Dirk Kuyt, Robin van Persie và câu chuyện của Feyenoord Rotterdam (P1)

Tác giả CG - Thứ Tư 06/02/2019 16:25(GMT+7)

Zalo

Kuyt có thể không phải cầu thủ có tài năng thiên bẩm nhưng tầm ảnh hưởng của anh tại câu lạc bộ và đẳng cấp quốc tế thật tuyệt vời. Còn cái chân trái đặc biệt của Van Persie thì khỏi phải nói, những bàn thắng đẳng cấp khiến cả thế giới trầm trồ là minh chứng cho tất cả.

Phần 1:

Bạn chỉ có thể thấu hiểu một câu lạc bộ phức tạp như Feyenoord Rotterdam khi nhìn vào hai huyền thoại đương đại của đội bóng ấy: Dirk Kuyt và Robin van Persie.
Dirk Kuyt, Robin van Persie và câu chuyện của Feyenoord Rotterdam hình ảnh
 
Khi Đức Quốc Xã dội bom xuống Rotterdam, gần như mọi thứ của thành phố này bị phá hủy. Grote of Sint-Laurenskerk – nhà thờ lớn St. Lawrence – là công trình duy nhất còn tồn tại ở trung tâm thành phố. Sự tồn tại của nó trở thành biểu tượng cho khả năng phục hồi và tái thiết của Rotterdam sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên De Kuip, một công trình bằng kim loại lớn nằm ngoài trung tâm thành phố, có lẽ mới chính là đại diện tiêu biểu hơn cho Rotterdam ngày hôm nay.
 
De Kuip (dịch theo nghĩa đen là “bồn tắm”) có tên chính thức là Feijenoord Stadion. Sân được xây dựng vào thập niên 30 của thế kỷ 20 để làm sân nhà của câu lạc SC Feijenoord. Nó tồn tại sừng sững như biểu tượng của quyền lực thể thao trước khi những sân vận động như Camp Nou xuất hiện. Hiện tại, đội bóng chủ sân De Kuip là Feyenoord Rotterdam. Lịch sử của Feyenoord gần như gắn chặt với De Kuip – một biểu tượng vĩnh cửu trong văn hóa Rotterdam – nhưng chính cuộc đời và câu chuyện của các thành viên câu lạc bộ đã đưa chúng ta tới gần hơn với những giá trị cốt lõi của một trong những đội bóng vĩ đại nhất Hà Lan.
 
Image result for dirk kuyt van persie feyenoord

CÁI CHỐT TRÒN TRONG LỖ VUÔNG
 
Có lẽ còn hơn cả đại kình địch Ajax Amsterdam, Feyenoord mới chính là ví dụ tiêu biểu nhất về thành tựu và những thiếu sót của bóng đá Hà Lan. Vanrkenoord, học viện của họ, cũng là đối thủ cạnh tranh với De Toekomst của Ajax trong việc đào tạo cầu thủ. Huấn luyện viên đội một Giovanni van Bronckhorst trưởng thành từ Varkenoord, Stefan de Vrij, Jordy Clasie, và Tonny Vilhena hay nhiều cầu thủ khác nữa cũng vậy. Thế nhưng Robin van Persie, một tiền đạo xuất chúng và tài năng nhất, có lẽ mới chính là đại diện tiêu biểu của hệ thống ấy.
 
Với những người sinh ra và lớn lên ở Rotterdam, Robin van Persie không hề phù hợp với hình mẫu của một người dân tại thành phố cảng. Người Rotterdam, đặc biệt là cổ động viên Feyenoord, thích nghĩ mình là những công dân chăm chỉ, siêng năng của Hà Lan. Câu lạc bộ cũng gắn liền với thứ danh tiếng này cả trong lẫn ngoài sân cỏ; họ bù đắp những khó khăn tài chính bằng những khoản chi tiêu thông minh và lối chơi mạnh mẽ không thể lẫn vào đâu được. Van Persie, cũng thông minh và mạnh mẽ, không phải mẫu người né tránh rắc rối. Bầu nhiệt huyết căng tràn, sẵn sàng bùng nổ, tranh cãi với các huấn luyện viên và luôn khát khao theo đuổi vinh quang chính là những điểm nhấn trong sự nghiệp Van Persie đến lúc này.
 
Anh rời đội bóng SBV Excelsior năm 12 tuổi để gia nhập Feyenoord và nhanh chóng trở thành một trong những tài năng sáng giá nhất Hà Lan. Xem lại những clip năm 17 tuổi của cậu trai Robin ngày ấy – mặc một chiếc áo dài tay – thật dễ hiểu khi thấy anh đã trở tài năng của cả thế hệ như thế nào. Vô số những cú đá phạt rất cuộn bằng chân trái hay những tình huống di chuyển thông minh làm tiền đề cho những pha dứt điểm một chạm trong vòng cấm sau này đều đã trở thành thương hiệu của Van Persie.
 
