Dimitar Berbatov: Hành trình vươn mình thành người khổng lồ (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 12/05/2020 09:47(GMT+7)

Trong cuộc trò chuyện với Transfer Talk podcast của Sky Sports News, Dimitar Berbatov đã “bật mí” về những khoảnh khắc quyết định, những tranh cãi và những chuyển biến trọng đại đã định hình nên sự nghiệp của anh.

Lớn lên tại một thị trấn nhỏ dưới chân của dãy núi Pirin ở Bulgaria, Dimitar Berbatov luôn tin rằng số mệnh của mình đã được định sẵn là sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. 

 
Cả hai đấng sinh thành của anh đều là những vận động viên chuyên nghiệp, người bố Ivan là một cầu thủ của Pirin, và sau đó là CSKA Sofia, còn người mẹ Margarita là một vận động viên bóng ném. Berbatov không hề có một chút nghi ngờ nào về việc liệu mình có tiếp bước họ hay không.  
 
“Đó là một điều đã được định đoạt từ rất sớm,” Anh chia sẻ, hồi tưởng về những ngày tháng đầu tiên của cái sự nghiệp đã đưa mình lên sân khấu đỉnh cao của bóng đá châu Âu. 
 
Trong cuộc trò chuyện với Transfer Talk podcast của Sky Sports News, Berbatov đã “bật mí” về những khoảnh khắc quyết định, những tranh cãi và những chuyển biến trọng đại đã định hình nên sự nghiệp của anh. Mặc dù may mắn mang trong mình ADN của những vận động viên thể thao chuyên nghiệp, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Berbatov đã nhận thức được rằng, những phẩm chất di truyền của bản thân cần phải được kết hợp với tinh thần làm việc chăm chỉ, nỗ lực nhất thì mới có thể phát huy được thứ tiềm năng to lớn mà mình sở hữu. 
 
“Hồi còn nhỏ ở quê nhà, tôi thường đi ra bên ngoài tòa nhà chung cư của mình – bất kể nắng, mưa, hay đang có tuyết rơi – với một quả bóng rổ. Phải một thời gian sau này thì tôi mới có được một quả bóng đá,” Anh hồi tưởng. 
 
“Tôi cũng chả biết tại sao nữa – bởi vì đâu có ai bảo tôi làm điều đó đâu, thế mà tôi vẫn liên tục ném quả bóng lên, sau đó kiểm soát nó lại, ném lên, rồi lại kiểm soát, cứ không ngừng lặp đi lặp lại như thế. Ngày nào tôi cũng làm cái trò đó cả.”
Sự nỗ lực của Berbatov đã được đền đáp khi anh được các trinh sát viên chú ý đến từ lúc còn rất nhỏ tuổi. 

 
Đi theo bước chân của cha mình, anh đã khởi đầu sự nghiệp với Pirin ở quê nhà Blagoevgrad, trước khi chuyển đến CSKA Sofia vào năm 1998, ở tuổi 17. Berbatov đã nổi như cồn với địa vị là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất Bulgaria, và điều đó đã thu hút sự chú ý của “Ông trùm” Georgi Iliev, kẻ cầm đầu của một tổ chức mafia khét tiếng, ông ta muốn chàng tiền đạo trẻ sớm nở này phải gia nhập câu lạc bộ của mình, Levski Kyustendil.
 
Khi một trong những người đồng đội cũ của bố Dimitar rủ rê anh đi cùng xe với ông ta lúc anh đang trên đường đi bộ về nhà từ sân tập, Berbatov không hề nghi ngờ gì cả, nhưng đã bắt đầu cảm thấy không ổn khi ông ta đưa anh vào một nhà hàng để tham gia vào một cuộc họp mà anh không hề biết gì về nó. 
 
“Khi vào bên trong, tôi nhìn thấy một người đàn ông cao lớn ngồi ở một chiếc bàn, và có đến 4 hoặc 5 gã to cao khác ngồi ở phía sau ông ta,” Berbatov nhớ lại. 
 
“Ông ta bảo tôi ngồi xuống, bắt đầu giải thích về việc họ thích tôi đến mức nào và muốn tôi gia nhập bọn họ.
 
“Họ hứa sẽ cho tôi rất nhiều tiền và đủ thứ ích lợi khác.
 
