ĐT Đức: Khởi đầu của Ilkay Gundogan sẽ là đoạn kết của Manuel Neuer?

Tác giả Nam Giang - Thứ Năm 19/10/2023 16:04(GMT+7)

Đây là lúc cuộc chuyển giao về mặt quyền lực trong ban cán sự của tuyển Đức đang diễn ra. Và khởi đầu mới của Ilkay Gundogan rất có thể sẽ là đoạn kết của Manuel Neuer. 

 

Khởi đầu mới, những kỳ vọng và những cơ hội của Gundogan 

Khi HLV Hansi Flick còn tại vị, Gundogan đã nhiều lần được đeo băng đội trưởng tuyển Đức trong các đợt tập trung mà thủ quân Neuer vắng mặt vì chấn thương dài hạn. 

Tới khi HLV Julian Nagelsmann lên thay thế, cựu thuyền trưởng Bayern Munich đã chọn ngôi sao thuộc biên chế Barcelona làm đội trưởng chính thức. 

"Gundo vẫn sẽ là thủ quân của chúng tôi. Vai trò này trong đội rất quan trọng, cần phải có tính liên tục, ổn định và không thay đổi để dẫn tới những xáo trộn không đáng có. Tôi hài lòng với những đóng góp của Gundo cho toàn đội trong thời gian qua”, Nagelsmann chia sẻ về quyết định liên quan đến ban cán sự trong lần đầu tiên ông dẫn dắt tuyển Đức. 

Vào lúc này, Gundogan không phải cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất và có thâm niên gắn bó với Die Mannschaft lâu nhất. Phía trên tiền vệ sinh năm 1990 vẫn còn đó hai người đàn anh là Thomas Muller (sinh năm 1989, 124 lần khoác áo tuyển) và Mats Hummels (1988, 77 trận). 

Gundogan chỉ xếp thứ ba với 70 lần ra sân. Con số này còn kém cả thành tích 80 trận của Joshua Kimmich - cầu thủ kém cựu sao Manchester City 5 tuổi. 

 

Khi Flick còn nắm đội, nhà cầm quân sinh năm 1965 cùng lúc chọn hai đội trưởng là Gundogan và Kimmich khi tuyển Đức không có được sự phục vụ của Neuer. Có thể nói, Flick đánh giá hai tiền vệ này có vai trò và sức ảnh hưởng gần như ngang nhau, chỉ sau thủ môn sinh năm 1986. 

Nhưng dưới thời Nagelsmann, với lời phát biểu kể trên, có thể thấy vị chiến lược gia 36 tuổi đang coi Gundogan là số một, trên Kimmich và phần nào là trên cả Neuer lẫn Hummels hay Muller. Nagelsmann cũng đã giải thích về những tố chất lãnh đạo của cựu tiền vệ Borussia Dortmund.

“Gundogan không phải một “chiếc loa công suất lớn” mỗi khi phát biểu trước toàn đội hay la hét các đồng đội trong phòng thay đồ. Cậu ấy là người có thể quan sát trong âm thầm, có khả năng nhận thức mọi diễn biến trên sân để từ đó tìm ra giải pháp phục vụ cho lợi ích chung của toàn đội”, tân thuyền trưởng của Cỗ xe tăng dành lời khen cho Gundogan. 

Pep Guardiola - người từng làm việc với tiền vệ sinh năm 1990 tại Man City đã miêu tả chi tiết về phẩm chất thủ lĩnh của anh ở phòng họp báo sau trận Everton 0-3 Man City tại vòng 36 Ngoại Hạng Anh hồi tháng 5. 

“Gundo thể hiện tố chất người đứng đầu của mình trong từng buổi tập. Cậu ấy luôn có mặt ở sân tập đúng giờ và 24/24 nghiêm túc với công việc”, nhà cầm quân người Tây Ban Nha ngợi khen cậu học trò mang áo số 8. 

“Gundo có khả năng gánh chịu và xử lý những sức ép về mặt tâm lý rất tốt. Cậu ấy rất ít nói, nhưng một khi Gundo đã cất lời thì cả đội phải lắng nghe. Đó là sức mạnh của người thủ lĩnh”.

Sau khi đội trưởng Fernandinho chia tay Man City ở cuối mùa 2021/22, Guardiola đã tổ chức cho các cầu thủ của mình một cuộc bầu chọn xem ai sẽ là thủ quân mới. Cuối cùng, Gundogan nhận được sự tín nhiệm của toàn đội và trở thành tân đội trưởng. 

