David Bentley: Sự thật phía sau quyết định từ giã sân cỏ ở tuổi 28

Tác giả Elflaco - Chủ Nhật 07/06/2020 09:26(GMT+7)

Sau tất cả, bàn thắng siêu hạng vào lưới Middlesbrough ở tuổi 19 trong màu áo Arsenal, cú hat-trick trước Man United tại Blackburn, cầu thủ người Anh đầu tiên ghi bàn ở sân Wembley mới, người Anh đầu tiên chơi bóng ở giải Ngoại hạng Nga… là những dấu mốc mà Bentley được nhớ đến với tư cách nột cầu thủ. Và với David Bentley thế là đủ.

Ngôi sao trẻ đầy tiềm năng nhưng không thể vươn tới đẳng cấp cao nhất của bóng đá. Hay một chàng trai, bắt đầu từ con số không, sống trong giấc mơ tuyệt vời vài năm và rồi quyết định dừng lại tất cả ở cái tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ.

Thật dễ dàng để đưa ra một phác thảo cơ bản về sự nghiệp của David Bentley, một trong những tiền vệ được đánh giá là hay nhất trong thế hệ của anh. Màn ra mắt tuyệt vời trong màu áo Arsenal, ở tuổi 19. Những năm tháng bùng nổ ở Blackburn. Vụ chuyển nhượng gây chú ý tới Tottenham. Serie những lần bị đem cho mượn sau đó. Và cuối cùng treo giầy ở tuổi 28.
Bentley, giờ mới… 35 tuổi, có cái nhìn khác đa số về cuộc đời và sự nghiệp của anh. “Mọi người thường tập trung vào việc “ta đã sai ở đâu”, nhưng với tôi thì đó là “ta đã thực sự làm đúng ở chỗ nào”, Bentley nói với phóng viên The Athletic qua Zoom, tại căn hộ của anh ở Hertfordshire.
“Ở tầm tuổi này, tôi lẽ ra vẫn có thể là 1 cầu thủ bóng đá. Nhưng nói thực, tôi chẳng thể hình dung mình-ở-tuổi-35 sẽ thi đấu ra sao nữa. Tôi đã treo giày được 7 năm và cũng đã “làm đủ” mọi thứ có thể với bóng đá. Tôi từng sống ở Tây Ban Nha 3 năm, tham gia vào nhiều hoạt đông kinh doanh. Không bóng đá nhưng tôi có được một khoảng thời gian tuyệt vời, cho cuộc đời mình. Như được ở bên cạnh các con mỗi ngày chẳng hạn”.
Mọi người hay nói “Tớ cá là cậu ước rằng mình vẫn đang là cầu thủ chuyên nghiệp”. Tôi hỏi lại “Tại sao cậu nghĩ vậy” và họ trả lời: “Vì đó là công việc đem lại rất nhiều tiền”. Quả thực, bóng đá đem lại cho tôi nhiều thứ. Nhưng tôi không hối tiếc vì đã dừng lại. Kể cả khi chỉ kiếm được 100 bảng/ngày, tôi vẫn thấy ổn”.
Nếu còn là cầu thủ bóng đá thuộc một CLB Premier League, hẳn tâm trạng của Bentley lúc này cũng như đa số các ngôi sao khác: phấp phỏng chờ đợi ngày giải đấu khởi tranh trở lại. Nhưng Bentley-không-phải-cầu-thủ thì có mối quan tâm khác, có một công việc khác. Anh đang điều hành một dự án (SRC Systems Plus) nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại, an toàn nhất có thể, trong mùa dịch covid-19. 
“Tôi luôn làm mọi thứ theo cách của mình – như lời hát của Frank Sinatra vậy”, Bentley nói với The Athletic. 

