Đề xuất World Cup 2 năm 1 lần và cuộc chiến vương quyền giữa FIFA với UEFA

Tác giả CG - Thứ Sáu 17/09/2021 18:00(GMT+7)

Kế hoạch tổ chức World Cup 2 năm 1 lần của Arsene Wenger vấp phải những phản ứng trái chiều. Nhưng đằng sau đó là cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng giữa FIFA và UEFA.

Tuần trước, ông Arsene Wenger, người đang giữ chức vụ Giám đốc Phát triển Bóng đá Toàn cầu của FIFA, đưa ra đề xuất tổ chức World Cup 2 năm 1 lần. Thực chất đây không hề là một ý tưởng bột phát mà nó đã được manh nha từ trước. Cụ thể vào tháng 3, Arsene Wenger chia sẻ trên tờ Le Parisien rằng nên tổ chức World Cup, Euro và các giải vô địch châu lục khác 2 năm 1 lần. Ngày 21/5, Liên đoàn Bóng đá Saudi Arabia đưa ra đề xuất này trong cuộc họp Đại hội đồng FIFA, 166 phiếu thuận được thông qua và chỉ có 22 phiếu chống.
 
Nhà báo Tariq Panja của New York Times kể trên Twitter rằng thời điểm đó anh nhận được cuộc gọi từ một người xưng là từ Liên đoàn Bóng đá Saudi Arabia. Người này nói muốn Panja phỏng vấn về đề suất tổ chức FIFA World Cup 2 năm 1 lần của Saudi Arabia.
 
Ngày hôm sau, nhân vật này lại nói là không phỏng vấn nữa mà phải chờ tham khảo ý kiến FIFA trước khi nói. Panja đặt câu hỏi vì sao FIFA có quyền can thiệp vào các cuộc phỏng vấn báo chí của Saudi Arabia. Phải chăng ý tưởng tổ chức World Cup 2 năm 1 lần là của FIFA hay phía Saudi Arabia. Quả thực mọi thứ không hề là ngẫu nhiên khi trước đó vài tuần, Chủ tịch Gianni Infantino của FIFA đã có chuyến thăm tới Saudi Arabia.

Ông Arsene Wenger tuyên bố đề xuất tổ chức World Cup 2 năm 1 lần. Ảnh: Getty Images
 
Trở lại với lời gợi ý của Wenger 1 tuần trước, như để tăng thêm sự tin cậy cho kế hoạch của mình, cựu HLV trưởng Arsenal cho biết một hội đồng cố vấn gồm rất nhiều cựu danh thủ đều đồng ý với kế hoạch này như Ronaldo Nazario, Peter Schmeichel, Roberto Carlos,… 
 
Theo Wenger, lịch bóng đá trong một năm hiện đại lỗi thời và theo kế hoạch của ông toàn bộ các trận đấu vòng loại sẽ diễn ra trong vòng 6 tuần từ tháng 10 đến tháng 11 hoặc có thể chia ra làm hai đợt tháng 10 và tháng 3. Bên cạnh đó, các trận giao hữu giữa các quốc gia sẽ bị hủy bỏ. Phần thời gian còn lại, các cầu thủ sẽ tập trung cho CLB. Xen giữa các năm không có World Cup, các giải vô địch châu lục sẽ diễn ra.
 
Song, Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (FIFA) lập tức lên tiếng phản đối. Chủ tịch Aleksander Ceferin của UEFA đáp trả: “Chúng tôi sẽ không tham dự. Chúc các ông may mắn với một kỳ World Cup như vậy. Tôi nghĩ điều đó không thể xảy ra vì nó đi ngược lại rất nhiều nguyên tắc cơ bản trong bóng đá”.
 
Về cơ bản, đây là cuộc chiến tranh giành quyền lực, kinh tế giữa FIFA và UEFA. Đề xuất của Wenger và FIFA chủ yếu nhắm tới các liên đoàn bóng đá ở châu Á và châu Phi, nơi nền bóng đá chưa thể cạnh tranh được với châu Âu và Nam Mỹ. Trước đây, FIFA đã nhất trí thông qua việc mở rộng số lượng các đội tham dự World Cup (kể từ 2026) từ 32 lên thành 48 đội cũng là nhắm đến các liên đoàn nhỏ này. 
 
Theo Financial Times, các liên đoàn châu Phi và châu Á ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng của FIFA. Liên đoàn Bóng đá 4 nước Bangladesh, Maldives, Nepal và Sri Lanka - những quốc gia khó lòng có cơ hội tham dự World Cup nếu giải đấu vẫn diễn ra 4 năm 1 lần và suất tham dự của châu Á chỉ là 4,5 - đưa ra tuyên bố chung: “Khoảng cách 4 năm giữa 1 kỳ World Cup là quá lớn và cơ hội để được tham dự là quá nhỏ”. Trong khi đó, CAF (Liên đoàn Bóng đá Châu Phi) khẳng định rằng không cần thăm dò thêm vì toàn bộ 54 thành viên của họ đều đồng ý.
 
Tất nhiên, với vị thế của mình, UEFA và CONMEBOL (Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ) phản đối kịch liệt, đặc biệt là như UEFA như đã nói. Kế hoạch của FIFA có thể sẽ khiến các trận đấu cho cấp CLB ở châu Âu trở nên ít hơn và làm ảnh hưởng tới kế hoạch tăng cường số trận đấu ở Champions League của UEFA. Và tất nhiên, số lượng trận đấu ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, trong đó có tiền bản quyền truyền hình.

Theo Wenger, các trận đấu vòng loại sẽ được đá tập trung vào tháng 10 và tháng 3 đồng thời hủy bỏ các trận giao hữu. Ảnh: Getty Images
 
Theo The Athletic, hiện tại FIFA kiếm được khoảng 4 tỷ bảng (khoảng 5,5 tỷ USD) trong chu kỳ 4 năm và doanh thu chủ yếu nằm trong năm diễn ra World Cup rồi sau đó thâm hụt đáng kể trong 3 năm tiếp theo. Trong khi đó, UEFA kiếm được 11 tỷ bảng (khoảng 15 tỷ USD) trong cùng kỳ khi có số lượng các giải đấu dày đặc. Doanh thu tăng lên sẽ giúp ông Infantino thực hiện được các cam kết tranh cử trước đây là tăng số tiền tài trợ phát triển bóng đá cho các liên đoàn thành viên, từ đó gia tăng uy tín và vị thế chính trị. 
 
Tuyy nhiên, UEFA chắc chắn không muốn miếng bánh của mình bị mất đi một phần nào hết. Họ đã từng “dẹp loạn” Super League để giữ vững vị thế độc quyền ở bóng đá châu Âu cũng nhằm tập trung nguồn thu khổng lồ về mình. 
 
Có một thực tế cần nhìn nhận ở khía cạnh khán giả rằng nếu coi các liên đoàn là người cung cấp dịch vụ thì với các khán giả - những người trải nghiệm dịch vụ - ý tưởng tổ chức World Cup 2 năm 1 lần sẽ làm giảm đi sức hấp dẫn của giải đấu. World Cup hấp dẫn vì nó quy tụ những tên tuổi hàng đầu và vì nó có một khoảng cách giữa hai giải đấu đủ để khiến khán giả chờ đợi. Đó là giá trị của sự ít ỏi, chất lượng hơn số lượng.
 
Tất nhiên điều này sẽ tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người, bởi cũng sẽ có những lập luận rằng các giải VĐQG hàng đầu châu Âu hay Champions League vẫn diễn ra hàng năm và luôn giữ sức hấp dẫn. Như Wenger nói trên L’Equipe: "Nếu muốn thời gian thể hiện giá trị, chúng ta nên để World Cup diễn ra 10 năm 1 lần. Bạn phải đủ can đảm nói với bản thân rằng trên hết, vẻ đẹp và giá trị của giải đấu phụ thuộc vào chất lượng của chính giải đấu đó. Vấn đề không phải tần suất các giải đấu mà chính ở sự thiếu chất lượng".
 
Song để thay đổi thói quen của người dùng không hề đơn giản và giữ được sự hấp dẫn của giải đấu là không dễ bởi món ăn dù ngon đến mấy nhưng nếu ăn thường xuyên hơn cũng gây cảm giác ngán. Ông Andrea Sartori, Giám đốc Thể thao Toàn cầu của công ty kiểm toán KPMG nhận định: “Nếu bạn có quá nhiều sản phẩm giống nhau, việc duy trì giá trị thực sự không cần thiết nữa. Nếu tối nào chúng ta cũng ăn trứng cá muối, bạn sẽ không đánh giá cao nó như lần đầu trải nghiệm nữa”.

Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa FIFA và UEFA sẽ vẫn còn tiếp tục. Ảnh: Getty Images
 
Những diễn biến thú vị sẽ còn phía trước, nhưng dù sao đây cũng không phải là lần đầu tiên cuộc chiến giữa hai bên diễn ra. Vài năm trước, khi ông Infantino họp với ngân hàng SoftBank để bàn việc tổ chức các giải đấu mới do FIFA điều hành, trong đó có việc mở rộng FIFA Club World Cup từ 8 CLB lên 24 CLB, UEFA cũng kịch liệt phản đối bởi họ coi đó là mối đe dọa với Champions League. Trước phản ứng gay gắt, SoftBank đã rút lui, tuy nhiên Infantino không hề nao núng. Ông tiếp tục đàm phán với ngân hàng Raine Group của Mỹ để mời họ làm nhà tài trợ với mong muốn huy động được 1 tỷ USD để tổ chức FIFA Club World Cup phiên bản mới. 
 
Ban đầu, kế hoạch của FIFA là giải đấu phiên bản mới diễn ra trong mùa hè này tại Trung Quốc, nhưng vì đại dịch COVID-19 mà nó bị hoãn lại (do trùng các sự kiện Euro, Copa America cũng được đẩy sang năm nay) và giải đấu theo phiên bản cũ sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối năm.
 
Có thể thấy, khi những lợi ích của các ông lớn trở nên xung đột, những vấn đề chắc chắn nảy sinh.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.