David Trezeguet: Chỉ có một “Trezegol” trên đời

Tác giả Ole - Thứ Hai 03/10/2016 17:38(GMT+7)

“Tôi đã hạnh phúc đến phát rồ sau khi được mọi người gọi theo biệt danh của Batistuta. Anh ấy chính là thần tượng số một của tôi”. Với hơn 300 bàn thắng ghi được trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của mình, David Trezeguet hoàn toàn xứng đáng được xem như một trong những tiền đạo xuất chúng nhất ở giai đoạn chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ mới, một sát thủ vòng cấm đích thực.

David Trezeguet: Chỉ có một Trezegol trên đời (Ảnh: Nam Lương)
Nếu như “Batigol” từng được cả thế giới bóng đá ngợi ca như một biểu tượng bất tử, thì có lẽ trên đời này cũng chỉ còn duy nhất một “Trezegol”, một cầu thủ mà tên tuổi luôn gắn liền với những bàn thắng.
TỪ ĐƯỜNG PHỐ NAM MỸ ĐẾN NƯỚC PHÁP HOA LỆ
Sinh ra ở Rouen, một thành phố thuộc vùng Normandy, nước Pháp nhưng David Trezeguet lại chuyển về sống tại Buenos Aires cùng gia đình ngay sau đó. Cha mẹ anh đều là người Argentina. Cũng giống như nhiều đứa trẻ địa phương khác, cậu bé Trezeguet đã bắt đầu sự nghiệp bóng đá ngay từ những mảnh sân loang lổ và nhếch nhác trên đường phố, cho đến ngày được ăn tập tại lò đào tạo trẻ Platense, CLB mà anh từng gắn bó suốt gần một thập kỷ. 
Năm 1995, chàng trai 18 tuổi quyết định quay trở lại nước Pháp để tìm kiếm vận may cho cuộc đời. Thế nhưng, điều tồi tệ đã xảy đến khi giữa Paris Saint-Germain và ban lãnh đạo Platense không đạt được thỏa thuận chuyển nhượng, qua đó khiến thương vụ Trezeguet đổ bể. Mặc dù vậy, trong thời khắc tưởng chừng như khó khăn nhất, chính HLV Jean Tigana là người đã dang tay “cứu rỗi” Trezeguet về AS Monaco, nơi sau này đã đưa tên tuổi của anh đến với cả nước Pháp cũng như toàn thế giới.
David Trezeguet ở kì World Cup đầu tiên và chức vo
Tại sân Stade de Louis II, David Trezeguet ghi được tổng cộng 60 bàn thắng sau 113 trận, qua đó cùng với người đồng đội Thierry Henry trở thành bộ đôi tiền đạo tràn đầy tiềm năng của ĐT Pháp vào thời điểm bấy giờ. Được biết, quãng thời gian khoác áo đội bóng xứ Công quốc cũng chính là giai đoạn mà Trezeguet gặt hái được nhiều thành công nhất trên đấu trường quốc tế, với hai chức vô địch World Cup 1998 và EURO 2000. Bên cạnh đó, trải qua 5 mùa giải đầu quân cho Monaco, Trezeguet còn hai lần đoạt dược danh hiệu Ligue 1 (1996/97, 1999/2000) cùng một chức vô địch Siêu cúp bóng đá Pháp (1997). Đấy cũng chính là những cột mốc hết sức quan trọng đưa anh đến bến đỗ “Bà đầm già thành Turin” - Juventus vào mùa Hè năm 2000.
HUYỀN THOẠI CỦA BIANCONERI
David Trezeguet - huyền thoại của Bianconeri
Là mẫu tiền đạo theo kiểu cổ điển, Trezeguet thường đặc biệt nguy hiểm trong khu vực cấm địa. Bất chấp việc không sở hữu nền tảng thể hình quá to lớn cũng như tốc độ thuộc vào loại “kiệt xuất”, thế nhưng chân sút người Pháp luôn tỏ ra hết sức nhạy bén trong khả năng lựa chọn vị trí để thực hiện các tình huống dứt điểm cuối cùng. Trong suốt quãng thời gian đỉnh cao sự nghiệp của mình, Trezeguet chính là một sát thủ đích thực, một kẻ có thể biến những pha bóng hết sức “bình thường” trở thành bàn thắng. Không cần phải rườm rà hay màu mè, tiền đạo gốc Argentina luôn đề cao tính đơn giản và sự hiệu quả lên hàng đầu. Đôi khi, chỉ cần bằng một cú chạm bóng thôi, từ bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, chân trái, chân phải, đầu, đùi, đầu gối hay gót chân… Trezeguet cũng có thể ghi bàn.
