóng đã bay vào lưới, một khoảnh khắc không thể nào tưởng tượng được đối với tôi. Mọi thứ trở nên vĩ đại khi chúng tôi trở thành nhà vô địch châu Âu”, đích thân người hùng Eder đã lên tiếng trải lòng về pha lập công quyết định đưa ĐT Bồ Đào Nha đến ngôi vương EURO 2016.
Éder trên đỉnh cao Châu Âu
Cần phải nhấn mạnh rằng, trước khi trận chung kết diễn ra, Eder chỉ được thi đấu vỏn vẹn… 13 phút trong hai trận gặp Iceland và Áo ở vòng bảng. Chẳng mấy ai thèm quan tâm đến sự xuất hiện của chân sút đang khoác áo Lille, một cầu thủ thậm chí từng bị Swansea sa thải do chất lượng chuyên môn quá kém. Ấy vậy mà định mệnh lại vô tình biến Eder trở thành vị cứu tinh của cả đất nước Bồ Đào Nha xinh đẹp với khoảnh khắc làm nên lịch sử trên sân Stade de France. Từ một kẻ hèn tưởng chừng như vô giá trị, chẳng khác nào một gã ăn mày không biết đến tương lai, tiền đạo sinh năm 1987 trong phút chốc đã… đổi đời.
 
“Có lẽ tôi phải xem đi xem lại bàn thắng ấy đến 15 lần ấy chứ. Thôi được rồi, tôi sẽ nói thật là mình còn xem nó nhiều hơn nữa. Tôi thậm chí còn vào Youtube thường xuyên chỉ để xem lại khoảnh khắc định mệnh ấy. Nó luôn mang đến cho tôi những xúc cảm không thể nào diễn tả được”. Rõ ràng, bản thân Eder hoàn toàn có quyền được hạnh phúc với chính mình bởi anh đã thực hiện được một điều vĩ đại mà có những ngôi sao lừng danh từng nỗ lực phấn đấu cả đời nhưng cũng không thể tìm thấy thành công. 
 
Sau trận chung kết chẳng khác nào một câu chuyện thần thoại trên đất Pháp, đích thân HLV Fernando Santos đã chia sẻ: “Vịt con xấu xí đã ghi được bàn thắng và bây giờ thì cậu ấy đã trở thành một con thiên nga xinh đẹp mất rồi”. Đương nhiên, điều ấy cũng chẳng còn quá quan trọng nữa, bởi lẽ cái tên Eder đơn giản chỉ là một sự lựa chọn của số phận, một mảnh đời trớ trêu đã được Đức Mẹ Fatima gửi gắm xuống thế gian này.
 
BƯỚC QUA NHỮNG BI KỊCH CUỘC ĐỜI
 
Xuất thân là một đứa trẻ đến từ bên kia thế giới, mảnh đất Guinea-Bissau nằm ở Tây Phi vốn không phải nơi phù hợp để gia đình Eder nuôi dưỡng những ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp. Tại đây, phần lớn mọi người đều phải sống dưới mức nghèo khổ với chỉ số GDP thuộc vào loại thấp nhất thế giới. Ngoài ra, xen lẫn giữa đời sống bấp bênh ở Guinea-Bissau còn là sự bất ổn liên tục về mặt chính trị với những cuộc bạo loạn, xung đột, bắn giết nhau xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Cuối cùng, để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn, bố mẹ Eder đành quyết định di cư tới Bồ Đào Nha sinh sống khi anh vẫn còn là một cậu bé 2 tuổi và chẳng hề hiểu gì về mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.
 
Mặc dù vậy, cuộc sống tại vùng ngoại ô Coimbra (gần Lisbon) cũng không đơn giản chút nào. Vào thời điểm ấy, ngay cả khi đã cố gắng lao động hết sức thì một bữa cơm hạng bét vào buổi tối với gia đình Eder vẫn là điều quá đỗi… xa xỉ. Thường xuyên chật vật trước “miếng cơm manh áo”, bố mẹ đã không thể tiếp tục nuôi nấng Eder và buộc phải gửi anh vào một trại trẻ mồ côi địa phương. Khi ấy, Eder mới chỉ hơn 8 tuổi một chút và những ký ức đó vẫn luôn ám ảnh mãi mãi trong suốt cuộc đời chàng trai sinh năm 1987 này.
 
