David Moyes: Nếu bóng đá trở thành một ván cờ, chúng ta đều sẽ buồn chán (P1)

Tác giả CG - Thứ Ba 04/06/2019 10:35(GMT+7)

Khi tới Manchester United, tôi đã nghĩ đó là khởi đầu cho một chương quan trọng khác trong sự nghiệp. Sự quan tâm của họ xuất phát từ những gì tôi làm được trong màu áo xanh nhưng tôi nghĩ mình phù hợp với kế hoạch lựa chọn HLV trưởng của họ.

“Chỉ có một CLB dành cho con thôi và đó là Everton”.

 
Đang xem một trận đấu ở Blackpool thì một người đàn ông lớn tuổi người Scotland nói như thế với tôi, nhiều năm trước khi tôi đến Goodison. Tôi gật đầu, cười một cách lịch sự và không thực sự suy nghĩ quá nhiều.
Nhưng những lời của ông ấy vẫn luẩn quẩn trong đầu tôi và sau đó, thực tế chứng minh ông ấy đã đúng.

Thời điểm ban đầu khá khó khăn vì tôi được nhắm đến thay thế Walter Smith. Walter có lẽ là người thầy lớn nhất của tôi và đồng thời là một người bạn tốt – một người mà tôi luôn có thể gọi điện để xin tư vấn hay trao đổi ý tưởng. Tôi không muốn bắt đầu nói chuyện với Everton trước khi tương lai của ông được định đoạt. Cuối cùng, thất bại trước Middlesbrough khiến triều đại của Walter khép lại.
 
Tôi nghĩ không phải ai cũng có thể hiểu những bước tiến của Premier League. Vào ngày đầu tiên, tôi bước vào phòng thay đồ và gặp Paul Gascoigne, David Ginola, Duncan Ferguson và Tommy Gravesen, toàn các tuyển thủ quốc gia. Bạn có thể có tất cả các danh hiệu nhưng cũng không thể chuẩn bị cho khoảnh khắc đó. Câu hỏi đặt ra là bạn sẽ xử lý điều này thế nào.
 
Ở đó có rất nhiều những cá tính lớn mà bạn không thể chỉ yêu cầu sự tôn trọng được, bạn phải kiểm soát được chúng. Bạn làm điều đó bằng cách huấn luyện, bằng những thể hiện trên sân tập là bạn có kiến thức về những điều mình đang nói. Bạn cũng phải cho thấy rằng mình là sếp khi nói những điều đó.
 
HLV David Moyes khi mới dẫn dắt Everton. Ảnh: Ross Kinnaird/Getty Images

Thời điểm tới Everton, tôi đã là HLV trưởng 4 năm tại Preston North End. Nhưng tôi đã học huấn luyện từ rất lâu trước khi tới Deepdale (sân nhà của Preston North End).
 
Bạn có thể nói là tôi đã học lỏm từ rất sớm. Khi còn là cầu thủ ở Celtic, tôi đã dành thời gian hè để hỗ trợ các khóa huấn luyện. Chúng tôi được biết đến là “chân chạy” nhưng thực sự là chuột lang: ngày đầu bạn chơi ở hàng tiền vệ, hôm sau là hậu vệ phải, ngày tiếp theo là tiền đạo cắm, cảm nhận mọi sắc thái của từng vị trí. Chúng nghe có vẻ là một cách nhàm chán để tận hưởng kỳ nghỉ hè nhưng với tôi nó là thiên đường. Tôi yêu từng khoảnh khắc ấy.
 
Năm 22 tuổi, tôi đã đủ bằng cấp HLV ở Scotland. Sau đó, tôi học lại một lần nữa ở Anh vì tôi sợ bằng Scotland không có hiệu lực ở nước phía nam biên giới. Tôi không rõ nhiều người có lấy đầy đủ bằng huấn luyện hai lần hay không nhưng tôi thì đã làm thế. Từ đó, mọi thứ đều là công cuộc nghiên cứu: Tôi lắng nghe, quan sát, lựa chọn những thứ mà tôi nghĩ sẽ có giá trị với mình sau này. Mỗi HLV cho tôi một điều khác nhau.
 
