Decibel Bellini: Câu chuyện về người truyền lửa tại San Paolo (P1)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Ba 11/06/2019 16:45(GMT+7)

Bellini, một “thương hiệu” đã giúp anh trở thành hiện tượng trên youtube, Instagram và biến một DJ của đài phát thanh địa phương trở nên nổi tiếng không chỉ ở quê hương Naples của anh, mà còn xa hơn thế.

Naples, Italia – Khi Dries Merten ghi bàn thắng đầu tiên cho Napoli, những khán đài cũ kĩ của San Paolo kêu lên âm thanh cót két và rung chuyển bởi những tiếng ồn. Đó không phải là tiếng hoan hô: Tiếng hoan hô là một thứ mang tính vui sướng, phấn kích và có âm lượng cao.
Decibel Bellini: câu chuyện về người truyền lửa tại San Paolo
Đây là một thứ hoàn toàn khác: Sâu hơn, xuất phát từ yết hầu, bắt nguồn từ sự giải tỏa và hưng phấn tột cùng, mức độ nằm lưng chừng giữa tiếng gầm và tiếng hú. Nó đập thẳng vào bạn như một cơn sóng khủng lồ vậy.
 
Trong bầu không khí phấn khích đến tột cùng kia, Mertens chạy về phía cột cờ phạt góc, các đồng đội chạy theo phía sau anh. Ở một nơi khác trên sân, Daniele Bellini đang đếm đến ba. Một cách đơn giản, anh nắm chặt hai tay để ăn mừng bàn thắng kia. Sau đó, anh bước về phía chiếc Iphone của mình, gắn nó trên một chiếc tripod, và bật camera lên. Anh lấy ra một chiếc microphone từ túi quần phía sau, dừng lại 1 giây, hít vào một hơi thật sâu.
 
Sau đó Bellini đặt chiếc microphone lên môi, và giọng nói của anh cắt ngang qua tiếng ồn của sân vận động. 
“Gol per il Napoli,” (Bàn thắng cho Napoli!) Anh hét to, và kéo dài chữ ‘O’ trong từ “Gol” trong 5 giây. “Người ghi bàn,” – tạm dừng – “Mang áo số 14” – tạm dừng một lần nữa, sau đó hô lớn lên – “Dries!” Đám đông cổ động viên đáp lại, 50.000 tiếng hét cùng hòa với nhau, như muốn thổi tung cả bầu trời: “Mertens!”
 
Bellini lặp lại một lần nữa, và đám đông tiếp tục đáp lời anh như trên, tất cả tổng cộng 10 lần, cho đến khi kết thúc. Anh đá gót chân ra phía sau, cuối gập người xuống, và thở dốc. Anh hô to cái tên của cầu thủ đã ghi bàn khi vươn mình lên lại, kéo dài nó thành 2 âm tiết: Dri-Es!” các cổ động viên cũng làm theo anh, tạo thành một làn sóng âm thanh khủng lồ bao phủ toàn bộ San Paolo. “Mer-Tens!”
 
Đó chính là signature move của Bellini, một “thương hiệu” đã giúp anh trở thành hiện tượng trên youtube, Instagram và biến một DJ của đài phát thanh địa phương trở nên nổi tiếng không chỉ ở quê hương Naples của anh, mà còn xa hơn thế. Bất kì một câu lạc bộ nào ở Italy cũng đều có một xướng ngôn viên tại sân vận động – một công việc mà người Italia gọi bằng cái tên “lo speaker” – nhưng chỉ duy nhất Napoli mới có Daniele Bellini, một người đàn ông mà tất cả mọi người trong thành phố này đều biết đến với cái tên Decibel (một đơn vị đo cường độ âm thanh).
 
Suốt 9 năm qua, Bellini, 38 tuổi, đã được tuyển dụng vào vị trí xướng ngôn viên của Napoli. Anh nhận được vai trò này một cách rất tình cờ. Người tiền nhiệm trước đó đã không thể tham dự một trận đấu vào năm 2010, đối đầu với đối thủ truyền kiếp đến từ miền Bắc Italy, Juventus. Khi đó, Bellini đang làm việc như một DJ tại Radio Marte – hiện được gọi bằng cái tên Radio Kiss Kiss – một đài phát thanh luôn phát sóng các trận đấu của Napoli. 
 
 
“Tôi chỉ xếp thứ 10 trong số những cái tên tiềm năng mà họ nhắm đến,” Anh kể lại. “Tuy nhiên, một vài người không muốn làm công việc này, một vài người khác không thể đảm nhận nó ngay trong trận đấu đó, vì vậy, họ đã bảo tôi: ‘Được rồi, bọn tôi giao việc này cho anh.’ ”
 
Napoli đã giành chiến thắng trong trận đấu ngày hôm đó, và Bellini được yêu cầu quay trở lại San Paolo để làm việc vào tuần tới. “Bạn nên nhớ rằng người Naples bọn tôi mê tín lắm,” anh kể lại. “Nó cứ như thế trong 1 năm, có thể là hai năm: Hết trận này đến trận khác. Tôi luôn lo sợ rằng Napoli sẽ thua trận và tôi sẽ bị đổ lỗi như thể là nguyên nhân chính, nhưng chúng tôi đã thắng rất nhiều trận đấu trong năm đó.”   
 
Bellini không hề nhận được một văn bản hướng dẫn cụ thể nào khi đảm nhận công việc này. Tại hầu hết các câu lạc bộ, xướng ngôn viên không phải là một công việc bị đòi hỏi phải tư duy hay suy nghĩ quá nhiều: Họ đọc lên những thông điệp có nội dung nhắc nhở bảo đảm sự an toàn và công tác an ninh – “Nói với mọi người không được sử dụng laser, pháo sáng, đại loại thế” – thông báo về đội hình xuất phát, xác nhận các tình huống thay người, đọc tên của cầu thủ ghi bàn. “Đó là những thứ cơ bản nhất của công việc này,” Bellini cho biết. “Tất cả những thứ khác chỉ đơn giản là sân khấu của riêng bạn, chỉ cần thể hiện hết mình khả năng của bản thân mà thôi.”
 
Sân khấu đó, chính là nơi mà Bellini nổi bật hơn bất kì người nào khác trong cái nghề này.
 
San Paolo từ lâu đã được xem là một trong những sân vận động “đáng sợ” nhất châu Âu. Mặc dù Napoli đã quyết định đại tu lại phòng thay đồ trước chuyến viếng thăm của Real Madrid vào mùa giải 2016/2017 trong một trận đấu thuộc đấu trường Champions League – để cố gắng giúp cho sân vận động này trông đỡ lỗi thời hơn – thì nó vẫn là một nơi đã xuống cấp trầm trọng, sặc mùi đe dọa, chính bầu không khí thù địch tràn ngập nơi đây đã được xem như một chiếc “huy chương danh dự” của San Paolo.
 

Maurizio Sarri, cựu huấn luyện viên của Napoli, đã mô tả San Paolo như một “địa ngục” đối với các đội khách. Zinedine Zidane cũng nhận xét rằng nó “tuyệt đẹp, nhưng phải làm khách ở đó chưa bao giờ là một việc dễ dàng cả”. Yaya Touré, cựu tiền vệ của Manchester City và đội tuyển Bờ Biển Nga, đã từng thừa nhận về chuyến viếng thăm đầu tiên của anh đến nơi đây rằng “đó là lần duy nhất tôi thấy đôi chân mình run rẩy trước một trận đấu.”
 
Bellini – vốn là một fan hâm mộ của Napoli – không phải là người đã tạo ra bầu không khí đáng sợ đó. “Tôi không phải là nhân vật chính,” anh khẳng định. “Các cổ động viên mới là nhân vật chính.” Thay vào đó, theo anh nói, anh chỉ đơn giản là làm tất cả mọi thứ để có thể khai thác nguồn năng lượng của họ, khuyến khích họ bộc lộ nó ra và giúp nó mạnh mẽ hơn. 
 
Đáng chú ý nhất, khi một cầu thủ ghi bàn, Bellini sẽ đọc tên của cầu thủ đó 5 lần, các cổ động viên sẽ đáp lại bằng họ của anh ta. (Anh có một sự mù mờ kì lạ về tên của các cầu thủ bên phía đối phương: Thỉnh thoảng, Bellini sẽ đọc nhầm Alessandro thành Angelo, hay Pietro thành Paolo. Mặc dù lý do này không thuyết phục cho lắm, nhưng anh đã khẳng định rằng mình hoàn toàn không cố ý làm như vậy.)
 
“Điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của Edison Cavani,” anh nói. 
 
Cavani, tiền đạo người Uruguay hiện tại đang khoát áo Paris Saint-Germain, đã có 3 năm tỏa sáng rực rỡ tại Napoli, ghi 104 bàn sau 138 trận. Đó là một kỷ lục mà Bellini cho rằng sẽ luôn bảo đảm vị thế đặc biệt của Cavani tại đội bóng này. “Cậu ấy mang áo số 7,” anh nói. “Vì vậy, tôi đã nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ đọc tên cậu ấy 7 lần. Đó là khi mọi thứ bắt đầu.”
 
Chẳng mấy chốc, việc đó đã trở thành một truyền thống: Tất cả những bàn thắng của Cavani đều sẽ được Bellini tung hô bằng việc hét to tên của tiền đạo người Uruguay 7 lần, đám đông cổ động viên sẽ hô vang theo anh, càng lúc càng to hơn. Bellini, người sử dụng cả Facebook và Instagram, đã upload những đoạn videos ghi lại cảnh đó lên YouTube. Chúng đã thu hút hàng trăm ngàn lượt view. 
 
Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất của Bellini, đã xuất hiện vào năm 2013. Khi một tiền đạo xuất chúng khác, Gonzalo Higuain, ghi bàn trong cuộc đối đầu với Borussia Dortmund tại đấu trường Champions League, Bellini và các cổ động viên đã hô lớn tên của cầu thủ người Argentina 9 lần, tung hô chiếc áo số 9 của anh. Đoạn footage quay lại cảnh này đã được lan truyền rộng rãi. 
 
“Vài năm trước, tôi đã đi đến Jamaica trong một kì nghỉ,” Bellini kể lại. “Tôi đã dừng chân tại Trenchtown, quê nhà của Bob Marley, với một người hướng dẫn viên. Chúng tôi đi vào một quán bar, ở đó có vài cậu bé đang xem một trận đấu của Premier League. Một trong số chúng quay lại, nhìn tôi, và khuôn mặt của cậu bé đó lộ rõ vẻ kinh ngạc.”
 
“ ‘Đúng là ông chú rồi,’ cậu bé đó hét lên. ‘Hey, ông chú, Gonzalo! Gonzalo! Higuain! Higuain!’ Tôi không biết làm thế nào mà bọn trẻ này xem được đoạn phim đó – đây là một khu vực tệ hại, tất cả mọi người đều xài những chiếc điện thoại đời cũ và không hề có kết nối internet – và mấy đứa nó không hề biết Naples – hay thậm chí là Italy – nằm ở đâu. Nhưng chúng đã xem đoạn video đó, ngay tại Trenchtown, ngay tại Jamaica.”

Bellini phủ nhận mọi ý tưởng cho rằng anh là bất cứ thứ gì ngoại trừ là một phần “nhỏ bé” của những điều đã làm San Paolo trở nên đặc biệt. Anh không ghét việc được xem là một người nổi tiếng: Anh tham dự các trận đấu với chiếc mũ in tên mình và một chiếc áo Polo của Napoli; anh nở nụ cười rất tươi mỗi khi được vây quanh bởi các fan hâm mộ đội bóng vùng Naples. Nhưng anh nói rằng mình vẫn còn lo lắng, vẫn còn sợ hãi với việc phạm phải những sai lầm, vẫn im lặng mỗi khi đến gần sân vận động, “một sự biến đổi nhỏ” chính là thứ đã biến anh trở thành nhân vật mà anh luôn thể hiện ra trước công chúng.
 
“Tôi không có thời gian cho những xúc cảm,” anh nói. “Bao giờ cũng vậy, tôi sẽ về nhà và xem lại các trận đấu qua TV, bởi vì tôi cảm thấy rằng mình chưa thực sự được xem chúng. Giống như việc một nhiếp ảnh gia nhìn mọi thứ theo một cách hoàn toàn khác biệt qua chiếc ống kính máy ảnh, tôi cũng xem các trận đấu theo một cách khác biệt khi cầm trên tay chiếc microphone. Tôi phải nhìn ra ai là người ghi bàn, liệu đó có phải là một tình huống bóng đập người đổi hướng, hay đó là một pha phản lưới nhà, và thực hiện việc này chỉ trong vòng 3 giây, tôi phải làm điều đó một cách chính xác nhất.” đó chính là công việc của anh, và là một trong những việc mà anh thực hiện nghiêm túc nhất trong cuộc đời. 
 
Mùa hè năm 2016, Bellini đã đi cùng cả đoàn Napoli trong chuyến ‘rút quân’ của đợt tập huấn trước mùa giải diễn ra ở Dimaro, nằm trên cao của dãy núi Domolites. Trên chuyến bay trở về, anh được xếp ngồi bên cạnh Arkadiusz Milik, tiền đạo người Ba Lan được mang về San Paolo để thay thế cho Higuain đã chuyển sang Juventus. Cùng với người đại diện của Milik, ba người họ đã dành 1 tiếng đồng hồ nhằm tìm ra cách tốt nhất để thông báo tên của tân binh người Ba Lan mỗi khi anh ghi bàn. 
 
“Họ rất quan tâm đến việc này,” Bellini nói về các cầu thủ tại Napoli. “Họ biết rằng tên của mình sẽ được hô vang tại sân vận động, vì vậy, dĩ nhiên là họ muốn đảm bảo rằng việc đó sẽ được thực hiện theo một cách hoàn hảo nhất. Tôi luôn nói chuyện với tất cả các tân binh để có thể hiểu được họ muốn tôi làm việc đó như thế nào.”

Không phải mọi cái tên đều có nhịp điệu tự nhiên”mượt” như Cavani hay Higuain, nhưng Bellini đã tìm ra cách để có thể đọc chúng theo cách tốt nhất. Mặc dù anh thừa nhận rằng một cái tên như “Merten” sẽ không thể được đọc theo một nhịp điệu hay nhất, nhưng điều đó không thể ngăn cản anh cố gắng. Vấn đề khó khăn nhất là việc đọc tên của cầu thủ người Bỉ với số lần đúng theo số áo của anh: Mertens mang áo số … 14. “Tôi đã đọc tên của cậu ấy 11 lần,” Bellini nói. 
 
Bellini nhận thức được rằng, sẽ luôn có ai đó “không thích những việc mà bạn làm”, nhưng anh chấp nhận con người của mình ở hiện tại, cả bên trong lẫn bên ngoài, với tư cách là một phần của bản sắc của câu lạc bộ vùng Naples: Anh được rất nhiều cầu thủ xem như một người bạn, họ thường tìm đến anh để trò chuyện, tâm sự, tìm kiếm lời những tư vấn cho cuộc sống, và đối với các cổ động viên trong những ngày diễn ra các trận đấu, anh là một “truyền thống đặc biệt” của họ.
 
Chính vì sự gắn kết sâu sắc với Napoli mà anh đã được mời đảm nhận vai trò D.J tại đám cưới của Jorginho khi cầu thủ người Italia vẫn còn thi đấu cho đội bóng vùng Naples. Một năm trước đó, anh cũng đã được đưa vào danh sách khách mời khi Mertens kết hôn.
 
“Toàn bộ buổi lễ diễn ra bằng tiếng Flemish, vì vậy, tôi không thể nào hiểu được chuyện gì đang diễn ra xung quanh mình cả,” Bellini kể lại. “Nhưng ngay sau khi họ nói, ‘con đồng ý’ và hôn nhau, Dries đã quay về phía tôi và gọi to ‘Daniele, Daniele, lại đây với tôi nào.’ Tôi không thật sự muốn làm điều đó cho lắm, nhưng tôi đã bước lên và cầm lấy chiếc microphone.”
 
 
Anh hít một hơi thật sâu và sau đó hô lớn bằng tiếng Italia, “Ladies and gentleman, cầu thủ mang áo số 14: Dries! Mertens!”
 
Rốt cuộc, đó sẽ không phải là một chương trình hoành tráng và thành công nhất nếu thiếu đi Decibel Bellini!
 
Lược dịch từ bài viết “Meet Decibel Bellini, the Booming Soundtrack to Napoli Goals” của Rory Smith đăng tải trên Nytimes.
NAM KHÁNH (TTVN)  

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.