Image result for dirk kuyt van persie feyenoord

Van Persie có những yếu tố để vươn lên tầm thế giới và anh biết điều đó. Chàng thiếu niên với mái tóc xoăn thích ăn mừng mỗi bàn thắng cùng các đồng đội nhưng đầu anh dường như lại “trôi dạt” ở phương khác. Anh muốn hướng đến những tầm cao hơn trong thế giới bóng đá. Van Persie chỉ ghi 15 bàn cho Feyenoord Rotterdam trước khi Arsenal đưa ra lời đề nghị và rước tiền đạo người Hà Lan tới Bắc London – một dấu hiệu cho thấy anh đã được định mệnh lựa chọn trở thành người xuất chúng nhưng sẽ không bao giờ có thể hoàn thành giấc mơ của mình nếu cứ ở Rotterdam. Và trong suốt nhiều năm, thái độ của đa số cổ động viên Feyenoord dành cho Van Persie chỉ là sự thất vọng.
 
NHÂN VẬT THỨ HAI
 
Mùa xuân năm 2003, chung kết Cúp Quốc gia Hà Lan diễn ra như thường lệ tại sân De Kuip. Van Persie lúc này vẫn chưa rời khỏi đội và còn đá chính cho Feyenoord. Phía bên kia đường hầm, FC Utrecht bị coi như đội cửa dưới. Và rồi hôm đó chính là ngày bắt đầu làm nên tên tuổi một tiền đạo của họ, anh là Dirk Kuyt. Chàng trai trẻ cần mẫn tới từ Katwijk – một làng chài nằm không quá xa với Rotterdam – đã ghi 1 bàn góp phần giúp Utrecht giành chiến thắng 4-1.
 
Nhận định thường xuyên lặp đi lặp lại về Dirk Kuyt là anh là một người cần mẫn, đa năng và chạy khắp mọi nơi trên sân. Đó là một cầu thủ phi thường và cực kỳ nghiêm túc trong công việc, thế nhưng có quá nhiều người đã lãng quên đi năng lực chuyên môn của anh. Kuyt đã ghi tới 51 bàn cho Utrecht trước khi chuyển tới Feyenoord, chỉ vài ngày sau khi anh đánh bại họ trên sân De Kuip. Mùa giải đầu tiên ở Rotterdam của anh cũng là mùa cuối cùng của Van Persie và Kuyt có cho mình 20 pha lập công.
 
VƯỢT EO BIỂN MANCHE
 
Việc Van Persie không thể thể hiện được hoàn toàn năng lực của mình ở Feyenoord liên quan nhiều hơn tới tính cách và những câu chuyện xung quanh chứ không phải khả năng của anh. Bert van Marwijk, huấn luyện viên của đội bóng thời điểm đó, không hài lòng với tính cách có phần nhí nhố của cậu học trò và làm mọi cách để anh rời khỏi đội một. Dù có biện minh thế nào thì có lẽ việc ông loại Van Persie ra khỏi kế hoạch là lý do chính để anh tới nước Anh sớm hơn nhiều so với Kuyt.
 
Và đó là một bước đi đúng đắn của Van Persie. Anh đến sân Highbury lúc đó với vị thế của một tài năng trẻ sau thế hệ Invincibles của Arsenal mà Arsene Wenger xây dựng. Tiền đạo người Hà Lan mất 3 – 4 mùa giải để xây dựng vị thế tiền đạo số 1 đội bóng, tuy nhiên những kỹ năng của anh thì đã được bộc lộ ngay từ thời điểm đầu. Dù chấn thương cản trở tuy nhiên 21 bàn thắng sau 2 mùa giải đầu tiên cũng khiến cổ động viên sân Highbury lúc đó nức lòng và họ nhanh chóng tin rằng anh sẽ là người kế thừa những di sản của Dennis Bergkamp.
Dirk Kuyt, Robin van Persie và câu chuyện của Feyenoord Rotterdam (P1) hình ảnh 2
Robin van Persie : Bụi mờ trên ngực áo
Mối tình của Robin van Persie với Arsenal có khởi đầu khá chật vật nhưng với Dirk Kuyt thì có vẻ anh hòa nhập với môi trường mới tốt hơn. Mùa giải 2003/2004, Kuyt ghi 22 bàn trên mọi đấu trường cho Feyenoord. Năm tiếp theo, anh có 36 pha lập công. Bước sang mùa giải thứ ba, Kuyt ghi 25 bàn để củng cố vị thế của ngôi sao tại giải vô địch quốc gia Hà Lan Eredivisie. Các đội bóng nước ngoài không thể ngó lơ thêm nữa và cầu thủ chạy cánh/tiền đạo này đã sẵn sàng lên đường tới Liverpool. 
 
