Declan Rice: Chiến binh, nhạc trưởng & nhà thông thái

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 12/05/2024 16:49(GMT+7)

Zalo

Vào một buổi chiều thứ Hai tại sân tập của Arsenal ở London Colney, Declan Rice đang xem qua những đoạn clip do The Athletic tổng hợp và suy ngẫm về quá trình phát triển của mình kể từ khi chia tay West Ham để gia nhập The Gunners với mức phí chuyển nhượng 105 triệu bảng Anh – con số cao kỷ lục trong lịch sử CLB – vào mùa hè năm ngoái.

442459289_1247027742932930_3240260521952181163_n
 

Lượng thời gian mà một cầu thủ phải tiêu tốn để có thể học hỏi và thích nghi với một hệ thống mới sau khi chuyển tới một đội bóng mới là một khía cạnh thường bị hầu hết mọi người xem nhẹ, nhưng nó có thể nói lên mọi thứ về năng lực chuyên môn và trí thông minh của Rice, những tố chất đã giúp anh nắm bắt tốt và thực hiện chính xác các nhiệm vụ mà mình được yêu cầu dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Mikel Arteta. 

Cùng với nguồn tư liệu từ The Athletic, tiền vệ 25 tuổi đã “mổ xẻ” lối chơi của mình một cách rất chi tiết và hấp dẫn, đồng thời chia sẻ thẳng thắn về quá trình thích nghi của mình với trang mới của cuộc đời. 

Sau đây là những phân tích do đích thân Declan Rice thực hiện…

***

Trận đấu với Crystal Palace, trên sân khách. Rice có lần thứ 2 ra sân cho Arsenal ở Premier League và đảm nhận nhiệm vụ cầm trịch cuộc chơi.

Vai trò của anh trong khâu triển khai bóng là rất quan trọng, ví dụ điển hình là một tình huống luân chuyển bóng ở phút thứ 22, khi tiền vệ 25 tuổi cùng với Aaron Ramsdale và William Saliba tạo thành một tam giác phối hợp ở rìa vòng cấm The Gunners, sau đó kết thúc bằng một đường chuyền tới Thomas Partey ở cánh phải. Từng chuyển động, hành động của Rice khi ấy thực sự tuyệt vời.

Liệu đó là “sản phẩm” của trực giác, hay là do được Arteta huấn luyện mà thành? 

“Chúng được tôi luyện hàng ngày, tùy thuộc vào đối thủ mà chúng tôi phải đụng độ và đấu pháp mà họ triển khai trước chúng tôi,” Rice chia sẻ. “Vậy nên chúng tôi thường xem các đoạn clip và nghiên cứu cách đối thủ pressing, liệu họ sẽ chơi phòng ngự 1 kèm 1 hay đổ bê tông trước khung thành. Chìa khóa để ‘unlock’ một hệ thống phòng ngự luôn là tìm ra một cầu thủ được tự do.

“Hãy xem lại phần đầu clip, tôi có thể nhận bóng là nhờ (Odsonne) Edouard đã lao tới pressing thủ môn. Nếu (Eberechi) Eze là người làm thế thì tôi sẽ không có được tuyến đường chuyền bóng tới Saliba như thế kia. Vì Edouard đã chạy tới sát đường biên ngang nên tôi có thể di chuyển để nhận bóng rồi đưa nó tới cho cầu thủ tự do. Chìa khóa then chốt khi ấy chính là sự kiên nhẫn. Tôi đã làm tốt khâu lựa chọn thời điểm di chuyển khi Edouard lao tới thủ môn – Tôi biết Ramsdale sắp chuyền bóng cho tôi vì Edouard đang lao tới cậu ấy.

rice_palace_build_up
 

Vậy giai đoạn tiếp theo thì sao?

“Tôi nhìn thấy rất nhiều khoảng trống và 2 đối thủ (Edouard và Eze) đang hoàn toàn tập trung vào quả bóng, thế nên tôi tách khỏi họ và lại được tự do lần nữa.”

Nghe Rice kể thì có vẻ đơn giản, nhưng thực tế thì một cầu thủ chơi tại vị trí của anh sẽ phải đưa ra nhiều quyết định chỉ trong tích tắc để phản ứng với thời điểm và địa điểm di chuyển của các đối thủ, tại một khu vực sân đấu mà bất kỳ sai lầm nào cũng có thể dẫn tới thảm họa.

Cuối hiệp một, tại một vị trí trên cao hơn nhiều, cụ thể là ở rìa vòng cấm đối thủ, Rice đã di chuyển ra sau lưng Eze một lần nữa để nhận bóng và kiến tạo cho Eddie Nketiah một cơ hội ghi bàn. Thật bất ngờ khi thấy anh dâng cao đến vậy.