“Trong đầu mình, tôi cứ mãi nghĩ “Mình đang ở chỗ quái nào thế này, mình đang ở chỗ quái nào thế này?’ và chỉ muốn gọi cho bố. Họ cho phép tôi gọi cho ông và tôi thì đang cực kì hoảng loạn. Tôi bảo với ông ấy rằng mình chẳng biết phải làm gì cả.”
 
Vấn đề cuối cùng đã được giải quyết ổn thỏa bởi chủ tịch của CSKA Sofia, và Berbatov tiếp tục ở lại với họ. Tuy nhiên, rõ ràng là số mệnh của anh đã được định sẵn là sẽ vươn đến những điều lớn lao hơn. 
 
“Tôi biết tương lai của mình nằm ở bên ngoài đất nước này, bởi vì tôi muốn phát triển hơn nữa và chinh phục thế giới. Ai cũng có ước mơ cả mà.”
 
Sau khi thương vụ chuyển nhượng đến câu lạc bộ Ý Lecce thất bại, Berbatov đã gia nhập Bayer Leverkusen vào tháng 1 năm 2001 ở tuổi 20. 

 
Khi ấy câu lạc bộ nước Đức đang sở hữu một đội ngũ cực kì chất lượng, với sự hiện diện của những tuyển thủ quốc gia Michael Ballack, Jens Nowotny, Carsten Ramelow, Oliver Neuville và Ulf Kirsten, cũng như bộ đôi người Brazil Lucio và Ze Roberto. Bên cạnh đó, họ còn được dẫn dắt bởi nhà cựu vô địch World Cup Berti Vogts, đây thực sự là một môi trường vô cùng lý tưởng để Berbatov có thể phát triển. 
 
“Đó chính là ngôi trường của cuộc đời tôi,” Ngôi sao người Bulgaria thừa nhận. “Đó là nơi mà tôi đã trở thành một người đàn ông thực thụ.”
 
Sự khởi đầu của Berbatov tại Leverkusen là với đội dự bị, nhưng Vogts đã mau chóng đưa anh lên đội một. Mùa giải trọn vẹn đầu tiên của anh cho đội bóng nước Đức là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ, khi Leverkusen tiến bước đến trận chung kết Champions League, đứng thứ hai ở Bundesliga, và để thua trận chung kết cúp quốc gia Đức trước Schalke. 
 
“Leverkusen!” anh vừa cười, vừa lắc đầu. “Chúng tôi vượt qua Liverpool, hạ gục Manchester United, và ở trận chiến cuối cùng, chúng tôi cũng đã ở rất gần với cơ hội đánh bại Real Madrid, vì cả bọn đã thi đấu mà không chút sợ hãi.
 
“Họ có trong đội hình Zinedine Zidane, Luis Figo, Raul, và Roberto Carlos – tất cả đều là những cầu thủ cực kì, cực kì xuất chúng. Tôi nhìn họ và nghĩ ‘Bọn mình biết hạ gục đám này kiểu gì đây?’ Fernando Hierro nhìn cứ như một người khổng lồ vậy.
 
“Nhưng chúng tôi đã chơi rất hay, và thật đáng tiếc khi cuối cùng lại bị đánh bại.”
 
Leverkusen đã bị kết liễu bởi thiên tài Zinedine Zidane, người đã ấn định chiến thắng 2-1 cho Real Madrid bằng một cú volley chân trái tuyệt đẹp. Berbatov, sau khi được đưa vào sân thay cho Thomas Brdaric ở phút thứ 37, đã có một vị trí quan sát hoàn hảo ở pha lập công của tiền vệ người Pháp. 
 
“Khi đó, tôi đã đứng nhìn ngay phía sau anh ấy. Đôi khi, có một vài tình huống mà bạn chỉ đơn giản là biết chắc rằng quả bóng sẽ được đưa vào lưới. Đó thực sự là một bàn thắng không tưởng.”
 
Vào thời điểm đó, cái tương lai mà Berbatov giành được những danh hiệu lớn cùng Leverkusen dường như không hề quá xa xôi. Ballack và Ze Roberto đã chuyển sang đầu quân cho đại kình địch của Leverkusen tại Bundesliga, Bayern Munich, ở mùa hè năm ấy. Lucio cũng đã theo chân họ vào hai năm sau đó. Tuy nhiên, Berbatov đã gắn bó với Die Werkself  thêm bốn mùa giải nữa, và ngày càng trở nên quan trọng hơn ở đội bóng này.
 
