Chiến tranh không phải trò đùa và cũng là điều không ai mong muốn. Nhưng các cuộc chiến vẫn diễn ra, bằng nhiều lý do khác nhau. Đất nước Bờ Biển Ngà đã từng chìm trong cuộc nội chiến chia rẽ đất nước, để rồi có một người bằng tầm ảnh hưởng của mình đã lên tiếng để khiến tất cả phải thức tỉnh.
Thứ Sáu 11/03/2022 19:00
Didier Drogba sinh ra tại Abidjan, thủ đô của Bờ Biển Ngà. Năm lên 5 tuổi, anh rời quê hương đến vùng Bretagne, Pháp để sống cùng với người bác của mình cũng là một cầu thủ bóng đá. Do gia đình của người bác có điều kiện tốt hơn nên bố mẹ của Didier Drogba quyết định đưa anh tới Pháp để được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, đến năm 8 tuổi, vì quá nhớ nhà nên Drogba đã xin quay trở lại Bờ Biển Ngà. Nhưng lần trở nhà này không kéo dài quá lâu khi cả cha mẹ anh đều thất nghiệp, chính vì vậy anh lại tới Pháp để sống với bác. Không lâu sau đó, cha mẹ của Drogba cũng tới Pháp và cả gia đình đoàn tụ với nhau.
Đến đây cần phải nói về đất nước Bờ Biển Ngà. Giai đoạn Drogba tới nước Pháp lần thứ hai cũng là thời điểm kinh tế đất nước Bờ Biển Ngà đang đi xuống. Năm 1960 được coi là “Năm châu Phi” khi có tới 17 quốc gia của “Lục địa đen” tuyên bố giành độc lập, trong đó có Bờ Biển Ngà. Ông Felix Houphouet-Boigny là tổng thống đầu tiên của Bờ Biển Ngà và nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 33 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó ông đã giữ cho tình hình chính trị trong nước ổn định, các dân tộc, tôn giáo khác nhau trong nước chung sống với nhau hoà bình, qua đó giúp kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, năm 1993 ông Houphouet-Boigny qua đời và đất nước Bờ Biển Ngà đứng trước tương lai bất ổn. Khoảng trống quyền lực mà ông để lại đã châm ngòi cho những mâu thuẫn khác nhau giữa hai phe miền Nam theo Cơ Đốc giáo và miền Bắc theo Hồi giáo. Năm 1995, ông Henri Konan Bedie – một người miền Nam - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Cần phải nói thêm rằng Bờ Biển Ngà là đất nước có chung biên giới với Burkina Faso và trong nhiều thế hệ, người Burkina Faso đã di cư đến Bờ Biển Ngà giàu có hơn. Họ sinh sống ở đây, trở thành công dân Bờ Biển Ngà, sinh con đẻ cái. Họ còn được gọi với cái tên là Burkinabe. nhưng trong lòng đất nước, những người Burkinabe chưa hoàn toàn được chấp nhận. Khi đó ở Bờ Biển Ngà có quy định các ứng viên tổng thống phải có cả cha lẫn mẹ là người Bờ Biển Ngà và bắt buộc cư trú tại Bờ Biển Ngà trong vòng 5 năm tính đến thời điểm bầu cử. Điều đó giúp ông Henri Konan Bedie loại được một ứng cử viên tiềm năng là Alassane Ouattara. Ông Ouattara tới từ miền Bắc của Bờ Biển Ngà, từng là thủ tướng của đất nước từ 1900-1993 nhưng có cha là người Burkinabe và bản thân ông sống ở Mỹ vào năm 1994 trong thời gian làm việc ở Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Cuối cùng, Bedie thắng cử với 96% số phiếu bầu.
Năm 1999, khi chính quyền của ông Bedie bị quân đội lật đổ và cuộc bầu cử mới được tổ chức vào năm 2000, quốc hội Bờ Biển Ngà vẫn duy trì quy định về nguồn gốc khiến Ouattara tiếp tục bị loại. Và người chiến thắng là Laurent Gbagbo, một người Cơ Đốc giáo tới từ miền Nam. Lần này, việc ông Ouattara bị loại đã châm ngòi cho cuộc nội chiến chia rẽ hai miền Bờ Biển Ngà kéo dài trong nửa thập kỷ bắt đầu từ năm 2002.