********
Đã hơn 7 năm kể từ cái ngày mà Bentley chơi trận đấu cuối cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ. Trong màu áo Blackburn, ở trận đối đầu với Cardiff vào tháng 4/2013. Và Bentley, về lí thuyết, có thừa thời gian để suy nghĩ về việc tại sao “cầu thủ bóng đá – nghề đáng mơ ước của hầu hết các thanh niên ở Anh – rốt cuộc lại không phải là thứ phù hợp với bản thân mình”.
Nhưng thực tế thì Bentley có nhiều thứ, ngoài bóng đá, đáng để bận tâm hơn sau khi quyết định treo giầy năm 2014. Bentley từng sống và làm việc vài năm ở Marbella khi đảm nhiệm vai trò cố vấn của Sala Group, sở hữu nhiều quán Bar và nhà hàng tại Tây Ban Nha. Giờ đã trở lại Anh, Bentley ngoài các hạng mục công việc với Sala Group, còn tham gia điều hành công ty chuyên sản xuất và cung ứng sàn cao cấp (sàn gỗ, thảm gạch…) GFF Bentley & Howell, có trụ sở chính đặt tại Stansted.
“Tôi đã học được rất nhiều điều từ công việc kinh doanh. Giờ với những gì tôi đang làm, mỗi ngày là một ngày khác, thực sự đáng sống. Bóng đá quả thực đã đem lại cho tôi nhiều thứ, tiền bạc, tiện nghi, danh vọng… Nhưng càng về sau, nó không còn thú vị như trước nữa”.
Bentley vẫn chơi bóng, nhưng là trong vườn nhà với 4 đứa trẻ của anh. Margaret 10 tuổi, cặp song sinh Ronnie-Reggie 6 tuổi và bé út mới 2 tuổi. Dành nhiều thời gian cho gia đình và những đứa con là thành quả to lớn nhất mà Bentley có được khi không-còn-là-một-cầu-thủ-bóng-đá. Hay nói theo cách của anh: “không còn là cầu thủ, tôi cảm thấy được sự tự do”. 
******
Khi nhìn lại cuộc đời cầu thủ của David Bentley, kí ức nổi bật đầu tiên chắc chắn là pha ghi bàn ngoạn mục mà anh thực hiện trong trận Arsenal gặp Middlesbrough vào tháng 1/2004. Một pha làm bàn hoàn hảo từ tình huống chạm bóng bước một, chuyển trụ trước khi tung ra cú “lốp” đưa trái bóng vượt qua tầm với của thủ thành Mark Schwarzer. Bentley khi ấy mới 19 tuổi và những CĐV Arsenal có mặt tại Highbury hôm ấy tin rằng, họ sắp được chứng kiếm một phiên bản mới của DB – Dennis Bergkamp.
“Đó là ngày tuyệt vời nhất trong đời tôi. Đến giờ vẫn vậy” – Bentley hồi tưởng lại với sự thích thú. “Tôi ghi một bàn thắng đẹp. Hết trận, tôi rời Highbury, lẫn vào đám đông các CĐV tại Finsbury Park, lên tàu điện ngầm và nghe họ bàn tán về mình”.
Có một chú tiếc nuối khi Bentley nói về quãng thời gian anh ở Arsenal. “Đó là quãng thời gian rất tuyệt. Và tôi có lẽ nên ở lại CLB, thay vì quyết định rời đi. Tôi đã gắn bó với Arsenal từ năm 12 tuổi nhưng lúc ấy tôi sợ là mình không có cơ hội chen chân vào đội một. Những chàng trai trẻ trước tôi, Graham (Barrett), David (Noble), Paolo (Vernazza) đều rất giỏi nhưng họ không tìm thấy đường vào đội một”.
Đường lên đội một “Pháo thủ” của Bentley bị… chẳn bởi những siêu sao Robert Pires, Dennis Bergkamp và Freddi Ljungberg. Bentley sau đó gia nhập Blackburn vào đầu mùa giải 2005/06 theo HĐ mượn trước khi chính thức được CLB này mùa đứt vào tháng 1/2006. 

