Góc nhìn Donnarumma: Chúng ta đang làm gì một cậu nhóc tuổi teen thế này?

Tác giả Phương GP - Chủ Nhật 16/07/2017 12:48(GMT+7)

Donnarumma đã ký một bản hợp đồng 4 năm với AC Milan. Trên bức ảnh mà trang chủ câu lạc bộ đăng tải, cậu cười có vẻ khá tươi. Nhưng có lẽ khi về nhà, ngồi lướt smart phone thì độ tươi của nụ cười sẽ giảm bớt đi một chút.
 
Cổ động viên Milan vẫn còn đó lòng...căm thù cậu nhiều lắm. Hai chữ “căm thù” có lẽ hơi nặng nhưng nó là chính xác đối với những gì mà một tháng qua những Milanista dành cho Donnarumma. Facebook của câu lạc bộ đăng hai video để mừng cho bản hợp đồng mới của thủ thành trẻ và “phẫn nộ” là một trong ba biểu tượng hiện lên, có nghĩa là vẫn còn rất nhiều người thể hiện thái độ tức giận...khi thấy bản mặt cậu ta.
 
Dĩ nhiên, Milanista có lý do để giận đến thế khi Donnarumma đã dám làm một chuyện “tày trời”. Thế nhưng, tự hỏi đã bao giờ họ đặt mình vào hoàn cảnh của cậu. Của một thanh niên chưa tới 20 tuổi và đứng trước áp lực quá lớn như vậy. Tiền tài, danh vọng, “cò mồi”. Họ đem tất cả mọi thứ có thể để đổ lên đầu một cầu thủ trẻ. Mọi câu hỏi tại sao cứ như đang đặt cho một thủ thành 28 tuổi và đang ở đỉnh cao sự nghiệp để tự do tự tại chọn màu áo vậy. Có khi nào họ quên đi rằng Donnarumma mới chỉ 18 hay không?
 
Hãy nhớ ở năm 18 tuổi, chúng ta như thế nào? Chúng ta ra khỏi nhà, đi học hoặc có thể đi làm. Thế nhưng, mọi quyết định trong cuộc sống đều phải thông qua bố mẹ. Đó vẫn chưa phải là độ tuổi để chúng ta có sự chín chắn cho cuộc đời. Chúng ta tự sống nhưng không phải tự quyết định. Donnarumma thậm chí còn...sống chung với bố mẹ. Bằng chứng là cậu đã nói mua nhà trong thành phố để mời cả nhà vào ở cùng nhau. Cậu “khoe” chuyện ấy trên báo đài, và một tuần sau cậu bị dập tơi bời cũng vì chuyện ấy.
 
Nếu một cầu thủ muốn rời câu lạc bộ anh ta sẽ làm gì. Anh ta bỏ tập, công khai chỉ trích ban lãnh đạo và huấn luyện viên. Kể lể lên án đội bóng cũ và...ra đi. Mấy việc làm như thế có lẽ dễ hiểu hơn là việc khoe mua nhà trong thành phố của đội bóng cũ. Nói ra để biết là chuyện Donnarumma ngay từ đầu có ý định rời bỏ màu áo đỏ đen là điều khá khó tin. Để rồi sau khi cậu từ chối gia hạn hợp đồng, dư luận tha hồ chà đạp, thì ta vẫn thấy sự lặng thinh của ban huấn luyện câu lạc bộ. Không hề có một câu chuyện nào được kể ra ngoại trừ lời từ chối của Donnarumma. 
 
Ai đó đã nói rằng Donnarumma quá non nớt khi hành xử như vậy. Người viết hoàn toàn đồng ý. Rõ ràng chính việc thiếu kinh nghiệm đã khiến cậu chịu nhiều thiệt thòi. Vì cậu dám nói thẳng suy nghĩ của mình, hoặc nói điều mà chuyên gia đã tư vấn cho mình. Lẽ ra cậu phải giống nhiều cầu thủ khác, sử dụng đủ mọi cách để làm mình làm mẩy hòng kiếm miếng lợi tốt nhất cho bản thân thay vì nói huỵt toẹt ra quyết định và...im lặng. Hay tình yêu với Milan của cậu là không tồn tại như nhiều người đồn thổi?
 
Hãy nhớ lại cái ngày mà Donnarumma bị những tờ giấy bạc ném trong một trận đấu. Một hình ảnh xấu nhất để miêu tả về hiện trạng của một cầu thủ. Những người ném tiền ấy phải ghê tởm lắm con người dưới sân. Và cậu một mình chống chọi lại tất cả. Không hề có một lời nào để oán trách Milan, cậu vẫn thanh minh cho bản thân nhưng không đổ lỗi cho màu áo đỏ đen. Để hôm nay khi tiếp nhận bản hợp đồng mới vẫn tươi cười như không có chuyện gì xảy ra. Đôi khi tấm lòng của một con người, nó chỉ cần như thế thôi.
 
Khi mọi người dè biểu Donnarumma, lý do thường đem ra nhiều nhất để có thể khích bác chàng trai trẻ đó là về lòng trung thành. Họ mơ về một biểu tượng như Totti của Roma, Scholes và Giggs của Man United hay kể cả huyền thoại Maldini trong màu áo Milan. Nhưng hãy nhớ rằng, trong bóng đá, để nói về những câu chuyện của nhóm one-club-man là cực kỳ hiếm hoi. Kể cả xưa hay nay cũng vậy thôi, hiếm thì mới quý như vậy, không phải ai cũng làm được. Mà đó là chưa kể, hoàn cảnh cũng hoàn toàn khác nhau.
 