Ví dụ như Billy McNeill ở Celtic. Ông ấy từng là một trung vệ mạnh mẽ, máu lửa và tôi nghĩ ông sẽ thấy điều gì đó ở tôi. Tôi không thể tiệm cận trình độ của ông ấy nhưng ông tin tưởng tôi. Ông làm việc cá nhân với tôi, rèn thêm đánh đầu sau buổi tập. Ông có tầm vóc to lớn tại CLB vì đã từng giành European Cup và ông vẫn giữ ảnh hưởng cá nhân tại đây.
 
Tại Preston, tôi thi đấu dưới sự huấn luyện của John Beck, người có phong cách đối lập với những gì chúng ta làm trong bóng đá ngày nay. Ông là một người rất hâm mộ Charles Hughes (cựu giám đốc phụ trách huấn luyện của FA và một người phát triển thời kỳ đầu của chiến thuật bóng dài) và dù chắc chắn tôi không đồng ý với mọi điều trong chiến thuật của ông thì ông cũng có một vài tư tưởng xuất sắc: cách tận dụng tối đa những tình huống bóng chết, cách thúc đẩy đội bóng. Tôi thấy rằng mọi tình huống đều là cơ hội học hỏi.
 
Nhưng HLV tuyệt vời nhất mà tôi từng làm việc cùng có lẽ là Andy Roxburgh, người dẫn dắt đội tuyển trẻ Scotland khi tôi thi đấu ở đây. Tôi là cầu thủ thiếu niên duy nhất thời điểm đó nhưng tôi có thể nói rằng Andy hơn mọi HLV khác. Ông ấy luôn tìm kiếm những ý tưởng mới và có thể nói cho chúng tôi về những kỹ năng mới mà ông thấy ở nước ngoài.
 
Đó là sự khát khao về tri thức luôn có trong tôi. Tôi nhớ khi đến World Cup 1998 với tư cách một người quan sát, tôi đã có thể thấy những cầu thủ giỏi nhất ứng xử thế nào. Trước giải đấu, tôi đã viết thư cho mọi đội tuyển quốc gia để hỏi xem có thể đến tham gia ở các trại tập luyện hay không. Người duy nhất trả lời tôi là Craig Brown, HLV đội tuyển Scotland, ông mời tôi đến Avignon để theo dõi quá trình chuẩn bị.
 
Làm công việc HLV là bạn phải ra ngoài và tìm kiếm. Hoặc lắng nghe hoặc thấu hiểu. Có những bài học chắc chắn bạn không thể học được trong lớp; bạn phải đi ra ngoài. Bạn phải cải thiện vì nếu không làm được sẽ có những người khác làm thay. Tháng ngày đó ở miền nam nước Pháp, theo dõi đội tuyển Scotland tập luyện và đến xem một vài trận đấu World Cup, tôi học được rất nhiều điều.
 
Thời điểm đó, tôi đã bước chân vào nghề huấn luyện được vài tháng, bắt đầu đưa tất cả lý thuyết vào thực hành. Và khi nhìn lại, Preston là một nơi lý tưởng để một HLV trẻ chứng minh khả năng, nó cho tôi thời gian và không gian để phát triển các ý tưởng.
 
Tôi tới Deepdale khi sự nghiệp thi đấu chuẩn bị khép lại và không lâu sau đó trở thành cầu thủ kiêm HLV trợ lý của Gary Peters. Khi Gary ra đi, có nhiều người nói tôi sẽ nắm quyền nhưng không có gì chắc chắn cả. Người hâm mộ Preston muốn một tên tuổi lớn, ai đó có thể gây hào hứng hơn. Họ muốn Joe Royle hoặc Ian Rush là HLV, không phải David Moyes.
 
May mắn thay, Chủ tịch Bryan Gray nghĩ khác. Preston luôn nhất quán đi theo tôn chỉ của mình, họ thường đưa mọi người đi lên theo thứ tự cấp bậc. Gary trước kia thay thế John Beck và giờ đến lượt tôi. Ban đầu, tôi là HLV kiêm cầu thủ nhưng sau đó việc kiêm hai vai trò này không thể kéo dài mãi. Tôi thi đấu khá tồi trong một vài thất bại của đội nên tôi tự rút khỏi vai trò cầu thủ và tập trung hoàn toàn vào công tác huấn luyện.
David Moyes tại Preston North End

Preston lúc này đang ở trong tình thế khó khăn, đối diện nguy cơ xuống hạng nhưng điều may của tôi là đã biết hết toàn bộ các cầu thủ rồi. Tôi đã từng tham gia điều hành một vài bài tập dưới thời Gary và biết đội bóng cần gì ở mình. Chúng tôi đoàn kết lại và mọi người tin vào điều mình đang làm. Nó tạo động lực cho chúng tôi ở những mùa giải tiếp theo.
 
