Dennis Bergkamp ở Inter Milan: Cuộc chiến tôn giáo bóng đá của người Ý (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 20/05/2020 17:02(GMT+7)

Trong hai mùa giải thảm họa của Bergkamp ở Inter Milan vào giữa những năm 90, tình thế của ông đã trở nên tồi tệ đến mức tờ báo có trụ sở tại Rome, La Repubblica, đã đổi tên giải thưởng “Con lừa của tuần” mà họ dùng để trao cho cầu thủ tệ nhất tuần, thành “Bergkamp della settimana” (nghĩa là: “Bergkamp của tuần”). Vậy, vì nguyên nhân gì mà một cầu thủ sở hữu tài năng tuyệt đỉnh như ngôi sao người Hà Lan lại trở thành một trò cười trên đất Ý như thế?

 Khi nghĩ về Dennis Bergkamp, chắc chắn sẽ có rất nhiều những ý niệm đẹp đẽ nảy ra trong đầu bạn: Một ngôi sao hoàn mỹ, một thiên tài, một nghệ sĩ, một ảo thuật gia thực thụ trên sân cỏ. Mỗi lúc nghe thấy cái tên của ông được đề cập trong một cuộc bàn luận về bóng đá, bạn chắc hẳn sẽ ngay lập tức nhớ về pha lập công thách thức các nguyên tắc vật lý của ông vào lưới Newcastle năm 2002, hoặc “kiệt tác ba chạm” lừng danh trong cuộc đối đầu với Argentina tại France’98.

 
Bạn sẽ hồi tưởng lại những động tác xoay người đầy tinh tế và cú lốp bóng điệu nghệ đã kiến tạo cho Freddie Ljungberg ghi bàn vào lưới Juventus năm 2001, hồi tưởng lại vô số những đường chuyền xé toang hàng phòng ngự đối phương cho Ian Wright, Nicholas Anelka và Thierry Henry. Dennis Bergkamp là một cầu thủ của mọi cầu thủ, một người luôn tận hiến trong việc phục vụ cho các đồng đội, cũng như các fan hâm mộ.

Vì lẽ đó, cái thuật ngữ “con lừa” chắc chắn là một từ mà đáng lẽ ra sẽ không một chút liên quan đên tiền đạo kiệt xuất người Hà Lan. Thế nhưng, trong hai mùa giải thảm họa của Bergkamp ở Inter Milan vào giữa những năm 90, tình thế của ông đã trở nên tồi tệ đến mức tờ báo có trụ sở tại Rome, La Repubblica, đã đổi tên giải thưởng “Con lừa của tuần” mà họ dùng để trao cho cầu thủ tệ nhất tuần, thành “Bergkamp della settimana” (nghĩa là: “Bergkamp của tuần”). Vậy, vì nguyên nhân gì mà một cầu thủ sở hữu tài năng tuyệt đỉnh như ngôi sao người Hà Lan lại trở thành một trò cười trên đất Ý như thế? 
 
Năm 1993, Bergkamp đã sẵn sàng để rời khỏi Ajax, sau 7 năm khẳng định bản thân kể từ khi được Johan Cruyff đưa lên từ đội trẻ vào năm 1986. Ở tuổi 24, cảm thấy nền bóng đá Hà Lan đã trở nên quá chật chội so với đẳng cấp của bản thân, ông tin rằng đã đến lúc mình cần phải tìm kiếm những thử thách mới khắc nghiệt hơn, và vào kỳ nghỉ đông của mùa giải 1992/1993, ông đã thông báo cho các giám đốc tại Ajax biết rằng đây sẽ là chiến dịch cuối cùng của ông trong màu áo đội bóng này, để họ có đủ thời gian cho việc tìm kiếm người thay thế mình.

Davids trong những ngày sát cánh cùng Dennis Bergkamp ở Ajax
Vì biết rõ sự khác biệt rất lớn giữa triết lý bóng đá của hai quốc gia, Cruyff đã khuyên Bergkamp không nên đến Ý, mà thay vào đó là thôi thúc ông chọn Tây Ban Nha làm bến đỗ tiếp theo cho sự nghiệp, và cụ thể hơn chính là Barcelona, nơi mà “Dream Team” được dẫn dắt bởi nhà cầm quân người Hà Lan đang ở thời kỳ hoàng kim của họ. Thế nhưng trong suy nghĩ của Bergkamp, ông nhận thức được với điều luật “ba cầu thủ nước ngoài” của La Liga và sự hiện diện của Hristo Stoichkov, Ronald Koeman và Michael Laudrup tại đội bóng xứ Catalan, sẽ rất khó để ông được đảm bảo một suất đá chính ở Camp Nou.
 
Lời khuyên từ người thầy đã bị bỏ ngoài tai khi trong mắt Bergkamp chỉ có duy nhất Serie A – giải đấu được xem là khắc nghiệt nhất thế giới đối với những cầu thủ tấn công. Ông thậm chí còn học tiếng Ý một năm trước cuộc chuyển nhượng để chuẩn bị cho cuộc hành trình mới. “Trái tim tôi đã hướng đến nước Ý từ rất lâu rồi, bởi vì đó chắc chắn là đất nước tuyệt vời nhất để chơi bóng vào thời điểm ấy. Italy, Italy, Italy … đó là tất cả những gì hiện hữu trong đầu tôi.”

Trong cuốn tự truyện mang tên “Stillness and Speed” (Sự tĩnh lặng và tốc độ) của mình, Bergkamp đã kể rằng dù cho có rất nhiều đội bóng Ý thể hiện sự quan tâm đến mình, nhưng trong tâm trí ông chỉ cân nhắc đến hai sự lựa chọn là Inter và Juventus. Ông đã loại trừ Milan vì muốn bước đi trên con đường của riêng mình chứ không phải tiếp bước theo bộ ba người Hà Lan lừng danh Van Basten, Gullit và Rijkaard.
 
Khi ấy, cái đề tài làm thế nào để cặp đôi tiềm năng Baggio-Bergkamp có thể hoạt động hiệu quả tại Juve đã được tranh luận rộng rãi. Gác qua một bên những giấc mộng đẹp đẽ được tạo nên bởi cái viễn cảnh về sự kết hợp của hai nghệ sĩ hàng đầu thế giới bóng đá, bất cứ ai đã thực sự nghiêm túc nghiên cứu về cặp đôi này đều sẽ nhận ra rằng họ có cùng chung một tư duy về cách thi triển thứ bóng đá đẹp của mình, và dù cho Bergkamp có được xem là một cây săn bàn vào thời điểm đó, họ chắc chắn sẽ thi đấu dẫm chân nhau trên sân, và khả năng cao nhất là sự hiệu quả mà cặp đôi này mang lại chỉ là con số 0. 
 
Nhưng điều đó cũng không quan trọng bằng việc Bergkamp đã nhận được một cuộc điện thoại từ người đại diện và anh trai của mình – người luôn chăm lo cho sự nghiệp của ông – chuyển thông điệp rằng họ “có dự cảm không tốt” sau một cuộc họp với các sếp lớn của Bianconeri. Sau khi nghe vậy, tiền đạo người Hà Lan đã quyết định đồng ý với lời đề nghị từ Inter. 
 
Bergkamp không hề biết rằng, ông sắp bước chân vào một nền bóng đá mà theo như Tommaso Pellizzari của Corriere Della Sella đã mô tả, là đang ở trong một “cuộc chiến tôn giáo”.
 
Đoàn quân Milan hùng mạnh đến bá đạo của Arrigo Sacchi đã khiến toàn bộ nước Ý, bao gồm các học giả bóng đá và các nhà báo, phải suy ngẫm về thứ văn hóa tương lai của nền bóng đá quốc gia này. Nhiệm kỳ 4 năm của Sacchi tại Milan đã chứng minh cho các nhà cầm quân người Ý – những người luôn xem trọng sự thực dụng, chắc chắn trong công tác phòng ngự hơn tính nghệ thuật, duy mỹ - rằng họ hoàn toàn có thể đạt được thành công khi thi triển bóng đá đẹp. 
 
Câu hỏi được đặt ra là; các đội bóng Ý có nên buông bỏ thứ niềm tin đã luôn ám ảnh mình để đi theo con đường mà Milan của Sacchi đã tiên phong, hay tiếp tục gắn bó với cái triết lý đã trở thành bản sắc của họ - không hấp dẫn, nhưng luôn mang đến những kết quả tốt và các danh hiệu?
 
Vào năm 1990, Juventus đã bổ nhiệm Luigi Maifredi vào chiếc ghế huấn luyện viên trưởng sau khi chứng kiến ba mùa giải thành công rực rỡ của ông tại Bologna. Trước đó, người đàn ông nổi tiếng với cái phong cách bóng đá được mệnh danh là “calcio champagne” này vừa mới dẫn dắt Rossoblu cán đích ở vị trí thứ 8 của Serie A 1989/1990 và giúp họ đạt đủ điều kiện tham dự UEFA Cup. Bên cạnh bản hợp đồng Roberto Baggio được ký kết từ trước Italia’90, Bianconeri đã hy vọng rằng Maifredi, cùng với Baggio, sẽ mang đến một thứ bóng đá mới quyến rũ hơn cho họ. 
 
Triều đại của Maifredi đã trở thành một thảm họa và chỉ tồn tại được duy nhất một mùa giải trước khi ông phải xách hành lý ra đi, với việc Juve chỉ cán đích ở vị trí thứ 7 và lần đầu tiên sau 28 năm không thể tham dự cúp châu Âu. Ai là người thay thế ông? Đó là một nhà cầm quân nổi tiếng với sự thực dụng đến cực đoan, Giovanni Trapattoni. Cuộc thử nghiệm với bóng đá đẹp của Juve đã kết thúc chỉ sau 1 mùa giải. 

 
Ở một nơi khác, Foggia được dẫn dắt bởi Zdnek Zeman đã chinh phục trái tim của rất nhiều người bằng lối chơi đầy phóng khoáng mà họ thể hiện, với hệ thống 4-3-3 và một thứ bóng đá tấn công liều mạng, Zeman đã có hai lần suýt chút nữa đưa họ đạt đủ điều kiện tham dự vòng loại UEFA Cup, nhưng đáng tiếc là trong cả hai lần đó, họ đều thiếu đi vỏn vẹn 3 điểm để có thể hoàn thành cái mục tiêu ấy.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà cầm quân tại Calcio vẫn giữ vững niềm tin vào thứ triết lý đặt sự chắc chắn trong công tác phòng ngự lên trên tất cả. Tại sao phải đi thay đổi một cái tư tưởng đã có một lịch sử đầy những chiến tích huy hoàng và gắn chặt vào suy nghĩ của cả một đất nước cơ chứ? “Kết quả là trên hết, nếu muốn giải trí, thì đi đến nhà hát ấy” chính là thứ tinh thần chung của nền bóng đá Ý. 
 
Vào thời điểm ấy, Ernesto Pellegrini, chủ tịch của Inter, là một trong những người hiếm hoi muốn đi theo con đường đã dẫn đến sự thành công của Sacchi và Berlusconi, bằng cách thay đổi phong cách bóng đá tại câu lạc bộ của ông. Bước đi đầu tiên mà ông thực hiện trong cuộc cách mạng ấy là chiêu mộ về Corrado Orrico vào năm 1991, người đàn ông này được Inter nhận định là sẽ trở thành một đối trọng với Sacchi, sau khi chứng kiến những màn trình diễn đáng ngưỡng mộ mà đội bóng tý hon tại Serie B, Lucchese, đã tạo nên với một thứ bóng đá tấn công đầy quyến rũ.

Tuy nhiên, Orrico lại thất bại thảm hại ở Inter khi ông cố gắng áp dụng hệ thống phòng ngự khu vực vào đội bóng này, chính vì đấu pháp man-marking (phòng ngự kèm người) đã ăn sâu vào máu những “cây đa cây đề” như Guiseppe Bergomi và Riccardo Ferri, để rồi họ không thể thích ứng được với thứ chiến thuật quá mới mẻ này. Bergomi than thở “chúng tôi thậm chí còn chẳng thể đánh bại nổi các câu lạc bộ Serie C ở những trận giao hữu tiền mùa giải.” Giữa mùa giải 1991/1992, Orrico đã bị sa thải, và người thay thế ông là Osvaldo Bagnoli.
 
Đó chính là bối cảnh của nền bóng đá Ý khi Bergkamp sắp sửa đặt chân đến. 
 
Vào đầu năm 1993, Pellegrini đã bay đến Hà Lan để gặp trực tiếp Bergkamp và thuyết phục ông gia nhập Inter. Bergkamp, vốn cũng muốn được nghe về các kế hoạch của câu lạc bộ này trước khi quyết định có nên đặt bút ký hợp đồng với họ hay không, đã được hứa hẹn rằng triết lý chiến thuật của Inter sẽ thay đổi. Pellegrini khẳng định với cầu thủ người Hà Lan là họ sẽ thi triển một thứ bóng đá tấn công rực lửa và pressing.
 