Vị trí mới của cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong ban cán sự của The Citizens ở mùa năm ngoái còn cao hơn cả những siêu sao như Kevin De Bruyne, Ruben Dias, Rodri và Kyle Walker. 

Kết quả của cuộc bình chọn này cho thấy Gundogan luôn được các đồng đội hết lòng nể trọng, dù cho anh có thể không phải người xuất sắc nhất về chuyên môn. Bởi thành phần tham gia bầu chọn là các cầu thủ Man City, chứ không phải HLV trưởng. 

 

“Phong cách lãnh đạo của Gundogan là biến bản thân trở thành một tấm gương sáng cho các đồng đội noi theo. Cầu thủ này nghiêm túc trong cả chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và cả những thứ vốn được coi là nhỏ nhặt khác”, phóng viên Rob Dawson viết trên tờ ESPN. 

“Gundogan ăn rất nhiều thịt hấp. Tiền vệ này luôn tránh xa những loại thực phẩm nhiều tinh bột và cắt bỏ đường ra khỏi những bữa ăn của mình. Để tránh ánh sáng xanh, Gundogan sẽ không sử dụng điện thoại trong khoảng một giờ đồng hồ trước khi lên giường đi ngủ”. 

Bản thân tân binh mang áo số 22 của Barca cũng đã tự nói về tố chất thủ lĩnh của mình trong buổi họp báo trước trận gặp Antwerp ở vòng bảng Champions League hôm 20/9.

“Đôi khi, nếu bạn không biết cách gây chú ý hoặc không hét to trên sân thì bạn sẽ không được mọi người công nhận là một người lãnh đạo. Đối với tôi, người thủ lĩnh là người có thể thay đổi nhịp độ chơi của toàn đội và diễn biến trận đấu mà không cần phải hét lên”, Gundogan nói. 

Những lời mô tả trên đã khắc họa tố chất thủ lĩnh của ngôi sao 32 tuổi. Chỉn chu trong lối sống, chuyên nghiệp trong tập luyện và sinh hoạt, có thể làm các đồng đội phải nghe theo mình dù vốn là người kiệm lời, không sở hữu khả năng “thét ra lửa” nhưng luôn âm thầm đóng góp cho toàn đội. Gundogan có thể không quá “máu chiến”, nhưng anh chính là một tấm gương để các đồng đội nhìn vào và học tập.

Đó là lý do Nagelsmann đã trao trọn niềm tin cho tiền vệ mang áo số 21, chứ không phải những Muller, Hummels, Kimmich hay thậm chí là cả Neuer. 

 

Vai trò của Gundogan trong quãng thời gian đầu cựu thuyền trưởng RB Leipzig cầm quân tại ĐT Đức là vô cùng quan trọng. Bởi đây đang là quãng thời gian hết sức nhạy cảm của Cỗ xe tăng. 

Vị trí HLV trưởng đã có sự thay đổi lớn. Ngoài ra, ở World Cup 2022 - giải đấu mà Đức gây thất vọng khi bị loại từ vòng bảng, một số ngôi sao như Antonio Rudiger, Niklas Sule, Leon Goretzka đã xảy ra mâu thuẫn. 

Die Mannschaft đang có chuỗi 3 trận bất bại (thắng 2, hòa 1) sau khi Flick bị sa thải. Nhưng trước khi màn chia tay ấy xảy ra, Đức không thắng tới 5 trận liên tiếp (thua 4, hòa 1; trong đó có 3 trận thua trên sân nhà, thua cả những đối thủ dưới cơ như Ba Lan, Colombia và Nhật Bản).

Ngoài những người cộng sự trong ban huấn luyện, Gundogan sẽ là “cánh tay phải” của Nagelsmann trong quá trình ông nỗ lực ổn định lại phòng thay đồ để đưa tuyển Đức vượt qua quãng thời gian khó khăn này. 

Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để ngôi sao sinh năm 1990 tạo ra ấn tượng đậm nét đầu tiên trong màu áo ĐTQG. Ở cấp độ CLB, Gundogan đã trải qua những năm tháng thăng hoa cùng Man City với 14 danh hiệu sau 7 năm chinh chiến. Trong đó, nổi bật nhất là 5 chức vô địch Ngoại Hạng Anh và 1 cúp Champions League. 

