Dirk Kuyt: Bài ca cho người cần cù

Tác giả CG - Thứ Tư 22/07/2020 16:47(GMT+7)

Có những khi Dirk Kuyt đứng dưới “ánh đèn sân khấu”, điển như cú hattrick của anh vào lưới Manchester United năm 2011 thực sự là một điểm sáng - trở thành cầu thủ Liverpool đầu tiên lập hattrick vào lưới “Quỷ đỏ” kể từ năm 1990. Hay ta có thể kể tới bàn thắng trước Cardiff City ở chung kết Carling Cup 2012. Nhưng tựu chung lại, hình ảnh nổi bật lên trong mắt chúng ta về cầu thủ người Hà Lan chính là những cống hiến thầm lặng và bền bỉ.

Trong thế hệ của mình, Dirk Kuyt không phải người nổi tiếng và gặt hái nhiều thành công nhất. Nói không ngoa thì Kuyt chẳng có gì quá đặc biệt. Nhưng bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đôi khi sự khác biệt lại đến từ những điều bình thường.

Tôi tự hào khi được gọi là một Scouser (Người Liverpool) - một đứa con nuôi của Scouser vì với tôi, người Liverpool là những người rất tốt bụng, cần cù, chăm chỉ và không bao giờ bỏ cuộc.
Dirk Kuyt chia sẻ trên Liverpool Echo

Cần cù, chăm chỉ và không bỏ cuộc, đó cũng chính là những tính từ chính xác nhất để miêu tả về cựu cầu thủ người Hà Lan. Một người đàn ông với mái tóc vàng xoăn, cơ thể tráng kiện luôn chạy không biết mệt mỏi trên sân, chơi bất cứ vị trí nào mà HLV yêu cầu.
 
Gã trai ấy từng là vua phá lưới giải VĐQG Hà Lan, từng là chủ nhân giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm của bóng đá xứ sở hoa tulip. Nhưng năm tháng và sự thầm lặng của anh làm chúng ta quên đi hình ảnh một tiền đạo Dirk Kuyt. Năm 2006, Rafa Benitez đưa anh về Liverpool với mục đích có một cầu thủ săn bàn. Nhưng khi Fernando Torres đã tới Anfield, Kuyt bị chuyển ra cánh. El Nino đã thi đấu quá tốt còn Kuyt phải chấp nhận chơi bóng ở một vị trí vốn không phải quen thuộc với mình.
 
Nhưng anh không dừng lại. Kuyt vẫn tiếp tục chạy, như lối chơi của anh vẫn vậy và nguồn năng lượng dồi dào bên trong không ngừng thôi thúc. HLV Benitez chia sẻ vào năm 2009: “Bạn có thể gọi cậu ấy là Mr. Duracell (Duracell là tên một hãng sản xuất pin) vì cách thi đấu của cậu ấy. Cậu ấy luôn chạy và di chuyển”. 
 
Trong khi đó, khi phản biện lại quan điểm mong muốn tất cả các đội bóng chơi với 2 tiền đạo cánh của Johan Cruyff, ký giả Simon Kuper nhận định: “Ngày nay, mỗi trận các cầu thủ chạy gấp 3 lần số km so với thập niên 70. Khi các cầu thủ như Dirk Kuyt hay Gianluca Zambrotta có thể thi đấu 2 vị trí cùng 1 lúc, thật vô nghĩa khi cố định 1 cầu thủ chạy cánh đứng yên chờ bóng ở đường biên”.
 
Nếu có Kuyt có mặt trong đội hình Liverpool bây giờ, hẳn Jurgen Klopp sẽ rất yêu thích. Một cầu thủ sẵn sàng thi đấu bất cứ đâu, có nền tảng thể lực dồi dào, lên công về thủ, không ngần ngại chạy khắp nơi và luôn giữ thái độ tận tụy, chuyên nghiệp chính là chi tiết hoàn hảo trong cỗ máy của nhà cầm quân người Đức. Có một điều đáng chú ý là trong suốt 8 mùa giải thi đấu tại giải VĐQG Hà Lan từ 1998 đến 2006, Kuyt đã có 179 lần ra sân liên tiếp và chỉ bỏ lỡ 5 trận đấu. Bí quyết để duy trì một thể trạng hoàn hảo của anh nằm ở sự chăm chút nghiêm túc cho cơ thể. 
 