Vào ngày 16 tháng 2 năm 1993, Pellegrini tuyên bố rằng ông đã mua cả người đồng đội của Bergkamp tại Ajax là Wim Jonk, với tổng mức phí chuyển nhượng của cả hai là 10,4 triệu bảng. Đây được xem là một động thái đầy táo bạo của Inter. Họ sẽ chính thức gia nhập Nerazzurri ngay sau khi mùa giải hiện tại kết thúc. Dù cho Bergkamp thậm chí còn chưa thi đấu một phút nào cho câu lạc bộ mới của mình, Pellegrini đã đặt lên chàng tân binh này một áp lực khổng lồ với cái tuyên bố rằng “Cậu ấy là số 10 đỉnh nhất thế giới.”
 
Dưới sự dẫn dắt của Bagnoli, Inter đã bất ngờ cán đích mùa giải 1992/1993 ở vị trí thứ hai, kém đội đầu bảng – Milan của Fabio Capello – 4 điểm. Bằng động thái mua về Bergkamp và Jonk, cùng với đó là việc bộ ba Hà Lan Bay của Rossoneri vào thời điểm ấy đã mỗi người một ngả sau khi Gullit gia nhập Sampdoria, Rijkaard đầu quân cho Ajax, còn Van Basten thì đang bị hành hạ bởi những chấn thương, Pellegrini cảm thấy rằng sự bổ sung thêm chất ma thuật và hoa mĩ của những người Hà Lan có thể mang đến cho Inter danh hiệu đầu tiên kể từ năm 1989.
 
Bagnoli, vị kiến trúc sư đã giúp Verona viết nên một câu chuyện cổ tích với vinh quang Scudetto vào năm 1985, đã đưa Inter chiếm đóng vị trí thứ hai với cái khuôn mẫu chiến thuật gắn liền với danh tiếng của nền bóng đá Ý vào thời điểm ấy; phòng ngự lùi sâu và phản công chớp nhoáng. Ông đã sử dụng tốc độ tuyệt đỉnh của Ruben Sosa để đạt được sự hiệu quả cao nhất trong thứ bóng đá đó; Tiền đạo người Uruguay đã có đến 20 pha lập công ở mùa giải 1992/1993. 
 
Những dấu hiệu về một mùa bóng 1993/1994 thảm họa đã xuất hiện từ rất sớm. Bagnoli tuyên bố rằng Pellegrini không hề đưa ra bất kỳ thông điệp nào mang ý nghĩa yêu cầu ông thay đổi hệ thống và thế là mùa giải mới đã bắt đầu với một lối chơi không khác gì so với trước đó. Bergkamp đã hoàn toàn bị cô lập trên sân khi mà ông nhận được rất ít sự hỗ trợ từ các tiền vệ của Inter. “Chỉ có tôi đứng trên đó cùng Sosa, và trận đấu nào chúng tôi cũng phải đối đầu với 5 hậu vệ.”
 
Họ bước vào mùa giải mới một cách chệch choạc tại sân chơi quốc nội, nhưng lại có những bước tiến đầy mạnh mẽ ở UEFA Cup, khi Bergkamp đã tỏa sáng rực rỡ tại đấu trường này. Ông đã lập hattrick (bao gồm một pha bay người volley cắt kéo tuyệt đẹp) vào lưới Rapid Bucharest ở vòng một, cũng như đặt dấu chấm hết cho cuộc phiêu lưu của Norwich City tại trời Âu với hai bàn thắng ghi được trong cả hai lượt trận đi và về ở vòng ba. 
 
Còn ở cái thế giới thực dụng đến tột cùng của Serie A, cả Bergkamp lẫn Inter đều đang vô cùng chật vật trong thứ hệ thống phòng ngự phản công mà Bagnoli triển khai, và tiền đạo người Hà Lan tin rằng, ông sẽ không thể đạt được bất kỳ thành công nào dưới những chiến thuật đầy cứng nhắc của nhà cầm quân này. “Chỉ có tôi đứng trên đó cùng Sosa và thỉnh thoảng thì có thêm 2 tiền vệ nữa dâng lên để tham gia tấn công … Tôi nhìn về phía sau chỉ để thấy tất cả các tiền vệ và hậu vệ đồng đội đều đang ở sâu bên phần sân nhà! Giữa chúng tôi là một khoảng trống mênh mông, và đó là một khoảng không gian chết! Thứ bóng đá ấy đã giết chết tôi, giết chết cả đội.”