“Trở lại Arsenal sau một mùa giải thi đấu cho Norwich theo Hợp đồng mượn (2004/05) tôi cảm thấy, mình chẳng có có cửa nào để trở thành thành viên của đội một cả. Arsenal có quá nhiều cầu thủ siêu hạng ở những vị trí mà tôi có thể chơi. Và vì thế rời đi là quyết định tốt nhất có thể vào thời điểm ấy” – Bentley.
Nhưng nhìn lại tất cả, Bentley thừa nhận anh đã… hơi vội vàng. “Chỉ 1 năm sau khi tôi ra đi, Arsenal và Arsene Wenger đã thay đổi triết lý làm bóng đá, với việc các cầu thủ trẻ được trao cơ hội nhiều hơn. Nếu tôi kiên nhẫn hơn một chút, tôi đã là một phần của “Thế hệ Pháo thủ mới”. Vấn đề ở đây là tính thời điểm và sự lựa chọn. Tôi quả thực không muốn rời Arsenal nhưng lý trí thì thúc giục tôi ra đi để có sự khởi đầu mới trong sự nghiệp”.
Tại Blackburn, Bentley đã chiến đấu và tận hưởng thứ bóng đá hay nhất của cuộc đời mình. Chỉ một ngày sau khi kí hợp đồng chính thức với Blackburn tháng 1/2006, anh trở thành cầu thủ đầu tiên trong kỉ nguyên Premier League lập hat-trick vào lưới Man United, trong thắng lợi 4-3 của đội chủ sân Ewood Park.
Cảm hứng, đam mê và tình yêu với nghề cầu thủ bóng đá là thứ mà Bentley có được tại Blackburn. Là nơi anh có thể là chính mình, chơi bóng theo-cách-của-mình. Ba mùa giải ở Blackburn, Bentley tỏa sáng rực rỡ giúp CLB luôn kết thúc trong Top 10 Premier League. 
Bentley từ nhỏ theo đuổi thứ bóng đá như các thần tượng lớn, những “số 10” kiểu Bergkamp, Cantona hay Gascoigne. Nhưng bóng đá đã thay đổi và “số 10” không còn nhiều đất diễn. Thay vào đó, Bentley được chuyển sang cánh phải, nơi anh từng bước hoàn thiện mình trở thành một trong những tiền vệ cánh đáng xem nhất của giải đấu. Với những quả tạt thiện nghệ, những tình huống đi bóng xộc thẳng vào nách đối thủ và những cú sút xa thành bàn đẹp mắt.
“David đủ giỏi để chơi cho những đội bóng hay nhất Thế giới” – Roque Santa Cruz, người đã ghi rất nhiều bàn thắng từ những đường chuyền của Bentley bình luận. “Quả thực, Bentley gợi lại cho tôi cảm giác về một D.B xuất sắc mà chúng ta từng có, David Beckham” – HLV tuyển Anh Steve McClaren giai đoạn 2006-2007 phát biểu. 
Mối quan hệ tốt với HLV Mark Hughes, phòng thay đồ Blackburn cùng những cầu thủ nồng ấm và nhiệt huyết Craig Bellamy, Robbie Savage, Dominic Matteo… là môi trường tuyệt vời giúp Bentley phô diễn thứ bóng đá hay nhất của bản thân.
Nhưng tất cả đã thay đổi, theo chiều hướng tệ đi, khi anh rời Blackburn chuyển tới Tottenham…