Totti, Scholes hay Giggs thời trẻ được chơi trong một tập thể mạnh và họ có những vị thuyền trưởng tuyệt vời để có thể dạy dỗ họ. Vincenzo Montella rất giỏi, nhưng để đặt cạnh những “vị thần bảo trợ đảm bảo những chiếc cúp” như Sir Alex hay Capello thì có vẻ quá khập khiễng. Milan ngày nay cũng không còn là Milan được nuôi dưỡng từ hầu bao của Berlusconi nữa. Đã nhiều năm qua họ sống thoi thóp qua ngày. Và một mùa hè rình rang vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn. Khi bên cạnh sự hào nhoáng từ các bản hợp đồng mới là cái án “công bằng tài chính” cũng luôn kề bên người. Chỉ cần sảy chân là không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho màu áo đỏ đen.
 
Nhắc đến Maldini thì ta cũng nên nhớ rằng, cái ngày mà anh ra đi cũng không hề yên ổn. Một nhóm cổ động viên đã lên tiếng phản đối người đội trưởng. Họ cho rằng anh không xứng đáng với hai chữ huyền thoại. Lý do? Là vì anh đã lên tiếng chỉ trích khi Milan để những cựu thần, đặc biệt là trường hợp như Gattuso, một con người nhiều năm đổ biết bao máu cho màu áo đỏ đen, ra đi không kèn không trống. Maldini huyền thoại là thế, “Di Milan” là thế mà còn không vừa lòng nhiều người. Thì việc Donnarumma còn đứng được trong khung gỗ Rossoneri có lẽ là còn may.
 
Nhắc đến cựu thần thì trường hợp nổi tiếng là Pirlo. Tài hoa, đầu tàu đưa đội bóng đến chức vô địch. Đến khi già cũng phải ra đi để rồi anh qua đội bóng kình địch...xây dựng nên một thế lực khác. Milan đau đớn khi nhìn Pirlo giúp Juventus lấy lại vị thế không? Hẳn có chứ. Nhưng trách ai vô tình bây giờ?
 
Hoặc trường hợp của Abiatti, một con người được đem ra so sánh nhiều nhất với Donnarumma khi nói về lòng trung thành. Người cận vệ già ấy quả nhiên phải có một tình yêu Milan thật vĩ đại và tấm lòng bao dung lớn lắm mới cứ đi và trở về đội bóng mà không khác gì một cái bóng suốt bao nhiêu năm trời. Được như anh, thế giới bóng đá còn khó để đếm trên đầu ngón tay ấy chứ.
 
Chúng ta hãy biết rằng, lòng trung thành không phải là điều có thể dễ nhận thấy. Những huyền thoại mà chúng ta đem so sánh với Donnarumma không phải cứ bước ra mở cửa là gặp. Họ đều là những câu chuyện hiếm hoi trong thế giới bóng đá với nhiều sự nghiệt ngã này. Cầu thủ đôi khi phải tự có tiếng nói của riêng mình. Nếu ví dụ của Buffon thiếu thuyết phục khi Parma ngày xưa lâm vào nhiều khó khăn, thì hãy xem tấm gương của Neuer. Nếu khi xưa anh cứ mặc mãi chiếc áo của Shalke 04, liệu anh có được như bây giờ. Và sự trung thành của Neuer giờ đây sẽ đo bằng số năm anh ở Bayern Munich hay ở Shalke 04, điều ấy quả là khó trả lời đúng không nào?
 
Trong phút chốc bỗng người viết nhớ đến một hình ảnh khá tương tự Donnarumma ngày xưa. Đó là trường hợp của Wayne Rooney. Chân sút người Anh mới đây đã giã từ màu áo của Man United để về với màu áo quê hương. Công sức anh đóng góp cho Quỷ trong 13 năm nhiều không kể xiết. Vậy mà vẫn có người mang chuyện tăng lương từ thuở nào lên để nói anh không xứng đáng với hai chữ huyền thoại. Vậy hãy tự hỏi bản thân rằng sau lần lên lương 300 nghìn bảng một tuần ấy, lương Rooney đã tăng được bao nhiêu nữa, và đã bao nhiêu năm trôi qua rồi. Chắc chắn rằng nếu có thì con số ấy vẫn ít hơn số lần bạn nhắc về câu chuyện đó. Cầu thủ đóng góp công sức và họ có quyền đòi hỏi. Và họ chuyên nghiệp khi vẫn đóng góp cho đội bóng một cách tận lực, đó là điều chúng ta nên trân trọng.
 
Đời cầu thủ rất ngắn ngủi. Những gì chúng ta thấy trên sân bóng chỉ là phần nổi trong tảng băng nhiều phần chìm của cuộc đời họ. Trên sân họ có thể thật đẹp, nhưng ngoài đời thì vẫn là những con người bình thường. Và bóng đá nếu so với nhiều nghề khác có một sự bẽ bàng đáng kể. Donnarumma hãy còn trẻ, hãy để cậu ta tiếp tục con đường bóng đá phía trước còn rất dài của mình. Cậu ta là một người có tài, và hãy để những tiềm năng ấy được phát triển một cách đầy đủ. Thời gian vẫn còn nhiều lắm để phán xét con người cậu ấy, và đừng để những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta giết chết đi một tài năng. Dẫu sao, cuối cùng Donnarumma vẫn ở lại với Milan đấy thôi.

PHƯƠNG GP(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

Dẫn dắt Manchester United sẽ là một rủi ro lớn với Ruben Amorim?

Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.

Nicolas Jackson: Tiến bước trong chỉ trích

Bất chấp việc bị chỉ trích rất nhiều kể từ khi đến Anh, Nicolas Jackson đã đạt được 20 bàn thắng tại Premier League cho Chelsea nhanh hơn các danh thủ của CLB như Gianluca Vialli, Eidur Gudjohnsen hay Didier Drogba.