Phải chăng anh đã được trao cho quyền tự do tiến lên những vị trí như thế?

rice_palace_runs_forward
 

“HLV trưởng gọi những tình huống kiểu vậy là dâng lên với một ‘độ cao lý tưởng’. Nếu tôi mà lui xuống (quá sâu) thì pha tổ chức tấn công này sẽ chẳng thể phát triển. Chúng tôi sẽ phải chuyền về cho Ben (White) và cuối cùng quả bóng được trả lại cho các trung vệ. Đó là lý do ông ấy bảo rằng mình luôn muốn số 6 của đội phải hiện diện ở một ‘độ cao lý tưởng’ trên sân đấu.

“Rõ ràng là tôi đã đọc tình huống tốt trong pha tấn công này, dâng lên chiếm lĩnh khoảng trống và chọc khe kiến tạo cơ hội cho Eddie. Trông thì có vẻ đơn giản, nhưng những động thái này đòi hỏi cả một quá trình suy nghĩ rất sâu sắc.”

Trong quá trình diễn giải cho Rice về dự án của Arsenal, Arteta đã phân tích chi tiết về cách thức thi đấu và những nhiệm vụ mà ông muốn áp dụng lên tiền vệ này tại The Gunners – trong đó bao gồm cả 2 vai trò số 8 và số 6. 

“Ông ấy bảo tôi có khả năng ghi bàn, kiến tạo và mở ra các cơ hội xuyên phá đối thủ,” Rice hồi tưởng. “Nhưng rõ ràng ông ấy cũng nhận thức rất rõ rằng sở trường hàng đầu của tôi là chơi ở vị trí tiền vệ số 6.”

Thử thách lớn nhất mà Rice phải chinh phục sau khi ký hợp đồng với Arsenal chính là hiện thực hóa tầm nhìn của Arteta dành cho anh càng nhanh càng tốt. Để hỗ trợ cho quá trình đó, anh đã thường xuyên có những cuộc họp chiến thuật với nhà cầm quân người Tây Ban Nha và các thành viên còn lại của ban huấn luyện trong xuyên suốt giai đoạn tập huấn tiền mùa giải để nghiên cứu về hệ thống của The Gunners.

Rice mỉm cười khi nghe đoạn trích từ một bài báo trên tờ The Athletic viết về giai đoạn đầu trong sự nghiệp khoác áo Arsenal của anh. Nó có đề cập đến chuyện ban huấn luyện đã rất ấn tượng với tốc độ nắm bắt của tiền vệ này đối với những gì mà họ muốn ở anh, và cả việc anh có thể trả lời rất nhanh khi được đặt câu hỏi về những cảnh quay lấy từ các trận đấu. 

Liệu hiện tại anh có còn phải trả lời các câu hỏi kiểu vậy hay không?

“Ừ, tới giờ vẫn thế - trước mặt cả đội,” Rice cười.

“HLV trưởng sẽ yêu cầu chúng tôi vừa xem video, vừa ‘mổ xẻ’ chi tiết mọi thứ, chẳng hạn như các pha pressing của chúng tôi và nơi mà chúng tôi nên di chuyển tới: ‘Nếu cầu thủ kia lui xuống, vậy thì ai phải chiếm lĩnh vị trí kia?’. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy bối rối vì không biết câu trả lời.”

Anh kể tiếp: “Trong quá trình tôi học hỏi đã có một số khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng cũng có những khoảnh khắc mà ai cũng có thể thấy là tôi cần phải cải thiện rất nhiều. Sau đó, tôi tiếp tục xem rất nhiều video và cố gắng tiến bộ trên sân tập. Tôi nghĩ màn thể hiện tệ hại và lạc lõng trong trận giao hữu tiền mùa giải với Manchester United chính là một trong những chất xúc tác đã thúc đẩy tôi bứt phá.”

Tốc độ phát triển của Rice là cực nhanh. Khi Arsenal hành quân đến Everton vào giữa tháng 9, tiền vệ này đã trông hoàn toàn thoải mái với những nguyên tắc đằng sau các mảng miếng luân chuyển bóng và di chuyển của The Gunners.  

Có một tình huống phối hợp trong hiệp 1 của trận đấu ở Goodison Park, với sự tham gia của Martin Odegaard, Saka, White và Rice, mang đậm những nét đặc trưng của Arsenal thời nay.

Khi Rice nhận đường chuyền của Saka, anh đón bóng bằng chân trái và định hướng cơ thể giống như sắp đưa nó sang phía cánh trái sân đấu. Trên lý thuyết, tiền vệ 25 tuổi có thể phất bóng về phía cột xa. Thay vào đó, anh thả lỏng vai, chuyển hướng bóng bằng má ngoài chân phải và quay trở lại với khu vực xuất phát của tình huống phối hợp, rồi chuyền cho White đang có khoảng trống. 

rice_everton_right
 

“Chúng tôi rất xem trọng việc phối hợp tổ chức tấn công giữa những cầu thủ chơi cùng một bên cánh,” Rice chia sẻ. 

“Chúng tôi sẽ có lợi thế quân số vì ở đây đang hiện diện 2 cầu thủ khác,” anh nói tiếp, chỉ tay vào White và Saka. “Tôi biết Saka đã ‘trói chân’ Dwight McNeil và White đang ở thế chồng biên.

“Còn Odegaard thì đang ‘cầm chân’ tay hậu vệ cánh (Vitaliy Mykolenko), rõ ràng là nếu tôi cầm bóng và chuyền cho Ben, cậu ấy sẽ có điều kiện thuận lợi để thoải mái tung ra một quả tạt.

“Nhưng trước tiên tôi phải giả vờ rằng mình sẽ đưa bóng tới hướng kia trước khi chuyền nó đến hướng ngược lại, toàn bộ đối thủ sẽ bị đánh lạc hướng. Vì vậy, đó chính là lý do bạn thấy chúng tôi thực hiện rất nhiều pha tấn công như thế này.” 

Có một đoạn clip khác cũng từ trận đấu này đã dẫn tới một cuộc thảo luận thú vị về một khía cạnh trong lối chơi của Rice đã thay đổi mạnh tại Arsenal.

Đoạn clip bắt đầu với cảnh Rice chuyền bóng cho Saka ở cánh phải, sau đó dâng lên nhận lại bóng và tung ra một cú phất dài chéo sân đưa nó sang cánh trái.

“Nhìn xem, tôi lại một lần nữa dâng lên một ‘độ cao lý tưởng’ mà HLV trưởng đã đề cập,” Rice phân tích. “Sau khi tôi thực hiện đường chuyền đó (cho Saka), nếu là ‘Rice của ngày trước’ thì tôi sẽ chỉ chờ đợi phía sau quả bóng, lui xuống và giữ vị trí, để mặc tiền đạo cánh đồng đội đơn đả độc đấu với đối thủ - nhưng thay vào đó, tôi đã thoát ra phía sau tiền đạo của Everton (Beto), dâng lên một ‘độ cao lý tưởng’, nhận bóng và đảo cánh.”

rice_everton_diag
 

Sự thay đổi trong khuynh hướng di  chuyển, chọn vị trí của Rice quả thật rất thú vị, nhưng chính cái cách mà anh kết thúc pha phối hợp ở cánh phải đó – với một cú phất dài chéo sân cho Trossard – mới là nét thay đổi lớn nhất trong lối chơi của tiền vệ này kể từ khi gia nhập Arsenal.

Mặc dù Rice đã thỉnh thoảng thực hiện những pha đảo cánh với một cú phất dài chéo sân trong màu áo The Gunners, nhưng đây lại là kiểu đường chuyền mà anh đang rất hiếm khi thực hiện so với thời còn chơi cho West Ham. 

“Thật ra thì HLV trưởng không thích những cú phất dài chéo sân như thế,” Rice chia sẻ.

“Ông ấy chỉ thích chúng nếu chúng tôi thu được lợi thế rõ rệt gì đó sau khi làm vậy mà thôi. Nhưng xem này, sau đường chuyền dưới đây của tôi cho Saka, tuy hầu hết mọi người đều sẽ nói, ‘chuyền tuyệt đấy’, nhưng hãy tua ngược clip và bấm tạm dừng.

“Nhìn xem, chẳng có ai hiện diện ở phía trong sân đấu để cùng phối hợp với Saka cả và một cầu thủ Brighton nữa đang lao tới cậu ấy.

rice_bha_diag
 

“Vì vậy, nếu thấy chuyền kiểu đó sẽ thu được lợi thế nào đó, tất nhiên là bạn nên mạnh dạn quất luôn. Nhưng nếu chuyền thế chẳng được tích sự gì, ông ấy muốn chúng tôi thực hiện các pha phối hợp bóng ngắn, thu hút đối thủ áp sát, và chuyền bóng quanh họ để tạo ra khoảng trống cho cậu tiền đạo cánh.”

Chủ đề này vốn cũng đã làm dấy lên một cuộc tranh luận thú vị trong giới học thuật bóng đá. Vào năm 2014, Colm McMullan, cha đẻ của ứng dụng Stats Zone trực thuộc Opta, đã có một bài thuyết trình tại diễn đàn Opta đầu tiên, được hỗ trợ bởi những nghiên cứu do chính ông thực hiện, với chủ đề “Xin hãy ngừng hoan nghênh những đường chuyền dài chéo sân”.

Đối với một số đội bóng, đặc biệt là những đội thích chơi phòng ngự phản công, thì những đường chuyền dài đảo cánh có thể là một ngón đòn cực kỳ hiệu quả. Một trong các ví dụ tiêu biểu chính là thuở Rice đang thi đấu dưới sự dẫn dắt của David Moyes ở West Ham, nơi anh được khuyến khích thực hiện những cú phất dài chéo sân đưa bóng ra 2 cánh từ phía trong sân đấu càng nhiều càng tốt.

Còn ở Arsenal là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bản đồ chuyền bóng của Rice trong 6 mùa giải qua sẽ giúp bạn thấy rõ điều đó.

a5
 

“Đúng thế,” tiền vệ người Anh đồng tình. “Ở West Ham mùa trước, tôi đã thực hiện rất nhiều đường chuyền dài. Nhưng đó là phong cách bóng đá chung của đội. Moyes muốn tôi ‘sắm vai’ một ‘hậu vệ cánh ảo’ (ở cánh trái) bởi vì khi làm vậy tôi có thể cầm bóng di chuyển cắt vào phía trong sân đấu và phất nó sang cánh đối diện. Và, như anh có thể thấy (qua các bản đồ trên), tôi đã tung ra rất nhiều đường chuyền dài về phía cánh phải – đó là một nét đặc trưng giữa tôi, (Vladimir) Coufal, và (Jarrod) Bowen, là kiểu phối hợp quen thuộc giữa tôi và họ.”

a6
 

Rice chuyển sự chú ý sang bản đồ thể hiện “các đường chuyền đảo cánh” của mình tại Arsenal. “Ít quá nhỉ,” anh mỉm cười. “Lối chơi của chúng tôi không thực sự chào đón những cú phất dài chéo sân. Trừ khi chúng thực sự mang tới một lợi thế rõ rệt.”

Ngoài việc đá cao hơn và chủ yếu chuyền ngắn sau khi khoác áo Arsenal, Rice đã xây dựng được sự ăn ý tuyệt vời với các đồng đội trong tập thể The Gunners.

Có rất nhiều ví dụ về những đường chuyền đưa bóng tới các khoảng không gian giữa 2 tuyến đối thủ được Rice thực hiện, dành cho Odegaard, Saka và cả Leandro Trossard, với sự chính xác, tốc độ và  khả năng ‘nguỵ trang’. 

rice_prog_pass
 

Khi tiền vệ 25 tuổi khoác áo đội tuyển Anh cũng thế, với những tình huống kết nối với Jude Bellingham và Phil Foden theo cách tương tự.

rice_eng
 

“Mọi người không nghĩ tôi giỏi thực hiện những đường chuyền này,” Rice nói. “Nhưng bất cứ khi nào có cơ hội thực hiện chúng, tôi đều sẽ mạnh dạn quất luôn.”

***

Trước khi xem xét các bàn thắng và những pha kiến tạo của Rice mùa này, cũng như thảo luận về chuyện anh đang chuyển sang chơi như một số 8, còn một đề tài nữa – liên quan đến khâu triển khai bóng – cũng rất đáng được bàn luận. Trận thắng 1-0 của Arsenal trước Manchester City vào tháng 10 năm ngoái đã mang tới cho chúng tôi 1 ví dụ tiêu biểu.

Thiết lập một trận pháp pressing 1 chọi 1 cực “gắt”, Man City quyết tâm không để cho David Raya có được bất kỳ phương án chuyền bóng “dễ xơi” nào cho các đồng đội của anh ta. Trên thực tế, tổng thời lượng cầm bóng của thủ môn The Gunners trong tình huống này đã lên tới 23 giây. Thử thách mà các cầu thủ của Arteta phải xử lý là tìm ra một giải pháp lên bóng mà không buộc Raya phải phất dài.

Sau khi chiếm lĩnh một vị trí nằm dạt ra hẳn cánh trái, Rice đã di chuyển bó vào phía trong sân đấu khi Raya dẫn bóng lên phía trước. Sau đó anh hoán đổi vị trí với Jorginho, khiến Mateo Kovacic bối rối trong giây lát vì không biết nên bám theo ai, và nhận lấy đường chuyền từ Raya. 

Cuối cùng, Kovacic đã phải phạm lỗi với tiền vệ người Anh và may mắn tránh được tấm thẻ vàng thứ 2, nhưng cái cách mà Rice và Jorginho kết hợp với nhau để đánh bại áp lực của Man City quả thực rất thông minh. 

“Ban đầu tôi đã hy vọng rằng Rico Lewis sẽ lao lên (về phía Raya) để sau đó tôi có thể di chuyển đơn giản và nhận bóng luôn,” Rice giải thích.

“Tình huống này giống như một ván cờ vậy.

rice_city_build_up
 

“Lewis thực sự đã chọn vị trí tốt trong khi phải trông chừng 2 người bọn tôi (Gabriel và Rice). Nhưng khi tôi tách khỏi cậu ta, rõ ràng cậu ta đã gặp vấn đề với việc Jorgi di chuyển hoán đổi vị trí với tôi. 

