Diego Simeone: Đứa con của bóng đá đẹp là tên vô lại?

Tác giả Hoài Thuận - Thứ Năm 08/12/2016 20:49(GMT+7)

Zalo
Đó là một tiền vệ hung hãn, luôn muốn chiến thắng bằng mọi giá, thi đấu với tinh thần không sợ hãi khó giải thích, thậm chí khó chấp nhận với người ngoại đạo.
Diego Simeone: Dua con cua bong da dep la ten vo lai?8
Diego Simeone: Đứa con của bóng đá đẹp là tên vô lại?
Đó là cầu thủ trung thành, dũng cảm và là anh hùng trong mắt CĐV; quá hăng hái, tàn nhẫn và chơi bẩn trong mắt phần còn lại. Khi trọng tài không để ý, hãy coi chừng anh ta chọc vào mắt, đá vào hạ bộ của bạn. Anh ta sẽ làm mọi thứ với mục đích rõ ràng là đạt được lợi thế cho đội nhà, bất chấp mọi hậu quả. Đó là Diego Simeone. Là El Cholo. 
 
Sinh ra tại Buenos Aires vào năm 1970, cậu thiếu niên Simeone đã được trao cơ hội theo đuổi giấc mơ cầu thủ chuyên nghiệp khi gia nhập học viện của Vélez Sarsfield, tọa lạc tại quận Liniers của thành phố.
 
ĐỨA CON CỦA BÓNG ĐÁ ĐẸP
 
Đó là nơi mà chàng trai trẻ Simeone, đã rèn luyện dưới sự giám sát của Victorio Spinetto, HLV đội trẻ Velez thời điểm đó. Spinetto là một trung vệ nghiêm chỉnh (no-nonsense), từng khoác áo Argentina giữa thập niên 1930s, cũng từng là HLV trưởng của La Albiceleste vào cuối thập nhiên 1950s và đầu 1960s. Ông cũng đã huấn luyện Velez trong 14 năm, từ 1942 đến 1956. Đến những năm 1980s, Spinetto quyết định về hậu trường, đóng vai trò “nhiếp chính” cho học viện của CLB ông yêu quý. 
 
Và như đã được trình bày trong quyển biên sử chiến thuật bóng đá Tháp Ngược của Jonathan Wilson, có hai phong cách rất riêng biệt nổi bật trong lịch sử bóng đá hào hùng của Argentina. Đầu tiên, là La Nuestra, một lối chơi phóng khoáng, dựa trên những đường chuyền ngắn và những pha rê dắt, xuất hiện từ những năm 1920 và phát triển nở rộ đến những năm 1950. La Nuestra, theo quan điểm của các “tín đồ”, là một nghệ thuật, chú trọng nhiều vào tính thẩm mỹ hơn là kết quả. 
 
Nhưng sao đó, trận thua sốc 1-6 trước Tiệp Khắc ở World Cup 1958 khiến bầu trời sụp đổ và bánh xe lịch sử tiếp tục lăn tại Argentina. La Nuestra bị kết tội làm nhục ĐTQG, bởi sự mềm mại và bảo thủ của nó trước những phát triển chiến thuật của thế giới. 
 
Đổi cách tiếp cận là điều cần thiết. Và, đội quân tiên phong của một phong cách mà về sau này nổi tiếng với các tên anti-fútbol xuất hiện, đứng đầu bởi Spinetto. “Sẽ là không công bằng nếu bảo Spinetto không phải người lãng mạn” – Wilson viết. “Tuy nhiên, chủ nghĩa lãng mạn của ông rất khác so với người cùng thời. Đam mê của ông ấy không phải những màn trình diễn, hay chứng minh đội mình có nhiều nghệ sĩ hơn phần còn lại. Tất cả những gì ông quan tâm là Velez, và chiến thắng”. 
Diego Simeone: Dua con cua bong da dep la mot ten vo lai6
Diego Simeone trong màu áo tuyển QG
Dưới bàn tay của Spinetto, Simeone trẻ đã thấm nhuần những đặc tính của một người cuồng si chiến thắng: Thất bại không bao giờ được chấp nhận. Và, bất cứ màn ăn mừng nào không phải vì chiến thắng, đều bị cấm đoán. Sẽ không có cái vỗ nhẹ vào lưng cho một pha dứt điểm “suýt vào rồi”. Cũng chẳng có những tràng pháo tay cho một pha lừa bóng cực đẹp. 
 
