Đâu là hình ảnh thực của Paul Pogba?

Tác giả CG - Thứ Tư 16/06/2021 06:30(GMT+7)

Trở về đội tuyển Pháp, Paul Pogba luôn thể hiện một hình ảnh thi đấu ấn tượng, trái ngược với khi ở CLB. Vậy đâu mới là hình ảnh thực của tiền vệ người Pháp?

Ảnh: Getty Images

Đứng trong phòng thay đồ, xung quanh là những chiếc bóng áo xanh khác, Paul Pogba nhìn các đồng đội và bảo họ rằng anh không muốn nói quá nhiều. Các ngôi sao bóng đá ít khi lên tiếng. Với người nổi tiếng, ngôn từ đôi khi là kẻ thù. Twitter sẽ tấn công bạn. Những gì bạn nói ra có thể bị bóp méo.
 
Tuy nhiên, với 200 từ mà Pogba đã chọn trong khoảnh khắc đó, thời điểm trước trận chung kết World Cup 2018 gặp Croatia, anh đã vẽ nên một hình ảnh đẹp đẽ bất tử. 
 
“Tất cả chúng ta đều biết mình đang ở đâu. Ngày hôm nay chúng ta nhìn nhau và sẽ không để đối thủ lấy đi những gì thuộc về chúng ta. Tôi muốn tối nay chúng ta ghi dấu ấn vào trong ký ức của mọi người dân Pháp và con cháu, ông bà họ. Tôi muốn chúng ta bước ra sân như những chiến binh, những thủ lĩnh. Và sau đó, tôi muốn thấy những giọt nước mắt của niềm vui”, Pogba nhắn nhủ tới các đồng đội.
 
Đối với nhiều người, bài phát biểu của Pogba tiết lộ một góc khác mà họ chưa biết ở anh: sự trưởng thành, tinh thần tập thể, sẵn sàng lùi xuống để tôn vinh đồng đội. Kể từ khi gia nhập Manchester United vào năm 2016, Pogba thường bị gắn mác là kẻ phá rối, một kẻ theo chủ nghĩa cá nhân bóng bẩy lòe loẹt, chỉ chăm lo thương hiệu bản thân hơn là hỗ trợ đội bóng. Với không ít người, Pogba là hiện thân cho mọi thứ sai trái của bóng đá hiện đại.

 
Những chia sẻ của Pogba trong phòng thay đồ trước trận chung kết World Cup 2018

Pogba nổi tiếng đến nỗi càng nói nhiều về anh, dường như chúng ta lại càng không hiểu anh. Anh trở thành một mật mã, một hình ảnh ba chiều của những định kiến. Nhưng khi biết Pogba nỗ lực truyền cảm hứng đến toàn đội trước ngưỡng cửa lịch sử như thế nào, câu hỏi chúng ta cần đặt ra là: Vậy con người thực của Paul Pogba là gì?
 
“Paul là một thủ lĩnh theo mọi khía cạnh của từ này: chuyên môn và tinh thần. Cậu ấy luôn có tinh thần của một nhà vô địch. Cậu ấy là người theo chủ nghĩa hoàn hảo ngay từ khi còn nhỏ”, Sambou Tati, HLV của Pogba ở CLB US Roissy - đội bóng đầu tiên của anh - cho biết.
 
Trong suốt quãng thời gian thi đấu ở Anh, tầm ảnh hưởng của Pogba trong đội thường bị nhìn nhận theo hướng tiêu cực hơn là tích cực. Tuy nhiên, những ai quen Pogba đều thấy anh là hiện thân của một lãnh đạo chứ không phải từ nào đó đối lập nó. Tati nói: “Khi chúng tôi nhìn những gì cậu ấy làm ở World Cup, cái cách cậu ấy nói chuyện với các đồng đội, chúng tôi nhận ra đó chính là những gì cậu ấy đã thể hiện trong phòng thay đồ Roissy”.
 
Tati bắt đầu huấn luyện Pogba khi tiền vệ người Pháp mới 8 tuổi. Ông lần đầu gặp cậu học trò khi anh tham gia vào đội trẻ cùng hai anh trai Florentin và Mathias. Khi đội trẻ dưới sự dẫn dắt của Tati giành chức vô địch quận, Paul là cầu thủ trẻ nhất. Trải nghiệm thi đấu cùng những người lớn tuổi hơn giúp anh trưởng thành, có những giọt nước mắt đã rơi khi phải chịu những cú đá, nhưng nhờ sự nghiêm khắc của hai anh, Paul Pogba ngày càng tiến bộ.
 