“Đó là một khoảng thời gian dài và thực sự khó khăn. Tôi luôn cảm thấy buồn tủi trước sự nghiệt ngã của số phận. Các bạn có hiểu cảm giác bị gia đình ruồng bỏ là thế nào không? Khi tôi trưởng thành, mối quan hệ giữa tôi và người thân phần nào được nối lại nhưng chẳng thể thân thiết. Chúng tôi đã mất đi những khoảng thời gian quý giá nhất”, Eder tâm sự.
 
Những tháng ngày cô độc triền miên tại trại mồ côi mang tên Sunflower (hoa hướng dương) từng khiến cho Eder cảm thấy căm hận chính bố mẹ ruột của mình. Khi ấy, Eder cho rằng họ đã bỏ rơi cậu để ra đi tìm kiếm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Dẫu vậy thì trong những giờ phút chán nản nhất trước số phận trớ trêu, cậu bé da đen vẫn còn một niềm vui khác để quên đi nỗi đau thực tại, đó chính là bóng đá. Từ những trận đấu đường phố trên những mảnh sân loang lổ, bẩn thỉu, đôi lúc còn được trang trí bởi hàng loạt mảnh kính vỡ, Eder bằng đôi chân trần đã tự mình lớn lên và trưởng thành trước những sóng gió cuộc đời. “Tôi chưa bao giờ được lớn lên bên cạnh gia đình mình”, tiền đạo người Bồ Đào Nha lặng lẽ giãi bày trong một bài trả lời phỏng vấn khi còn khoác áo Swansea.
Éder trong màu áo Swansea
Tài năng thiên bẩm từ thuở bé nhanh chóng giúp cho Eder tìm đến với sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp vào năm 2006, trong màu áo CLB Oliveira Hospital, một đội bóng hạng ba. Giai đoạn sau đó, anh tiếp tục đầu quân cho Tourizense, một CLB hạng ba khác trước khi gia nhập Acedemica để thi đấu ở giải VĐQG Bồ Đào Nha. Mặc dù vậy, trong suốt chặng hành trình vươn lên từ một đứa trẻ không nơi nương tựa, Eder từng phải chứng kiến rất nhiều bi kịch trớ trêu xảy ra đối với cuộc đời mình. Mẹ ruột anh qua đời chỉ không lâu sau khi cả gia đình chuyển đến Bồ Đào Nha. Bản thân Eder cũng chẳng bao giờ được gặp gỡ hai người chị gái bởi họ đã chuyển sang sống lưu vong ở nước Anh cùng bố.
 
Tuy nhiên, kinh hoàng nhất phải là vụ án mạng diễn ra vào năm 2002, mà đáng buồn thay thủ phạm lại chính là cha của Eder. Sau vụ ly hôn với người vợ hai Domingas Olivias (tức mẹ kế của Eder) không lâu, ông Filomeno Antonio Lopes đã có cuộc cãi vã nghiêm trọng dẫn đến đánh đập và bóp cổ bà này hết sức dã man, trước khi phi tang xác nạn nhân xuống dòng sông Bure ở Norfolk, một thị trấn vùng biển nước Anh. Năm 2003, cha Eder chính thức bị tòa án kết tội 16 năm tù, một bi kịch không thể nào xóa nhòa trong những ký ức đen tối thời niên thiếu của tiền đạo người Bồ Đào Nha.
 
Lần đầu tiên sang Anh để thăm non cha khi 22 tuổi, Eder vẫn một lòng kính trọng và yêu thương người cha tù tội của mình. “Tôi vẫn thường xuyên thăm ông ấy khi có thời gian rảnh. Bao giờ ông ấy mãn hạn tù, tôi sẽ chăm sóc ông ấy cẩn thận. Cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì ông ấy vẫn là cha tôi cơ mà”.
 