Khi mới gia nhập Utrecht, bụng Kuyt hơi to một chút. Và anh đã gặp chuyên gia thể lực Leo Echteld, người cũng đã làm việc với Clarence Seedorf, Edgar Davids và Patrick Kluivert. Anh cũng gặp Henk de Gier, chuyên gia về kiểm soát áp lực. Chính De Gier đã giúp Kuyt vượt qua nỗi buồn mất cha vào năm 2007. “Tôi luôn gọi ông ấy trước mỗi trận đấu, dù tôi ở đấu. Tôi thấy rất hiệu quả”, cựu tuyển thủ Hà Lan chia sẻ. Người cuối cùng mà Kuyt mỗi năm gặp 3 lần để kiểm tra sức khỏe chính là chuyên gia vật lý trị liệu Hammerman Jan.
 
“Ông ấy sử dụng 1 chiếc búa và kiểm tra xem cơ thể tôi còn giữ cân bằng và có khả năng kéo tạ hay không. Tôi nhận ra mọi thứ đều được kết nối với nhau. Tôi có nhiều vết đau và nếu đi lại không bình thường vì mắt cá chân gặp vấn đề, tôi có thể khiến bắp đùi chân kia tổn thương”, Kuyt nói.

Một đội bóng muốn thành công có thể thiếu những ngôi sao nhưng chắc chắn không thể không có những cầu thủ sẵn sàng hy sinh và luôn duy trì sự năng nổ, nhiệt huyết. Trong thế hệ của mình, Dirk Kuyt không phải người nổi tiếng và gặt hái nhiều thành công nhất. Nói không ngoa thì Kuyt chẳng có gì quá đặc biệt. Nhưng bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đôi khi sự khác biệt lại đến từ những điều bình thường.
 
Có những khi Kuyt đứng dưới “ánh đèn sân khấu”, điển như cú hattrick của anh vào lưới Manchester United năm 2011 thực sự là một điểm sáng - trở thành cầu thủ Liverpool đầu tiên lập hattrick vào lưới “Quỷ đỏ” kể từ năm 1990. Hay ta có thể kể tới bàn thắng trước Cardiff City ở chung kết Carling Cup 2012. Nhưng tựu chung lại, hình ảnh nổi bật lên trong mắt chúng ta về cầu thủ người Hà Lan chính là những cống hiến thầm lặng và bền bỉ.
 
World Cup 2014, Hà Lan tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh với đội hình gặp những tổn thất và thiếu hụt. Và HLV Louis van Gaal buộc phải liệu cơm gắp mắm bằng cách sử dụng sơ đồ chiến thuật 3-5-2 với 2 mũi tấn công chủ lực trên hàng tiền đạo là Robin van Persie và Arjen Robben cũng như triệt tiêu đi vị trí tiền đạo cánh. Là đội phó của Oranje nhưng 2 trận đấu đầu tiên, Kuyt hoàn toàn không được ra sân một phút nào. Rất nhiều người đã nghĩ vai trò của lão tướng này ở giải đấu tại Brazil chỉ đơn thuần là một thủ lĩnh trong phòng thay đồ mà thôi.
 
Nhưng tất cả đã nhầm. Kuyt trở lại từ trận đấu thứ 3 trước Chile ở một vị trí hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ: wing-back trái. Hà Lan vượt qua vòng bảng và cuộc chạm trán với Mexico ở vòng 16 đội trở thành điểm sáng của anh. Tiếp tục xuất phát ở vị trí wing-back trái, dưới cái nóng 38 độ ở Brazil, Kuyt chạy không biết mệt mỏi, lên công về thủ nhịp nhàng như một chàng thanh niên đôi mươi. Đến phút 55, khi Hà Lan gặp bế tắc trước đối thủ và bị dẫn trước 1-0, Van Gaal chuyển đội hình sang 4-3-3. Lúc này, Kuyt lại chuyển sang đá hậu vệ phải.