Khi lớn lên, anh dần trở thành nhân vật trung tâm ở các đội bóng. Sau khi tốt nghiệp từ bóng đá 8 người lên bóng đá 11 người, Pogba được Tati biến từ một tiền đạo thành cầu thủ “số 9 rưỡi”, và điều đó cho phép khả năng kỹ thuật của anh có cơ hội được tỏa sáng. Sau đó, Pogba gia nhập US Torcy và được HLV Stéphane Albe kéo xuống vị trí tiền vệ trung tâm. 
 
Pogba đã chơi cho mọi cấp độ của Pháp từ U16 đến U20, và chính trong một lần ra sân cho Les Bleuets (biệt danh cho các đội tuyển trẻ của Pháp), anh đã thu hút sự chú ý của huyền thoại Lilian Thuram. 

Chức vô địch World Cup 2018 của Pháp có công lớn của Pogba. Ảnh: Getty Images
 
Thuram nhớ lại: “Lúc đó cậu ấy khoảng 16-17 và bạn không thể rời mắt khỏi Pogba. Cậu ấy thể hiện phong cách thủ lĩnh mạnh mẽ trong cách thi đấu và chỉ đạo đồng đội,… cách cậu ấy điều hướng lối chơi, hỗ trợ đồng đội. Cậu ấy dùng tay hướng dẫn các đồng đội nên di chuyển vào vị trí nào”.
 
Câu hỏi đặt ra là nếu tố chất lãnh đạo của Pogba vẫn luôn ở đó thì tại sao chúng ta lại ngạc nhiên với bài phát biểu của anh trong trận chung kết World Cup đến vậy? Có lẽ bởi chúng ta đều đã nhìn và nghe quá nhiều thông tin sai lầm. Nếu chơi bóng cùng thời Pogba, Thuram - một người đã từng ở chung phòng thay đồ với Didier Deschamps và Patrick Vieira, một thời kỳ có những quan điểm khác về quyền uy - chắc chắn sẽ đáp trả lại Pogba nếu anh giả tạo.
 
“Có những cầu thủ phát biểu trong phòng thay đồ nhưng không ai nghe”, Thuram chia sẻ. “Khi bạn đứng lên như Pogba thì đó là vì tất cả mọi người thừa nhận bạn là thủ lĩnh và nhận thức những ý nghĩa trong lời bạn nói. Điều thực sự thú vị trong bài phát biểu là cậu ấy chỉ nói về tập thể. Cậu ấy đặt cả tập thể vào trong bối cảnh lịch sử, trong một ký ức chung và hướng cả tập thể đến vinh quang. Bạn có thể thấy cậu ấy bình tĩnh ra sao, nói chuyện nhẹ nhàng thế nào. Cậu ấy không cần la hét vì mỗi từ đã có sức nặng rồi”.
 
Ở Anh, đa phần mọi người coi khả năng lãnh đạo gắn liền với ngôn ngữ và hình tượng về sự quân phiệt. Đội trưởng là người “tập hợp toàn quân”, chỉ tay và quát vào mặt các đồng đội như một sĩ quan, đeo băng quấn đầy máu như Terry Butcher, thậm chí tấm băng đội trưởng là hiện thân cho băng tay của người lính. Nhưng với giọng điệu điềm tĩnh, bài phát biểu của Pogba lại gợi lên hình ảnh hoàn toàn khác: đó như một cuộc trò chuyện của gia đình trong bữa ăn.
 
“Với cậu ấy, bóng đá thực sự là câu chuyện về gia đình”, đó là lời khẳng định của Tati. Trong suy nghĩ của người Anh, lãnh đạo liên quan đến thứ bậc. Nhưng với Pogba, nó luôn là thứ có thể chia sẻ và mang tính dân chủ. Anh không chỉ huy bằng sức mạnh của máu và sắt, anh chỉ huy bằng sự gắn kết giữa sự bình đẳng và tình anh em.
 
Khi Pogba ký hợp đồng đầu tiên với Manchester United năm 16 tuổi, anh đến sống ở một gia đình Mancunian: ông bà Paul và Carol Dalby cùng con gái của họ, Jessica. Pogba sống với gia đình Dalby trong 18 tháng. Vợ chồng ông bà Dalby, những người mà Pogba gọi là “gia đình thứ hai”, miêu tả anh là một người tốt bụng và chu đáo. Khi anh chuyển tới Juventus và sau đó trở lại Man United với vị thế ngôi sao, anh vẫn rất gần gũi với họ.

Paul Pogba và gia đình Dalby. Ảnh: The Times
 
Pogba thường gửi vợ chồng Dalby những đoạn thoại ghi âm cảm động, không bao giờ quên ngày sinh nhật của họ và mời họ dùng bữa tối. Bà Carol chia sẻ: “Hãy đặt tay lên trái tim, nếu bạn cần cậu ấy, cậu ấy sẽ ở đó dù bất kể lý do gì. Cậu ấy sẽ nói ‘Dù cô chú cần gì, nhà cháu cũng là nhà cô chú’”.
 
