Ở thời bóng đá hiện đại, việc đi hay ở của một cầu thủ thực sự là một vấn đề gây đau đầu không chỉ cho cầu thủ đó mà còn cho những bên liên quan như người đại diện, đội bóng hoặc thậm chí là...gia đình.
Trong những ngày gần đây, việc Messi muốn chuyển đến một CLB mới đang trở thành đề tài nóng hơn bao giờ hết. Nó nóng đến mức gần như làm lu mờ chiến tích ăn 3 thần thánh của Hansi Flick và các học trò. Lúc này, người ta mới đặt ra một câu hỏi: điều gì khiến Messi, hoặc một cầu thủ nào đó ở 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu, quyết định lựa chọn một đội bóng mới ?
1/Người đại diện, thậm chí là người trong nhà !
"Nếu gặp phải câu hỏi: "5 lý do khiến cầu thủ chuyển đi" trong chương trình Family Fortunes, tớ dám chắc tiền bạc sẽ là câu trả lời hàng đầu," một trong những tay "cò" khét tiếng nhất giới bóng đá chia sẻ.
Đáng tiếc thay, đội ngũ của The Athletic vẫn chưa hỏi 100 cầu thủ chuyên nghiệp như cách chương trình Family Fortunes thường làm. Tuy nhiên, điều The Athletic làm được đó là tham vấn những nhân vật hàng đầu của bóng đá, bao gồm các cầu thủ, HLV và "cò" cầu thủ để tìm hiểu xem điều gì khiến một cầu thủ quyết định chọn một đội bóng.
Địa điểm, thời gian thi đấu, cuộc sống nơi quê nhà, phong cách thi đấu, HLV, "giá-lương-tiền" và tầm cỡ của một CLB chính là những yếu tố chủ chốt trong đó. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa, đó là được thi đấu bên cạnh những siêu sao danh tiếng như Lionel Messi hoặc Cristiano Ronaldo.
Một tay "cò" bóng đá cho rằng có thể tóm gọn công thức này bằng 3 chữ F: Football, Finance and Family (Lối chơi, tài chính và gia đình-ND). Anh ta cũng nói thêm: "Tùy vào từng thời điểm trong sự nghiệp nữa. Vì vậy, tớ nghĩ tiền bạc chưa phải là quan trọng nhất đâu."
Để dẫn chứng cho điều này, anh ta nói về việc một cầu thủ muốn gia nhập Premier League mùa trước dù anh có thể thi đấu với mức giá cao hơn nêu chuyển đến một CLB "lớn" ở...Championship. "Làm vậy để đảm bảo được thi đấu 1 năm 6 tháng ở Premier League thay vì không thi đấu một ngày nào," tay cò giải thích, trước khi nói rằng về mặt tài chính, đối tác của anh ta vẫn được lợi khi lương lậu của tay cầu thủ này có thể nâng lên gấp 10.
Ở một số thương vụ chuyển nhượng gồm nhiều đội bóng khác nhau, nhiều cá nhân sẽ có tư cách đàm phán hơn cầu thủ. "Tớ thậm chí thấy vài cầu thủ không chọn cơ, thay vào đó, họ đến mấy đội bóng đó để làm hài lòng người khác, thông thường là vì tiền đại diện, hoặc đơn giản là nhiều tiền hơn," một HLV Championship chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải cứ nhiều tiền là cầu thủ sẽ giàu hơn. Lee Johnson, cựu HLV Bristol City, chia sẻ về "phí gia đình", thứ đang trở thành một phần của các bản hợp đồng chuyển nhượng thời gian gần đây.
Một thành viên hàng đầu của một CLB Premier League chia sẻ với The Athletic rằng điều này đang trở thành vấn đề của NHA, nhất là khi bố mẹ của các cầu thủ đang dần can thiệp quá sâu vào sự nghiệp của các cậu con trai.
Đôi lúc, bố mẹ trở thành đại diện cho con. "Có rất nhiều công việc đại diện được thực hiện bởi người trong nhà", một HLV Championship nói. "Đôi khi là bố, anh trai hay họ hàng thân thích. Đôi khi, các cầu thủ không cần biết quá nhiều về những màn thương thảo này."
Đã có đôi lần, bố mẹ của các cầu thủ Premier League đòi hỏi số tiền đại diện lên đến 6 chữ số chỉ vì họ là...bố mẹ của cầu thủ đó. Ở cái thời mà mọi cầu thủ đều trở nên đắt giá với các CLB, điều này đang dần trở thành bình thường. Tuy nhiên, nó cũng góp phần khiến công việc của các HLV trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến các cầu thủ dễ trở thành "quân bài" trong tay người đại diện hoặc chính người nhà của mình, nhất là ở các thương vụ cho mượn. Một ví dụ đó là Renato Sanches, cầu thủ gia nhập Swansea sau khi được Bayern Munich cho mượn vào năm 2017. Khi hợp đồng của anh được ký kết, CLB Xứ Wales phải trả hơn 8 triệu Bảng tiền phí và lương cho một cầu thủ chỉ thi đấu 15 trận cho họ. Có thể nói, những ngày ở Swansea là những ngày buồn nhất trong sự nghiệp của cầu thủ người BĐN. "Quyết định đến Swansea không phải là của em. Em bị bắt phải đến đó. Em nào có muốn đến đó," Sanches chia sẻ hồi tháng 2 như để chứng thực cho những nghi ngờ trước đó.