Những kỷ niệm đáng nhớ của tiền vệ gốc Thổ ở sân Etihad khác hẳn so với những gì anh đã trải qua ở cấp độ ĐTQG. Ở Euro 2012, thầy trò HLV Joachim Low đã vào tới bán kết nhưng Gundogan lại không được ra sân bất kỳ phút nào. Tiền vệ 22 tuổi không thể cạnh tranh với những Mesut Ozil, Sami Khedira, Toni Kroos, Bastian Schweinsteiger…

Sau đó, Gundogan bỏ lỡ cả World Cup 2014 (Đức vô địch) lẫn Euro 2016 (vào tới bán kết) vì chấn thương. Tới World Cup 2018, 2022 và Euro 2020, khi cầu thủ sinh năm 1990 được thi đấu nhiều (đá chính 6/7 trận, tổng cộng 472 phút có mặt trên sân), thì Cỗ xe tăng lại đều bị loại từ rất sớm. 

Đức phải xách vali về nước ngay từ vòng bảng tại 2 kỳ World Cup liên tiếp; còn ở đấu trường cấp châu lục, Die Mannschaft chỉ khá khẩm hơn chút khi chia tay Euro 2020 ở vòng 1/8. 

Không chỉ kém duyên và tương đối mờ nhạt, Gundogan còn được cho là không phù hợp với lối chơi của ĐTQG. “Gundo là một siêu sao ở Man City. Cậu ấy tỏa sáng rực rỡ trong hệ thống thích hợp của Guardiola, nhưng Gundo chỉ là một cầu thủ tầm trung mỗi khi khoác áo ĐTQG”, cựu tiền vệ ĐT Đức Dietmar Hamann nhận xét về người hậu bối trên Sky Sports hồi đầu tháng 9, khi Flick vẫn đang nắm đội.

“ĐT Đức không có chỗ cho cậu ấy, đơn giản là vì chúng tôi có những cầu thủ giỏi hơn, trẻ trung hơn, năng động hơn như Jamal Musiala hay Florian Wirtz ở vị trí của cậu ấy”. 

Tờ Kicker còn đưa tin, Gundogan thậm chí đã bắt đầu nghĩ đến việc giã từ ĐTQG hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng đã đổi ý vào tháng 3 năm nay. 

Từ suýt chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế đến đội trưởng mới, tiền vệ sinh năm 1990 hiểu đây gần như sẽ là cơ hội cuối cùng của mình để tạo ra một dấu ấn rõ nét. Bởi khi Euro 2024 trên đất Đức, Gundogan đã chuẩn bị bước sang tuổi 34 và đó sẽ có thể là kỳ Euro cuối cùng của anh. 

Bên cạnh đó, những phát biểu của Hamann chỉ là câu chuyện khi Flick còn nắm quyền. Biết đâu, Gundogan sẽ thăng hoa trong hệ thống chiến thuật và lối chơi mới của Nagelsmann?

Cái kết của Neuer?

Neuer đã chính thức mất chức đội trưởng vào tay Gundogan. Chấn thương mà người gác đền sinh năm 1986 gặp phải hồi cuối năm ngoái nhiều khả năng sẽ bình phục trước dự kiến (tháng 1/2024). Bằng chứng là Neuer đã trở lại tập luyện cùng Bayern từ cuối tháng trước. 

Dẫu vậy, ở tuổi 37, chẳng ai dám chắc Neuer sẽ trở lại phong độ đỉnh cao sau gần 1 năm nghỉ thi đấu. Bên cạnh đó, việc từng có mối quan hệ chẳng mấy tốt đẹp với Nagelsmann khi hai người còn làm việc cùng nhau ở CLB xứ Bavaria càng đẩy cựu thủ môn Schalke 04 vào thế khó. 

 

Lý do hai nhân vật này bất hòa với nhau là việc Nagelsmann sa thải Toni Tapalovic - người đã là HLV thủ môn của Neuer trong 12 năm - vì để lộ thông tin nội bộ. 

Đối với Neuer, chỉ riêng việc được triệu tập trở lại ĐTQG để tham dự một giải đấu lớn như Euro 2024 vốn đã rất khó khăn, chứ chưa nói tới việc giành lại suất bắt chính từ tay Marc-Andre ter Stegen và băng đội trưởng từ tay Gundogan. 

Đây là lúc mà cuộc chuyển giao về mặt quyền lực trong ban cán sự của tuyển Đức đang diễn ra. Và khởi đầu mới của Gundogan rất có thể sẽ là đoạn kết của Neuer. 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.