Didier Drogba: Trái tim nhân ái cứu rỗi Lục Địa Đen

Tác giả Ole - Thứ Bảy 19/08/2017 16:06(GMT+7)

Thời điểm kết thúc của mỗi kỳ World Cup thường là lúc mà người ta phải chứng kiến nhiều ngôi sao tên tuổi quyết định giã từ sự nghiệp bóng đá. VCK World Cup 2014 cũng không hề tránh khỏi xu hướng này và Tebily Didier Yves Drogba chính là một trong những cầu thủ nổi tiếng đã quyết định chia tay sân cỏ sau giải đấu trên đất Brazil.

Didier Drogba: Trái tim nhân ái cứu rỗi Lục Địa Đen
Người hâm mộ sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy anh khoác áo ĐT Bờ Biển Ngà nữa. Xuyên suốt trong những năm tháng đỉnh cao sự nghiệp của mình, Drogba đã trở thành một huyền thoại sống của Chelsea, đội bóng từng đưa tên tuổi của anh đến với toàn thế giới. Bên cạnh đó, người ta cũng chẳng thể nào phủ nhận được những đóng góp vô cùng lớn lao mà anh đã dành cho quê hương Bờ Biển Ngà, cả trong lẫn ngoài lĩnh vực bóng đá.
 
Sinh năm 1978 tại Abidjan, thủ đô Bờ Biển Ngà, vào thời điểm ấy là một đất nước hết sức nghèo khó, cậu bé Drogba ngay từ nhỏ đã thấu hiểu rằng muốn sinh tồn thì anh và các thành viên trong gia đình sẽ phải làm việc chăm chỉ mọi lúc mọi nơi. Mẹ của Drogba, vì quá ngưỡng mộ Tổng thống Nam Tư cũ, Broz Tito nên đã quyết định đặt cho con trai biệt danh là Tito. Khoảng thời gian đầu của thời thơ ấu, Drogba đã dành hết thời gian bên cạnh chú mình, Michel Goba, một cầu thủ chuyên nghiệp khi ấy vẫn đang chơi bóng tại Pháp. Được chú đưa sang Pháp ngay từ lúc mới 5 tuổi, Drogba đã trải qua 3 năm sống ở nước Pháp trước khi quay trở lại Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm Drogba trở về quê hương, cha mẹ anh đều mất việc. Không thể đảm bảo kinh tế gia đình nên một lần nữa, họ đành phải gửi anh cho ông chú Goba. Đây cũng chính là bước ngoặt đầu tiên chắp cánh cho hành trình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của cậu bé đến từ lục địa đen.
 
Ban đầu, Drogba chỉ chơi như một hậu vệ phải. Nhưng rồi, chú anh muốn anh tham gia tấn công nhiều hơn. “Cháu đang mắc kẹt ở phía sau. Hãy lao lên phía trước. Trong bóng đá, mọi người chỉ thực sự nhìn vào các tiền đạo”. Nghe theo lời chú, Drogba chuyển sang thi đấu ở vị trí tiền đạo.
Ở độ tuổi 15, cầu thủ sinh năm 1978 ký hợp đồng với Levallois, nơi anh bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Năm 1998, sau khi kết thúc nhiệm vụ học hành, Drogba tiếp tục gia nhập Le Mans, một CLB chơi tại giải hạng nhì Pháp. Khi ấy, anh đã 21 tuổi, thực sự không còn trẻ so với nhiều “thần đồng” bóng đá khác. Do đó, người ta cũng đánh giá Drogba như một tài năng nở muộn. Quãng thời gian gần 4 năm khoác áo Le Mans của tiền đạo người Bờ Biển Ngà không xuất hiện nhiều khởi sắc. Phải đến khi chuyển sang đầu quân cho En Avant Guingamp, mọi thứ mới bắt đầu thay đổi. Chỉ trong vòng một năm rưỡi, Drogba đã ghi được tổng cộng 24 bàn thắng đồng thời gây ấn tượng mạnh mẽ với các đội bóng hàng đầu. Rất nhanh chóng, anh trở thành người của Marseille. Tại đây, chân sút người Bờ Biển Ngà vẫn duy trì phong độ cực kỳ thuyết phục với 32 pha lập công trên mọi đấu trường. Cuối mùa, Drogba giành danh hiệu cá nhân Cầu thủ xuất sắc nhất Ligue 1, qua đó tìm được tấm vé thông hành giúp anh cập bến Chelsea với mức giá chuyển nhượng 24 triệu bảng. Vào thời điểm bấy giờ, đây là một con số kỷ lục dành cho một cầu thủ châu Phi. Và những gì diễn ra sau đó tại sân Stamford Bridge, đơn giản là lịch sử.
 