Gần đây, khi được hỏi về những điều kỳ vọng ở các cầu thủ mình huấn luyện, Simeone khẳng định: “Sự nỗ lực là buộc phải có, như một điều khoản không thể thương lượng”. Tư tưởng lợi ích của đội bóng được đặt trước lợi ích cá nhân, chắc chắn là điều ông học được ở Velez, và là câu thần chú được rao giảng không ngừng bởi Spinetto. 
 
Cũng trong những ngày ở Velez, Simeone đã được đặt biệt danh El Cholo (cách nói của dân đường phố, được hiểu là có tính chất côn đồ, cũng có thể hiểu là một “gangster” – dân anh chị). Ông được đặt biệt danh đó vì sự tương đồng về phong cách thi đấu với cựu trung vệ Boca Juniors Carmelo Simeone (không họ hàng gì),  người vốn nổi tiếng về sự kiên cường, gan lỳ. 
 
Diego Simeone lớn lên trong một giai đoạn bóng đá Argentina sở hữu thế hệ Vàng. Họ vô địch World Cup 1978 trên sân nhà cùng Mario Kempes, và một lần nữa lên ngôi năm 1986 với niềm cảm hứng Diego Maradona. Chứng kiến Maradona – đứa bé vùng ngoại ô nghèo của thành phố chính thức trở thành cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh ở Mexico 86 – là một động lực lớn cho Simeone 16 tuổi. Sự nghiệp trong mơ của cậu chưa bao giờ gần hiện thực đến thế: Chỉ hơn một năm sau khi chứng kiến La Albiceleste lên ngôi thế giới, Simeone đá trận ra mắt đội một Velez Sarsfield – thất bại 1-2 trước Gimnasia. 
 
Nhanh chóng trở thành cầu thủ chủ chốt ở El Fortin, Simeone ra sân 28 trận tại Primera División mùa giải đó, ghi được 4 bàn. Danh tiếng của cầu thủ tuổi teen này được gây dựng trên sự đua tranh và hung hãn, nhưng phẩm chất kỹ thuật cũng là nền tảng của anh.
 
Là một tiền vệ đa năng (box-to-box), Simeone có thể làm mọi thứ: tắc bóng, chuyền mọi cự ly, chặn đường tiến công đối phương, và phát động tấn công cho đội nhà. Thật dễ để miêu tả Simeone như một người đạp lên từng ngọn cỏ trên sân, nhưng dẫu vậy, vẫn còn nhiều điều hơn để nói về anh giai đoạn này.
 
Ba mùa giải liên tiếp chơi hay trong màu áo Velez đưa Simeone lên tuyển QG. Anh ra mắt Argentina vào năm 1988, trước khi khởi hành sang châu Âu năm 1990. AC Pisa chẳng có cửa gì để được xem là đội bóng hấp dẫn nhất Italy, nhưng họ đã cho Simeone cơ hội tham dự những trận đấu tinh hoa, trong một giải đấu đã và sẽ duy trì vị thế số một thế giới trong thời điểm đó – Serie A. 
 
Tuy vậy, kế hoạch ở Pisa không được như dự kiến, khi Torri (Chiếc tháp) sụp đổ, xuống hạng Serie B trong mùa giải đầu tiên của Simeone, và cũng không thể thăng hạng trở lại trong mùa sau  đó. Simeone trẻ tuổi buộc phải tạm gác giấc mơ Serie A dang dở, đầu quân cho Sevilla vào mùa Hè 1992, để đánh dấu một bước ngoặt khác. 
 
Ở Sevilla, Simeone được thi đấu dưới quyền một HLV Argentina chịu ảnh hưởng bởi anti-futbol khác, là Calors Bilardo. 
 
Bilardo từng là cầu thủ nổi bật trong đội hình Estudiantes huyền thoại những năm 1960 của HLV Osvaldo Zubeldia, một… môn đồ của Spinetto. Phong cách huấn luyện của Bilardo được định hình bởi Zubeldia – người trước đó học từ Spinetto. Tức từ một “lò” mà ra cả. 
 
Điều đáng nói, Bilardo là một HLV thành công tột bậc. Chính ông dẫn Argentina đến ngai vàng thế giới 1986, và suýt giúp họ bảo vệ nó vào năm 1990, khi thua Tây Đức ở trận Chung kết. 
 
Hai năm nghỉ ngơi sau ngày bại trận, Bilardo tái xuất vào năm 1992 và tái ngộ Simeone, cầu thủ trẻ ông từng cho cơ hội ra mắt ĐT hồi 4 năm trước. Hai cố nhân gặp lại ở Ramon Sanchez Pizjuan, trước khi trùng phùng một nhân vật quan trọng khác, là… Diego Maradona. 
 
Bilardo và Maradona chỉ đoàn tụ được một mùa ở xứ Andalusia, nhưng Simeone thì ở lại thêm một năm trước khi chuyển đến Atletico Madrid. 
 
Đây lại là một bước ngoặt nữa, khi mà chưa bao giờ, trước hay sau thời điểm đó, có một cầu thủ gắn bó với Atléti nhiều như Simeone. Los Colchoneros đã sống gần như vĩnh viễn trong cái bóng của đại địch cùng thành phố Real Madrid. Luôn luôn bị hắt sáng bởi những chiếc áo trắng của đội hàng xóm, Atletico đã mãi mãi chiến đấu chống lại sức mạnh tài chính và có thể cả chính trị của Los Blancos. Họ cần một cầu thủ thích hợp với những cuộc đấu tranh, những trận chiến liên tục chống lại “những kẻ bắt nạt” ở sân chơi, và đó là Diego Simeone, người đàn ông “ngậm dao trong miệng”. 
 
Đỉnh cao của Atletico Madrid ngày ấy, được ghi nhận ở mùa giải 1995-96, khi Đội bóng trong mơ Barcelona của huyền thoại Johan đã sa sút, Atléti đánh chiếm cả ngai vàng La Liga và Cúp Nhà Vua, dưới thời HLV người Serbia Raddy Antic.
 
Simeone chính là trái tim của Atléti của Antic, không ngừng đập ở cường độ tối đa. Lãnh đạo các đồng đội trên sân ở tuổi 24, Simeone trở thành người hùng được tôn sùng, nhờ vào khả năng di chuyển không mệt mỏi. Người Madrid ngày ấy thường thấy anh ở gần vòng cấm đối phương để hỗ trợ tấn công, rồi quay đầu ngược lại, chạy hết tốc lực để ngăn đối phương phản công, và giành lại bóng cho đội nhà sớm nhất có thể. Simeone dẫn lối. Tất cả mọi người ở Vicente Calderon dõi theo. Họ tin đội bóng sẽ an toàn trong tay anh chàng này, người quan tâm Atletico từng chút một, như họ vậy. 
Diego Simeone: Dua con cua bong da dep la mot ten vo lai4
Diego Simeone ở Inter Milan
Simeone đã rời Atletico để trở lại Serie A khoác áo Inter Milan vào năm 1997, nhưng anh sẽ quay lại, với tư cách cầu thủ vào năm 2003, và đảm nhiệm vai trò HLV 8 năm sau đó. Các Colchonero hãy yên tâm. 
 
Vậy là 7 năm từ khi quy ẩn hay đi du học, Simeone đã trở lại chinh phục kinh đô bóng đá thế giới vào thời điểm đó. Trong 6 năm tiếp theo ở Italy, anh rồi sẽ chứng minh được phẩm chất của mình, để đóng góp lớn vào thành công của Inter và Lazio. 
 
Trong mùa giải đầu tiên cho Nerazzurri, Simeone thi đấu dưới quyền “người lang bạc” Luigi Simoni (huấn luyện đến 18 đội bóng trong sự nghiệp). Không khác mấy so với Spinetto và Bilardo, Simoni cũng đặt kết quả lên trên hết. 
 
Là một người ủng hộ phong cách phòng ngự Catenacio trứ danh của Calcio, Simoni đã bố trí một hệ thống phòng ngự siêu thận trọng, với hậu vệ quét Salvatore Fresi là Vệ vương sau cùng. 
 
Ý tưởng lấp đầy đội bóng bằng các cầu thủ nhiệt huyết và kỷ luật, có nhiệm vụ ngăn chặn đối phương và cung cấp bóng cho bộ ba ouri Djorkaeff, Iván Zamorano và Ronaldo cũng đã thành công rực rỡ, được ghi dấu bằng chiếc Cúp UEFA năm 1998.
 
Riêng Simeone, anh trở lại Italy và cho thấy sự tiến hóa trong lối chơi của mình: Chân chạy khắp chốn, động lực cho cú đúp lịch sử của Atletico đã biến thành một cầu thủ đoạt bóng lùi sâu (deep-lying ball-winner), tiết chế nhưng ổn định hơn. Simeone phiên bản 2.0 là một cầu thủ kỷ luật và kiểm soát hơn. 
 