Một trong những nhiệm vụ lớn nhất là giúp Preston chơi thứ bóng đá tấn công chất lượng. Tôi đã từng ở Celtic, tại đây bạn không không thể làm gì khác ngoài tấn công. Đó là những gì người hâm mộ yêu cầu. Tôi muốn truyền những giá trị đó vào Preston và các cầu thủ cũng rất quyết tâm để thực hiện. Đó không phải thứ bóng đá kiểm soát như bạn thấy ngày hôm nay đâu mà chúng tôi luôn muốn tạt bóng vào vòng cấm, đưa bóng tới chân các tiền đạo. Đó là những gì chúng tôi thực hiện.
 
Việc được thăng lên hạng Nhất (Division One) là minh chứng cho thấy nỗ lực của chúng tôi đang được đền đáp và 1 năm sau đó chúng tôi đã tiến rất gần đến Premier League. Đó là một mùa giải vô cùng khó khăn. Hãy nhìn vào 3 đội bóng lên hạng: Fulham của Jean Tigana, Blackburn của Graeme Souness và Bolton của Sam Allardyce, đội đã đánh bại chúng tôi trong trận chung kết playoff. Mỗi CLB ở lại Premier League trong một thập kỷ như một bằng chứng về năng lực của họ. Nhưng Preston đã tiến rất gần với việc lên hạng rồi.
 
Tôi khởi đầu mùa giải tiếp theo với một chút thất vọng, điều có lẽ không thể tránh khỏi. Các CLB đã đến và kéo 1 hay 2 cầu thủ của chúng tôi đi: John Macken tới Manchester City và Michael Appleton tới West Brom. Chúng tôi bắt đầu phải chứng kiến những cuộc chia ly vì không thể lên chơi Premier League. Và tôi cũng nhận được những cuộc điện thoại cho những công việc huấn luyện khác.
 
Tôi đã gặp gỡ một loạt các CLB: Sheffield Wednesday, Southampton, Nottingham Forest cũng như vài đội bóng nữa. Đó đều là những CLB tại Premier League nhưng tôi không chắc chắn sẽ đến đâu trong số đó cả.
Tôi nhớ là đã tới gặp Sir Alex Ferguson để xin lời khuyên sau một vài cuộc nói chuyện với Wednesday. Ông ấy ngồi trong văn phòng ở Carrington và nắm rõ từng cầu thủ trong đội. Ông ấy vô cùng hiểu biết. Cuối cùng, ông nói: “Đừng, David. Tôi không nghĩ đó là một công việc tốt đâu”.
 
Vậy nên tôi trở về Preston và quay lại với công việc. Thế nhưng, Everton thì khác. Đó là một sự lựa chọn đúng đắn và tôi bắt đầu công việc với một ý tưởng rõ ràng. Tôi quyết định rằng mình không cần các cầu thủ đang ở giai đoạn cuối sự nghiệp, đòi hỏi tiền lương cao mà không có giá trị khi bán lại và không còn sự nghiệp lâu dài. Kế hoạch của tôi tập trung vào các cầu thủ trẻ, giàu khao khát. Tôi biết mình không thể thực hiện nó chỉ trong một đêm nhưng những gì mà tôi tích lũy được từ hạng dưới giúp tôi biết có 3 hay 4 cầu thủ ở đó rất mong muốn thể hiện và có thể chơi ở hạng đấu cao hơn.
 
Ví dụ điển hình nhất trong những năm tháng đầu tiên đó có lẽ là Tim Cahill. Cậu ấy tới mang theo khát khao, quyết tâm và sự bền bỉ. Bill Kenwright và tôi đã đi xem cậu ấy thi đấu cho Millwall và ngay trong cuộc gặp đầu tiên, Bill đã cho rằng cậu ấy là một người tuyệt vời. Điều đó đã được chứng minh và cậu ấy tạo nên một tiêu chuẩn mới trong đội hình kể từ khi gia nhập.
 
Tim Cahill và David Moyes. Ảnh: Ross Kinnaird/Getty Images
(còn nữa)
 
Dịch từ bài viết “Out of the blue” trên The Coaches’ Voice

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.