Tất nhiên, đơn giản cũng không hề đồng nghĩa với xấu xí. Đừng nghĩ rằng phong cách thực dụng bắt buộc “Trezegol” đánh mất đi vẻ đẹp tự nhiên trong những tháng năm chơi bóng đỉnh cao. Xuất thân là một cầu thủ trưởng thành từ đường phố Nam Mỹ, bản thân Trezeguet cũng có thừa sự ngẫu hứng. Không ít lần, anh đã khiến cho cả thế giới phải trầm trồ thán phục trước những tình huống tung người móc bóng kinh điển của mình. Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm rằng, khả năng dứt điểm bóng sống của ngôi sao người Pháp là vô cùng đáng sợ. Trong một ngày đẹp trời, chỉ cần Trezeguet là chính mình, dường như chẳng hậu vệ nào đủ sức ngăn cản nổi anh. Không tin? Hãy hỏi Nesta, Cannavaro, Maldini, họ sẽ có câu trả lời cho bạn. Cho đến tận bây giờ, những hoài niệm về cú volley “thần sầu” của Trezeguet trong trận chung kết EURO 2000, mang về chức vô địch cho ĐT Pháp vẫn là một điều gì đó mãi mãi ám ảnh các tifosi. Thật trớ trêu là cũng chỉ vỏn vẹn hơn một tháng sau khi bước lên đỉnh châu Âu, Trezeguet lại tìm đến chính nước Ý, mảnh đất mà cả dân tộc vẫn còn đang chưa hết bàng hoàng và nuối tiếc bởi bàn thắng anh từng ghi vào lưới Toldo cách đó không lâu… 
David Trezeguet vô lê vào lưới Toldo
Mùa giải đầu tiên cập bến sân Delle Apli, chân sút người Pháp chỉ là sự lựa chọn thứ ba của HLV Carlo Ancelotti trên hàng công Juve do không thể cạnh tranh được với Pippo Inzaghi và Del Piero. Tuy nhiên, sau khi “lão đầu bạc” Marcello Lippi trở lại dẫn dắt Bianconeri, Trezeguet đã bắt đầu được trọng dụng nhiều hơn. Rất nhanh chóng, cựu tiền đạo AS Monaco gây ấn tượng mạnh mẽ với các tifosi bằng khả năng săn bàn cực kỳ hiệu quả của mình. Bước sang mùa giải 2001/02, Trezeguet đã ghi tổng cộng 32 bàn thắng trên mọi đấu trường, trong đó có tới 24 pha lập công tại Serie A, góp phần quan trọng giúp Lão Bà giành được danh hiệu Scudetto. Cũng trong mùa giải năm ấy, David Trezeguet đồng thời đoạt luôn “cú hat-trick” danh hiệu cá nhân, bao gồm Vua phá lưới, Cầu thủ xuất sắc nhất và Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất Serie A.
Liên tiếp trong những năm sau đó, Trezeguet cùng với Del Piero đã trở thành cặp “song sát” cực kỳ ăn ý trên tuyến đầu của Juventus. Mùa bóng 2002/03, đội bóng thành Turin đoạt chức vô địch Serie A đồng thời lọt vào đến trận chung kết Champions League. Xuyên suốt trong cả chặng hành trình, Trezeguet cùng Del Piero, Pavel Nedved, Camoranesi, Buffon hay Edgar Davids… đã trở thành những mắt xích không thể thiếu bên phía đội hình Bianconeri. Chắc hẳn, những người hâm mộ Juve vẫn chưa thể nào quên được hai bàn thắng mà “Trezegol” đã ghi được vào lưới Real Madrid, trong cả hai lượt trận vòng bán kết, giúp thầy trò HLV Lippi vượt qua một tập thể được đánh giá là mạnh nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ. Nhưng rồi, thật cay đắng khi cũng chính Trezeguet lại là một trong ba cầu thủ Bianconeri sút hỏng 11 mét ở trận chung kết cuối cùng gặp AC Milan, khiến cho “Bà đầm già” phải lỗi hẹn với danh hiệu Champions League.