 
Như thể nhiêu đó vấn đề vẫn chưa đủ tồi tệ, cuộc sống bên ngoài sân cỏ cũng không hề sáng sủa hơn đối với Bergkamp, vì là một người hướng nội, việc hòa nhập với các đồng đội trong phòng thay đồ đã trở nên vô cùng khó khăn đối với tiền đạo người Hà Lan. Khi được phỏng vấn về khoảng thời gian của Bergkamp tại Inter, cả Bergomi và Ferri đều chỉ trích việc ông đã không hề cởi mở với các đồng đội. Ferri là người phê bình gay gắt nhất, “cậu ta quá lạnh lùng. Tất cả mọi người trong đội đều đã cố gắng kết bạn với cậu ta, nhưng cậu ta lúc nào cũng xa cách, lạnh nhạt.” Còn Bergomi thì nhận xét một cách nhẹ nhàng, mang tính “nói giảm nói tránh” hơn, “Dennis đáng lẽ ra đã nên nỗ lực hơn để hòa nhập, để trở nên ‘Ý’ hơn.”
 
Mối quan hệ đối tác trên hàng công giữa ông và Sosa, thứ vốn đã không hề hoạt động hiệu quả, cũng trở nên ngày càng tệ hơn khi cầu thủ người Uruguay mô tả Bergkamp với cánh truyền thông Ý là “một gã kì quặc và cô độc” và rằng ông “không mấy khi cười, cũng chả nói năng gì nhiều, tôi sẽ không đời nào chuyền bóng cho hắn đâu”.
 
Nếu tốc độ bá đạo và cái phong cách cắm đầu đi bóng của tiền đạo nhỏ con người Uruguay đã phù hợp một cách hoàn hảo với chiến thuật của Bagnoli, thì nhãn quan tuyệt đỉnh của Bergkamp lại không được như vậy. Nếu Bergkamp phải cần đến một người cộng sự ăn ý để tỏa sáng, thì Sosa chắc chắn là một “nghệ sĩ độc tấu”; mối quan hệ đối tác của họ hoàn toàn là một sự thất bại.
 
Bagnoli đã phải nhận trát sa thải sau trận thua với tỷ số 2-1 ngay trên sân nhà của Inter trước Lazio vào tháng 2 năm 1994, và được thay thế bởi Giampiero Marini, người cũng chỉ có thể dẫn dắt họ giành được vỏn vẹn 2 chiến thắng trong 12 trận còn lại của mùa giải, để rồi cán đích ở một vị trí cách nhóm xuống hạng duy nhất 1 điểm. Tuy nhiên, chiến dịch năm ấy cũng có thể gọi là đã kết thúc trong vinh quang, khi họ đánh bại Casino Salzburg trong cả hai lượt trận để giành chức vô địch UEFA Cup, và Bergkamp chính là cây săn bàn hàng đầu của giải đấu với 8 pha lập công. 
 
Nếu màn dạo đầu của Bergkamp trên đất Ý là một mùa giải đầy khó khăn, thì mùa giải thứ hai, và cũng là chiến dịch cuối cùng của ông trong màu áo Inter, thậm chí còn khó khăn hơn. Người được Pellegrini giao cho trọng trách lèo lái Inter trong mùa giải ấy là vị cựu huấn luyện viên trưởng của Napoli, Ottavio Bianchi, một người mà theo như lời kể của Bergkamp, là sẽ khoe khoang chuyện mình từng dẫn dắt Diego Maradona khoảng “vài lần … mỗi tiếng”. Một thói quen mà theo như tiền đạo người Hà Lan cảm nhận, là thiếu tôn trọng với những cầu thủ hiện tại của ông ta.
 
Bergkamp đã kể về một lần Bianchi đi chơi tennis với người trợ lý của ông ta trong thời gian giải lao giữa các buổi tập. Để đến sân tennis, họ sẽ phải đi bộ qua sân tập, vượt qua dãy phòng thay đồ và thêm hai sân bóng nữa, khi ấy, Bergkamp đã nhìn thấy Bianchi thoải mái bước đi phía trước với chỉ một chiếc điện thoại trên tay, còn người trợ lý lớn hơn ông ta vài tuổi thì phải tay xách nách mang cả hai cây vợt, bốn chai nước và một cái túi. Đối với Bergkamp, đó là một hành động không thể nào chấp nhận được, và mất sạch sự tôn trọng đối với Bianchi kể từ ngày hôm ấy. 

 
Tuy nhiên, khác với Bagnoli, Bianchi đã cố gắng thay đổi phong cách thi đấu của Inter. Ông đã thi triển đấu pháp pressing trong hai trận giao hữu tiền mùa giải, nhưng rốt cuộc thì cũng phải mau chóng quay về với lối chơi cũ. Nhận thấy rằng thứ chiến thuật ấy không thể hoạt động hiệu quả tại đội bóng này. 
 
Chịu đựng những chấn thương và kiệt sức sau USA’94, Bergkamp đã phải trải qua thêm một mùa giải thảm họa khác, chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn trên mọi đấu trường; trớ trêu thay, bàn thắng cuối cùng của ông trong màu áo Nerazzurri là trên sân San Paolo – nơi mà Bianchi đã được tận hưởng khoảng thời gian ngọt ngào nhất trong sự nghiệp cầm quân của mình, đồng thời cũng là nguồn gốc của sự bất đồng giữa ông và tiền đạo người Hà Lan. 
 
Như thể chỉ riêng chuyện “cơm không lành canh không ngọt” với Bianchi là chưa đủ tồi tệ, mối quan hệ giữa Bergkamp và cánh truyền thông nước Ý giờ đây cũng đã trở thành thù địch; bởi hành động đổ thêm dầu vào lửa của họ khi rêu rao rằng tiền đạo người Hà Lan đang phải trải qua những vấn đề trầm trọng về tâm lý và dẫn đến “chứng rụng tóc.”
 
Vào tháng 6 năm 1995, Bergkamp đã cử người đại diện của ông đến nói chuyện với chủ sở hữu mới của Inter, Massimo Moratti, và bắt ông ta phải đưa ra một sự lựa chọn; hoặc Moratti sa thải Bianchi và mang về những cầu thủ mới, hoặc Dennis sẽ ra đi. Moratti, sau khi bị thuyết phục bởi vị trí thứ 6 mà Bianchi giúp Inter chiếm được ở mùa giải trước, đã nói với người đại diện của Bergkamp rằng ông hoàn toàn tin tưởng vào nhà cầm quân này.  
 
Vài tuần sau đó, tiền đạo người Hà Lan đã gia nhập Arsenal. 


Bergkamp, với việc kiên quyết không buông bỏ các nguyên tắc của triết lý bóng đá Hà Lan đã ăn sâu vào máu mình, nhận thức rằng ông sẽ không bao giờ có thể đạt được sự thành công tại Serie A. Trong khi Franco Baresi, Paolo Maldini và các đồng đội đã chấp nhận thích nghi và được hưởng lợi với cái phong cách bóng đá mới mẻ mà Sacchi truyền bá, thì tại Inter, những Bergomi, Battistini và Ferri đã không sẵn lòng, hoặc chỉ đơn giản là không thể thích nghi được với các thay đổi.

Mấu chốt của vấn đề là Bergkamp đã không may bị mắc kẹt giữa cuộc chiến về tôn giáo của nền bóng đá Ý, giữa những người trung thành với truyền thống, có tư duy bảo thủ, cảm thấy bị đe dọa bởi sự thay đổi, và những người ủng hộ sự đổi mới đang cố gắng đẩy mạnh cuộc cách mạng. 
 
Rốt cuộc, sự mất mát của Serie A lại chính là thắng lợi của Premier League, nơi mà Bergkamp, cùng với Arsene Wenger, đã thay đổi không chỉ một câu lạc bộ, mà là cả một giải đấu. 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “BERGKAMP, INTER AND ITALIAN RELIGION” của tác giả Emmel Gates, đăng tải trên IBWM.
 
Xem thêm:
Siêu phẩm của Dennis Bergkamp khó được tái hiện
Huyền thoại đang giữ kỷ lục về số bàn thắng ghi được tại Premier League Alan Shearer đã hết lời khen ngợi bàn thắng để đời của tiền đạo Dennis Bergkamp vào...
Dennis Bergkamp và nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo
Từ khi còn nhỏ, qua những trận bóng ở giải VĐQG Anh được phát trên truyền hình, Bergkamp đã rất hâm mộ Glenn Hoddle bởi những pha hất bóng lên không rồi khống...
Dennis Bergkamp: Phía sau những kiệt tác nghệ thuật là…
Ở thời đại của Bergkamp, những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ trước và vài năm đầu thế kỉ 21, Bergkamp đã đi vào giấc mơ của các fan bóng đá ở Việt Nam,...
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.