“Tôi muốn ở lại Leverkusen thật lâu và tái hiện lại những gì mà Diego Maradona từng làm cho Napoli khi ông ấy gia nhập bọn họ,” Anh cho biết.
 
Nhưng điều đó đã không thể diễn ra. Leverkusen đã không còn sở hữu một đội hình đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ của bóng đá châu Âu nữa. Valencia và Bayern Munich đã rất nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến Berbatov, nhưng anh vẫn chưa sẵn sàng bước chân ra khỏi “vùng an toàn” của mình. Khi Tottenham tiếp cận tiền đạo người Bulgaria vào mùa hè năm 2006, thời điểm để làm điều đó đã đến. 

 
“Họ chính là đội bóng tỏ ra bền bỉ nhất trong việc theo đuổi tôi, cụ thể là (huấn luyện viên trưởng) Martin Jol,” Berbatov giải thích. “Ông ấy đã nói chuyện với người đại diện của tôi và trực tiếp gọi điện thoại cho tôi. Vị huấn luyện viên ấy thực sự rất muốn có được sự phục vụ của tôi, và đó là điều quan trọng nhất đối với một cầu thủ bóng đá.”
 
Anh đã rất mau chóng trở thành một cái tên được yêu thích tại White Hart Lane và tạo lập một mối quan hệ đối tác cực kì ăn ý với chân sút người Cộng Hòa Ireland, Robbie Keane.
 
“Đó là một sự kết hợp đỉnh của đỉnh. Tôi luôn biết rõ nơi mà anh ấy sẽ xuất hiện trên sân, và ngược lại. Điều quan trọng nhất là không hề có một chút sự ích kỷ nào trong mối quan hệ đó cả. Đó là lý do vì sao nó đã hoạt động rất hiệu quả.”
 
Màn dạo đầu trên đất Anh đã kết thúc với việc Berbatov được trao danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải” của Tottenham và được điền tên vào “Đội hình Premier League xuất sắc nhất năm” của PFA. Đồng thời, chân sút người Bulgaria cũng đã lọt vào mắt xanh của Sir Alex Ferguson, với việc người đại diện của anh thông báo rằng Manchester United đang thể hiện sự quan tâm đến mình. Thời điểm mà Berbatov nhận được thông tin đó là 12 tháng trước khi đội chủ sân Old Trafford chính thức tiếp cận anh. Và khi họ làm điều đó, cuộc theo đuổi Berbatov của Quỷ Đỏ đã gây ra một chuỗi “drama” giữa hai câu lạc bộ.
 
Ferguson đã bị chỉ trích là “quá ngạo mạn” bởi chủ tịch Daniel Levy của Tottenham vì đã công khai tuyên bố ý định đưa Berbatov đến Old Trafford, đồng thời, Spurs cũng đã kiện cáo với Premier League về cách hành xử của Man United. 
 
“Tôi rất thấu hiểu cho Levy, vì ông ấy đang phải chiến đấu cho câu lạc bộ của mình,” Berbatov nói. “Đây hoàn toàn là chuyện làm ăn. Dĩ nhiên là Spurs không muốn mất tôi, nhưng tất cả mọi người đều phải đi trên con đường riêng của mình mà thôi.”
 
Levy rõ ràng là không muốn bán đi “viên kim cương” của ông cho Man United, nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận rằng Berbatov đã thể hiện “rất rõ” mong muốn ra đi của anh và chỉ trích cầu thủ người Bulgaria đã trở thành một nhân vật “có ảnh hưởng tiêu cực” bên trong phòng thay đồ của Spurs. Berbatov đã vào sân từ băng ghế dự bị trong trận thua với tỷ số 2-1 trước Middlesbrough vào ngày khai mạc mùa giải 2008/2009, trước khi bị gạch tên ở các cuộc đối đầu với Sunderland và Chelsea, giữa hàng tá những tin đồn về việc anh không muốn ra sân thi đấu. 
 
Và chính cầu thủ người Bulgaria đã thừa nhận điều đó. 
 
“Khi ấy, tôi không còn một chút tập trung nào vào việc chơi bóng nữa, tôi đã nói điều đó với huấn luyện viên trưởng (Juande Ramos) và giám đốc thể thao Damiel Comolli.”
 
Thương vụ này cuối cùng cũng đã được chốt hạ trong một bối cảnh đầy kịch tính vào ngày Deadline của thị trường chuyển nhượng.  Bản thân Ferguson cũng đã rất nóng lòng chờ đợi Berbatov và người đại diện của anh tại sân bay, khi Man United đang cố gắng đánh bại sự “phá đám” vào phút chót của gã nhà giàu Manchester City, đội bóng vừa được tiếp quản bởi tập đoàn Abu Dhabi United Group.

Với Berbatov, bóng đá là nghệ thuật
Berbatov hồi tưởng: “(Khi gặp Sir Alex) Tôi cứ như một thằng nhóc 13 tuổi vậy. Tôi đã rất ngượng ngùng, nhưng rốt cuộc mọi thứ đều ổn vì Sir Alex biết cách ‘phá băng’.” Cuộc đàm phán về giá của anh đã diễn ra rất căng thẳng đến tận ngày chót của kì chuyển nhượng, vì cả hai bên đều chiến đấu để mình đạt được một con số có lợi. 
 
“Tôi đã rất lo lắng vì chẳng có chuyển biến nào xảy ra cả,” Berbatov thừa nhận. “Bên trong tôi vô cùng hoảng loạn, còn bên ngoài thì cố gắng giữ hình tượng bình tĩnh hết mức có thể.”
 
“Tôi có thể nghe thấy cái cách mà (giám đốc điều hành của Man United) David Gill đang nói chuyện với Daniel Levy, và đi tới đi lui. Khi ấy, tôi chỉ toàn tâm toàn ý hy vọng là vụ này có thể hoàn tất.”
 
Cuối cùng, cuộc chuyển nhượng cũng đã diễn ra. Berbatov gia nhập Man United với mức phí 30,8 triệu Bảng. 
Khi tiền đạo người Bulgaria trở về phòng khách sạn vào tối hôm ấy, anh ngay lập tức ngã lăn ra giường. Hoàn toàn kiệt sức. Thở phào nhẹ nhõm. Lúc đang nằm đó, điện thoại của Berbatov bắt đầu kêu lên liên tục vì những tin nhắn đến tới tấp - Gary Neville, Ryan Giggs, Paul Scholes và Michael Carrick đều gửi lời chào mừng anh trở thành đồng đội của họ.
Dimitar Berbatov và số mệnh của một đóa hồng
Nhiều người vẫn tin rằng nếu như không theo đuổi con đường chơi bóng chuyên nghiệp, Berbatov chắc hẳn đã trở thành một diễn viên lừng danh hoặc ít nhất sẽ...
“Nó cho bạn thấy điều mà những nhà vô địch thường làm. Họ khiến bạn cảm thấy mình cũng giống như một nhà vô địch.” Anh nói. 
 
Dimitar Berbatov đã đặt chân đến Old Trafford với những kỳ vọng khổng lồ. Thậm chí đã có một số người bắt đầu so sánh anh với cựu ngôi sao của Man United, Eric Cantona. Những sự so sánh đó đã khiến Berbatov cảm thấy khó chịu, và đến giờ vẫn vậy. 
 
“Đừng bao giờ mang bất cứ ai ra để so sánh với một người khác. Tất cả mọi người đều khác biệt với nhau. Đời này chả có một Lionel Messi mới, và cũng chả có một Cristiano Ronaldo mới nốt.” Anh khẳng định.
 
Berbatov đã bước chân vào một phòng thay đồ của những ngôi sao vừa giành được cú đúp danh hiệu Premier League và Champions League.

 
Mặc dù tiền đạo người Bulgaria đã được chỉ đích danh bởi Ferguson là cái tên được chiêu mộ để mang đến một làn gió mới cho lối chơi của Man United, nhưng Berbatov ban đầu đã phải hứng chịu khá nhiều ánh mắt nghi ngờ về khả năng hoàn thành nhiệm vụ đó.
 
“Thật ra thì tôi thực sự đã khá thoái chí và sợ hãi đấy,” Berbatov nói về lần đầu tiên bước chân vào phòng thay đồ của Man United. “Có lẽ đó là điều mà tôi sẽ thay đổi nếu có thể quay ngược thời gian trở lại. Tôi sẽ cố gắng hành xử cởi mở hơn một chút. Tôi đang được nhìn thấy những cầu thủ vừa mới vô địch bóng đá Anh và cúp châu Âu.”
 
 “Còn tôi chỉ là một gã mới có chút thành tựu không đáng kể và đang cố ngoi lên thế giới đỉnh cao mà thôi.”
 
Man United vốn đã sở hữu một hàng công cực kì hùng mạnh trước cả khi Berbatov cập bến Old Trafford. Cristiano Ronaldo sắp giành được Quả Bóng Vàng đầu tiên trong sự nghiệp của anh. Kết hợp cùng ngôi sao người Bồ Đào Nha là tài năng kiệt xuất của Wayne Rooney và Carlos Tevez đã tạo lập nên một bộ ba tấn công đầy mạnh mẽ ở mùa giải trước đó.  Tạo ra được sự đột phá và khẳng định vị trí của mình trong một đội ngũ như vậy không hề là một nhiệm vụ dễ dàng cho Berbatov.
Tôi muốn chứng minh rằng mình xứng đáng hiện diện ở đây. Sự cạnh tranh là một điều rất tốt, bởi vì nó sẽ giữ đôi chân của bạn ở trên mặt đất. Đừng sợ hãi nó.
Dimitar Berbatov
 
Chính Tevez đã cảm thấy Berbatov đang “phả hơi nóng” vào gáy mình, khi mà thời gian thi đấu của anh đã bị giảm xuống một cách đáng kể vì sự hiện diện của tiền đạo người Bulgaria, mặc dù vậy, cả hai người họ đều không được điền tên vào đội hình xuất phát trong thất bại với tỷ số 2-0 trước Barcelona ở trận chung kết Champions League 2009 diễn ra tại Rome.
 
Berbatov đã gắn bó với Man United 4 mùa giải, và đó là một khoảng thời gian với đủ loại trải nghiệm “lên voi xuống chó.”
Hầu hết mọi người đều sẽ nhớ về cú hattrick vào lưới Liverpool – bao gồm một pha “ngả bàn đèn” ngoạn mục – vào tháng 9 năm 2010 tại Old Trafford là trận đấu đáng nhớ nhất của anh trong màu áo Man United. 
 
“Một khoảnh khắc thật tuyệt diệu,” Berbatov hồi tưởng lại cái ngày anh trở thành cầu thủ Man United đầu tiên lập hattrick vào lưới Liverpool sau 64 năm. 
 
“Sau đó, tôi như kiểu ‘Này mấy cu, đây chính là cái cách mà anh nhìn bóng đá đấy’. Tôi đã có một bàn thắng mẫu mực bằng đầu và một pha lập công kỳ diệu mà không phải ai cũng làm được.”
 
Berbatov đã kết thúc mùa giải 2010/2011 ở tâm thế “lên voi”, khi anh đồng nhận giải Chiếc Giày Vàng của Premier League bên cạnh Carlos Tevez, người khi ấy đang chơi cho Manchester City. Nhưng sự thành công đó đã nhanh chóng được tiếp nối bởi một trong những khoảnh khắc “xuống chó” nhất trong sự nghiệp của anh. Ferguson đã bảo Berbatov rằng anh sẽ không được điền tên vào danh sách đội hình tham dự trận chung kết Champions League với Barcelona tại Wembley.
 
“Ferguson kéo tôi sang một bên và nói ‘Berbs à, chuyện này thật khó khăn. Nó cũng khiến ta đau lòng lắm, nhưng ta cần phải loại cậu ra khỏi đội hình’.”
 
Hồi tưởng lại cuộc trò chuyện ấy, anh tâm sự: “Tôi là chân sút hàng đầu của đội, và là vua phá lưới của Premier League. Tôi đã cảm thấy rất tự tin. Đó thực sự là một cú shock quá lớn.”
 
“Tôi hiểu là ông ấy cảm thấy khó xử đến thế nào, nhưng đồng thời, cũng nghĩ rằng ‘Sếp à, em đâu đáng phải hứng chịu điều này chứ’.”
 
Berbatov đã theo dõi trận đấu từ trên khán đài, bên cạnh John O’Shea, người cũng bị gạch tên khỏi danh sách đội hình, khi Man United phải nếm trải thất bại thứ hai trước Barcelona trong một trận chung kết Champions League chỉ trong vòng 3 năm.
 
“Ngay cả khi được vào sân, tôi cũng không nghĩ là mình có thể thay đổi được cái kết quả đó, bởi vì Barcelona vào thời điểm ấy là một đội bóng quá phi thường,” Anh thừa nhận. 

 
Biến cố ấy đã khiến Berbatov phải cân nhắc về tương lai của mình tại Man United.
 
“Cuối cùng, tôi đã quyết định rằng mình sẽ không từ bỏ. Đây là Manchester United. Tôi muốn ở lại và chiến đấu,” anh kể.
 
