Vật đổi sao dời, Simeone vẫn là số một ở Atletico Madrid

Tác giả CG - Thứ Năm 19/08/2021 20:56(GMT+7)

Một mùa giải mới bắt đầu với Atletico Madrid, và Diego Simeone vẫn ở đó. Quả thực, ông đã là một tượng đài bất diệt ở đội bóng này.

Năm 2012, trong cuộc phỏng vấn với Giáo sư Anita Elberse của Trường Kinh doanh Havard, HLV Sir Alex Ferguson nói rằng chu kỳ của một đội bóng thành công chỉ kéo dài 4 năm và sau đó sẽ cần có những sự thay đổi. Vì nhận thức điều đó mà chiến lược gia người Scotland đã xây dựng nên một sự nghiệp vĩ đại ở Manchester United kéo dài suốt 27 năm với nhiều lứa cầu thủ. Ở một đội bóng lớn như Quỷ đỏ, đó là điều không đơn giản và chia sẻ của Sir Alex tất nhiên đáng để suy ngẫm.
 
Trong bóng đá hiện đại, sự kiên nhẫn gần như không còn. Khi môn thể thao vua ngày càng trở thành một ngành công nghiệp bạc tỷ, vòng xoáy càng trở nên khắc nghiệt. Ở các đội bóng lớn, các ông chủ thường không có nhiều thời gian chờ đợi các HLV. Nhiệm vụ của họ là phải ngay lập tức mang lại thành công, hoặc ít nhất là cho thấy dấu hiệu sẽ gặt hái thành công trong tương lai gần. 
 
Với những đội bóng đã gặt hái thành công, vấn đề của HLV lại là duy trì động lực của tập thể hoặc của chính họ. Năm 2012, nói về quyết định chia tay Barcelona, Pep Guardiola bày tỏ: “Tôi phải rời đi, hoặc chúng tôi sẽ bị tổn thương”.

Diego Simeone vẫn ở Atletico Madrid suốt gần 10 năm qua, dẫu nhiều thứ vật đổi sao dời. Ảnh: Getty Images
 
Vì thế, giờ đây rất khó tìm được những người như Sir Alex hay Arsene Wenger ở Man United và Arsenal. Do đó, Diego Simeone thực sự là “của hiếm” trong làng bóng đá hiện tại. Tháng 12 năm nay sẽ đánh dấu tròn 10 năm ông dẫn dắt Atletico Madrid. Và nếu ở lại đội bóng chủ sân Wanda Metropolitano đến hết thời hạn bản hợp đồng mới (2024) mà ông vừa ký cách đây chưa lâu, chiến lược gia người Argentina sẽ có gần 13 năm làm việc ở đây trên cương vị HLV trưởng. Một khoảng thời gian dài không tưởng trong bóng đá.
 
Tất nhiên, có lý do để giải thích vì sao El Cholo lại gắn bó với Atletico Madrid lâu đến vậy, một trong số đó chính là lương bổng. Đầu năm nay, tờ L’Equipe tiết lộ những HLV được trả lương cao nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, trong đó người đứng đầu là Diego Simeone khi nhận 43,2 triệu euro mỗi năm (trước thuế), cao gần gấp đôi người đứng thứ hai là Guardiola ở Manchester City (22,6 triệu euro).
 
Nhưng hãy đặt câu hỏi ngược lại, vì sao ban lãnh đạo Atletico Madrid lại tin tưởng Simeone đến thế? Đơn giản vì từ khi ông xuất hiện, đội bóng này bước sang một chương hoàn toàn mới. Gần 10 năm qua, ông đã đem về 7 danh hiệu cho CLB, trong đó có 2 chức vô địch LaLiga và 2 chức vô địch Europa League. Ngoài ra là 2 lần lọt vào chung kết Champions League.
 
Suốt chừng ấy năm, Real Madrid đã có 6 HLV trưởng khác nhau, trong đó Zinedine Zidane và Carlo Ancelotti đều đã từng đi và sau đó quay trở lại. Với Barcelona, họ có 7 HLV trưởng trong cùng giai đoạn. Ở Atletico Madrid, Simeone vẫn ở đó.
 
Cũng trong suốt khoảng thời gian ấy, đội bóng đã chứng kiến nhiều cuộc chia tay với các cầu thủ trụ cột, từ Radamel Falcao, Diego Costa, Filipe Luis, Antoine Griezmann,… nhưng các học trò đến rồi đi thì Simeone vẫn là người còn sót lại. Hậu vệ Filipe Luis nói: “Ở các CLB khác, đội bóng thua 5 hay 6 trận và họ thay HLV trưởng, cầu thủ được bảo vệ. Ở Atletico thì HLV trưởng được bảo vệ, các cầu thủ phải thích nghi hoặc ra đi”.
 
Gắn bó từ thời còn là cầu thủ rồi gặt hái thành công trên cương vị HLV trưởng, quả thực Simeone đã là một tượng đài ở Atletico. Nhà báo người Argentina Martin Mazur từng nhận xét rằng: “Dưới thời Simeone, CLB Tây Ban Nha ấy [Atletico Madrid] không chỉ đơn thuần là một đội bóng mà họ còn là một đức tin. Ông có thể tha thứ cho các cầu thủ vì cố gắng chưa đủ lớn nhưng ông sẽ không bao giờ tha thứ cho họ vì mất đi niềm tin. Và họ tin vào những điều khác biệt”.