Cậu bé ngày nào ở Katwijk gần như chiếm được trái tim của cổ động viên Liverpool ngay lập tức. Dù số pha lập công đã bớt đi nhưng tần suất hoạt động và sự đa năng của anh với đội bóng chủ sân Anfield là không thể bàn cãi. Để rồi khi Liverpool bước vào các trận đấu lớn, chính cầu thủ Hà Lan với mái tóc vàng ấy mới là người hay ghi những bàn thắng quan trọng. 7 bàn thắng của anh ở Champions League mùa giải 2007/2008 là minh chứng cho cả thế giới thấy anh có đủ kỹ năng và sự tự tin để thành công ở những sân chơi danh giá nhất.
Dirk Kuyt Ngon gio Ha Lan tai Anfield
 
MÀN TRÌNH DIỄN ĐỈNH CAO
 
Hai cầu thủ người Hà Lan nhanh chóng khẳng định tài năng ở nước Anh tuy nhiên sự kết hợp của họ mới khiến cả thế giới kinh ngạc. World Cup 2010 ở Nam Phi một giải đấu mà Hà Lan đã tiến rất sát tới chức vô địch thế giới đầu tiên của họ. Kuyt và Van Persie đã đá chính toàn bộ trận đấu của Oranje trong hành trình tới trận chung kết, chân sút của Arsenal lúc đó là tiền đạo cắm trong khi cầu thủ của Liverpool thường xuất phát bên hành lang cánh. Mỗi người có cho mình 1 bàn thắng ở vòng bảng và chứng minh đẳng cấp cũng như lý giải tại sao họ lại là trụ cột ở câu lạc bộ.
 
Tính đến năm 2011, Dirk Kuyt gần như đã trở thành một trong những cầu thủ Hà Lan xuất sắc nhất từng chơi bóng tại Vương quốc Anh. Kuyt đã ghi bàn trong trận chung kết Champions League, hoàn thành cú hattrick vào lưới Manchester United và giúp Lữ đoàn đỏ giành ngôi á quân Premier League.
 
Trong khi đó tại London, Van Persie có phần ít sự ổn định hơn nhưng vẫn sở hữu rất nhiều khoảnh khắc chói sáng. Tiền đạo ngôi sao của Arsene Wenger luôn phải chịu những chấn thương dài hạn và kiểm soát sự bốc đồng, nóng nảy nhưng vẫn là chủ nhân ngôi vị chân sút số 1 Arsenal trong nhiều mùa giải. Việc Van Persie khoác chiếc áo số 10 mà năm xưa Bergkamp từng sử dụng như một sự thôi thúc và giúp anh ghi 18 bàn tại Premier League trong mùa giải 2010/2011.

Dù không phải không có những rạn nứt – như khi Wenger chỉ trích Van Persie gay gắt vì sự nóng nảy – nhưng tựu chung lại quãng thời gian thi đấu cho Arsenal là một giai đoạn chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc cả trên phương diện cầu thủ lẫn con người của tiền đạo người Hà Lan.
 
Một trong những bàn thắng đáng nhớ nhất của Van Persie mùa giải đó đến vào tháng Tư khi Arsenal có cuộc tiếp đón Liverpool. Sau 90 phút không bàn thắng, Arsenal đã được hưởng một quả penalty trong thời gian bù giờ. Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào một người duy nhất, Robin lấy đà và vuốt bóng vào góc dưới bên trái. Hoàn toàn lạnh lùng.
 
Image result for dirk kuyt van persie world cup 2010

Thế nhưng trận đấu vẫn diễn ra mà tiếng còi chung cuộc chưa vang lên. Và rồi Lucas Leiva của Liverpool ngã trong vòng cấm, đến lượt đội khách được hưởng quả penalty, lần này ở phút 102. Dirk Kuyt là người thực hiện, anh bình tĩnh bước đến điểm sút với nỗ lực cứu vớt 1 điểm cho Lữ đoàn đỏ. Kuyt lấy đà rất nhanh và sút cực căng đưa bóng vào góc trên bên phải khung thành.
 
Trong một môn thể thao như bóng đá, Robin van Persie và Dirk Kuyt có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng không ít những khác biệt. Huyền thoại của Liverpool có thừa sự tự tin nhưng luôn đặt cái tôi thấp hơn tập thể. Còn Van Persie thì khác, anh có một chút kiêu ngạo trước ánh mắt của hàng triệu khán giả. Có thể Van Persie tài năng và Kuyt thì ổn định hơn nhưng thật khó để phân định xem sự nghiệp của ai thành công hơn trong suốt quãng thời gian chơi bóng tại nước Anh. (còn nữa)
 
 
Dịch từ bài viết “Dirk Kuyt, Robin Van Persie, and the story of Feyenoord” của tác giả Alex Dieker trên Football Paradise 

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow