Điều gì xảy ra nếu bạn đến Fiorentina từ Bình Nhưỡng? (p1)

Tác giả Cây thông nhỏ - Thứ Năm 14/01/2021 11:22(GMT+7)

Điều gì xảy ra nếu bạn đến Fiorentina từ Bình Nhưỡng? Câu chuyện đầy kinh ngạc của Mr.Choe cùng cái bắt tay “thế kỷ” giữa Italia và Triều Tiên.

Song- Hyok Choe
Câu chuyện này bắt nguồn trên con đường từ Perugia đến Assisi (miền Trung nước Ý). Có thể là không, nó nên khởi đầu từ Florence, thành phố nơi những bậc thầy kiệt xuất của nghệ thuật thế giới qui tụ, đào tạo ra các tài năng trẻ cho Fiorentina, trong thế giới của những cái tên chưa thành danh nhưng luôn giữ vững ước mơ một ngày nào đó bước ra ánh sáng. Hoặc chúng ta nên đi xa hơn một chút, cách biệt với châu Âu hào nhoáng, từ Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên.
Thứ Bảy, ngày 5 tháng 3 năm 2016 tại Lavagna, Liguria, vào lúc 11 giờ sáng diễn ra trận đấu giữa Virtus Entella và Fiorentina trong khuôn khổ vòng 24 giải trẻ Campionato Primavera. Trong hiệp hai, đại diện từ vùng Toscana để một cầu thủ châu Á lạ hoắc vào sân trong khoảng mười lăm phút. Không ai có thông tin cụ thể về anh ta: những tay săn tin luôn theo sát hoạt động của đội trẻ Fiorentina hay những cổ động viên nhiệt thành nhất. Không một ai. Các trang truyền thông thân cận với đội bóng áo Tím khi đưa tin về chiến thắng 4-2 của đội nhà cũng không đả động gì đến cầu thủ châu Á đã vào sân này.

Ba ngày sau, từ văn phòng đội trẻ đưa ra thông báo chính thức: Song- Hyok Choe, 18 tuổi từ Bắc Triều Tiên (Choe là họ, Song-Hyok là tên) đã được Viola đăng ký. Anh phải đợi đến khi đủ mười tám tuổi, chiếu theo điều 19 trong qui định của FIFA về chuyển nhượng. Choe sinh ngày 8 tháng 2 năm 1998. Theo Lega Calcio, Choe sẽ ký hợp đồng với câu lạc bộ trên tư cách là một cầu thủ trẻ (được điều chỉnh bởi điều 33 của qui tắc tổ chức nội bộ của FIGC). Liên đoàn cho biết hợp đồng “đã được đệ trình vào đầu tháng 3 năm 2016”, để kịp cho Choe ra mắt trong trận đấu kể trên.
Tuy nhiên, vấn đề phải được lật lại. Choe Song-Hyok là ai? Tác giả đã gặp gỡ một chuyên gia trong lĩnh vực này ở Rome, Giulio D’Alessandro, một tuyển trạch viên đầy tài năng có niềm đam mê với bóng đá châu Á. Trên trang web riêng của mình, dalessandroscouting.com, anh đã đặt 3 cầu thủ Triều Tiên vào những cái tên hứa hẹn nhất. Họ là: Choe Song-Hyok, Han Kwang Song và Pak Yong-Gwan. D’Alessandro giải thích công việc với chúng tôi: “Tôi theo dõi các trận đấu một cách cẩn thận, đặc biệt chú tâm đến nguồn cầu thủ trẻ. Tôi nghiên cứu và nếu thích họ, tôi sẽ liên hệ họ với những đội bóng quan tâm.” Anh luôn tìm những phương cách hợp lý và hiệu quả để tiếp cận các cầu thủ.

Tuy nhiên, với bộ ba Triều Tiên kể trên, đó là nhiệm vụ bất khả thi. “Một đại diện người Croatia quan tâm đến những cầu thủ này đã liên lạc với tôi thời gian gần đây. Tôi cố gắng bắt chuyện với Fundacion Marcet của Tây Ban Nha, nơi Choe và Han đã được huấn luyện trước đây, nhưng không thể nói chuyện với họ hoặc những người quản lý.”

Theo quan điểm cá nhân, D’Alessandro cho rằng Choe và Han là hai cá nhân xuất sắc: “Choe thiên về kỹ thuật cá nhân, trong khi tài năng của Han mang đẳng cấp châu Âu. Về mặt thể chất, Choe có vẻ nhỏ con hơn mức trung bình đôi chút, nhưng Han thì ngược lại. Anh từng được xếp vào danh sách 50 tài năng trẻ triển vọng nhất thế giới. Bạn có thể thấy đội tuyển quốc gia Triều Tiên có thể là một thảm họa nhưng kế hoạch đào tạo trẻ đang phát huy tác dụng và đi đúng đường.” Vậy một cầu thủ như Choe có thể được định giá bao nhiêu? “Năm mươi, thậm chí có thể là một trăm ngàn euro.” 
Giulio D’Alessandro (phải)

Theo một số nguồn tin thân cận khi đó, người đứng đầu bộ phận trẻ của Viola, Valentino Angeloni cùng với kỹ thuật viên Vicenzo Vergine, cũng để mắt đến Han Kwang-Song, người sinh ngày 11 tháng 9 năm 1998, và phải chờ khoảng sáu tháng trước khi được đăng ký thi đấu theo luật. Về Han, ông Zoran Veljanovski, giám đốc tuyển trạch của ISM khu vực Balkan, cho tác giả biết: “Vâng, tôi còn nhớ Han là một đứa trẻ trong chuyến thăm về công việc của tôi đến học viện. Các cậu bé đến từ Bắc Triều Tiên được tuyển chọn kỹ càng tại nước họ. Tất cả đều là những gương mặt ưu tú và góp công rất lớn trong chiến dịch World Cup U-17 năm 2017. Đó là một chiến lược dài hơi được chính phủ Bắc Triều Tiên chuẩn bị từ rất lâu. Mục đích của họ là có một đội tuyển mạnh, sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao trên trường quốc tế. Không chỉ châu Á nói chung mà là toàn thế giới.

Han Kwang-Song
Han và hơn hai mươi cậu bé được đưa sang Italia từ rất sớm, khi thể chất cũng như nhận thức về chiến thuật còn đang trong giai đoạn phát triển, theo một chương trình được chính phủ phê duyệt. Điều đó là con dao hai lưỡi. Các học viên từ Triều Tiên phải đối diện với nỗi nhớ nhà da diết, đồng thời việc thay đổi môi trường cũng là một thách thức không nhỏ cho những chàng thanh niên tuổi mới chỉ đôi mươi. Họ phải nỗ lực gấp nhiều lần các em khác. Bởi vì họ như những “du học sinh” đi tiếp thu những tinh hoa từ nước ngoài để trở về làm rạng danh cho tổ quốc.  Han chính là điển hình cho tinh thần cầu tiến của những học viên Triều Tiên. Cậu ấy phải học chiến thuật trên sân và lý thuyết thêm khi các trận đấu kết thúc. Đồng thời, chúng tôi cũng bố trí những giáo viên chuyên môn cao để Han có thể trau dồi ngôn ngữ Italia (tiếng Italia của cậu ấy rất tốt, nếu các anh theo dõi những buổi phỏng vấn).

Khu tổ hợp của chúng tôi được trang bị mọi thứ, với thức ăn được nấu theo những yêu cầu khắt khe về mặt dinh dưỡng, phòng giải trí luôn sẵn sàng để các em có những giờ phút thoải mái nhất. Các em sẽ không mất sức di chuyển vì đã có phương tiện đưa đón, đồng thời trong một số tòa sẽ có bể bơi hồi sức. Han thật sự là một tài năng, và cậu ấy đã đến đúng nơi để có thể phát triển tài năng đó lên tầm cao với sự chăm chỉ và ham học hỏi. Những khó khăn ban đầu như ngôn ngữ hay môi trường, khác biệt văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ cho Han, kết hợp với chính khả năng thích nghi của bản thân đã giúp Han tự vượt qua thử thách và trưởng thành hơn. Thật sự tôi cũng rất vui khi nghĩ đến ý tưởng một ngày được chứng kiến cầu thủ của các bạn đặt chân lên thảm cỏ xanh của đấu trường danh giá nhất xứ sở mỳ ống.”

Cả ba chàng thanh niên trên có vô số điểm chung, đều sinh năm 1998, cùng xuất thân từ đội bóng Bình Nhưỡng. Nhưng quan trọng nhất là họ đã được làm quen môi trường bóng đá Italia ngay từ năm 2014. Chính xác là Perugia, nơi đặt trụ sở của học viện ISM, viết tắt của Italian Soccer Management. Dự án quốc tế AC Perugia ra đời với tên gọi trung tâm tuyển trạch quốc tế ISM được hình thành từ kinh nghiệm mà các huấn luyện viên thu được từ năm 1998 đến năm 2005 tại học viện đào tạo trẻ AC Perugia. Ngược trở lại năm 2005, dự án AC Perugia (Serie A) bao gồm 138 câu lạc bộ trực thuộc với mạng lưới gồm 80 tuyển trạch viên và 20 quản lý khu vực chịu trách nhiệm tổng quan toàn bộ lãnh thổ hình chiếc ủng. Các cầu thủ chuyên nghiệp như Gennaro Gattuso (AC Milan), Marco Storari (Juventus FC), và Andrea Ranocchia ( Internazionale FC) đã trưởng thành từ học viện AC Perugia trong những năm đó.

Những gì được trang web miêu tả bao gồm: “ISM là một học viện bóng đá quốc tế, có trụ sở tại Perugia, chuyên nghiên cứu và đào tạo các tài năng trẻ. Học viện mang đến cho các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới cơ hội được đào tạo với phương pháp và giáo án tiên tiến từ các câu lạc bộ chuyên nghiệp hàng đầu của Italia.” Trên thực tế, ISM tổ chức “các chương trình tuyển trạch quốc tế có thể tiếp cận các vận động viên bóng đá đến 18 tuổi, những người đáp ứng đủ chất lượng để thi đấu ở châu Âu và Italia.” Sau 20 năm tồn tại và phát triển, khái niệm cốt lõi vẫn không thay đổi; tìm kiếm những tài năng bóng đá hiếm có nhất thế giới và đánh bóng họ để tỏa sang như kim cương cả ở bên trong và ngoài sân cỏ.
Học viện bóng đá được liên kết với một công ty trách nhiệm hữu hạn, Sport X, có trụ sở tại Corciano, thuộc tỉnh Perugia. Công ty ra đời vào tháng 10 năm 2014 với nhiều hoạt động liên quan đến sự nghiệp của những “nhà vô địch” tương lai, từ tư vấn pháp lý, xây dựng hình ảnh, thị thực v.v. CEO duy nhất của Sport X là Lorenzo Flamini, sinh năm 1989. Tài sản này bao gồm 20 % vốn cổ phần thuộc về Franco Parlavecchio, từng là thư ký của Đảng Dân chủ tại Perugia. Cả hai đều ít xuất hiện trên các tin tức truyền thông liên quan đến ISM.

40% công ty thuộc sở hữu của Alessandro Dominici, người đã không ít lần xuất hiện trên các mặt báo của đất nước hình chiếc ủng vào năm 2014. Dominici là một thành viên của phái đoàn Italia tại Triều Tiên do thượng nghị sỹ của đảng Forza Italia, Antonio Razzi dẫn đầu kết hợp cùng thư ký của đảng Lega Nord, Matteo Salvini, diễn ra từ ngày 25 đến 31 tháng 8 năm 2014. Đó cũng chính là lúc cú bắt tay giữa học viện tại Perugia của Dominici và hiệp hội bóng đá CHDCND Triều Tiên, liên đoàn bóng đá Bắc Triều Tiên, khởi phát.

(còn nữa)
Nguồn: phỏng vấn từ 2 tuyển trạch: Zoran Veljanovski vs Giulio D’Alessandro và tờ Il Foglio

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.