Hành trình gần 10 năm của Simeone trên băng ghế HLV trưởng Atletico Madrid
 
Khác với giới hoàng gia, tinh hoa thuộc về Real Madrid, Atletico Madrid là đội bóng đại diện cho giai cấp công nhân. Tinh thần bất khuất và đấu tranh vẫn luôn thấm nhuần trong lòng các cổ động viên của họ. Ngay cả biệt danh của CLB cũng gợi lên điều đó: Los Colchoneros – Những người làm đệm. 
 
Ở trên sân, tập thể ấy có thể là tập hợp của đa số những cầu thủ dạng khá. Nhưng họ biết kết dính lại với nhau để cùng nhìn về một hướng, chơi bóng bằng thứ tinh thần không từ bỏ của Simeone, mà chúng ta vẫn hay gọi là Cholismo. Và những cầu thủ hạng khá ấy lại chính là những siêu sao trong lòng Simeone bởi họ có thể thích nghi, biết đội bóng cần gì ở mình.
 
Simeone ví bóng đá giống như quyền anh hoặc một cuộc đi săn. Với quyền anh, trong mỗi võ sĩ luôn tồn tại đâu đó một khoảnh khắc, dù là rất nhỏ, của sự sợ hãi. Nhưng nếu bạn để chúng toát ra ở đôi mắt hay cơ thể run rẩy của mình, đối thủ sẽ nắm được và áp chế. Vì thế, mấu chốt là không được cho đối phương thấy chúng ta đang sợ hãi.
 
Với một cuộc đi săn, điểm mấu chốt là bạn phải biết nắm bắt lấy từng tích tắc nhỏ nhất bởi chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn ấy, con mồi có thể biến mất và bạn ra về tay trắng. Altetico Madrid dưới thời Simeone đã chơi bóng bằng chính tinh thần như thế và gặt hái thành công. Và chừng nào còn El Cholo ở đó, toàn đội sẽ vẫn giữ tinh thần như vậy. 
 
Ở trong một giải đấu mà những gã khổng lồ như Real Madrid hay Barcelona đều có những cầu thủ ngôi sao, thì tại Atletico Madrid ngôi sao lớn nhất của họ là người luôn mặc những chiếc áo sơ mi đen, đứng ở đường biên, hô hào chỉ đạo cầu thủ và ăn mừng cuồng nhiệt mỗi khi đội bóng ghi bàn. Ngôi sao ấy là người kết nối toàn đội, truyền tải thông điệp của sự đoàn kết tới tất cả. Ông Miguel Angel Gil, ông chủ của Atletico nói: “Trên phương diện marketing, anh ấy là người truyền tải thông điệp tốt nhất của chúng tôi”.
 
Trong chuyến du đấu mùa hè vừa qua, Atletico Madrid có chuyến đi tới nước Đức và làm khách của Wolfsburg. Dù chỉ là một chuyến du đấu trước mùa giải, nhưng yêu cầu của Simeone vẫn rất khắt khe. Ông yêu cầu khách sạn phải chuẩn bị một cái bàn ăn hình vuông đủ lớn cho 24 cầu thủ tham gia chuyến du đấu, mỗi phía xếp vừa 6 chiếc ghế để tất cả có thể ngồi thoải mái và người nào cũng có thể nhìn thấy đồng đội của mình. Nếu khách sạn không thể đáp ứng, Simeone sẽ yêu cầu tìm khách sạn khác.
 
“Ngồi ở bàn vuông, nếu bạn không thích nói chuyện với tôi, tôi sẽ ngẩng đầu lên và nhìn bạn. Nghĩa vụ của họ là nhìn nhau, ngồi với nhau và ở bên nhau”, chiến lược gia người Argentina lý giải về điều này.

Vẫn là nguyên "cây đen" và sự máu lửa ở đường biên. Ảnh: Getty Images
 
Tất nhiên, câu chuyện thắng thua trong bóng đá không chỉ được quyết định bằng việc tất cả ngồi cùng nhau khi dùng bữa. Song, chiến thắng nào cũng được xây dựng trên một tập thể đoàn kết, và tình đoàn kết thì được vun đắp dần dần từ những điều nhỏ nhất như vậy. Luis Suarez chia sẻ: “Điều quan trọng nhất ở Atletico là không ai nghĩ mình giỏi hơn người khác. Mọi cầu thủ ở đây đều tin tưởng lẫn nhau và tin El Cholo”.
 
Suarez tất nhiên là ngôi sao ở Atletico, với sự xuất hiện của anh ở mùa hè năm ngoái, lối chơi của đội bóng cũng xoay quanh tiền đạo người Uruguay. Nhưng Suarez cũng là một phần của tập thể, anh cũng phải chạy, phải hoạt động vì lối chơi chung mà Simeone đã đề ra. Và sự xuất hiện của anh đã góp phần giúp Atletico Madrid trở thành nhà vô địch Tây Ban Nha mùa trước. 
 
Giờ đây, một mùa giải mới đã bắt đầu với nhiều niềm hy vọng. Nhưng chừng nào Simeone còn ở đó, Atletico Madrid còn hy vọng, dẫu họ có phải chia tay một cầu thủ ngôi sao nào đi chăng nữa.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.