Nhưng dù cho Berbatov mong muốn được ở lại, Ferguson đã nói rõ với anh rằng ông sẽ không thể đảm bảo cho anh được ra sân một cách thường xuyên trong một cuộc trò chuyện ở bãi đậu xe của Old Trafford ngay trước khi mùa giải 2011/2012 bắt đầu. 
 
Berbatov hồi tưởng: “Ông ấy nói với tôi rằng ‘Ta không thể hứa rằng cậu sẽ được đá chính trong mọi trận đấu ở mùa giải này. Ta chỉ muốn nói rõ với cậu điều đó’.
 
“Tôi rất trân trọng sự thẳng thắn của ông ấy. Tôi đã bảo ông ấy rằng mình sẽ tiếp tục làm việc thật chăm chỉ như mọi khi và tùy ông ấy quyết định khi nào thì tôi nên được ra sân.
 
“Và tôi nghĩ rằng mình đã làm rất tốt. Tôi đã ghi bàn trong mọi trận đấu mà mình được góp mặt.”
 
Berbatov đã kết thúc mùa giải cuối cùng của anh tại Old Trafford với 9 bàn thắng sau 21 lần ra sân, nhưng rõ ràng là đã đến lúc anh cần phải ra đi. Fiorentina và Juventus đều muốn có được sự phục vụ của chân sút người Bulgaria, nhưng rốt cuộc, anh đã chọn tiếp tục gắn bó với Premier League trong màu áo Fulham. 
 
Giải thích về lý do vì sao anh lại từ chối cơ hội trải nghiệm Serie A, Berbatov cho biết: “Martin Jol, đó chính là lý do. Ông ấy từng là thầy của tôi ở Spurs, vì vậy, khi ông ấy gọi, tôi không hề muốn nói lời từ chối một chút nào. Giữa chúng tôi có một mối quan hệ rất đặc biệt.
 
“Mặc dù tôi đã nhận được vài lời đề nghị rất hấp dẫn từ Ý, nhưng vào thời điểm đó, tôi đã 32 tuổi rồi. Gia đình tôi yêu nước Anh. Mọi người ở đây đều tôn trọng tôi. Tôi cũng rất thích bóng đá Anh.”
 
“Đám tiền đạo chúng tôi là một loại cầu thủ rất khác biệt. Bạn cần phải đối xử thật nhẹ nhàng với chúng tôi và trấn an rằng, chúng tôi là những ngôi sao đích thực để giúp chúng tôi có thể thi đấu với sự tự tin cao nhất.”
 
Hiện tại, khi đã giải nghệ sau một khoảng thời gian thi đấu ở Pháp, Hy Lạp và Ấn Độ, Berbatov gần đây đã nhận được bằng UEFA A Licence, và đang lên kế hoạch tiếp tục lấy bằng UEFA Pro Licence.
 
“Tôi không nói rằng mình sẽ trở thành một huấn luyện viên, nhưng tôi luôn cởi mở với mọi cánh cửa và cũng có thể sẽ đi theo những con đường mà các bạn không ngờ đến,” anh chia sẻ.

 
“Tôi cũng có bằng cấp về chuyên ngành quản lý thể thao, vậy nên tôi hoàn toàn có thể trở thành một giám đốc thể thao. Vì thế, tôi đang có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau ở phía trước.”
 
Nhìn lại chặng đường sự nghiệp cầu thủ của mình, chàng trai đến từ thị trấn Blagoevgrad này rất tự hào về những gì mà anh đã đạt được.
 
“Tôi xuất thân từ một thị trấn nhỏ ở một đất nước nhỏ,” Berbatov bộc bạch. “Tôi đã làm việc theo cách của riêng mình để vươn lên, và rồi có thể đến với câu lạc bộ lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới.”
 
Tôi đã được tận hưởng vinh quang tại Premier League, cũng như giành lấy danh hiệu vua phá lưới của giải đấu danh giá này. Tôi đã kề vai sát cánh bên cạnh những gã khổng lồ, và đối đầu với những gã khổng lồ. Tôi nghĩ mình đã đạt được nhiều hơn cả những gì mà bản thân từng mơ ước.
Dimitar Berbatov
 
Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn “Dimitar Berbatov: How a boy became a giant”, được thực hiện bởi Michael Kelleher, đăng tải trên Sky Sports.
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.