David Ginola: Chàng lãng tử Pháp ở xứ sương mù

Tác giả CG - Thứ Tư 26/01/2022 08:43(GMT+7)

“Anh có thể cho chúng tôi biết anh là ai không?”, đó là câu hỏi đầu tiên của truyền thông Anh khi Ginola mới tới xứ sở sương mù. Sau 7 năm ở đó, ông đã cho tất cả biết David Ginola là ai.

 
David Ginola vẫn nhớ cảm giác bối rối trong cuộc họp báo đầu tiên ở Anh. Năm 1995, ông gia nhập Newcastle United từ Paris Saint-Germain với mức giá 2,5 triệu bảng. Trước đó vài tháng ông cùng PSG lọt vào bán kết Champions League và được nhiều CLB tại châu Âu chú ý. Song, không phải ai cũng biết tài năng của Ginola.
 
Ông chia sẻ với FourFourTwo: “Tại cuộc họp báo đầu tiên, một nhà báo nói: ‘Liệu anh có thể nói cho chúng tôi biết anh là ai không?’ Ở Paris, tôi đoạt chức vô địch quốc gia, đoạt hai cúp quốc gia và được bầu là cầu thủ Pháp xuất sắc nhất năm. Nhưng với bóng đá Anh, tôi hoàn toàn vô danh và điều đó khiến tôi bất ngờ.
 
Tôi đáp lại như sau: ‘Ý anh là sao, tôi là ai ấy à?!’ Khi đó báo chí Anh không biết nhiều về cầu thủ Pháp chứ không giống như hiện tại. Nhưng tôi là điều bất ngờ với họ, một sự khám phá kiểu như ‘Ồ, đây quả là cầu thủ giỏi’”.
 
Chỉ sau 4 trận đấu đầu tiên ở Newcastle, Ginola đã được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất tháng của Premier League. Sau vài mùa giải, ông trở thành một trong những ngôi sao lớn nhất giải đấu, trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất năm do Hiệp hội cầu thủ bóng đá Anh và Hiệp hội nhà báo bóng đá Anh sau khi chuyển đến Tottenham vào năm 1997. Với vẻ ngoài điển trai, khả năng rê bóng lắt léo, cầu thủ chạy cánh trái người Pháp thực sự trở thành một hiện tượng ở bóng đá Anh.
 
Song, ban đầu Newcastle không phải điểm đến mà Ginola mong muốn vào mùa hè 1995. Sau khi giúp PSG loại Barcelona ở Champions League, cầu thủ 28 tuổi đã được gắn với những tin đồn chuyển tới Barca của thần tượng Johan Cruyff. 
 
“Tôi có hai tấm poster trong phòng ngủ khi còn nhỏ, một là của Cruyff và một là của Diego Maradona. Cruyff là nguồn cảm hứng của tôi ở cách thi đấu cũng như hành xử. Tôi từng gặp ông ấy ở một giải golf tại Tarragona, phía nam Barcelona, và ông ấy bảo tôi chính là ưu tiên chuyển nhượng của ông ấy trước mùa giải. Barca dưới thời Cruyff chơi thứ bóng đá xuất sắc nhất mọi thời đại, một thứ bóng đá kỳ diệu.
 
Mọi thứ đã được lên kế hoạch, nhưng Cruyff nói rằng ông sẽ phải bỏ hai cầu thủ nước ngoài là Hristo Stoichkov và Gheorghe Hagi nếu ký hợp đồng với tôi. Vì đội bóng không thể tìm CLB cho họ nên Cruyff gọi điện cho tôi để thông báo: ‘Tôi xin lỗi nhưng chúng tôi không thể chiêu mộ cậu được’”, David Ginola cho biết.

David Ginola đến Anh trong sự nghi ngờ của truyền thông xứ sở sương mù dù đã tạo dựng được danh tiếng ở Pháp. Ảnh: Getty Images
 
Đúng lúc đó, Ginola biết Kevin Keegan của Newcastle muốn có ông. Ngay từ nhỏ, Ginola đã xem Keegan thi đấu trong màu áo Liverpool và rất mến mộ danh thủ người Anh. Song, Newcastle không phải đội bóng Anh duy nhất muốn có sự phục vụ của tiền vệ người Pháp. Ngay sau khi nói chuyện với trợ lý Terry McDermott của Keegan, Ginola nhận được cuộc gọi từ phó chủ tịch David Dein của Arsenal. Nhưng vì đã hứa với phía Newcastle, ông quyết định lựa chọn gia nhập đội bóng vùng Đông Bắc nước Anh.
 
Dưới sự dẫn dắt của Kevin Keegan, “Le Magnifique” thực sự thăng hoa. Cựu danh thủ người Pháp nói: “Ông ấy biết cách phát huy khả năng của mọi cầu thủ. Ông ấy bảo rằng: ‘David này, tôi biết năng lực của cậu, hãy cứ làm những gì cậu giỏi nhất. Tôi không muốn cậu phòng ngự quá nhiều, hãy cứ dồn hết sức cho việc tấn công và đưa bóng vào vòng cấm nhiều nhất có thể cho Les Ferdinand’”.
 
Giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất tháng 8/1995 đã xoá tan những nghi ngờ của mọi người về Ginola. Trong trận đấu thứ ba của mùa giải, ông có một cú sút xa trái phá vào lưới Sheffield Wednesday. Truyền thông Pháp nói rằng Ginola sẽ không phù hợp với bóng đá Anh và ông đã chứng minh tất cả đã sai. 

Đến giai đoạn mùa đông, phong độ ấn tượng của Ginola đã giúp Newcaslte leo lên đầu bảng xếp hạng. Báo chí Anh lúc đó nói rằng cuộc đua vô địch Premier League thời điểm ấy được định đoạt bởi những người Pháp: Ginola và Cantona. Nhưng trong cuộc đối đầu giữa hai đội vào tháng 3/1996, Manchester United mới là người chiến thắng nhờ pha lập công của Cantona. Cuối cùng mùa giải đó Newcastle đã không thể đoạt chức vô địch.
 
Bước sang mùa giải tiếp theo, Ginola được BBC trao danh hiệu Bàn thắng đẹp nhất tháng 10 cho cú lừa bóng trước khi vô-lê vào lưới Ferencvaros. Nhưng quãng thời gian của ông ở đội bóng chủ sân St James’ Park chỉ kéo dài trong hai mùa giải, sau khi Keegan rời đi vào tháng 1/1997 và Ginola không hạnh phúc dưới sự dẫn dắt của Kenny Dalglish. Trước đó, chính Keegan đã ngăn không để Ginola đến Barcelona đầu mùa giải 1996/1997. Ở tuổi 29, ngôi sao người Pháp đã rất muốn đến Barca bởi đó gần như là cơ hội cuối cùng để ông gia nhập một trong những CLB lớn nhất thế giới. 
 
Song, sau khi đã bán Andy Cole cho Manchester United, Keegan không muốn mất thêm một ngôi sao trong đội nữa. “Tôi có thể hiểu điều đó và đáp lại rằng vì tôi cảm thấy ở Newcastle rất tuyệt, tôi sẽ tiếp tục ở lại đội. Nhưng thời điểm đó tôi nghĩ quyết định đó là cách suy nghĩ ích kỷ, nhất là khi ngay 6 tháng sau ông ấy sẽ rời đi”, Ginola chia sẻ.
 
“Newcastle không có Keegan trở nên rất khác, nhất là cách tập luyện và chiến thuật. Kevin là người tốt và tử tế, một người không ngần ngại khoác vai bạn. Dalglish thì lạnh lùng hơn, và tôi nhanh chóng nhận ra mình không phải mẫu cầu thủ ông ấy muốn giữ”.

David Ginola không gắn bó lâu với Newcastle nhưng ông vẫn luôn được các CĐV ở đây yêu quý. Ảnh: Getty Images
 
Rời Newcastle, Ginola gia nhập Tottenham Hotspur với mức giá 2,5 triệu bảng. Và câu chuyện cầu thủ chạy cánh người Pháp ký hợp đồng với Spurs như thế nào cũng thực sự thú vị. Thời điểm ấy, Ginola đang trở về quê nhà Saint-Tropez để nghỉ hè. Chủ tịch Alan Sugar của Tottenham khi đó ở trên du thuyền tại Villefranche-sur-Mer, ngoài khơi Monaco. Ông đã gọi cho Ginola để mời danh thủ người Pháp lên du thuyền ký hợp đồng. Song, hôm đó là quốc khánh Pháp và đường phố rất đông. Ginola cho rằng nếu lái xe từ Saint-Tropez sẽ rất lâu mới đến Monaco.
 
Ông chia sẻ câu chuyện này: “Tôi liền gọi một người bạn và nói: ‘Tôi cần đến Monaco nhanh nhất có thể’. Anh ấy liền đáp: ‘Chờ tôi một tiếng nhé’, sau đó gọi lại và bảo: ‘Tôi có một chiếc thuyền’. Chúng tôi rời Saint-Tropez bằng thuyền, đi với tốc độ 40 hải lý/h. Đúng 58 phút, chúng tôi đến nơi”.

Và chuyến phiêu lưu của Ginola ở Tottenham thực sự đáng nhớ. Trước khi ông đến, Tottenham đứng ở vị trí thứ 10, sau đó trượt xuống vị trí 14 trong mùa giải đầu tiên của Ginola. Dù vậy, ông là ngôi sao của đội, các cổ động viên rất yêu quý chàng tiền vệ người Pháp và coi ông như thần tượng mới của sân White Hart Lane. Mỗi khi bóng đến chân Ginola, cả sân dường như nín thở vì tất cả đều chờ đợi ông làm được những điều phi thường.
 
Mùa hè 1998, Ginola phải ngồi nhà chứng kiến ĐT Pháp giành chức vô địch World Cup dù ông thừa khả năng để có mặt ở đó. Song, kể từ khi trở thành “vật tế thần” cho thất bại tại vòng loại World Cup 1994, thời vận của ông với Les Bleus đã kết thúc. Tuy nhiên, giai đoạn 1998 – 1999 lại là thời điểm Ginola thể hiện đậm nét dấu ấn cá nhân ở Spurs. Dù đã có nhiều người nghi ngờ Ginola sẽ không thể có cơ hội dưới thời một HLV giàu tính kỷ luật và thực dụng là George Graham, song cầu thủ người Pháp đã chứng minh những nghi ngờ là sai lầm với danh hiệu League Cup cùng giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA).

Khoảnh khắc xuất sắc nhất của Ginola là bàn thắng vào lưới Barnsley tháng 3/1999 khi ông cầm bóng bên cánh trái, tả xung hữu đột qua một loạt hậu vệ đối phương trước khi dứt điểm nhẹ nhàng trong vòng cấm địa. “Đây chính là hình ảnh minh hoạ hoàn hảo cho mùa giải. Đó là vòng tứ kết FA Cup, tỷ số là 0-0. Tất cả mọi người xem bạn, kỳ vọng bạn làm điều gì đó thật tuyệt vời, và bạn phải làm phận sự của mình. Tôi không thể giải thích làm thế nào có thể tạo ra một chuỗi hành động để kết thúc bằng bàn thắng. Mọi thứ cứ thế diễn ra trôi chảy và thật hoàn hảo”, David Ginola chia sẻ với FourFourTwo.

David Ginola thăng hoa trong màu áo Tottenham. Ảnh: Getty Images
 
Trong mùa giải Manchester United đoạt cú ăn ba vĩ đại, Ginola 32 tuổi trở thành cầu thủ đầu tiên trong kỷ nguyên Premier League đoạt danh hiệu của PFA mà không nằm trong nhóm hai đội dẫn đầu. Hãy nhớ mùa bóng ấy Spurs xếp thứ 11. “Đoạt giải thưởng ấy ở tuổi 32 là lời chứng minh cho những người nói David tập trung hơn vào việc làm người mẫu hay quảng cáo cho L’Oreal. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Bạn không thể là cầu thủ xuất sắc nhất năm ở tuổi 32 nếu không hoàn toàn tận hiến cho công việc”.
 
Năm đó kết thúc hoàn hảo với Ginola bằng giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất do Hiệp hội nhà báo bóng đá Anh bình chọn. Quan trọng hơn, Cruyff – thần tượng của Ginola - ca ngợi ông là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. 
 
Ginola những tưởng ông sẽ kết thúc sự nghiệp ở Spurs, nhưng rồi một năm sau, ông có tên trong danh sách phải ra đi của đội bóng do HLV Graham không cần đến sự phục vụ của ngôi sao người Pháp nữa. Chia tay Spurs, David Ginola gia nhập Aston Villa rồi sau đó là Everton nhưng không gặt hái thành công như tại Newcastle hay Spurs. Ông giải nghệ ở tuổi 35 khi không còn khát khao thi đấu. Sau này, Ginola vẫn canh cánh một nỗi tiếc nuối rằng nếu có cơ hội khoác áo một đội bóng lớn hàng đầu thế giới như Barcelona, ông đã có cơ hội thi đấu tại Euro 1996 hay World Cup 1998. Trong sự nghiệp, Ginola chưa từng tham dự giải đấu lớn nào cùng Les Bleus.
 
Tuy nhiên, tại Newcastle và Tottenham ông trở thành một thần tượng đích thực trong mắt các cổ động viên. Ông là ngôi sao lớn nhất của tập thể Newcastle hay nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, sau đó trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của Tottenham trong kỷ nguyên Premier League. 
 
“Anh có thể cho chúng tôi biết anh là ai không?”, đó là câu hỏi đầu tiên của truyền thông Anh khi Ginola mới tới xứ sở sương mù. Sau 7 năm ở đó, ông đã cho tất cả biết David Ginola là ai.
 
Tổng hợp từ FourFourTwo

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.