“Xin chào, David. Chào mừng tới New York.” |
David Villa: Đứa trẻ đến từ Tuilla và giấc mơ Mỹ |
Đó là tất cả những gì mà tôi có thể hiểu được. Khoác trên mình bộ vest lịch lãm, một người đàn ông trông khá bảnh bao đang tiến đến và chìa tay về phía tôi. Không hề ngần ngại, tôi cũng bắt tay và mỉm cười một cách thân thiện. Rồi ông ấy nói tiếp vài câu nữa khiến tôi cảm thấy hơi bồn chồn. Có thể là ông ấy vừa hỏi tôi một câu hỏi chăng?
Chúng tôi đang đứng trong đường hầm bên ngoài phòng thay đồ tại SVĐ Yankee. Tôi vừa chuyển từ Atletico Madrid tới đội bóng mới của thành phố New York, NYCFC. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến sân vận động và đang đi dạo xung quanh để có thể cảm nhận nhiều hơn về bầu không khí nơi này. Là một người sinh ra và lớn lên ở Tây Ban Nha, tôi thực sự không biết gì nhiều về nước Mỹ . Đối với tôi, New York dường như chỉ tồn tại qua những bộ phim. Điều duy nhất mà tôi biết có lẽ chính là đội Yankee, biểu tượng khổng lồ của nền thể thao Hoa Kỳ. Tôi mải mê ngắm nhìn ngôi nhà mới của mình cho đến khi người đàn ông mặc vest trông có vẻ quan trọng kia tiến lại gần.
Quả thực là tôi chẳng hiểu ông ta nói gì luôn. Tôi cũng không biết ông ta là ai. Nhưng rồi, tôi lại loáng thoáng nghe thấy “Steinbrenner” và hơi chùng xuống. Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi đã nghĩ về việc luyện tập tiếng Anh bằng cách xem những show truyền hình Mỹ cùng các con gái của mình, xem chừng cũng không được hiệu quả cho lắm. Mỗi khi học giao tiếp tiếng Anh trên kênh Disney Channel, tôi cảm thấy khá tự tin, tuy nhiên, đứng trước Hank Steinbrenner ngay tại sân bóng của ông ấy lại là một điều gì đó khác hẳn. Tôi chẳng thể nào nói lên lời. Mặc dù tôi có rất nhiều điều muốn nói với người đàn ông này, nhưng mọi thứ cứ như thể đang bị mắc kẹt trong người tôi vậy.
Hank và tôi nhìn nhau vài ba giây trong im lặng. Thế là tôi đành phải quay sang nói với phiên dịch của mình: “Làm ơn hãy bảo ông ấy rằng tôi vẫn đang cố gắng cải thiện tiếng Anh”. Hank liền cười và bảo rằng không vấn đề gì cả. Đó cũng là thời điểm mà tôi nhận ra rằng mình nên nghiêm túc hơn nữa trong việc học tiếng Anh và cần phải thuê một gia sư ngay lập tức.
Tất cả những điều này chính là khoảnh khắc… chào mừng tôi tới New York. Và người ta thường nói rằng ai trong đời cũng sẽ có một lần như vậy.
BÓNG ĐÁ TRÊN NHỮNG MỎ THAN
Để giải thích vì sao tôi cảm thấy may mắn khi sống ở Mỹ, tôi cần quay trở lại nơi mình từng sinh ra.
Mỗi khi nhớ về quãng thời gian ấy, một thuở ấu thơ yên bình ở thị trấn Tuilla, Tây Ban Nha, tôi vẫn thường nghĩ về ba thứ, đó là bóng đá, mỏ than và những trái táo. Tất nhiên, bóng đá không phải công việc riêng của thị trấn này. Khắp Tây Ban Nha, hàng triệu đứa trẻ đều có chung một thời gian biểu: đi học, về nhà rồi đá bóng ngoài đường cho đến khi trời tối. Nếu bạn đi qua những thị trấn nhỏ, chắc chắn bạn sẽ thấy nhiều ô cửa sổ vỡ bởi các trận bóng đường phố. Một trận đấu bình thường là 11 đấu 11, nhưng ở đây, chỉ là một cái sân thật rộng với khoảng 40 thằng nhóc. Chúng tôi hiểu rằng nếu như quay về nhà để ăn tối, cũng đồng nghĩa với việc buổi tối xem như đã chấm hết. Các bà mẹ sẽ bắt con mình học bài rồi lên giường đi ngủ. Mà không ăn thì lại đói. Chính bởi vậy, mỗi khi “thiếu năng lượng”, chúng tôi thường nhảy qua các hàng rào và “mượn” một vài trái táo từ những vườn cây ăn quả nằm xung quanh Tuilla. Mấy thằng nhanh hơn thậm chí còn “chôm” thêm được vài con thỏ từ những nông trại gần đấy, nhưng tôi thì chẳng bao giờ nhanh bằng chúng nó.