Didier Drogba có trận ra mắt màu áo ĐTQG vào năm 2002, trong cuộc đối đầu với Nam Phi. Anh ghi được bàn thắng đầu tiên cho Bờ Biển Ngà năm 2003, ở trận gặp Cameroon. Đến năm 2006, Drogba đã trở thành đội trưởng đội bóng quê hương và tiếp tục gánh vác vai trò này cho tới khi nghỉ hưu. Được biết, Drogba đã tham gia tất cả 3 kỳ World Cup cùng ĐT Bờ Biển Ngà và ghi được 2 bàn thắng (một bàn vào lưới Argentina năm 2006 và một bàn vào lưới Brazil năm 2010). Năm 2014, Drogba có lần ra sân thứ 100 trong màu áo ĐTQG trong trận giao hữu với Bosnia & Herzegovina và ghi được một bàn thắng từ chấm 11 mét. Giải đấu cuối cùng mà cựu tiền đạo Chelsea tham dự, chính là VCK World Cup 2014 trên đất Brazil.
 
Sự ra đi của Drogba đương nhiên sẽ để lại những khoảng trống đáng kể đối với ĐT Bờ Biển Ngà nói riêng cũng như nền bóng đá nước này nói chung. Trong 104 lần khoác áo ĐTQG, chân sút sinh năm 1978 đã ghi tổng cộng 65 bàn thắng. Ngoài ra, anh cũng giành được rất nhiều danh hiệu cá nhân cao quý khác như Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi (2006, 2009), Cầu thủ xuất sắc nhất Bờ Biển Ngà (2006, 2007, 2012)…
 
Không chỉ là một cầu thủ có rất nhiều đóng góp lớn lao cho nền bóng đá quê hương, Didier Drogba còn thể hiện tình yêu đất nước theo những cách khác. Được biết, anh luôn nỗ lực hết mình để mang lại cuộc sống hòa bình cho người dân Bờ Biển Ngà. Sau thời điểm ĐTQG giành được vé đến World Cup 2006, cựu tiền đạo Chelsea đã gửi lời thỉnh nguyện của mình đến phe đối lập với lời kêu gọi mong muốn chấm dứt chiến tranh để kết thúc tình trạng nội chiến kéo dài suốt 5 năm trời. Ngày 24/1/2007, Drogba được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chọn làm Đại sứ thiện chí. Tháng Chín năm 2011, anh tiếp tục tham gia Ủy ban Sự thật, Hòa giải và Đối thoại dưới tư cách một đại biểu với giấc mơ mang hòa bình trở lại quê hương. Những cống hiến không biết mệt mỏi của Drogba đã được tạp chí nổi tiếng – Time, ghi nhận đồng thời bình chọn anh trở thành một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất nhất thế giới vào năm 2010.
 
Công việc từ thiện của Drogba cứ thế diễn ra như một lẽ tự nhiên. Cuối năm 2009, ngôi sao người Bờ Biển Ngà quyên góp 3 triệu bảng để ký hợp đồng với Pepsi nhằm phục vụ dự án xây bệnh viện tại quê nhà Abidjan. Được biết, mọi chi phí đều được thông qua quỹ tài trợ của riêng cá nhân Drogba, mang tên “Didier Drogba Foundation”. Nói về quyết định của mình, Drogba chia sẻ: “Tôi chỉ hy vọng rằng dự án đầu tiên của Quỹ với việc xây dựng một bệnh viện mới sẽ giúp cho người dân tại đây được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe cơ bản và có cơ hội sống sót cao hơn”.
Ngoài ra, Drogba cũng có những đóng góp gián tiếp đối với Levallois, đội bóng nơi anh từng bắt đầu sự nghiệp. Cụ thể, sau khi thương vụ chuyển nhượng chân sút người Bờ Biển Ngà sang Chelsea hoàn tất, ban lãnh đạo Levallois đã nhận được một khoản tiền phần trăm đáng kể từ chi phí chuyển nhượng (được Drogba chấp nhận), qua đó đảm bảo sự tồn tại của CLB, nâng cấp SVĐ, bổ sung cơ sở vật chất hiện đại nhằm phát triển bóng đá cộng đồng địa phương. Sau này, họ cũng quyết định đổi tên sân thành Didier Drogba để tôn vinh anh.
 