“Chúng tôi đã luyện tập miếng phối hợp thoát pressing này rất kỹ càng – nhằm tạo dựng sự nhuần nhuyễn và ăn ý giữa các tiền vệ. Vì thế, khi một cầu thủ di chuyển sang hướng này thì người còn lại sẽ ngay lập tức hiểu ý để di chuyển sang hướng kia, chủ yếu là theo đường chéo. Và như anh có thể thấy, việc đó đã diễn ra một cách trơn tru trong đoạn clip.”

***

Đầu tháng 9, sau khi chứng kiến một khoảnh khắc ngoạn mục xuất hiện tại một Emirates Stadium tràn ngập ánh nắng, Gary Neville đã phải thốt lên trên Sky Sports rằng các CĐV The Gunners đã có được “một người hùng mới”.

Rice vừa có pha ghi bàn đầu tiên trong màu áo Arsenal, giúp họ vượt lên dẫn trước Manchester United ở phút thứ 96.

Đối với Rice, đó chắc hẳn là ngày mà anh thực sự giới thiệu bản thân một cách đàng hoàng với các fan CLB. “Chắc chắn là vậy rồi,” anh hồi tưởng với sự hưng phấn. “Phút 96, trong một trận đấu với Manchester United. Bàn thắng ấy thật điên rồ, thật khó tin.”

Còn Neville thì sau đó đã đưa ra một bình luận khác: “Đó chính là lý do họ chi tiền. Những khoảnh khắc trọng đại, thắng những trận đấu lớn.”

Tính đến nay, Rice đã ghi 7 bàn ở Premier League cho Arsenal, bao gồm một cú sút xa một chạm đầy ấn tượng trong trận đấu với Chelsea sau khi anh tận dụng đường chuyền hỏng của thủ môn Robert Sanchez, và một pha ghi bàn đầy kịch tính mang về chiến thắng cho The Gunners trước Luton Town trong thời gian bù giờ.

Pha lập công của anh trước Chelsea đã vực dậy Arsenal sau một sự khởi đầu tệ hại để qua đó níu lại được 1 điểm ở Stamford Bridge. Rice cảm thấy anh phải chịu một phần trách nhiệm về màn khởi đầu kém cỏi của The Gunners và đã tự khiển trách bản thân trong một cuộc phỏng vấn sau trận đấu vì đã “tặng” quả bóng cho Cole Palmer với một đường chuyền quá thiếu lực ở phút thứ 2 của trận đấu.

Chắc hẳn bạn đang rất tò mò muốn biết, về mặt tinh thần, chàng trai này thường xoay sở như thế nào sau khi mắc phải một sai lầm tai hại, đặc biệt là khi nó xảy ra vào đầu trận đấu? 

“Vấn đề chỉ đơn giản là bạn phải thật tự tin trong từng pha xử lý sau đó của mình mà thôi, và tôi đã thực sự đứng dậy mạnh mẽ sau sai lầm đó để có được một màn trình diễn đáng nhớ trong trận đấu này.” 

Rice thậm chí đã có một trận đấu hay hơn thế nữa khi anh ghi bàn thắng thứ 4 ở mùa giải này trong chiến thắng đậm 6-0 mà The Gunners giành được trước CLB cũ của anh là West Ham United, bên cạnh đó là 2 pha kiến tạo từ các tình huống cố định. 

Trong mùa giải này, “kho vũ khí” của tiền vệ 25 tuổi đã được bổ sung thêm khả năng thực hiện bóng ch.ết, bắt nguồn từ một cuộc trò chuyện với HLV trưởng Arteta và HLV bóng ch.ết của Arsenal là Nicolas Jover vào giữa mùa giải. Ngoài 2 pha kiến tạo đó trước West Ham, Rice còn “dọn cỗ” cho các đồng đội ghi bàn với những tình huống phạt góc do mình thực hiện trước Palace, Newcastle và Tottenham Hotspurs. 

“Họ (Arteta và Jover) đã nói với tôi rằng, ‘Cậu có khả năng đưa quả bóng tới bất cứ đâu mà mình muốn. Cậu chuyền dài hay chuyền ngắn đều tốt cả mà.’ Và tôi đáp lại, ‘Ừ, để tôi thử xem sao’. Thế là tôi có một pha kiến tạo trong trận đấu với Crystal Palace (cho Gabriel ghi bàn) và kể từ đó tôi đã kiêm luôn nhiệm vụ này.”

Vậy còn bàn thắng vào lưới West Ham thì sao? Anh xếp nó ở vị trí nào trong danh sách những pha ghi bàn của mình? “Số một luôn,” Rice trả lời. “Tuy không phải là bàn đẹp nhất, nhưng đây là pha dứt điểm mà tôi thích nhất: Một cú sút một chạm cực chuẩn, cực căng sau một đường chuyền trả ngược, rất khó để cản phá khi bóng đi trúng đích. Đó là một bàn thắng tuyệt đẹp.”

Trong trận đấu với West Ham, Rice đã đảm nhận vai trò tiền vệ số 6, nhưng trong pha ghi bàn tiếp theo, trước Sheffield United vào tháng 3, thì anh là một tiền vệ số 8. Chi tiết này đã khơi dậy một cuộc thảo luận về vai trò tối ưu dành cho ngôi sao 25 tuổi.

Sự xuất hiện của Jorginho trong đội có khuynh hướng cho phép Rice đá cao hơn, như trong các trận đấu trên sân nhà với Newcastle và Brenford – anh đã chơi rất thăng hoa khi dạt sang phía cánh trái và kéo bóng cho Arsenal.

Vậy, theo tiền vệ này thì anh có thể mang tới nhiều đóng góp nhất cho The Gunners trong vai trò nào? “Chắc chắn là số 6 rồi,” Rice khẳng định. 

“Nhưng trên sân đấu, tôi cũng có thể dễ dàng chuyển mình thành một số 8, như khi đấu với Newscastle và Brenford ấy, bởi vì tôi rất thích dẫn quả bóng về phía trước. Khi tôi được tự do để chơi như vậy… tôi rất khoái.”

Với sải chân dài và sức mạnh của mình, Rice di chuyển trên sân rất vững vàng, bỏ lại sau lưng sự bất lực của những kẻ muốn truy cản và giúp Arsenal chuyển trạng thái từ thủ sang công trong chớp mắt.

Đương nhiên, Rice từng có nhiều cơ hội để làm điều đó hơn ở West Ham vì lối đá của họ, nhưng các fan Arsenal cũng đã được thưởng thức những màn bùng nổ cực năng động đó.

Tuy nhiên các khía cạnh khác của việc đá dâng cao trong tư cách một tiền vệ thì lại hoàn toàn xa lạ đối với anh. 

“Đối với vai trò tiền vệ số 8, HLV trưởng yêu cầu rất nhiều pha chạy chỗ không bóng, những đòn đánh ra phía sau hàng thủ đối phương, chiếm lĩnh các khoảng trống, mà tôi thì lại không quen làm những việc đó – tôi chưa bao giờ đá như vậy trong đời cả, thế nên đây thực sự là năm đầu tiên tôi học hỏi về vai trò này,” anh giải thích.

Pha lập công của Rice trước Sheffield United đã chứng minh cho chia sẻ của anh.

Rice đã phải thực hiện tới 3 pha chạy chỗ riêng biệt để tìm kiếm cơ hội nhận bóng: Đầu tiên là mong chờ White, sau đó là Odegaard và cuối cùng sự kiên trì của anh đã được đền đáp với cú trả ngược của Bukayo Saka.

rice_sheff_u_goal
 

Có một tình tiết đáng chú ý nữa là Rice đã “phanh gấp” kịp thời ngay khi Saka chuẩn bị tạt bóng, rồi dứt điểm ghi bàn.

“Với sự nguy hiểm của Saka, mấy tay hậu vệ chắc chắn sẽ cắm đầu chạy xuống (về phía khung thành), thế nên tôi chỉ cần ‘phanh’ lại là sẽ có ngay khoảng trống để thoải mái dứt điểm,” Rice giải thích. “Saka đã kể với tôi rằng ban đầu cậu ấy định tạt bóng đi ngang vòng cấm nhưng, may mắn thay, tôi đã gào lên, ‘Trả ngược nào!’.”

Vào thời điểm đó của trận đấu, Rice vốn đã có cho mình 1 pha kiến tạo. Trong tình huống “dọn cỗ” cho Odegaard ghi bàn này, có 3 điểm then chốt trong cách chơi của một tiền vệ số 8 mà Arteta từng nói với anh: Xâm nhập vòng cấm, định hướng cơ thể và đánh vào các khoảng trống. 

“Nếu bấm tạm dừng đoạn video, anh sẽ ngay lập tức nhận thấy rằng kiểu gì thì một cơ hội ghi bàn cũng sẽ đến, bởi vì chúng tôi đang khiến đối thủ rơi vào thế quá tải,”  Rice phân tích.

rice_sheff_u_assist
 

“Anh ta (Jayden Bogle) không dám ập tới pressing (Gabriel) Martinelli vì đang phải xoay sở với một khoảng trống nguy hiểm. 

“Vậy thì ai sẽ là người theo kèm tôi?”

Câu trả lời là chẳng có ai cả. 

“Tôi di chuyển sau lưng anh ta (Bogle), thế nên anh ta chẳng biết là tôi đã chạy tới kia. Một trung vệ đã bị tôi dụ bỏ vị trí, và gã này (Vinicius Souza, người theo kèm Odegaard) thì đang chơi như thể mơ ngủ.

“Nhìn thì có vẻ dễ dàng. Nhưng chúng tôi đã đổ biết bao mồ hôi công sức để luyện miếng đánh này đấy: Cố gắng giành lấy lợi thế ở trong và xung quanh vòng cấm, rồi tìm kiếm một cầu thủ được tự do.”

Sau màn trình diễn rực sáng này, chuyên gia phân tích và bình luận Jamie Carragher của Sky Sports đã ca ngợi Rice hết lời trên Monday Night Football – hay nói đúng hơn là “bảo vệ” anh.

“Đã từng có nhiều người bảo rằng Rice sẽ không thể trở thành một tiền vệ xuất sắc vì cậu ấy ghi bàn kém quá… Còn tôi thì luôn cảm thấy cậu ấy có thể làm tốt việc đó, và HLV trưởng của cậu ấy cũng nghĩ thế,” Carragher nói.

Roy Keane chính là một trong số những người từng chê bai rằng Rice ghi bàn và kiến tạo quá ít ở West Ham, mặc dù anh thường đá tiền vệ lùi sâu.

Liệu Rice, người đã ghi 7 bàn và có 8 pha kiến tạo ở Premier League mùa này, có nghĩ rằng những lời chỉ trích đó là đúng đắn?

“Không đúng chút nào luôn,” Anh khẳng định. “Bởi vì Roy Keane, (Graeme) Souness, (Jamie) Redknapp, những người từng chê bai khả năng ghi bàn của tôi, cũng đâu phải những cựu cầu thủ từng ghi hàng trăm bàn trong sự nghiệp. Nhưng họ vẫn được tôn vinh vì đã làm tốt các nhiệm vụ chính của mình ở tuyến giữa: Roy Keane phá lối chơi đối thủ, tắc bóng cừ khôi, giành về rất nhiều danh hiệu cho Man United nhờ những khả năng đó. Souness cũng vậy. Vì thế, chẳng hiểu sao họ lại lôi chuyện ghi bàn ra để chê bai tôi, đó đã bao giờ là nhiệm vụ chính của tôi đâu.

“Nhưng giờ đây tôi đang ghi bàn tằng tằng, vậy là chẳng ai kiếm được cớ gì để chê bai tôi nữa!”

***

Có 2 câu hỏi.

Đầu tiên, tắc bóng có phải là một nghệ thuật? “Theo tôi là vậy,” Rice đáp. 

Câu thứ hai, Rice có yêu thích những pha tắc bóng không? “Có đấy,” anh trả lời với một nụ cười. “Nhưng hầu hết mọi người thường tắc bóng một cách liều lĩnh. Còn tôi thì muốn lựa thời điểm ra chân thật cẩn thận, mấu chốt là sự kiên nhẫn và biết nhận thức khi nào tôi có thể tắc bóng, khi nào không. Nếu cảm thấy kèo không thơm, tôi sẽ không đánh liều.”

Những đóng góp của Rice cho Arsenal trong giai đoạn phòng ngự - pressing, cắt các đường chuyền, tắc bóng, thu hồi bóng – luôn cực kỳ ấn tượng. 

Trong khoảng thời gian đầu trận thắng 3-1 trước Manchester United trên sân nhà, Rice đã thực hiện một cú tắc bóng quyết liệt với Bruno Fernandes khiến các CĐV đội chủ nhà cực kỳ phấn khích – rất nhiều người đã bật dậy và vung nắm đấm lên trời khi anh cướp được bóng.

“Chúng tôi đã nói về chuyện này trước mọi trận đấu – một pha tắc bóng chuẩn xác và uy lực có thể khiến đám đông khán giả bùng cháy,” Rice chia sẻ.

Bóng đá đã thay đổi rất nhiều trong 20-30 năm qua, nhưng các cổ động viên vẫn luôn rất thích được chứng kiến các cầu thủ của họ thực hiện những pha truy cản thực sự tận tâm. “Tôi biết chứ, 100% luôn,” anh tán đồng. “Tôi đã thực hiện một cú tắc bóng khác với Victor Lindelof khoảng 2 phút sau đó (ảnh 2 trong GIF dưới), và các CĐV cũng đã cực kỳ khoái chí với nó.” 

rice_tackles
 

Ngoài tài tắc bóng, Rice còn rất giỏi trong việc đánh chặn các đường chuyền của đối thủ. Mùa giải trước, anh chính là cầu thủ được ghi nhận con số thống kê cao nhất trong khía cạnh này tại Premier League.

Nếu chỉ nhìn vào dữ liệu thô, bạn sẽ thấy thông số của tiền vệ người Anh trong khâu cắt bóng đã giảm sút so với mùa trước, nhưng đây là chuyện đã được dự đoán từ trước, vì hiện anh đang chơi cho một tập thể giỏi kiểm soát bóng. Nhưng nếu xem xét thống kê này qua lăng kính “tần suất trung bình trên mỗi 1000 lần chạm bóng của đối thủ” để có được một sân chơi bình đẳng hơn, thì nó hầu như chẳng thay đổi gì so với mùa trước.

a18
 

Rice còn là một nhân tố chủ chốt trong hệ thống pressing cường độ cực cao của Arsenal – một mô hình mà Arteta đã mô tả là “không cho đối thủ được thở”.

Chúng tôi đã cùng xem lại một tình huống diễn ra ở Goodison Park, khi một đường chuyền thiếu lực của Oleksandr Zinchenko “tặng” cho Everton một cơ hội phản công. Nhưng The Gunners đã giành lại được bóng gần như ngay lập tức sau một pha cắt bóng của Rice.

“Counter-pressing (pressing chống phản công),” Rice chia sẻ. “HLV trưởng rất quan tâm đến khía cạnh này.”

“‘Mấy cu cậu đã dâng cao, ngay khi đội để mất bóng, hãy cắm đầu cắm cổ chạy nhanh nhất có thể về vị trí của mình.’ Ông ấy đã truyền tải tâm lý đó vào mọi người.”  

Trong hệ thống đó, môi trường bóng đá đó, Rice chẳng khác nào “cá gặp nước”, bởi vì “săn lùng” các đối thủ chính là một trong những niềm đam mê của anh. 

Trong những video được tổng hợp để phục vụ cho cuộc phỏng vấn này, có một đoạn clip ghi lại cảnh Rice thời còn khoác áo West Ham đang hung hãn pressing một đối thủ hiện đã trở thành đồng đội của anh, Thomas Partey.

“Pha pressing này vốn không được lên kế hoạch từ trước. Khi thực chiến, bạn sẽ luôn có một trực giác, một yếu tố kích hoạt, mách bảo bạn khi nào thì nên ập vào đối thủ, ví dụ như đối thủ vừa có một đường chuyền tệ hay một cơ hội để dồn ép bóng ra biên, và trong tình huống này, quả bóng đang lăn từ từ tới chỗ Partey, thế là tôi lao ngay vào anh ấy.”

Những tình huống đó chính là sở trường của Rice. Ban đầu, anh thường không áp sát đối thủ của mình quá chặt, gần như để anh ta được tự do, sau đó ập vào với tốc độ cao, thường là ở điểm mù của đối thủ đó. 

Thể chất tuyệt vời của Rice đã giúp ích rất nhiều cho những pha đấu tay đôi này, nhưng khả năng phán đoán mà tiền vệ 25 tuổi sở hữu mới là yếu tố mấu chốt.

“Tôi đã dự đoán tình huống từ 2 bước trước đó,” Rice kể khi xem 2 đoạn clip ghi lại cảnh anh cướp bóng khỏi Joao Pedro của Brighton và tiền vệ Jean-Ricner Bellegarde của Wolves. “Tôi rất thích mấy đường chuyền thẳng như thế này, vì khi đối thủ thực hiện chúng thì tôi có thể phóng lên phía trước để tranh bóng.”

rice_wolves
 

Ví dụ cuối cùng là tình huống Rice áp sát Rodri ở Community Shield, buộc tiền vệ của Manchester City mắc phải một sai lầm dẫn tới một quả phạt góc cho Arsenal. “Thành thật mà nói, có lẽ tôi đã phạm lỗi,” Rice thừa nhận. 

Anh cảm thấy thế nào khi đối đầu với Rodri?

“Thực sự rất thú vị,” anh nói.

“Theo tôi, tôi và anh ấy là 2 kiểu cầu thủ khác nhau.

“Rodri sinh ra ở Tây Ban Nha, anh ấy đã luôn là một số 6 thiên bẩm. Cứ nhìn cái cách anh ấy thi đấu trong đội hình của Pep suốt quãng thời gian qua mà xem. Để so sánh thì cách đá của anh ấy ‘tĩnh’ hơn tôi nhiều. Tôi thì chơi kiểu ‘hăng máu’ hơn. Nhưng rõ ràng là ở mùa này tôi cũng đã học được cách để chơi ‘tĩnh’. Thực tình mà nói thì tôi vẫn thích được thi đấu với một chút tự do.”

“Lối chơi của chúng tôi còn có nhiều điểm khác biệt khác nữa – nhưng chắc chắn anh ấy chính là người xuất sắc nhất thế giới.”

Mùa hè năm ngoái, Rice từng đứng trước cơ hội đá cặp với Rodri ở mùa giải này.

“Tôi biết,” anh trả lời với một nụ cười.

“Nhưng dự án tại Arsenal trông có vẻ thú vị hơn, đó chính là lý do tôi chọn CLB này, vì tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt được những điều lớn lao ở đây.”

Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn “Declan Rice: My game in my words” do ký giả Stuart James thực hiện, đăng tải trên The Athletic.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow