Diego Simeone: Niềm tin cao nhất của người Atletico Madrid

Tác giả CG - Thứ Ba 05/04/2022 17:52(GMT+7)

Diego Simeone và Atletico Madrid chưa bao giờ là một đối thủ dễ chơi và dễ đoán, đặc biệt ở đấu trường châu Âu, ngay cả khi trong giai đoạn họ có chút sa sút đi chăng nữa.

 
Kể từ khi Diego Simeone trở thành HLV trưởng của Atletico Madrid vào năm 2011 và nhất là khi đội bóng của ông chấm dứt chuỗi thống trị của Real Madrid và Barcelona với chức vô địch LaLiga mùa giải 2013/2014, hình ảnh về một Atletico xù xì gai góc đã ăn sâu vào tiềm thức của người hâm mộ. 
 
Thời điểm đó, họ luôn chơi với một đội hình lùi sâu với cường độ cao và dựa vào những tình huống phản công, chuyển đổi trạng thái nhanh với hai mũi nhọn Diego Costa, David Villa trên hàng công. Atletico Madrid không ngần ngại nhường thế trận cho đối thủ, thường xuyên ít hơn đối phương – đặc biệt với những đội bóng lớn – và nhiều hơn về số pha phạm lỗi, tắc bóng.
 
Bóng đá Tây Ban Nha từ lâu nổi bật về khả năng kiểm soát bóng với đại diện tiêu biểu là Barcelona. Nhưng Atletico Madrid thời điểm đó là hình ảnh trái ngược. Xabi Alonso từng nói “tắc bóng là phương án cuối cùng, đó không phải một phẩm chất đáng để khao khát”. Nhưng đó lại là những phẩm chất đại diện cho một Atletico Madrid gai góc cũng như một Diego Simeone đầy toan tính và không thiếu cái chất của nghệ thuật hắc ám. Và vô hình trung nó trở thành một định kiến về chính nhà cầm quân người Argentina.
 
Trong cuộc họp báo trước trận đấu giữa Manchester City và Atletico Madrid, một phóng viên nói rằng “Pep chơi thứ bóng đá xuất sắc và Simeone chơi thứ bóng đá tệ hại, vì thế…” Đúng lúc đó, Pep Guardiola ngắt lời: “Sau khi theo dõi Atletico, tôi thấy có một sự hiểu lầm về cách mà Simeone xây dựng lối chơi. Nó thiên về tấn công hơn mọi người tưởng tượng. Ông ấy không muốn mạo hiểm triển khai bóng nhưng họ có năng lực tốt khi tiến đến 1/3 sân đối phương.
 
Tôi sẽ không nói một giây nào về cuộc tranh cãi ngu ngốc này. Mọi người đều cố gắng thắng trận đấu. Nếu họ thắng thì cách chơi của họ là đúng. Nếu chúng tôi thắng thì chúng tôi đúng. Thực sự là tôi không có định kiến về chiến thuật của đối thủ và không muốn nói về nó dù chỉ một giây”.
 
Định kiến chính là thứ tồn tại lâu năm ở Simeone và Atletico Madrid. Tất nhiên, phải có lý do mà chiến lược gia người Argentina là nhà cầm quân được trả lương cao nhất thế giới theo tiết lộ của tờ L’Equipe (3,3 triệu euro/tháng, người xếp thứ hai là 1,89 triệu euro/tháng). 11 năm El Cholo ở Atletico Madrid, có những lúc đội bóng này thi đấu cực kỳ thất vọng, nhưng tương lai của ông hiếm khi bị đặt trong trạng thái nguy hiểm dựa trên những thông tin về truyền thông tiết lộ. 
 
Đơn giản vì từ khi ông xuất hiện, đội bóng này bước sang một chương hoàn toàn mới. Gần 10 năm qua, ông đã đem về 7 danh hiệu cho CLB, trong đó có 2 chức vô địch LaLiga và 2 chức vô địch Europa League. Ngoài ra là 2 lần lọt vào chung kết Champions League.
 
Suốt chừng ấy năm, Real Madrid đã có 6 HLV trưởng khác nhau, trong đó Zinedine Zidane và Carlo Ancelotti đều đã từng đi và sau đó quay trở lại. Với Barcelona, họ có 8 HLV trưởng trong cùng giai đoạn. Với Atletico Madrid, Simeone vẫn ở đó. Và với những vị HLV có nhiều năm kinh nghiệm ở bóng đá châu Âu như Pep Guardiola, ông thừa hiểu năng lực và trình độ của Simeone.

Ảnh: Getty Images
 
Không lâu trước khi Diego Simeone trở thành HLV trưởng Atletico Madrid vào năm 2011, ông đã đến Barcelona để xem đội bóng của Pep Guardiola chơi thứ bóng đá xuất sắc của họ. Trong khi hầu hết mọi người sẽ bị cuốn hút bởi thứ bóng đá hào nhoáng đó thì Simeone lại tỏ ra dè dặt hơn. Có những thứ ông cảm thấy không thích ở cách chơi đó, và ông dần đúc rút ra cho mình những nguyên tắc riêng trước chuyến phiêu lưu ở Atletico Madrid.
 
Kể từ đó, El Cholo đã vụt sáng và xây dựng một sự nghiệp nữa ở Atletico Madrid sau những gì ông từng làm ở đây với tư cách cầu thủ. Nếu Guardiola đã xác lập và truyền cảm hứng về chiến thuật cho cả một thời kỳ thì Simeone nổi lên như một đại diện để khắc chế cách chơi đó. Trong sự nghiệp huấn luyện của cả hai, họ đã chạm trán nhau ba lần, trong đó có hai lần ở bán kết Champions League mùa giải 2015/2016 khi Bayern Munich đối đầu Atletico Madrid, mà kết quả chung cuộc Atletico là đội lọt vào chung kết.
 
Đó là những trận đấu mà Simeone đã chỉ đạo các cầu thủ Atletico Madrid khoá chặt không gian của Bayern. Trận lượt đi Atletico Madrid giành chiến thắng với tỷ số 1-0. Điều đó khiến Pep Guardiola càng đau đầu trước trận lượt về để làm thế nào có thể mở khoá hàng phòng ngự Atletico. Trận đấu lượt về Bayern Munich đã chơi thực sự áp đảo. Fernando Torres nói “trong toàn bộ sự nghiệp, đó là trận đấu tôi cảm thấy đối phương vượt trội hẳn so với mình”, Koke thừa nhận đó là “trận đấu tệ nhất tôi từng phải trải qua” trong khi Simeone cũng có cùng quan điểm: “tôi không thể tin vào những gì mình thấy. Chúng tôi không thể tiến quá nửa sân”.
 
Thế nhưng, dù Bayern Munich giành chiến thắng ở lượt về nhưng họ vẫn phải dừng bước vì luật bàn thắng sân khách. Dù Atletico Madrid có một trận đấu bị dồn ép đến nghẹt thở, nhưng họ đã để lại dấu ấn tích cực ở trận lượt đi. Và dù Atletico bị đối phương áp đảo hoàn toàn ở lượt về, Simeone vẫn nói rằng: “Phần sân của chúng tôi là một chiến hào, nhưng tôi không xấu hổ chút nào về việc chơi phòng ngự”.
 
Simeone và Atletico Madrid là như vậy. Mục tiêu của họ là chiến thắng, và suy cho cùng đó là thứ xác lập nên thành công. Chúng ta có thể thích bóng đá tấn công hơn, nhưng cũng không thể phủ nhận giá trị của bóng đá phòng ngự. Như Pep Guardiola nói trong bộ phim tài liệu “Simeone, Living Match by Match”: “Tôi không thể áp dụng cách của Simeone cho những đội bóng của mình, không bao giờ. Tuy nhiên tôi ngương mộ họ ở khả năng phản kháng, chống chọi và biết thời lựa chọn thời điểm như con ong biết lúc nào có thể đốt”.
 
Bởi thế, Diego Simeone và Atletico Madrid chưa bao giờ là một đối thủ dễ chơi và dễ đoán, đặc biệt ở đấu trường châu Âu, ngay cả khi trong giai đoạn họ có chút sa sút đi chăng nữa.
 
(Tổng hợp và bổ sung từ Independent)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.