Là một người có tấm lòng hướng thiện, Drogba rất nhiều lần đã tài trợ tiền cho các trẻ em châu Phi nghèo và bị bệnh. Nhận xét về người đồng đội, cựu thủ quân Chelsea, trung vệ John Terry cho biết: “Didier đang làm một công việc tuyệt vời. Cậu ấy thực sự quan tâm và luôn muốn giúp đỡ một cách tốt nhất cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói và bệnh tật. Cậu ấy rất yêu đất nước của mình và người dân Bờ Biển Ngà cũng yêu cậu ấy”. Tương tự là những chia sẻ của Gervinho, chân sút từng sát cánh với Drogba trong màu áo ĐTQG: “Anh ấy chính là một tấm gương vĩ đại trong mắt nhiều người Bờ Biển Ngà”. Tờ The Sun của nước Anh thậm chí còn khẳng định rằng: “Drogba là người đàn ông sẵn sàng lãnh trách nhiệm xây dựng lại toàn bộ đất nước của mình”. 
 
Từng phải chứng kiến vô vàn nỗi đau mà người dân Bờ Biển Ngà phải gánh chịu bởi chiến tranh, đương nhiên Drogba quá đỗi thấu hiểu giá trị của hòa bình. Anh sẵn sàng làm tất cả trong khả năng để những đứa trẻ quê hương được hưởng những gì mà anh thiếu thốn khi còn thơ ấu. Không giống như nhiều người sử dụng quyền lực vì mục đích chính trị, Drogba đơn giản chỉ mong muốn tiếng nói của mình sẽ trở thành một thứ gì đó nhằm giúp cho tất cả mọi người nỗ lực hướng đến một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Tại Bờ Biển Ngà, ai cũng xem Drogba là thần tượng. Họ muốn ăn mặc giống anh, viết những bài hát về anh và tận hưởng cuộc sống khi chứng kiến anh chơi bóng. Người ta không thể phủ nhận rằng, Drogba đã thực sự biến đất nước Bờ Biển Ngà trở thành một mảnh đất tốt hơn, để giúp cho những con người tầm thường nhất được hưởng cuộc sống bình yên.
 
Trên phương diện cầu thủ, những thành tích của Drogba vốn đã là vô cùng tuyệt vời nhưng những gì mà anh cống hiến cho quê hương còn vĩ đại hơn thế. Từ những hành động cố gắng nhằm giảm thiểu tình trạng đói nghèo cho đến nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến chia cắt đất nước, tất cả đều là sự cống hiến mà không ai có thể quên được. Không ai khác, Didier Drogba chính là đại sứ hòa bình tuyệt vời nhất của đất nước Bờ Biển Ngà, một người hoàn toàn xứng đáng được gọi là “The Charity King” (Vua từ thiện).
 
“Tôi đã giành được rất nhiều danh hiệu trong suốt sự nghiệp chơi bóng của mình nhưng sẽ chẳng có vinh quang nào so sánh được với việc chấm dứt cuộc nội chiến đất nước đồng thời mang lại nền hòa bình cho người dân Bờ Biển Ngà. Tôi thực sự cảm thấy tự hào vì giờ đây, trên mảnh đất quê hương mình, chúng tôi sẽ không bao giờ cần đến bất kỳ một khẩu súng hay viên đạn nào nữa”, cầu thủ sinh năm 1978 chia sẻ.
 
Hành trình của Drogba với hy vọng về việc xây dựng một đất nước Bờ Biển Ngà tốt đẹp hơn, chắc chắn vẫn sẽ chưa dừng lại. Nhưng người ta hoàn toàn có thể tin rằng, nhờ những con người như anh, với một trái tim nhân ái và nóng bỏng, thế giới này rồi sẽ tràn ngập những điều hạnh phúc…

Lược dịch từ Didier Drogba - The Charity King trên Goalden Times
 
OLE   
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.

Cody Gakpo: Ổn định để tỏa sáng!

Vào đêm Boxing Day năm 2022, PSV Eindhoven đưa ra thông báo chính thức rằng CLB Hà Lan và Liverpool đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng tiền đạo Cody Gakpo.

Charles De Ketelaere: Gọi giấc mơ về xứ Bergamo

Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.