|
Renato Sanches tỏa sáng trong màu áo Bồ Đào Nha |
2/Các huấn luyện viên
Tiền bạc là một yếu tố quan trọng trong chuyển nhượng ,nhưng các HLV còn quan trọng hơn. "Một số chỉ cần bốc điện thoại lên mà không cần gặp cầu thủ," một tay đại diện chia sẻ. "Một số gọi video trực tuyến: "Đây là điều mà chúng tôi tin rằng có thể giúp em cải thiện, đây là điều thầy muốn, đây là cách chúng ta sẽ thi đấu, đây là những điều chúng tôi làm mà tôi tin rằng có thể hoàn thiện lối chơi cho em". Một số HLV rất tỉ mỉ, số khác lại không."
"Một số CLB rất nhiệt tình, một số CLB chỉ cần một buổi "chè nước" là đủ. Nếu cậu gặp Karren Brady ở West Ham, tớ nghĩ là cậu sẽ không được chào đón như ở Everton đâu. Và đương nhiên, điều này còn tùy thuộc vào việc ai là HLV khi đó nữa."
"Nếu cậu mà đến Everton ở thời Big Sam (Allardyce) còn dẫn dắt, mọi chuyện sẽ như thế này: "Em ổn chứ ? Ngồi xuống đây nào nhóc. Không thể tin được rằng chúng tôi mời được em", một phong cách cổ điển nhưng vẫn khiến cậu cảm thấy quan trọng. Nếu cậu đến Everton 6 tháng sau, thời điểm Marco Silva làm HLV, quỷ sứ, cạy mồm hắn ra chắc giỏi lắm là được 10 từ vì hắn là dạng "sống nội tâm, hay khóc thầm" mà.
Wenger có lẽ là người duy nhất được tay đại diện này dành hẳn một góc riêng. "Ông ấy rất đáng yêu," tay đại diện này tiếp tục. "Đúng 5 phút thôi là ông ấy cho mọi người biết ý. Nếu cần ông ất dành ra 2 tiếng, ông sẽ dành hẳn 3 tiếng. Lần đầu gặp ông là thấy mình bị thu hút bởi cá tính ấy rồi, từ cái cách ông ấy nói chuyện đến cái cách ông khiến cậu cảm nhận."
Khi đề cập đến Wenger, tôi lại nhớ đến chuyện Aaron Ramsey đã chuyển đến Arsenal từ Cardiff vào năm 2008 như thế nào. Khi Ramsey quyết định chọn Man United làm điểm tham quan đầu tiên, Sir Alex Ferguson đang vắng mặt, vì vậy Mike Phelan, trợ lý HLV, quyết định cho cậu nhóc người xứ Wales tham quan cơ sở vật chất và nêu ra phương án phát triển cho cậu. Ngược lại, Arsenal "bao thầu" cả nhà Ramsey đến Thụy Sĩ, nơi HLV Wenger đang làm BLV cho VCK Euro 2008. Ngay lập tức, HLV người Pháp giải thích cặn kẽ trực tiếp với cầu thủ tuổi teen về sự nghiệp trước mặt của cậu.
Một câu chuyện khác cũng liên quan tới Man United được Sir Alex Ferguson nêu tra trong cuốn tự truyện của mình. Sau khi chứng kiến Cristiano Ronaldo "hành hạ" John O'Shea trong một trận đấu giao hữu với Sporting Lisbon, vị HLV người Scotland đã nói thẳng với Ronaldo trước mặt Jorge Mendes: "Em có thể không thi đấu hẳng tuần, thầy phải nói rõ với em thế, nhưng em sẽ là cầu thủ đội một. Không còn gì phải nghi ngờ nữa. Em mới 17 tuổi thôi, vẫn cần thời gian để thích nghi. Chúng tôi sẽ trông coi em." Ronaldo sau đó lên chuyên cơ cá nhân đến Manchester và sau đó là lịch sử.
3/ Địa thế và cơ sở vật chất:
Địa điểm cũng là một yếu tố quan trọng trong quyết định chuyển đến một CLB của các cầu thủ. Một số cầu thủ lo ngại việc bạn đời của mình cảm thấy không vui với nơi họ sẽ ở. Thêm vào đó là việc chọn trường cho con cái của họ. Một cầu thủ ở Premier League đang lâm vào tình cảnh đó.