Đó là một cuộc chiến thực sự căng thẳng. Sebastien Gnahore – cựu cầu thủ Bờ Biển Ngà đã rời khỏi đất nước trước đó – chia sẻ trên BBC: “Khi gọi cho chị gái, tôi có thể nghe thấy tiếng súng nổ bên ngoài căn nhà. Họ phải trốn dưới gầm giường suốt 4 ngày và chỉ ra ngoài để tìm thức ăn. Điều tôi quan tâm duy nhất là gia đình mình có bình an không, đó là nỗi lo của tôi mỗi sáng”.
Nội chiến Bờ Biển Ngà bắt đầu chỉ 10 ngày sau khi Didier Drogba có trận đấu đầu tiên cho đội tuyển quốc gia – cuộc chạm trán ĐT Nam Phi. Và trong suốt cả thập kỷ đó, anh là biểu tượng hàn gắn đất nước. Năm 2005, Drogba trở thành đội trưởng ĐT Bờ Biển Ngà. Tháng 10 năm đó, Bờ Biển Ngà chính thức giành vé tham dự World Cup 2006 sau chiến thắng 3-1 trên sân của Sudan. Các cầu thủ rất vui mừng với chiến tích ấy bởi đây là lần đầu tiên Bờ Biển Ngà tham dự World Cup.
Trong phòng thay đồ, phóng viên truyền hình xuất hiện để ghi lại khoảnh khắc lịch sử. Lập tức, Drogba cầm lấy một chiếc micro và có bài phát biểu lay động tất cả tâm trí người dân quê hương: “Hỡi những người đồng bào Bờ Biển Ngà của tôi từ miền Bắc, miền Nam, miền Trung và miền Tây. Ngày hôm nay chúng tôi đã chứng minh rằng tất cả người Bờ Biển Ngà đều có thể cùng chung sống và thi đấu với nhau với cùng một mục tiêu là vượt qua vòng loại World Cup. Chúng tôi xin hứa rằng chiến tích này sẽ đoàn kết mọi người lại với nhau”. Drogba cùng các đồng đội quỳ xuống và tiếp tục nói: “Bây giờ chúng tôi xin mọi người: đất nước châu Phi trù phú này không thể chìm trong chiến tranh như vậy. Làm ơn hãy hạ vũ khí xuống, hãy tổ chức bầu cử và mọi thứ sẽ diễn ra theo hướng tốt nhất”.
Trong khoảnh khắc đó, Drogba – một người miền Nam – khoác vai Kolo Toure – một người miền Bắc. Tất cả kề vai sát cánh bên nhau, một hình ảnh đẹp nhất về tình đoàn kết của Bờ Biển Ngà. Những phát biểu của Drogba không thể ngay lập tức ngăn cản cuộc chiến, song những lời nói của anh cùng chiến tích của ĐT Bờ Biển Ngà đã khiến tất cả nhận ra những người ở hai bên chiến sự đều là anh em từ chung một quốc gia. Cây bút Aanu Adeoye của tạp chí Mundial gọi những gì Drogba đã làm trong phòng thay đồ tối hôm đó chẳng khác nào “một cú vô-lê xuất sắc”. Và những nỗ lực của anh không dừng lại ở đó.
Tháng 3/2007, Drogba được bầu là “Cầu thủ châu Phi xuất sắc nhất năm”. Tiền đạo của Chelsea muốn tổ chức một buổi lễ ăn mừng, diễu hành ở Bouake – thành phố ở miền Bắc của Bờ Biển Ngà, thành trì quan trọng nhất của phe nổi dậy. Sau đó, anh liên lạc với tổng thống Laurent Gbagbo và được chấp thuận. Hai ngày sau, Drogba đứng trên xe mui trần cùng những người lính của lực lượng nổi dậy. Tất cả mọi người đã thể hiện tình cảm đặc biệt với Drogba, và sự kiện ấy là nền tảng cho một trận đấu quan trọng khác của ĐT Bờ Biển Ngà.
Tháng 6 năm đó, Bờ Biển Ngà có cuộc tiếp đón Madagascar tại vòng loại cúp vô địch châu Phi. Chỉ cần một chiến thắng nữa họ sẽ vượt qua vòng loại.