Có những năm tháng ấu thơ và niên thiếu sống ở những môi trường mà anh cảm thấy là một gia đình hạnh phúc, Pogba đã dành cả sự nghiệp để theo đuổi cảm giác đó. Và anh cũng thi đấu tốt nhất khi tìm được nó. Ở đội tuyển Pháp, dưới sự dẫn dắt và quản lý của Deschamps, cảm giác vui vẻ luôn tồn tại. Kể từ khi Ole Gunnar Solskjaer nắm quyền tại Manchester United, Pogba cũng tìm lại được cảm xúc ấy ở CLB.
 
“[Pogba] luôn nói ‘Cháu sẽ thi đấu ở nơi cháu hạnh phúc”, đó là chia sẻ của ông Paul Dalby. Bóng đá hiện đại có những khuôn mẫu về sự nghiêm túc. Những chuyên gia với khuôn mặt nghiêm nghị sẽ xem các cầu thủ thi đấu và nếu cầu thủ thua cuộc, các chuyên gia sẽ xem những thất bại đó như cơn địa chấn đồng thời chỉ trích cầu thủ không thể hiện đủ sự buồn bã.
 
Pogba từ chối chơi bóng theo cách như thế. “Paul luôn nói rằng anh ấy ra ngoài và chơi bóng, đó là những gì anh ấy làm từ nhỏ, vì thế anh ấy chỉ thư giãn chứ không bận tâm mọi người nghĩ gì”, Jesssia Dalby chia sẻ. Suốt cả sự nghiệp, phong thái và hành động của Pogba, những biểu đạt tự nhiên khiến anh trở thành đối tượng ưa thích của những người thích phê bình. Khi tiền vệ người Pháp trình làng bộ tóc mới trước thềm trận đấu quan trọng với Manchester City vào năm 2018, Gary Nevilla bày tỏ quan điểm: “Pogba có nhiệm vụ quan trọng phải làm và cậu ấy cần nghiêm túc với bóng đá”.
 
Vẻ ngoài tưng tửng, sự hướng ngoại thể hiện rõ trên gương mặt khiến anh hoàn toàn trái ngược với người đồng đội N’Golo Kante: một cầu thủ khiêm nhường và cần cù. Nếu Kante có vẻ hơi ngượng ngùng khi được tung hô sau chức vô địch World Cup thì Pogba đăng hẳn một nhật ký các video trên Instagram, ở đó có hình ảnh anh nhảy trên sân và thậm chí cả thực hiện động tác “dab” với Tổng thống Emmanuel Macron.
 
Huyền thoại Lilian Thuram bày tỏ quan điểm: “Cậu ấy có sức hút, một nụ cười tươi và sự thư thái. Và cậu ấy nhắc chúng ta nhớ rằng bóng đá, trên hết, là niềm vui. Có những HLV nhất định chỉ trích lối chơi của Pogba, họ cho rằng cậu ấy rê bóng quá nhiều, đá quá mạo hiểm mà quên mất rằng trên hết, bóng đá là mang cảm xúc đến cho mọi người. Đó là sức mạnh lớn của cậu ấy: truyền tải rất nhiều niềm vui và sự tích cực”.

Paul Pogba thi đấu ấn tượng trong trận ra quân của Les Bleus ở Euro 2020. Ảnh: Getty Images
 
Ở đây cũng có một bối cảnh cần nhắc đến. Năm 2011, khi Pogba vẫn ở tuyển trẻ của Pháp, HLV Laurent Blanc, tiền nhiệm của Deschamps, và nhiều lãnh đạo khác đã thảo luận về một hạn ngạch với những cầu thủ song tịch không phải người da trắng ở các trung tâm huấn luyện của nước Pháp. Theo lời Blanc thì họ muốn ưu tiên những người có “văn hóa, nguồn gốc lịch sử của chúng ta”.
 
Thuram, một người hoạt động chống phân biệt chủng tộc, cho biết: “Những người luôn chỉ trích cậu ấy hãy tự hỏi bản thân: ‘Tại sao mình lại quá đáng với Paul Pogba như vậy?’ Mọi người có định kiến rằng cậu ấy là kẻ lười biếng. Tôi biết có những nhận xét như thế. Tôi đã lớn lên ở một thế giới mà tôi được nói rằng ‘Những cầu thủ da đen các cậu có khả năng nhưng thật xấu hổ vì các cậu quá lười’. Khi tôi còn trẻ, một HLV từng bảo tôi ‘Sao cậu lại đi bộ như thế? Lúc nào cậu cũng làm lãng phí thời gian’.
 
Khi Di Maria bị đuổi khỏi sân, một bình luận viên chỉ trích ‘cái tính cách Latin’ của cậu ấy. Mỗi cầu thủ đều có tính cách, trải nghiệm sống, nhãn quan bóng đá riêng. Tại sao có những người bị bình luận, có những người không? Harry Kane thi đấu dựa theo tinh thần, cách cậu ấy nhìn nhận mọi thứ, những điều cậu ấy được dạy và nó giúp cậu ấy trở thành cầu thủ xuất sắc. Cầu thủ nào cũng vậy, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ bị chỉ trích là sao?”
 
Trên Instagram, Pogba có nhiều người theo dõi hơn cả Manchester United. Khi trở về khoác áo đội bóng chủ sân Old Trafford, anh có một hashtag của riêng mình là #pogback. Gần đây anh đã ký hợp đồng với Amazon Prime Video để sản xuất một bộ phim tài liệu của anh.
 
Các cầu thủ bóng đá ngày nay về cơ bản ít hướng nội hơn so với những tiền bối ở thế kỷ trước. Và có lẽ không cầu thủ nào hiểu rõ về sự phát triển của truyền thông hơn Pogba - không chỉ là mạng xã hội mà còn là sự chuyển đổi và phát triển của truyền hình. Nó đã làm xóa nhòa đi một rào cản vô hình giữa “người biểu diễn” và khán giả của họ.
 
Nhà phê bình phim David Thomson viết trong cuốn sách “Television: a Biography” của ông về cách các máy quay của Sky Sports làm thay đổi hành vi của cầu thủ bóng đá hiện đại như sau: “Các cầu thủ biết họ là một phần của hệ thống quay cận cảnh và chuyển động chậm (slow motion). Vì thế họ khó tính hơn với chuyện ngoại hình… và thích thú thể hiện những màn ăn mừng bàn thắng mà 50 năm trước bị xem là vô vị. Họ biết họ được chụp ảnh, vì thế họ diễn”.
 
Không ai hiện thân cho sự nhận thức về tính biểu diễn hơn Pogba. Vài phút sau khi trận chung kết World Cup kết thúc, khi thấy máy quay truyền hình đang quay mình, Pogba liền làm hành động kịch câm trước ống kính. Anh vỗ vào logo trên ngực, gật đầu như thể nói rằng “các bạn đang nói”, chỉ vào tay như nói “còn tôi đang nghe” rồi lấy chân giẫm xuống đất. Nhà sử học bóng đá Laurent Dubois lý giải về ý nghĩa hành động đó là: “Sự thật ở trên sân, lịch sử đã được tạo ra và nó không bao giờ có thể bị biến mất”.

Chủ nhân danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận. Ảnh: UEFA Euro 2020
 
Dubois lý giải thêm về nhật ký bằng video của Pogba như sau: “Anh ấy chịu trách nhiệm kể câu chuyện theo hướng trực tiếp”.  Nói cách khác, Pogba chính là chủ nhân câu chuyện. Khái niệm về sở hữu và tài sản là một lăng kính thú vị để ta quan sát những hành động của Pogba.
 
Pogba đã là một tài năng được tranh giành từ khi còn trẻ. Khi anh ở Juventus, người hâm mộ thường bắt gặp anh ở ngân hàng hoặc nhà hàng. Một người hâm mộ chui vào xe của anh khi anh dừng đèn đỏ và chụp ảnh. “Họ sở hữu cháu”, Pogba nói một cách mệt mỏi với vợ chồng nhà Dalby như vậy.
 
Khi Pogba quyết định phẫu thuật vào thời điểm giữa mùa giải trước, trước làn sóng chỉ trích lớn, anh phát hiện ra nhiều người nghĩ anh không còn quyền sở hữu chính cơ thể của mình. Chính vì thế khi Pogba khéo léo dùng thương hiệu cá nhân làm đòn bẩy, có một cách ăn mừng riêng, khi anh đăng video lên mạng xã hội,… có lẽ đó đơn giản chỉ là cách anh khẳng định lại quyền tự chủ của bản thân.
 
Và nếu bạn hỏi vì sao Pogba lại vui vẻ, hạnh phúc, tự do khi thi đấu cho Pháp, có lẽ vì động lực sở hữu đó đã bị đảo ngược. Khi Pogba khoác chiếc áo xanh lên người, anh đang thi đấu cho một đội bóng của mình. Đây là đội tuyển quốc gia của anh.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Liam Delap: Cánh én nhỏ tại Portman Road

Sẽ là thiển cận nếu mô tả Ipswich Town của Kieran McKenna là đội bóng một người. Nhưng với Liam Delap, họ thực sự đang sở hữu một chân sút có thể ghi bàn đều đặn. Delap chắc chắn là 1 trong những lý do chính giúp Ipswich (tạm) thoát ra khỏi nhóm 3 đội cuối BXH Premier League 2024/25.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.