Diego Maradona: Tình yêu vĩnh cửu của người Argentina

Tác giả CG - Thứ Năm 25/11/2021 21:19(GMT+7)

Tròn một năm ngày Diego Maradona qua đời, nhưng những hình ảnh và giá trị di sản của El Diego vẫn còn lại với người Argentina.


Ngày này một năm trước, cả thế giới bàng hoàng khi Diego Maradona đột ngột qua đời. Đó thực sự là một tin tức gây chấn động toàn cầu. Tầm vóc của Maradona đã vượt khỏi khuôn khổ của một sân bóng, vượt khỏi phạm vi đánh giá của môn thể thao vua. Maradona là biểu tượng của cả đất nước. Nhiều thập niên trước vẫn nổ ra những cuộc tranh cãi xem giữa “Vua bóng đá” Pele và Maradona ai xuất sắc hơn, nhưng tại Brazil, Pele không phải số một. Với người Brazil, Garrincha mới là người họ quý mến nhất. Trong khi đó, ở Argentina, chẳng cầu thủ nào được yêu quý hơn Maradona. Bởi thế, tình yêu mà Pele có từ người Brazil không thể nào sánh được với sự tôn sùng mà người Argentina dành cho Maradona.
Suốt nhiều thập niên, bóng đá Argentina mải miết đi tìm một “Diego Maradona mới”. Ông là hiện thân vĩ đại và tiêu biểu nhất cho khái niệm enganche (chỉ vị trí “số 10” trong bóng đá Argentina) Pablo Aimar, một trong những người từng được xếp vào danh sách những người có thể đảm trách danh xưng đó, nói: “Với những người sinh ra trong thập niên 70 và 80, ông là nguồn khích lệ lớn nhất. Thời đó đã có các siêu anh hùng Người Nhện, Người Dơi,… nhưng chúng tôi muốn là Maradona trước chứ không phải những siêu anh hùng khác. Chúng tôi chơi bóng để trở thành Maradona và khát khao trở thành người có mặt ở World Cup 1986 tại Mexico, hát quốc ca ở World Cup 1990 tại Italy, làm bẽ mặt những người đã xúc phạm quốc ca của chúng tôi. Với chúng tôi, Maradona là tất cả”.
Đúng, với người Argentina và đặc biệt là thế hệ 7x, 8x, Maradona là số một. Ngày 10/3 năm nay, tại đài tưởng niệm Obelisk ở trung tâm Buenos Aires, đã có hàng nghìn người biểu tình đòi lại công lý cho El Diego với sự vô trách nhiệm mà các bác sĩ đã thể hiện trong việc chăm sóc sức khỏe cho ông. Tất cả đã cùng hát, cùng khóc và vẫy những lá cờ có hình Maradona. Ông Jose Maria De Andrea năm nay 47 tuổi và là cha của bốn người con, chia sẻ với Sport Illustrated: “Điều đó chứng minh ông ấy vẫn còn sống, rằng công lý cần được thực thi. Không chỉ là một cầu thủ bóng đá, ông ấy còn là một vị thần”.
Là một đứa trẻ sinh ra trong một khu đô thị phức tạp, có thân hình thấp đậm và mái tóc bù xù nhưng cơ thể và đầu óc rất nhanh nhẹn, ông gần như là đại diện cho hình ảnh một siêu sao bóng đá trong suy nghĩ của người Nam Mỹ nói chung và Argentina nói riêng. World Cup 1986 là đỉnh cao muôn trượng về hình ảnh của Maradona, nơi có cảm những gam màu sáng và tối. Nhưng Maradona là như thế, một người quyết không sống như hình ảnh của gam màu xám.
Maradona vĩ đại không phải vì ông là một nhà hiền triết như Johan Cruyff, ông vĩ đại theo cách của riêng mình bởi ông đậm chất đời và có cả những mâu thuẫn. Ông lên tiếng phản đối chiến tranh, bất công, chối lại đói nghèo nhưng bản thân lại trở thành một người nghiện ma túy. Maradona chấp nhận sự đối nghịch trong chính con người của mình.

Diego Maradona vĩ đại vì sự đa diện của ông. Ảnh: Getty Images
Nếu chức vô địch World Cup 1978 của người Argentina là một thành tựu nhuốm màu chính trị thì World Cup 1986 diễn ra khi người Argentina đã không còn sống dưới thời chính quyền quân sự cánh hữu nữa. Và có lẽ vì thế Mexico 86 vẫn là giải đấu được người Argentina trân trọng hơn. Giải đấu đó, La Albiceleste như đi trên đôi chân của El Diego. Ông như nhân vật thần thoại mang hình ảnh trần tục, một người mang tính biểu tượng cho cả một thế hệ. Với người Argentina, chiến thắng trước đội tuyển Anh ở vòng tứ kết là một thắng lợi vượt xa khỏi khuôn khổ bóng đá, nó như một cách để họ tạm quên đi nỗi đau từ thất bại tại cuộc chiến Falklands giữa hai nước 4 năm trước đó.
Nói cách khác, Maradona tựa như một người hùng đã báo thù cho cả dân tộc. Đó là một trận đấu mà khắc họa đầy đủ sự đối lập trong con người El Diego: cả hai bàn thắng duy nhất của Argentina đều do Maradona ghi, chúng chỉ cách 4 phút: một bàn có thể coi là một trong những bàn thắng vĩ đại nhất các vòng chung kết World Cup, một pha lập công thì gây tranh cãi bậc nhất lịch sử. Argentina đã thắng người Anh như thế.
Alejandro Gardella, một nhà báo kỳ cựu người Argentina, chia sẻ trên Sport Illustrated: “Tôi tin rằng thần thoại về Maradona gắn liền với trận đấu gặp đội tuyển Anh hơn là chức vô địch World Cup năm đó. Đó là sự phục thù. Chúng tôi đã thua ở cuộc chiến Falklands, và niềm tự hào dân tộc chính là cội rễ của câu chuyện. Bàn đầu tiên – “Bàn tay của Chúa” – là một phần của tâm lý quốc gia. Sự khôn ngoan cùng chút lọc lõi chính là bảo vật, cứ như thể ‘Bọn tôi đánh lừa các ông và sẽ khiến các ông phải hối tiếc suốt nhiều năm’. Giành chiến thắng trận đấu, chúng tôi đã lấy lại phần nào điều gì đó đã mất”.
Một năm đã trôi qua kể từ ngày “Cậu bé vàng” bước chân lên thiên đường, nhưng hình ảnh của ông vẫn hiện diện ở trần thế. CLB Napoli đã đổi trên sân vận động theo tên của Maradona. Khắp nơi trên đường phố Buenos Aires là những tấm biển quảng cáo có hình ảnh của ông ở những giai đoạn khác nhau, song có một thông điệp thì không thay đổi: “Tình yêu vĩnh cửu”.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.