Ban đầu, trận đấu được dự kiến tổ chức ở Abidjan, thành phố miền Nam. Tuy nhiên, Drogba tiếp tục sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thuyết phục tổng thống Laurent Gbagbo cho dời trận đấu đến Bouake. Trước trận, tiền đạo của Chelsea đã tặng cho ông Guillaume Soro – thủ lĩnh phe nổi dậy, đồng thời là người được bổ nhiệm làm thủ tướng trước đó 2 tháng như một phần của thoả thuận hoà bình – một đôi giày. Quân đội hai bên đã cùng ngồi trong sân vận động để xem trận đấu. Cuối cùng, Bờ Biển Ngà giành chiến thắng 5-0 và Drogba là người ghi bàn thắng cuối cùng. Người hâm mộ ùa vào sân để ôm lấy thần tượng của họ.
Chiến thắng đó như một bước đệm nữa để các cuộc đàm phán hoà bình tiếp theo giữa hai bên diễn ra thuận lợi. Còn Drogba và các đồng đội đã trở thành sứ giả hoà bình của đất nước. "Tôi đã giành nhiều danh hiệu trong sự nghiệp, nhưng không gì có thể giúp mang về hoà bình cho đất nước tôi. Thế nên tôi tự hào vì Bờ Biển Ngà không cần một chiếc cúp bạc nào để được tận hưởng niềm vui", Didier Drogba chia sẻ năm 2007.
Việc Drogba có được sự ủng hộ của cả hai phe xuất phát từ những thành tựu xuất sắc của anh trên sân cỏ, và một phần nào đó từ xuất thân của anh. Cây bút Greg Lea của These Football Times nhận định rằng quãng thời gian sống ở Pháp từ nhỏ giúp Drogba có một cái nhìn toàn cục và khách quan. Anh coi Bờ Biển Ngà là một đất nước thống nhất thay vì một quốc gia bị chia rẽ."Drogba là một vị thần với người dân Bờ Biển Ngà, không chỉ vì anh là cầu thủ bóng đá nổi tiếng mà còn bởi anh chính là đại diện cho tiếng nói của quần chúng", đó là nội dung một bài viết trên tờ Telegraph vào năm 2007. Ngày Drogba diễu hành trên chiếc xe mui trần của lực lượng nổi dậy ở Bouake để giới thiệu danh hiệu cầu thủ châu Phi xuất sắc nhất năm 2006, tất cả mọi người đều hân hoan, những người lính đã buông lỏng vũ khí. Sau đó, khi anh tiến vào sân vận động, quân đội của hai phe đã cùng hô vang một thứ ngôn ngữ mang tên bóng đá.
Austin Merril – phóng viên người Bờ Biển Ngà làm việc cho tạp chí Vanity Fair – chia sẻ: “Hãy nhớ rằng Drogba tới từ miền Nam, khu vực của ông Gbagbo. Khi đó anh ấy chẳng khác nào một vị thần”. Còn anh Omar, một người đã theo dõi sự kiện đó trên truyền hình từ Abidjan nói: “Sự kiện đó vượt khỏi khuôn khổ bóng đá. Tất cả mọi người dừng làm việc lúc 12 giờ trưa và khui bia ăn mừng. Tất cả chúng tôi đều hạnh phúc”.
Dù đất nước Bờ Biển Ngà một lần nữa chìm vào nội chiến vào năm 2010, nhưng những nỗ lực của “Voi rừng” thời điểm ấy khiến tất cả thấy rằng những xung đột đều có hy vọng để giải quyết. Những năm sau đó, Drogba liên tục sử dụng tầm ảnh hưởng của mình cho các hoạt động nhân đạo. Trong suốt nhiều năm, anh cùng vợ đã quyên góp tiền để xây dựng bệnh viện và các trại trẻ mồ côi. Anh hợp tác cùng các tổ chức của Liên hợp quốc để hỗ trợ phát triển các quốc gia châu Phi. Năm ngoái, Drogba được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí về thể thao và sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Huyền thoại người Bờ Biển Ngà sẽ góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của các hoạt động thể chất, giá trị thể thao, đặc biệt với thanh thiếu niên.
Didier Drogba không đoạt danh hiệu lớn nào cùng đội tuyển Bờ Biển Ngà. Nhưng di sản và tầm ảnh hưởng của anh với quê hương thì lớn hơn mọi danh hiệu bóng đá, bởi tình cảm và lòng ngưỡng mộ của cổ động viên là giá trị lớn nhất.