Ngày Eder ghi bàn thắng lịch sử để mang về chức vô địch cho ĐT Bồ Đào Nha, người đầu tiên mà anh gọi điện chính là bố mình. Trong cuộc nói chuyện ấy, ông vừa khóc vừa chạy đi khoe về con trai mình với tất cả các bạn tù. Có lẽ, trải qua những biến cố trong cuộc đời, hai cha con Eder rồi sẽ sớm tìm thấy một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi để bù đắp cho biết bao nỗi bất hạnh của quá khứ.
Éder ôm chầm lấy Ronaldo khi ĐT Bồ Đào Nha vô địch
CHỈ MỘT LẦN TỎA SÁNG LÀ ĐỦ
 
Nếu như không có khoảnh khắc lập công định mệnh ở trận chung kết EURO 2016, chắc chắn cái tên Eder vẫn sẽ chìm trong bóng tối cùng với số phận nghiệt ngã của mình. Thế nhưng, ngay cả khi đã bước ra ánh sáng rồi thì có lẽ Eder cũng chẳng bao giờ lặp lại được thành tích ấy nữa. Anh đã trở về là chính anh, một tiền đạo “chân gỗ” đích thực.
 
Vốn không phải một chân sút sở hữu nền tảng kỹ thuật tốt, ngoại trừ chiều cao lênh khênh cùng với dáng vẻ thô kệch bên ngoài, Eder hiện tại vẫn đang phải vất vả luyện tập qua từng ngày để cạnh tranh suất đá chính tại Lille. Được biết, trước khi đến chơi bóng ở nước Pháp, cầu thủ người Bồ từng bị Swansea từ chối gia hạn hợp đồng và đem đi cho mượn. Khoảng thời gian gần đây, mặc dù đã trở thành “người hùng dân tộc”, thế nhưng Eder cũng chẳng mấy khi được trọng dụng tại ĐTQG trong những trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2018, bởi HLV Fernando Santos thường xuyên tin tưởng tài năng trẻ Andre Silva, nhân tố đang được kỳ vọng sẽ hóa giải lời nguyền trung phong cắm cho nền bóng đá Bồ Đào Nha.
Éder và giây phút tỏa sáng
Dẫu vậy thì đối với ngôi sao sinh năm 1987 này, những sự thật hiển nhiên ấy có lẽ cũng chẳng còn quan trọng. Eder không bao giờ cảm thấy buồn phiền nữa sau tất cả những điều vĩ đại mà anh từng làm được cách đây nửa năm. Từng là một đứa trẻ bất hạnh, cậu bé gốc Guinea-Bissau ngày nào chỉ mơ ước một lần được tỏa sáng trong cuộc đời trớ trêu của mình. Và rồi, sau cùng, Thượng đế đã nghe thấy tiếng cầu nguyện của anh, một con chiên ngoan đạo.
 
Vào mỗi ngày Chủ nhật cuối tuần, Eder vẫn thường xuyên lui đến nhà thờ Công giáo để hành lễ. Anh đọc kinh thánh mỗi ngày, cầu nguyện trước những bữa ăn, cố gắng sống cuộc sống của một người bình thường nhất, một cuộc sống an yên mà anh và gia đình từng ước ao bao lần nhưng đã không thể nào chạm tới trong quá khứ. “Cuộc đời thì đương nhiên phải có những giờ phút khó khăn rồi, điều đó cũng hoàn toàn bình thường thôi mà. Tôi vẫn luôn cố gắng thích nghi và làm quen với mọi thứ. Thật tốt khi được trải nghiệm một cuộc sống lắm thăng trầm như vậy”. 
 
Trên thiên đường, mẹ Eder có lẽ đang mỉm cười mãn nguyện về đứa con trai khốn khổ và đáng thương của mình… 
 
Theo TTVN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.