Sự nghiệp chơi bóng của David Trezeguet, công bằng mà nói thì không hề thiếu những ánh hào quang rực rỡ, thế nhưng ẩn chứa đằng sau đó, vẫn luôn tồn tại những mảnh ký ức thực sự hỗn loạn. Các juventini chắc chắn sẽ còn nhớ mãi về khoảng khắc mà Trezeguet bay người đánh đầu tung lưới Milan vào ngày 8/5/2005, tình huống lập công quyết định giúp cho Lão Bà bước lên đỉnh Serie A. Để rồi, cũng chỉ hơn một năm sau đó thôi, anh lại trở thành “tội đồ” của cả nước Pháp với cú sút penalty dội xà ngang trong trận chung kết World Cup 2006, thời điểm mà nhiều người vẫn tin rằng “Trezegol” đã phải trả món nợ cho người Ý từ 6 năm về trước…
THẾ GIAN NÀY CHỈ CÓ MỘT “TREZEGOL”
“David là một tiền đạo xuất sắc nhất mà tôi từng được chừng kiến. Anh ấy không chỉ biết dứt điểm mà còn biết phối hợp, biết tìm ra cách để giúp cho bản thân và đồng đội xung quanh ghi bàn”, Del Piero đã nhận xét về Trezeguet như vậy. Về mặt lý thuyết, trong giai đoạn mà hai cầu thủ này còn thường xuyên đá cặp cùng nhau thì Del Piero là người chơi thấp hơn một chút và có xu hướng dạt sang trái, qua đó nhường lại khoảng trống ở khu vực trung lộ cho Trezeguet. Mặc dù vậy, trên thực tế thì chân sút người Pháp vẫn sẵn sàng di chuyển linh hoạt để tạo điều kiện cho các vệ tinh như Del Piero, Nedved hay Camoranesi được tiếp cận vòng cấm địa đối phương.
Mùa Hè 2006, khi Juventus ngập chìm trong bê bối với vụ scandal đình đám Calciopoli, thành Turin đã phải chứng kiến sự ra đi của hàng loạt những ngôi sao tên tuổi như Ibrahimovic, Cannavaro, Zambrotta hay Thuram… Tuy nhiên, David Trezeguet lại chính là một trong số ít người chấp nhận ở lại cùng Lão Bà. Tiếp tục chiến đấu bên cạnh những Buffon, Del Piero, Nedved và Camoranesi, họ đã cùng nhau vực dậy một Juve đang đứng bên bờ diệt vong. Trở lại Serie A vào mùa giải 2007/08 sau hơn một năm bị vùi sâu dưới đáy bùn, Trezeguet và các đồng đội hoàn toàn xứng đáng được xem như những biểu tượng cho sự chung thủy trong thế giới bóng đá, một thứ bản sắc vốn đang ngày càng trở nên hao mòn bởi những giá trị vật chất hay kim tiền.
David Trezeguet ở lại Juve cùng Del Piero, Nedved giúp Lão Bà vực dậy sau Calciopoli

Phong độ của “Trezegol” dần dần đi xuống kể từ năm 2008 khiến anh đánh mất vị trí chính thức tại Juventus vào tay những chân sút trẻ hơn như Amauri hay Iaquinta. Mùa Hè năm 2010, ngôi sao người Pháp gia nhập Hercules, nơi anh ghi được 12 bàn thắng ở La Liga sau 31 lần ra sân. Mặc dù vậy, cũng chỉ sau đúng một mùa giải, tiền đạo sinh năm 1977 này lại quyết định chuyển đến chơi cho Baniyas (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) trước khi trở về Argentina để khoác áo River Plate và Newell’s Old Boys thêm 3 năm nữa. Tháng Bảy năm 2014, Trezeguet đến Ấn Độ, đầu quân cho FC Pune, đội bóng cuối cùng trong sự nghiệp của anh.
***
Xuyên suốt trong hai thập kỷ chơi bóng đá đỉnh cao, tên tuổi David Trezeguet luôn gắn liền với những bàn thắng. Để rồi người Pháp vẫn luôn phải thầm ước rằng, đến bao giờ thì Xứ sở lục lăng mới lại xuất hiện thêm một “số 9” kiểu mẫu như anh. Không quá nổi tiếng và cuốn hút giống như rất nhiều ngôi sao đương thời khác, thế nhưng “thương hiệu” Trezeguet vẫn là duy nhất, vẫn tồn tại như thể một đại diện sống còn cho phong cách mà chỉ mình anh sở hữu. Bỏ lại sau lưng tất cả những tháng ngày mà cựu tiền đạo Juventus từng “khủng bố” Calcio bằng hàng loạt bàn thắng kinh điển, khi những năm tháng ấy chứng kiến biết bao vinh quang chói lọi mà anh từng giành được trong màu áo ĐTQG Pháp, người ta hiểu rằng, trên thế gian này, mãi mãi chỉ có một “Trezegol” mà thôi…
OLE   (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.