"Gia đình hắn ở đây quen rồi, vì vậy họ chẳng muốn đi," đại diện của anh ta chia sẻ. "Vậy thì hắn phải làm sao, ở lại đây dù không chơi trận nào vì muốn tôn trọng cuộc sống của mình. Lúc nào cũng vậy, gia đình là quan trọng nhất mà ! Hoặc hắn có thể rời xa vợ con để đến CLB mình muốn."
Có thể nói, London chính là "miền đất hứa" cho các cầu thủ ngoại quốc. Theo một tay cò, điều này xuất phát từ sự đa văn hóa của thành phố này. Cụ thể, theo anh: "Mấy tay ngoại quốc nếu không chọn Man United, Man City hay Liverpool thì thường sẽ đến London," anh ta nói thêm: "Chỗ đó nhộn nhịp hơn. Chú em là người Pháp chứ gì ? Ở khu Nam Kensington nhé ! Ở đó có trường Pháp, có cộng động Pháp...mọi thứ mà chú em quen thuộc để có thể dễ dang hòa nhập hơn."
Một vấn đề khác đó chính là cơ sở vật chất. Ví dụ tiêu biểu chính là Swansea, CLB từng phải cho cầu thủ tập luyện và thay đồ ở sân của CLB Thể Chất và bóng quần Glamorgan (Glamorgan Health & Racquets Club) vì họ không có sân tập cho riêng mình. Điều này dẫn đến một vài tình huống bi hài.
Một cầu thủ Swansea từng thi đấu qua những ngày gian khó đó cười lớn khi anh nhắc đến những câu chuyện xung quanh ngày đầu tiên của Wayne Routledge. "Hắn ta bước vào rồi bật ra ngay. Trông hắn như đang muốn nói: "Không, không thể nào. Cái quái gì thế này ?"), Scott Sinclair sau đó phát hiện ra chuyện đồ tập được đề trong một cái thùng đen bên cạnh hồ bơi. "Hắn ta nói, "Thật hả mấy má ?", cuối cùng là khuôn mặt "đáng thương" của Pablo Hernandez khi cầu thủ này dẫm thẳng vào vũng nước một sáng nọ.
"Chúng tôi có một phòng gym công cộng. Khi băng qua bãi xe, anh sẽ đến hai cái sân công cộng," một cầu thủ nhớ lại. "Mỗi lần mưa là chỗ đó lại ngập, vì vậy sẽ có những vũng nước rất lớn. Michael Laudrup xếp chúng tôi thành vòng tròn trước khi tập luyện. Ngày hôm đó là ngày đầu tiên Pablo ra mắt đội và những gì tôi còn nhớ đó là cái hình ảnh Pablo nhìn vào cái vũng nước to đùng ở giữa chỗ chúng tôi đang đứng."
"Lúc đó tôi nghĩ, "Cái gã này mới đến từ Valencia", khi đó, bạn sẽ nghĩ. "Mình đang làm cái quái gì ở đây thế này ?" Nhưng khi hắn ta bắt đầu theo dõi cách chúng tôi hoạt động, hắn bắt đầu hòa nhập vào tập thể."
Tuy nhiên, ở thời bóng đá hiện đại, thật khó có thể cho rằng cơ sở vật chất là một phần quan trọng của việc đi hay ở của một cầu thủ. "Nếu cậu chỉ đến một vài CLB ở Premier League, cậu sẽ chẳng mấy ngạc nhiên về cơ sở vật chất vì sân tập của Brighton giờ cũng chẳng khác Tottenham là mấy rồi," một đại diện chia sẻ.
"Không một cầu thủ nào ký kết với một CLB vì sân tập hay SVĐ. Có thể cậu sẽ ngạc nhiên, nhưng nếu cậu ký kết vì đó là một bản hợp đồng "ra trò" hay đó là một CLB tốt hơn CLB hiện tại, hoặc là một CLB giúp cậu được thi đấu nhiều hơn, chuyện đó đương nhiên không còn mấy quan trọng."
Một tay đại diện cười mỉm khi chủ đề này được nêu ra: "Tớ dẫn một thằng nhóc đến Tottenham, thế nhưng nó chỉ quan tâm tới sân tập và khách sạn xung quanh đó. Man City sau đó đề nghị với thằng bé 5,000 Bảng một tuần. Rốt cuộc, thằng bé chọn Man City."
Kết luận:
Ở thời bóng đá hiện đại, việc đi hay ở của một cầu thủ thực sự là một vấn đề gây đau đầu không chỉ cho cầu thủ đó mà còn cho những bên liên quan như người đại diện, đội bóng hoặc thậm chí là...gia đình. Vì vậy, thật khó có thể nói đến cụm từ "lòng trung thành" ở thời đại bóng đá hiện đại, một thời đại mà những giá trị vật chất cùng những chiến thuật đang trở thành vai trò chủ đạo thay vì tinh thần địa phương hay những sợi dây liên kết tinh thần.
Lược dịch từ: "Money, manager, facilities – how footballers really pick a new club" của tác giả Stuart James đăng trên The Athletic.