********
Với David Bentley, gia nhập Tottenham là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời cầu thủ, là cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn trong sự nghiệp: từ một Bentley-chơi-bóng-vì-đam-mê thành một Bentley-đá-bóng-như-một-công-việc.
“Fabio Capello (HLV tuyển Anh 2007-2012, ND) bảo tôi rằng: “Cậu phải rời Blackburn, để tiến lên đẳng cấp cao hơn nữa trong nghề này”. Mà Tottenham là CLB mà tôi luôn muốn khoác áo. Và mọi thứ đã diễn ra theo cách mà nó vốn phải thế” – Bentley nhớ lại.
Nhưng có sự khác biệt. Từ Arsenal đến Blackburn, môi trường bóng đá mà Bentley được “thụ hưởng” giống như một gia đình lớn, với rất nhiều sự bao dung và tinh yêu. Tại Tottenham, anh không có được điều đó, đặc biệt là sau khi Juande Ramos – HLV Spurs bị sa thải chỉ vài tháng sau khi Bentley gia nhập White Hart Lane.
Người thay thế Juande Ramos là Harry Redknapp, có triết lý bóng đá và cách tiếp cận công việc hoàn toàn khác. “Trong cách nghĩ của tôi, bóng đá trước hết là một loại hình nghệ thuật, nơi mà bạn được sáng tạo, được phát huy tối đa khả năng tự nhiên của bản thân. Nhưng khi coi bóng đá đơn thuần là một công việc, mọi thứ không còn được như trước nữa. Từ lúc ấy, bóng đá với tôi đã mất dần đi sự thú vị”.
Bentley được nhớ đến tại Tottenham với một vài khoảnh khắc kì diệu trên sân cỏ, đặc biệt là pha làm bàn ở cự ly gần 40m tung lưới đội bóng cũ Arsenal. Nhưng có một khoảnh khắc đã làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp cầu thủ của anh ở White Hart Lane.
Etihad, cuối tháng 5/2010, Tottenham đánh bại Man City và chính thức giành quyền dự Champions League mùa sau. HLV Redknapp đang trả lời phỏng vấn trong cuộc họp báo sau trận. Và Bentley cùng một vài đồng đội từ đâu xuất hiện, tặng cho người thầy của mình một xô nước lạnh. 
Và dù Redknapp phủ nhận “sự cố xô nước lạnh” đã kết thúc sự nghiệp của Bentley tại Tottenham thì có một sự thật rõ ràng: Bentley chỉ ra sân đúng 3 trận cho Spurs sau mùa giải 2009/10 trước khi bị đem cho mượn ở Birmingham, rồi West Ham, FC Rostov của giải Ngoại hạng Nga và cuối cùng Blackburn. 
********
“Đối với tôi, đó là vấn đề về cảm xúc. Tôi không tính toán quá nhiều vào thời điểm đó, đơn giải chỉ là tôi muốn dừng lại” – Bentley giải thích lý do tại sao anh quyết định giã từ sự nghiệp cầu thủ ở tuổi 28. 
Bentley đương nhiên nhận thức được quyết định kết thúc ở độ tuổi ấy, theo quan điểm của số đông, là… rất bất thường. Nhưng bản năng của Bentley mách bảo anh cần phải làm điều đó. “Tôi không thích bị kiểm soát. Mà bóng đá chuyên nghiệp là môi trường mà sự kiểm soát lên tới ngột ngạt. Khi tôi là cầu thủ chuyên nghiệp, ra sân và thi đấu tôi không thể là chính mình. Tôi trở thành “vật sở hữu” của giới truyền thông, của CLB, của CĐV, của công chúng”.
“Tôi chắc chắn có nhiều cầu thủ cũng có chung cảm giác này với tôi. Họ không thích nhưng họ đơn giản là thính ứng tốt với công-việc-bóng-đá hơn tôi. Đây không phải là chuyện xấu hay tốt, mà là sự phù hợp. Mỗi chúng ta, rất khác nhau, phải không! Với tôi, đơn giản là tôi thấy mình không hợp, không thể tiếp tục. Tôi muốn thoát ra khỏi sự kiểm soát, tôi muốn được tự do, không muốn phải kìm nén con người thật của mình thêm nữa. Và thế là tôi từ bỏ đời cầu thủ”.

Sau tất cả, bàn thắng siêu hạng vào lưới Middlesbrough ở tuổi 19 trong màu áo Arsenal, cú hat-trick trước Man United tại Blackburn, cầu thủ người Anh đầu tiên ghi bàn ở sân Wembley mới, người Anh đầu tiên chơi bóng ở giải Ngoại hạng Nga… là những dấu mốc mà Bentley được nhớ đến với tư cách nột cầu thủ. Và với anh thế là đủ.
“Cuộc sống là một guồng quay bất tận, và dù sao tôi cũng được mọi người nhớ đến mình từng là cầu thủ như thế nào, đã làm được những gì với bóng đá. Nhiều cầu thủ đá hơn 700 trận mà có được ai nhắc tới đâu. Với tôi, bóng đá là một chuyến đi. Và nó đã kết thúc. Phía trước vẫn còn những chuyến đi thú vị hơn đang chờ tôi…”
Lược dịch: David Bentley – ‘Football gives you comfort. But in the end, it wasn’t exciting’ (The athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.