Dẫu vậy, tất cả đều theo đuổi một giấc mơ.
Ai cũng biết trên đời tồn tại “giấc mơ Mỹ”, nhưng ở Tây Ban Nha, chúng tôi lại có một niềm hoài bão khác. Khi tôi trưởng thành, “giấc mơ Tây Ban Nha” chính là được khoác lên mình chiếc áo ĐTQG để biến giấc mơ vô địch World Cup của dân tộc này trở thành hiện thực. Thậm chí, tôi còn chẳng thể nào nhớ nổi giấc mơ ấy đã âm ỉ cháy trong tôi từ lúc nào nữa.
Năm lên 4 tuổi, tôi đã chơi bóng với một số đứa trẻ lớn hơn mình. Một trong số chúng nó đã ngã đè lên chân tôi, khiến tôi bị gãy xương đùi. Đó là một chấn thương nặng đến mức bác sĩ đưa ra cho cha mẹ tôi hai phương án chữa trị. Tôi có thể được phẫu thuật ngay lập tức, một giải pháp dễ dàng hơn vào thời điểm ấy, nhưng khả năng di chuyển sẽ bị hạn chế trong suốt phần đời còn lại. Giải pháp kia khó hơn, nhưng chân tôi sẽ có cơ hội bình phục hoàn toàn. Tôi sẽ phải bó bột từ mắt cá cho tới hông trong suốt nhiều tháng trời. Điều tệ hại là nếu như mọi thứ không thực sự ổn, tôi có thể sẽ phải trở thành một kẻ tàn phế cả đời.
Đối với cha tôi, chỉ có một lựa chọn duy nhất. Chúng tôi đã quyết định thực hiện giải pháp khó hơn, bó bột. Là một người phát điên vì bóng đá, ngay từ khi sinh tôi ra, cha tôi đã làm tất cả mọi thứ để giúp tôi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Ông ấy là hình mẫu điển hình của một con người chăm chỉ. Cũng giống như nhiều đàn ông tại Tuilla, cha tôi là thợ mỏ. Hàng ngày, khi tôi dậy đi học thì ông đã làm việc trong mỏ than, ở độ sâu 800 mét dưới lòng đất. Than đá chính là thứ nguyên liệu duy nhất để nuôi sống cả cái thị trấn này, nhưng đó lại là một công việc nguy hiểm. Cha tôi từng mất vài ba người bạn sau những tai nạn thảm khốc, thậm chí ngay cả bản thân ông cũng không ít lần phải phẫu thuật vì chấn thương khi đang làm việc, ở cùi chỏ, đầu gối và tất nhiên là mũi. Thi thoảng, chúng tôi vẫn nói đùa và bắt ông kể về lần so găng với Mike Tyson.
Khi bó bột, tôi đã phải nằm lỳ trên giường suốt hai tháng. Chân phải của tôi được nâng lên bằng một sợi dây. Tôi cũng chẳng nhớ nhiều điều về quãng thời gian tồi tệ này, nhưng theo lời cha mẹ kể lại thì điều duy nhất mà tôi làm khi ấy là xem bóng đá trên tivi và nghe nhạc. Do không thể ra ngoài chơi với chúng bạn nên tôi thực sự cảm thấy hơi… cuồng chân. Thế là tôi cứ liên tục đá chân trái vào khoảng không, cho đến khi mẹ tôi buộc phải treo cả hai chân của tôi lên để bà có thể cảm nhận được một chút yên tĩnh.
Ngay cả khi thoát ra khỏi cái giường khốn khổ kia, tôi vẫn tiếp tục phải bó bột thêm 4 tháng. Một trong những việc đầu tiên mà tôi thực hiện là tập tễnh bước ra khoảng sân trước nhà cùng cha mình. Đây cũng chính là lúc mà giấc mơ bóng đá của chúng tôi bắt đầu. Tôi chống tay vào tường để giữ thăng bằng và đứng trên chân phải, trong khi cha tôi lăn quả bóng về phía chân trái. Tôi thuận chân phải, nên chân trái yếu hơn hẳn, thế nhưng tôi vẫn cố gắng chuyền bóng lại cho cha mình. Trải qua một ngày dài làm việc quần quật trong mỏ than, thay vì nằm nghỉ ngơi, cha vẫn sẵn sàng đứng hàng tiếng đồng hồ ngoài vườn để nuôi dưỡng giấc mơ cho tôi, một giấc mơ bóng đá mà có lẽ chính ông cũng từng hoài bão.
Cho đến bây giờ thì tôi đã có thể dùng tốt cả hai chân, và tôi vẫn thường hay nói rằng đây là một phẩm chất cực kỳ quan trọng đối với các cầu thủ, nhất là tiền đạo. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ là cầu thủ nhanh nhẹn nhất, hay sở hữu kỹ thuật điêu luyện nhất, nhưng tôi lại có thể sút chính xác bằng cả hai chân. Đây cũng chính là yếu tố khiến cho một tiền đạo trở nên vô cùng khó lường. Khả năng này, đương nhiên là được vun đắp từ những ngày mà cha tôi chấp nhận hy sinh thời gian nghỉ ngơi, chỉ để ngồi lăn bóng vào chân trái của tôi, khi tôi mới 4 tuổi. Lúc ấy, tôi thỉnh thoảng lại kêu đau, nhưng rồi tôi nhận ra rằng cha mình còn mệt mỏi và đau nhức hơn gấp nhiều lần sau cả một ngày lao động vất vả bên trong hầm mỏ. Ông ấy không bao giờ kêu ca, ông ấy thích làm việc này.
Kể từ ngày đó, ông ấy luôn bên cạnh mỗi khi tôi chơi bóng. Cha tôi sẵn sàng chuyển ca làm việc để đổi lại bằng việc được trở về nhà và xem tôi chơi bóng, ngay cả khi phải đi làm vào lúc… 2 giờ sáng. Từ khi 5 tuổi cho đến tận năm 20 tuổi chuyển đến thi đấu trong màu áo Zaragoza, tôi chẳng bao giờ phải đi xe buýt tới sân tập. Cha tôi luôn là người lái xe đưa đón tôi.
GIẤC MƠ MỸ ĐÃ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC
Ngay cả khi lớn lên, tôi cũng không có nhiều ý niệm về nước Mỹ. Đó dường như là một vùng đất xa xôi nào đó ở bên kia đại dương, có lẽ không thể chạm tới được. Những đứa trẻ ở bên trong thị trấn của chúng tôi chẳng bao giờ có thể tưởng tượng đến một ngày nào đó được đặt chân tới Mỹ. Bản thân tôi cũng không hề thấy một chân trời nào khác ngoài Tây Ban Nha, hay đúng hơn là ngoài Tuilla. Khi tôi khoảng 9 hay 10 tuổi, mục tiêu duy nhất của tôi là được khoác áo đội một Sporting Gijon, đội bóng chuyên nghiệp duy nhất tại quê hương tôi, xứ Asturias. Bạn có thể được nghe rất nhiều câu chuyện về học viện của Barca hay Real Madrid, nơi mà những đứa trẻ được chăm sóc và huấn luyện như cầu thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đó không phải là câu chuyện của tôi.
Khi tôi ký hợp đồng với đội trẻ Sporting Gijon vào năm 16 tuổi, tôi vẫn đang học ở trường nghề để trở thành… thợ điện. Chương trình phát triển nghề nghiệp đã buộc tôi phải tham gia vào một khóa học thực tập, cụ thể hơn là đi sửa chữa lắp đặt máy điều hòa hay những công việc đại loại như vậy. Nhưng do đang thi đấu cho Gijon nên các trận đấu thường trùng với khoảng thời gian làm việc. Thế là tôi buộc phải đứng trước lựa chọn, hoặc tiếp tục học nghề, hoặc dừng nó lại và theo đuổi ước mơ. Đương nhiên, tôi chẳng cần phải thuyết phục cha mình, nhưng mẹ thì khác. Là một người không quá đam mê bóng đá, bà chỉ muốn tôi có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Cuối cùng, tôi đành phải thỏa thuận với bà rằng, nếu như trong vòng hai năm tôi không thể lọt vào đội một của Gijon thì tôi sẽ từ bỏ bóng đá và quay về học làm thợ điện.
|
David Villa ở Sporting Gijon |
Hai năm sau, cha mẹ tôi chính là hai trong số 16000 người có mặt ở El Molinon để cổ vũ cho con trai mình trong màn ra mắt đội một. Có lẽ, đây là ngày hạnh phúc nhất đối với gia đình nhỏ của tôi. Thực tế, tôi vẫn chưa hoàn toàn là một cầu thủ chuyên nghiệp. Để giành được vị trí chính thức, tôi cần phải chiến đấu nhiều hơn. Dẫu sao, ít nhất thì tôi đã đạt được mục tiêu mà cả gia đình tôi từng phải hy sinh rất nhiều để hướng tới nó. Mặc trên mình chiếc áo đỏ trắng, tôi đã thi đấu trên SVĐ mà thần tượng Quini của cha tôi từng chơi bóng trong những thập niên 70. Hôm ấy, mẹ tôi đã khóc. Và chúng tôi cũng chẳng hề biết rằng, 10 năm sau đó, tôi sẽ vô địch World Cup. Lần đầu tiên trong lịch sử, Tây Ban Nha giành được chức vô địch World Cup (đến khi ấy, mới đến lượt cha tôi khóc). Còn tôi, trong khoảnh khắc lần đầu tiên được chơi cho đội hình chính của Gijon, tôi chỉ hiểu rằng sự nghiệp làm thợ điện của mình đã được tạm ngừng, để nhường chỗ cho một giấc mơ nào đó xa vời và lớn lao hơn.
Một thập kỷ tiếp theo, tôi lần lượt khoác áo Gijon, Zaragoza, Valencia, Barca và Atletico Madrid, quả là không tệ chút nào đối với một thằng nhóc có hai chân dài không bằng nhau như tôi. Nhưng tất cả những đội bóng này đều ở Tây Ban Nha. Sự thật là tôi đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình để chơi bóng tại quê hương. Trên sân cỏ, tôi có thể sử dụng hai chân thuần thục, nhưng ngoài đời, tôi chỉ biết một thứ tiếng và một lối sống. Chính bởi vậy, khi tôi nhận được lời đề nghị chuyển đến nước Mỹ và giúp họ xây dựng một di sản cùng đội bóng mới NYCFC, tôi đã nghĩ mình không thể không chinh phục thử thách này.
Gia đình tôi cảm thấy phấn khích trước cuộc sống mới, nhưng một vài người bạn Tây Ban Nha thì lại lo lắng: “Villa, rồi cậu sẽ ăn gì ở Mỹ? Đồ ăn của họ không giống chúng ta đâu.”
Sau khi chuyển tới đây hồi năm ngoái, không lâu sau thời điểm gặp “quý ông mặc vest” Steinbrenner, tôi đã đưa các con mình đi trượt băng ở Bryant Park. Cảm giác hạnh phúc khi được chứng kiến lũ trẻ vui đùa thật tuyệt biết mấy. Có một cây thông khổng lồ nằm gần đó. Tôi mặc áo khoác, đội mũ, chẳng ai nhận ra tôi cả. Tôi chỉ là một ông bố đang ngắm nhìn lũ trẻ của mình, giống hệt như cái cách mà cha tôi từng ngắm nhìn tôi vậy. Điểm khác biệt duy nhất, là công viên mà chúng đang chơi thì đẹp gấp nhiều lần công viên tại thị trấn Tuilla của tôi ngày trước.
Mấy đứa nhỏ kêu rằng chúng đói bụng sau khi trượt băng xong. Có tổng cộng 10 người, vậy là tôi tiếp tục phải đối mặt với một vấn đề khác. Ăn gì khi chưa đặt bàn? Các con tôi muốn ăn pizza. Sau khi đi lòng vòng một lúc, cuối cùng thì chúng tôi đã dừng lại trước một cửa hàng pizza bé tý tẹo. Cả cửa hàng chỉ có đúng hai chiếc bàn ăn. Không gian đúng theo kiểu New York cổ điển, hệt như những gì mà bạn từng thấy trong phim, với những bức ảnh cũ kỹ treo đầy trên tường. Khi pizza được mang đến, chúng tôi gần như phát điên.
Bóng đá từng đưa tôi đến nhiều nơi trên thế giới nhưng thật lòng mà nói thì đó là miếng pizza ngon nhất trong cuộc đời tôi. Mọi thứ đều hết sức đơn giản, nhưng đó là một khoảnh khắc tuyệt vời, một ngày mà tôi cảm thấy dường như mình đã được sống trọn vẹn với giấc mơ Mỹ từ thuở ấu thơ, khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ chơi bóng trên những đường phố đầy bụi than tại thị trấn Tuilla bé nhỏ.
Bài viết được dịch từ: https://www.theplayerstribune.com/david-villa-just-a-kid-from-tuilla/
OLE (TTVN)