Milito là “hoàng tử”, nhưng là “hoàng tử ẩn mình” khi mà tài năng rực rỡ của anh đôi khi chưa được chú ý đúng mức. Anh có thể không phải cái tên đầu tiên mà người ta nhớ tới trong danh sách những tiền đạo xuất sắc nhất thập niên 2000 và 2010. Tuy nhiên dư vị mà anh để lại với những người xem bóng đá thì chẳng thể nào phai mờ.
“Tôi không nghĩ mình sẽ là 1 trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử CLB này chỉ vì tôi đã ghi bàn giúp đội bóng vô địch Champions League. Tất cả chúng tôi đều xứng đáng có vị trí trong cuốn biên niên sử. Đây là đêm hạnh phúc với toàn bộ gia đình Inter”, Diego Milito chia sẻ sau trận chung kết Champions League 2010 trên sân Santiago Bernabeu.
Trong những cuộc tranh luận về bóng đá vẫn luôn tồn tại 1 chủ đề: thế nào là tiền đạo xuất sắc? Đa phần chúng ta đều nói tiền đạo xuất sắc tất nhiên là người ghi rất nhiều bàn thắng. Tuy nhiên, có những ý kiến lại cho rằng như thế là chưa đủ. Đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là họ cần phải biết lên tiếng trong những trận cầu lớn. Nếu không có điều đó, chỉ có thể gọi họ là tiền đạo giỏi mà thôi.
Tất nhiên, quan điểm thì luôn muôn hình vạn trạng và mỗi người thì đều có cái lý của mình. Nhưng nếu có 1 người hội tụ đủ cả 2 yếu tố đó, tất nhiên ta chẳng thể có lý do gì để phủ nhận họ về chuyên môn cả. Và Diego Milito là 1 người như thế.
Nhưng trước khi tới với sự nghiệp, xin được kể một câu chuyện khác về anh, liên quan đến 1 chuỗi tràng hạt. Câu chuyện này được chủ tài khoản có tên Pablo Delpiero kể lại trên Twitter. Đó là vào năm 2001, Delpiero thường xuyên đồng hành cùng với Racing Club, đội bóng mà anh hâm mộ, ở mọi trận đấu. Cuối mùa giải Clausura 2001 (giai đoạn 2 của mùa giải bóng đá Argentina), đội bóng của anh chỉ còn 3 vòng đấu cuối cùng để thoát khỏi cảnh xuống hạng.
Trước trận đấu đầu tiên trong 3 trận cuối cùng đó, Delpiero cùng vài người nữa đã tới 1 nhà thờ ở San Nicolas để cầu nguyện Đức Mẹ Maria cho đội bóng mình giành những kết quả tích cực. Sau đó, Delpiero quyết định mua 1 chuỗi tràng hạt ở đây để đem tặng cầu thủ của Racing.
Ngày hôm sau, sau buổi tập ngay trước thềm trận đấu, Delpiero chờ ở cửa phòng thay đồ thì 2 cầu thủ trẻ Racing đến. Delpiero tặng nó cho Diego Milito khi đó 21 tuổi. Tiền đạo người Argentina nhận món quà. Ngày hôm ấy, Milito vào sân từ ghế dự bị và ghi 1 bàn gỡ hòa quý giá cho Racing. Niềm vui vỡ òa với toàn bộ đội bóng và người hâm mộ. Và mùa giải sau, mùa giải Apertura 2001, Racing giành danh hiệu vô địch quốc gia đầu tiên kể từ năm 1966.
Bẵng đi 1 thời gian dài, Milito tới châu Âu thi đấu, gặt hái những thành công trước khi trở lại Racing vào năm 2014. Delpiero lúc này đã làm việc ở trong đội bóng và có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với cầu thủ. Và anh luôn thắc mắc liệu Milito có nhớ món quà năm xưa của mình hay không.
1 ngày, anh quyết định tới gặp cựu tiền đạo Inter Milan và hỏi: “Diego này, tôi có thể hỏi anh 1 câu không?”. Và Milito đáp: “Anh hỏi tôi về chuỗi tràng hạt phải không?”. Câu trả lời khiến Delpiero bất ngờ. Milito luôn mang theo món quà đó bên mình. Có thể là nó đem lại may mắn cho anh thật, có thể đơn giản chỉ là anh trân trọng người tặng quà, hoặc có thể là cả 2.
|
Diego Milito và chiếc tràng hạt |
Tuy nhiên, câu chuyện được kể trên Twitter vào 6 năm trước càng làm tăng thêm hình ảnh đẹp của Milito trong lòng các cổ động viên Racing. Và không chỉ riêng Racing, hình ảnh của anh vẫn luôn đẹp tươi với cổ động viên các đội bóng anh từng kinh qua. Milito có một ngoại hình giống với huyền thoại Enzo Francescoli đến bất ngờ, bởi vì thế anh có biệt danh El Principe (tức là Hoàng tử) như vị tiền bối. Nhưng suốt một thời gian dài, Milito là 1 hoàng tử ẩn dật trong bóng tối.
Dù vậy, những năm tháng ẩn dật ấy có lẽ là để chuẩn bị cho 1 cú chuyển mình, 1 bước ngoặt ở tuổi 30 - độ tuổi mà nhiều cầu thủ tài năng đã no nê những danh hiệu. Rời Racing, Milito tới Genoa vào năm 2003, ghi 33 bàn sau 59 trận ở Serie B. Tuy nhiên, đội bóng vị giáng xuống hạng vì vướng vào bê bối dàn xếp tỷ số, anh được bán cho Real Zaragoza với giá 5 triệu euro. 3 mùa giải ở Tây Ban Nha, anh ghi 53 bàn sau 108 lần ra sân ở LaLiga. Đội bóng lại xuống hạng, Milito trở về Genoa với giá 13 triệu euro vào năm 2008. 1 mùa giải ở đội bóng vùng Liguria, El Principe có 24 pha lập công trong 31 lần ra sân ở Serie A.
Suốt quãng thời gian này, Milito từng 2 lần về nhì trong cuộc đua vua phá lưới (mùa giải 2006/2007 với 23 bàn ở LaLiga, kém Ruud Van Nistelrooy 2 bàn và mùa giải 2008/2009, xếp sau Zlatan Ibrahimovic). Tài năng của Milito là không cần phải bàn cãi. Nhưng anh cần 1 đội bóng lớn để tài năng ấy thực sự được cả thế giới biết tới. Và Inter Milan xuất hiện.
Ở 1 CLB luôn có duyên với những cầu thủ Argentina như Inter, sự xuất hiện của Milito chẳng phải điều gì đó quá bất ngờ. Tuy nhiên, đến lúc ấy, ở tuổi 30, anh mới thực sự được nếm trải cảm giác của 1 đội bóng lớn tại lục địa già. Có Milito, Samuel Eto’o gia nhập sau đó vài tháng buộc phải quen với vị trí tiền đạo cánh mà sau này anh từng thổ lổ rằng sẽ chỉ đá cánh vì Jose Mourinho mà thôi. Điều đó cho thấy, Milito được nhà cầm quân người Bồ Đào Nha tin tưởng ra sao trong nhiệm vụ làm mũi nhọn hàng công Nerazzurri.
Ngay vòng đấu thứ 2, anh đã đóng góp vào chiến thắng 4-0 trước AC Milan bằng 1 bàn thắng cùng 2 kiến tạo. Màn trình diễn ấy như mở toang cánh cửa giúp Milito bước vào trái tim các Interista. Và sau đó là rất nhiều bàn thắng quan trọng khác. Anh ghi bàn duy nhất vào lưới Siena ở vòng cuối cùng để Inter giành scudetto. Ở Coppa Italia, pha lập công duy nhất của Milito giúp Inter đánh bại AS Roma trong trận chung kết. Ở đấu trường Champions League, 1 bàn thắng và 1 kiến tạo trước Dinamo Kiev ở lượt thứ 4 đã giúp Inter thoát khỏi cảnh bị loại ngay từ vòng bảng. Sau đó, anh ghi bàn ở mọi vòng đấu loại trực tiếp tiếp theo, trước các đối thủ Chelsea, CSKA Moscow và Barcelona.
Trận bán kết lượt đi với Barcelona trên sân Giuseppe Meazza, cú đánh đầu quyết định của anh đã giúp Inter lội ngược dòng với tỷ số 3-1. Trước đó, anh kiến tạo cả 2 bàn cho Wesley Sneijder và Maicon sau khi Pedro mở tỷ số cho Barca ở phút 19. Và tất nhiên chẳng ai quên trận chung kết ở Santiago Bernabeu, nơi cú đúp của Milito đã nhấn chìm Bayern Munich. Trong bàn thắng thứ 2, bản thân anh đã nhấn chìm Daniel Van Buyten với 1 pha xử lý mềm mại và uyển chuyển.
Ở tuổi 30, Milito đạt đến tột đỉnh vinh quan trọng sự nghiệp. Tiền đạo Argentina có 30 bàn sau 52 trận đấu trên mọi đấu trường. Nhưng trớ trêu thay, giống như những người đồng đội của anh ở Inter năm đó, sự thừa nhận không phải lúc nào cũng tương xứng. Dù ghi rất nhiều bàn thắng và đa số trong đó là những bàn quan trọng, dù đóng góp quá nhiều vào lối chơi của Inter nhưng Milito thậm chí còn chẳng nằm trong danh sách 23 cầu thủ đề cử Quả bóng vàng FIFA.
Trang tin Goal khi ấy đăng tải 1 bài viết với nhan đề: “Nếu Diego Milito không nằm trong 23 cầu thủ xuất sắc nhất năm 2010 tức là bóng đá đã chết rồi”. Trong khi đó, huyền thoại Sandro Mazzola thì nói: “Mọi thứ hoàn toàn sai rồi. Vấn đề không phải liệu Milito có giành Quả bóng vàng hay không mà chắc chắn cậu ấy phải có tên trong danh sách. Tôi đã giật mình khi không thấy tên cậu ấy trong đó. Giải thưởng này dựa trên những màn trình diễn từ năm ngoái và cậu ấy đã ghi rất nhiều bàn thắng, giành được cú ăn 3 cơ mà”.
Nhưng trong mắt các cổ động viên Inter, Milito và đội hình năm 2010 ấy mãi là những người hùng bất diệt. “Tôi không nghĩ mình sẽ là 1 trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử CLB này chỉ vì tôi đã ghi bàn giúp đội bóng vô địch Champions League”, về mặt thống kê, Milito đã nói đúng. Anh thậm chí không nằm trong top 10 chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Nerazzurri. Nhưng như đã nói, đôi khi sự vĩ đại và xuất sắc còn nằm ở ý nghĩa của những pha lập công. Ví dụ như cú đánh đầu vào lưới Barcelona, cú đúp vào lưới Bayern Munich, những bàn thắng ấy là bất diệt và không gì có thể xóa nhòa ý nghĩa của nó. Bởi lẽ đó, vị thế của El Principe là không cần phải bàn cãi trong dòng chảy lịch sử Inter Milan.
|
Từ trái qua phải, Maicon, Diego Milito, Julio Cesar, Wesley Sneijder, 4 trụ cột giúp Inter hoàn tất cú ăn ba ở mùa giải 2009/10. |
Rời Inter, Milito đã trở lại Racing thi đấu trước khi giải nghệ và đảm nhiệm vị trí thư ký kỹ thuật rồi giám đốc điều hành của CLB. Và anh cũng đang thể hiện những dấu ấn trên cương vị mới. Dưới tầm nhìn của Milito, Racing muốn trở thành 1 trong những CLB sở hữu nhiều tài năng nhất ở Argentina với hình mẫu là Sevilla.
Diego Huerta, người hiện là thư ký kỹ thuật của Racing, nói: “Chúng tôi phải sáng tạo. Chúng tôi phải có mạng lưới để có được những cầu thủ giỏi trước các CLB lớn khác vì chúng tôi không thể nào cạnh tranh với River và Boca được. Thụy Sĩ biết cách làm đồng hồ, còn chúng tôi biết cách tạo ra những cầu thủ giỏi”. Bản thân Huerta cũng là 1 trong những người đầu tiên mà Milito bổ nhiệm khi mới đảm nhận cương vị lãnh đạo. Ông từng là biên tập viên của các tờ báo Clarin cũng như tạp chí Perarnau trước khi đến Racing làm việc vào năm 2016 và từng đi khắp châu Âu để học hỏi kinh nghiệm. Huerta khẳng định: “Nếu không có anh ấy (Milito), chẳng thay đổi nào diễn ra cả”. Thành quả đã phần nào đến với chức vô địch quốc gia mùa giải 2018/2019.
Nhưng dù thế nào, các cổ động viên sẽ không bao giờ quên Diego Milito trong hình ảnh của 1 cầu thủ khiêm nhường nhưng là chân sút thượng thặng với những màn ăn mừng cuồng nhiệt mỗi khi ghi bàn. Milito là “hoàng tử”, nhưng là “hoàng tử ẩn mình” khi mà tài năng rực rỡ của anh đôi khi chưa được chú ý đúng mức. Anh có thể không phải cái tên đầu tiên mà người ta nhớ tới trong danh sách những tiền đạo xuất sắc nhất thập niên 2000 và 2010. Tuy nhiên dư vị mà anh để lại với những người xem bóng đá thì chẳng thể nào phai mờ.
CG