Đến khi trận đấu còn lại 15 phút nữa và hàng phòng ngự Mexico chưa có dấu hiệu bị khoan thủng, Van Gaal lại một lần nữa thay đổi chiến thuật, xoay sơ đồ thi đấu Hà Lan sang 4-4-2 với chiến thuật bóng dài, Kuyt được đẩy lên hàng công trong vai trò tiền đạo. Chính anh là người mang về quả phạt góc mà Wesley Sneijder đã ghi bàn gỡ hòa. Đến khi Hà Lan đã có bàn, Kuyt lại trở về với vai trò hậu vệ phải. Chỉ trong 1 giờ đồng hồ thi đấu, lão tướng của Oranje khi đó đã chơi từ wing-back trái, hậu vệ phải, tiền đạo rồi lại hậu vệ phải.
 
Khi Klaas-Jan Huntelaar ghi bàn ấn định thắng lợi ở phút 90+5, Kuyt đã khuỵu gối xuống và chỉ tay lên bầu trời, một khoảnh khắc vô cùng xúc động. Hôm đó là trận đấu thứ 100 của anh trong màu áo đội tuyển quốc gia đồng thời cũng tròn 7 năm cha của anh qua đời. Một màn trình diễn không thể nào chê vào đâu được của người chiến binh tuổi 34 trong một ngày đặc biệt. 

Đội Hà Lan này không chơi Bóng đá Tổng lực. Họ đã từ bỏ cách chúng tôi phát triển bóng đá và thứ giúp chúng tôi được thế giới công nhận. Nhưng có những điều khác thay thế cho sự sáng tạo và kiểm soát ấy. Và trời ơi, nó phát huy tác dụng. Đó là sự trực diện, hiệu quả và được xây dựng dựa trên niềm đam mê cũng như tinh thần đồng đội. Robben có thể là ngôi sao, Sneijder có thể là người hùng đã hy sinh bản thân… Tuy nhiên biểu tượng của đội bóng này là Dirk Kuyt.
Johan Cruyff
Sau trận đấu, Robin van Persie chia sẻ: “Chúng tôi đã tặng Dirk 1 món quà tuyệt vời trong trận đấu thứ 100 cho đội tuyển. Tôi đã nói chuyện với anh ấy một chút. Tôi nói rằng vô cùng tự hào về anh ấy và anh ấy là hình mẫu cho cả các cầu thủ trẻ lẫn nhiều tuổi. Chỉ có 7 cầu thủ đạt cột mốc này cho Oranje. Anh ấy từng bị chững lại rất lâu ở con số 98 trận. Quả thực rất tuyệt vời. Nếu có ai xứng đáng với điều này thì đó chính là anh ấy”.
 
Ngay cả một người khó tính như Johan Cruyff cũng lên tiếng: “Đội bóng của bạn thật may mắn nếu có cậu ấy, một người luôn di chuyển khắp nơi. Về mặt chiến thuật, có Kuyt, bạn có thể thi triển theo mọi hướng”.

Từ tiền đạo xuống đá một hậu vệ cánh, đó là khắc họa rõ nét nhất về sự hy sinh của một cầu thủ. Tất nhiên thật khó để so sánh trong một đội bóng, cầu thủ nào đóng góp nhiều hơn. Nhưng đôi khi có những cầu thủ được hưởng đặc quyền hơn một chút vì sự xuất chúng và có những người phải hy sinh nhiều hơn, làm nhiều nhiệm vụ thể lực hơn vì đơn giản anh đủ khả năng để làm như thế.
 
Ngày 14 tháng 5 năm 2017, vòng đấu cuối cùng giải VĐQG Hà Lan diễn ra. Feyenoord Rotterdam tiếp đón Heracles Almelo trên sân nhà De Kuip trong bối cảnh cuộc đua vô địch giữa họ và Ajax Amsterdam vẫn chưa ngã ngũ. Kết quả, Kuyt lập cú hattrick để mang về chức vô địch quốc gia đầu tiên cho đội bóng có biệt danh “CLB của mọi người” kể từ năm 1999.
 
Đó cũng chính là trận đấu cuối cùng của Kuyt trước khi giải nghệ. Như một tiếng vọng sau cuối của người chiến binh cần mẫn, lão tướng Hà Lan nhắc tất cả chúng ta nhớ anh từng là một chân sút có năng lực trước khi lùi lại nhường sự chú ý cho những người khác.

CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.