Cách tiếp cận mới đó là yếu tố chính giúp Simeone được Lazio nỗ lực đưa về vào năm 2000. Ngày ấy, HLV Sven-Goran Eriksson xây dựng đội hình với hàng công rất tinh tế, với Pavel Nedved, Juan Sebastian Veron và Hernan Crespo bên cạnh những cầu thủ hỗ trợ người Thụy Điển.
Diego Simeone: Dua con cua bong da dep la ten vo lai?9
Diego Simeone ăn mừng bàn thắng vào lưới của Juve
Tuy nhiên, chính sự bổ sung mang tên Simeone mới là nhân tố quyết định gúp nửa xanh thành Rome lên ngôi Scudetto lần thứ hai trong lịch sử (cú đánh đầu thành bàn của El Cholo vào ngày 01 tháng Tư năm 2000 ấy, đã giúp Lazio thắng tối thiểu 1-0 ngay tại Stadio delle Alpi, giúp họ rút ngắn khoảng cách với đối thủ đầu bảng xuống còn 3 điểm, để rồi sau cùng, lên thẳng ngôi vô địch). 
 
Sau khi rời Lazio vào năm 2003, ở đoạn cuối sự nghiệp cầu thủ, Simeone gắn bó 2 mùa với Atletico, trước khi treo giày trong màu cáo Racing Club ở quê nhà, và ngay lập tức ngồi vào ghế HLV trưởng đội bóng ấy. 
 
Trong 14 năm sự nghiệp quốc tế, Simeone khoác áo Argentina 103 lần, nhiều thứ năm trong ngôi đền của Celeste. Anh có hai danh hiệu Copa America cùng một FIFA Confederations Cup cùng đội xanh-trắng. Tuy vậy, khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Simeone trong màu áo ĐTQG chắc chắn pha tiểu xảo khiến David Beckham nhận thẻ đỏ ở World Cup 1998.
 
KHOẢNH KHẮC CỦA "TÊN VÔ LẠI"
Diego Simeone: Dua con cua bong da dep la mot ten vo lai5
Diego Simeone và khoảnh khắc bị ghét bởi nước Anh
 
Thúc chỏ vào lưng Beckham ở đầu hiệp hai trận gặp tuyển Anh của Argentina ở vòng 1/8 tại Saint-Etienne, Simeone đã giơ cao tay định xin lỗi cầu thủ tóc vàng, hi vọng thoát một chiếc thẻ. Nhưng sau đó, khi Simeone bắt đầu lùi ra, ngôi sao tuyển Anh giơ giầy trúng vào bắp chân anh. Dường như chỉ chờ có thế, El Cholo ngã vật ra lăn lộn trên sân, khi toàn đội áo Argentina túa lại gây áp lực cho trọng tài Kim Milton Nielsen người Đan Mạch. 
 
Sau cùng, Simeone vẫn không thành công với nỗ lực tránh chiếc thẻ vàng trong vụ va chạm, nhưng màn đóng kịch của anh lại khiến Beckham bị đuổi khỏi sân. 
 
“Tôi đã chuồi cậu ấy và cả hai đều ngã ra sân” – Simeone chia sẻ với The Observer vào năm 2002. “Khi tôi đang cố đứng lên thì bị cậu ấy đá hậu, và tôi đã lợi dụng điều đó. Tôi nghĩ bất kỳ ai trong trường hợp đó điều sẽ hành động như tôi để giành lợi thế.”
 
Quỷ quyệt và trái đạo lý, nhưng hành động đó đã giúp đội bóng chiến thắng (Argentina thắng trên chấm luân lưu, sau tỷ số hòa 2-2 chung cuộc). Chắc chắn, nếu được lựa chọn, Simeone sẽ thích ghi bàn bằng một cú sút sấm sét từ khoảng cách 30 mét để giải quyết trận đấu hơn, nhưng cơ hội đã đến và anh chộp lấy nó. Chiến thắng là tối quan trọng, như thầy anh đã dạy. 
 
36 giây, từ cú thúc chỏ cố ý đến lúc thẻ đỏ giơ ngang mặt Beckham, như cả một sự nghiệp thu nhỏ của Diego Simeone. Người hùng là anh. Tên vô lại cũng là anh.

Dịch từ bài viết The On-field Menace of Diego Simeone của tác giả Ryan Baldi, trong ấn phẩm The Argentina Magazine của These Football Times

Hoài Thuận (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow