Deco: Khai sáng châu Âu bằng nghệ thuật Baroque

Tác giả Ole - Thứ Năm 15/09/2016 16:26(GMT+7)

Johan Cruyff từng nói rằng: “Deco chính là bóng đá”. Chỉ cần một lời nhận xét đơn giản như vậy thôi, có lẽ cũng là quá đủ để người ta thấu hiểu về ngôi sao người Bồ Đào Nha. Trong suốt những năm tháng đỉnh cao, Deco từng được cả thế giới xem như một phù thủy trên sân cỏ. Bằng chính đôi chân kỳ diệu và huyền ảo của mình, anh đã biến bóng đá trở thành một thứ nghệ thuật lãng mạn theo đúng nghĩa, bất chấp luôn cả sự thay đổi của thời cuộc.
Deco Người khai sáng châu Âu bằng nghệ thuật Baroque
THỦ LĨNH THẾ HỆ VÀNG CỦA PORTO

Sinh ra và lớn lên tại Sao Bernado do Campo, một đô thị tương đối “phức tạp” thuộc bang Sao Paulo, Brazil, cậu bé Deco ngay từ khi còn nhỏ đã cố gắng nuôi dưỡng ước mơ bóng đá đỉnh cao của mình thông qua những trận đấu đường phố. Trong màu áo đội trẻ Corinthians, Deco đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với các tuyển trạch viên Benfica, vốn là những người đặc biệt ưa thích tìm kiếm nguồn tài năng dồi dào từ khu vực Nam Mỹ. Mặc dù vậy, cuộc phiêu lưu đến đất nước Bồ Đào Nha của Deco cũng không hề suôn sẻ như dự kiến ban đầu.
 
Lần lượt bị đem đi cho mượn tại Alverca trước khi phải chuyển sang thi đấu cho Salgueiros, cái tên Deco tưởng chừng như sẽ trở nên tầm thường hơn bao giờ hết bởi những màn trình diễn nhạt nhòa cùng các ca chấn thương dai dẳng. Nhưng rồi, bước ngoặt đến từ bản hợp đồng với Porto vào tháng Ba năm 1999 đã thực sự cứu rỗi cuộc đời của chàng tiền vệ sinh năm 1977 này. Dưới triều đại HLV Jose Mourinho, Deco dần dần trở thành “hạt nhân” quan trọng nhất giúp đội bóng chủ sân Dragao thống trị nền bóng đá Bồ Đào Nha, đồng thời bước lên đỉnh châu Âu. Hai mùa giải liên tiếp (2002/03 và 2003/04), Porto đều đăng quang đấu trường quốc nội. Năm 2003, thầy trò Mourinho đã đánh bại Celtic để đoạt danh hiệu UEFA Cup. Mùa bóng 2003/2004, Porto lại tiếp tục viết nên một câu chuyện cổ tích khác bằng chức vô địch Champions League lịch sử, sau thắng lợi tưng bừng 3-0 trước AS Monaco.
 
Deco chính là nhân tố chủ chốt trong kỷ nguyên vàng của Porto
Nhắc đến Porto trong giai đoạn này, điều dễ dàng nhận thấy nhất chính là sơ đồ chiến thuật 4-3-1-2 cùng lối chơi phòng ngự phản công đầy chắc chắn, vốn được xem là “đặc sản” của Jose Mourinho. Từ Costinha, Maniche cho đến Dmitri Alenichev… tất cả đều là những “chiến binh” thực thụ, đại diện tiêu biểu cho làn sóng tiền vệ phòng ngự kiểu mới đang nổi lên tại châu Âu vào thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, chẳng mấy ai để ý rằng, chính Deco mới là mắt xích không thể thay thế, một người luôn giữ nhiệm vụ giúp cho cả cỗ máy Porto vận hành trơn tru và hiệu quả. Tại sân Dragao, cầu thủ gốc Brazil được xếp chơi ở vị trí của một “số 10” thuần chủng. Mặc dù vậy, thay vì cố gắng vẽ vời nên những tình huống kỹ thuật cá nhân quá màu mè, Deco thường hết sức tuân thủ theo những ý tưởng chiến thuật từ phía ông thầy khó tính Mourinho.
 
Một thống kê cực kỳ thú vị là trong vòng ba mùa giải, từ 2001/02 đến 2003/04, số lượng bàn thắng của Deco… giảm dần. Cụ thể, ở mùa bóng 2001/02, Deco đã ghi tổng cộng 19 bàn trên mọi đấu trường, một hiệu suất chẳng hề thua kém các tiền đạo là mấy, nhưng rồi đội bóng chủ sân Dragao lại hoàn toàn “trắng tay”. Bước sang năm sau, con số này nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 12 pha lập công, Porto giành chức VĐQG, Siêu cúp Bồ Đào Nha và UEFA Cup. Và cho đến mùa giải “thần thánh” 2003/04, khi mà thầy trò HLV Mourino đoạt được cú đúp danh hiệu quốc nội và Champions League, thậm chí Deco chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn thắng.

Rõ ràng, phong cách chơi bóng cũng như tính hiệu quả của ngôi sao người Bồ (Deco bắt đầu nhập tịch BĐN từ năm 2002) không hề được “cân đo đong đếm” thông qua số lượng bàn thắng. Thay vào đó, khả năng xoay chuyển trạng thái của toàn đội (từ công sang thủ hoặc ngược lại) trong những tình huống cụ thể trên sân cỏ mới chính là điều biến Deco trở thành một trong những tiền vệ xuất chúng nhất của bóng đá đương thời.
 
VƯƠN ĐẾN ĐỈNH CAO TẠI CAMP NOU

Thành công kỳ diệu cùng FC Porto chính là tấm vé thông hành quan trọng đưa Deco đến với Barca vào mùa Hè năm 2004, thời điểm mà đội bóng xứ Catalonia vẫn còn đang gặp vô vàn khó khăn ở giai đoạn bắt đầu kỷ nguyên Frank Rijkaard. Khi ấy, cũng xuất hiện khá nhiều ý kiến cho rằng Deco sẽ khó lòng thể hiện được năng lực trong màu áo Barca bởi lối chơi của anh có phần tương đồng với Ronaldinho. Tuy nhiên, khác với Jose Mourinho, thay vì tiếp tục để cầu thủ người Bồ chơi ở vị trí “số 10” quen thuộc, một khu vực mà Ronaldinho thường xuyên có xu hướng di chuyển bó vào để hoạt động, HLV Rijkaard đã quyết định xếp Deco đá thấp hơn, giống như một tiền vệ lệch phải trong tuyến giữa 3 người. Để rồi, chính sự kết hợp hoàn hảo giữa bộ đôi Ronaldinho và Deco đã mở ra một thời kỳ thống trị cho Barca từ năm 2004 đến 2006.
 
“Deco và Ronaldinho có thể khiến trời đổ mưa”, đích thân HLV Felipe Scolari đã nói vậy sau khi chứng kiến hai cầu thủ này tung hoành trong màu áo Barca. Dưới thời Rijkaard, nếu như Ronaldinho được xem là nguồn cảm hứng bất tận trên hàng công thì Deco chính là “nhạc trưởng” của CLB chủ sân Camp Nou, một người giữ vai trò điều tiết lối chơi cho toàn đội. Sở hữu nền tảng kỹ thuật cá nhân tự nhiên được trui rèn qua những năm tháng chơi bóng trên đường phố, Deco luôn biết cách khiến cho đối phương phải cảm thấy ức chế vì không thể lấy được bóng trong chân mình. Rê dắt bóng khéo léo, xử lý tình huống ngẫu hứng, sáng tạo, khả năng sút xa, sút phạt cũng đều tốt, thế nhưng yếu tố quan trọng hơn cả giúp cho ngôi sao người Bồ Đào Nha dễ dàng thích nghi tại châu Âu chính là tư duy phòng ngự.
 
"Deco và Ronaldinho có thể khiến trời đổ mưa"
Cần phải nhấn mạnh rằng, bóng đá trong giai đoạn đầu thiên niên kỷ mới từng chứng kiến sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của các tiền vệ con thoi giàu năng lượng, một xu hướng khiến cho mẫu cầu thủ “số 10” trở nên nhạt nhòa và không còn chỗ đứng. Mặc dù vậy, đối với Deco, điều này không hề đồng nghĩa với việc anh sẽ phải chấp nhận thay đổi phong cách của mình. Không ai khác, chính ngôi sao gốc Brazil là người đã đặt những nền móng tiên phong cho trào lưu phát triển mẫu tiền vệ tổ chức tấn công từ phía sau. Ở vị trí của một tiền vệ “box-to-box”, Deco vẫn là người trực tiếp điều khiển toàn bộ lối chơi bên phía Barca, vẫn kiến tạo, vẫn ghi bàn. Và đặc biệt, anh luôn sẵn sàng tham gia vào hệ thống phòng ngự chung nhờ khả năng phán đoán tình huống cực tốt. Ít ai biết rằng Deco từng phải nhận tổng cộng… 17 thẻ vàng chỉ riêng trong mùa giải 2002/2003, khi vẫn còn khoác áo Porto, chủ yếu đến từ những pha phạm lỗi mang tính “chiến thuật”.
 
Hai chức vô địch La Liga liên tiếp (2004/05 và 2005/06) cùng danh hiệu Champions League năm 2006 chính là những thành quả phản ánh rõ nét nhất về giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của Deco. Trong một ngày đẹp trời, chỉ cần tiền vệ người Bồ Đào Nha và Ronaldinho thi đấu đúng với phong độ, chắc chắn cả thế giới sẽ phải gục ngã trước Barca. Để rồi, các culé giờ đây sẽ còn nhớ mãi về những pha qua xỏ háng qua người đầy tinh tế của Deco, trước khi anh bình tĩnh vượt qua đối thủ bằng cách “nhảy cả hai chân lên” (tránh chấn thương).

Nói gì về Deco ư? Cậu ta có thể là một tên phù thủy, sự sáng tạo, một loại ma thuật hay bất kỳ thứ gì đó không thể đoán trước được.
Jose Mourinho khen ngợi cậu học trò cũ trên truyền hình
 
KHAI SÁNG CẢ CHÂU ÂU BẰNG NGHỆ THUẬT BAROQUE

Phong cách Baroque từng được xem là dấu ấn tiên phong mở ra trào lưu Khai sáng ở châu Âu vào giữa thế kỷ XVII, nổi tiếng bởi sự tương phản và bất đối xứng. Trong tiếng Bồ Đào Nha, bản thân từ “Baroque” có nghĩa là “viên ngọc trai không đều”. Đánh giá ở một góc độ nào đó, vẻ đẹp của Deco trên sân bóng dường như cũng xuất phát từ những điều tương tự. Bằng chính đôi chân ma thuật của mình, chàng trai đến từ Sao Bernado do Campo có thể vẽ vời nên những đường cong tuyệt vời nhất, nhưng rồi, trong một khoảnh khắc đen tối nào đấy, anh lại sẵn sàng phạm lỗi chỉ nhằm mục đích ngăn cản đối thủ bằng mọi giá. 
 
Một cách tổng thể hơn nữa thì Deco chính là hiện thân của xu hướng tiền vệ trung tâm kiểu mới được hình thành trong nửa sau thập kỷ 2000, từ Xavi, Iniesta, Cesc Fabregas cho đến Luka Modric hay Toni Kroos, một kẻ đặt nền móng cho những giá trị xưa cũ giao thoa với phong cách hiện đại. Khoảng thời gian sau này, mặc dù không còn giành được nhiều thành công trong màu áo Chelsea cũng như Fluminense, tuy nhiên cả thế giới vẫn luôn ghi nhận cầu thủ gốc Brazil như một tiền vệ xuất chúng và tài năng nhất lịch sử đương thời. Bên cạnh đó, đối với tất cả những ai từng có diễm phúc được chứng kiến ngôi sao người Bồ chơi bóng trên thảm cỏ Camp Nou hay bất kỳ nơi nào ở châu Âu, sẽ đều phải thừa nhận rằng, “Deco là duy nhất”.
 
Tinh tế nhưng cũng không kém phần hiệu quả
***
 
Thời điểm hiện tại, trải qua ba cuộc tình với 5 đứa con thơ, Deco đã không còn theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số nữa. Sau biết bao thăng trầm của cuộc đời, anh quyết định trở về quê hương để tiếp tục giúp đỡ những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh khốn khó. Tại thành phố Idaiatuba, thuộc bang Sao Paulo, Deco thành lập học viện bóng đá mang chính tên mình, nơi sẵn sàng chào đón những số phận kém may mắn đang từng ngày phải đấu tranh giữa con đường buôn ma túy, hoặc chấp nhận… bị bỏ đói đến chết. Cá nhân Deco cũng hy vọng rằng, với dự án này, anh sẽ chắp cánh cho ước mơ của rất nhiều cậu bé đang phải sống lang thang trong các favela (khu ổ chuột) tại Brazil, vốn tràn ngập sự cám dỗ từ những tệ nạn xã hội.
 
Ở đây, những đứa trẻ rất dễ dàng sa ngã vào con đường tệ nạn. Ma túy được buôn bán công khai trên khắp đường phố, bạo lực, bắn giết lẫn nhau là chuyện hết sức bình thường. Tôi muốn những cậu bé gia nhập học viện không chỉ học bóng đá mà còn được chỉ dạy nhiều điều về cuộc sống để sau này có thể tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn những gì mà chúng từng phải đón nhận khi vừa mới sinh ra.
Deco tâm sự

Vậy đấy, từ một kẻ từng khai sáng cả châu Âu bằng thứ ma thuật “Baroque” trên sân bóng, giờ đây Deco lại tiếp tục theo đuổi cuộc hành trình khai sáng cuộc đời cho những số phận bất hạnh. Chẳng biết trong tình yêu, cựu danh thủ Bồ Đào Nha đào hoa tới mức nào, nhưng ít nhất thì cả 5 đứa con của anh bây giờ đều có thể tự hào về cha mình, một người cha với trái tim bao dung và tấm lòng rộng mở…

OLE (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kieran McKenna: Vua về nhì của Ipswich Town

Ở 2 mùa giải gần nhất, Kieran McKenna 2 lần cùng Ipswich Town về nhì, nhưng chẳng có gì phải buồn hay tiếc nuối, vì cả 2 lần về nhì kể trên đều mang lại niềm vui cho mọi CĐV của CLB này.

Có một Jadon Sancho tự tin và kiêu hãnh ở Dortmund

Jadon Sancho rời Dortmund gia nhập Man United vào mùa Hè 2021. Ba mùa giải cuối cùng cho Dortmund trước khi cập bến "Quỷ đỏ", tổng thành tích ghi bàn và kiến tạo mỗi mùa của Sancho luôn là +29 G/A. Trong 2 mùa giải rưỡi khoác áo MU trước khi trở lại Dortmund theo Hợp đồng cho mượn, Sancho chỉ đặt dấu giày vào… 18 bàn.

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.